Chia thừa kế khi chồng có hai vợ

CHIA THỪA KẾ KHI CHỒNG CÓ HAI VỢ 

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi đang gặp rắc rối về vấn đề chia di sản thừa kế của chồng tôi, mong Luật sư giúp đỡ. Tôi và chồng tôi kết hôn năm 1988, chúng tôi có hai người con chung. Năm 1999, chúng tôi cảm thấy không còn hợp nhau nên đã ly hôn. Sau đó, chồng tôi có làm đám cưới với một người phụ nữ khác, họ đã có với nhau được một người con trai. Tuy nhiên, đến năm 2008 thì chồng tôi lại quay về sống chung với tôi, vợ chồng tôi sống tại căn nhà của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi có sinh được hai người con là tôi và em gái tôi, hiện nay bố mẹ tôi đều đã mất từ năm 2010, em gái tôi đang ở nước ngoài. Chồng tôi cũng đã mất năm 2019 vì bị bệnh, chồng tôi không có để lại di chúc. Bố mẹ chồng tôi cũng qua đời từ khi chúng tôi mới cưới. Hiện nay, người vợ kia của chồng tôi đến đòi chia căn nhà mà tôi đang ở vì cho rằng đây là tài sản chung của vợ chồng tôi. Luật sư cho tôi hỏi bây giờ tôi phải làm gì để không chia căn nhà trên cho người phụ nữ kia.

Trả lời: Cảm ơn Bác đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi! Vấn đề phân chia di sản thừa kế là một vấn đề vô cùng rắc rối mà rất nhiều gia đình gặp phải. Do đó, muốn phân chia được di sản thừa kế thì cần phải xác định được các vấn đề sau:

Thứ nhất, trường hợp chia thừa kế theo pháp luật

Chồng Bác mất và không để lại di chúc, do đó, trong trường hợp này việc phân chia thừa kế sẽ theo quy định chia thừa kế theo pháp luật.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người thừa kế theo pháp luật được phân chia thành các hàng cụ thể như sau:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy, trong trường hợp của nhà Bác hàng thừa kế thứ nhất của chồng Bác bao gồm: 2 người con chung của vợ chồng, người con riêng của chồng Bác, người vợ sau (nếu có đăng ký kết hôn).

Tham khảo: Phân chia tài sản thừa kế được tặng cho

Thứ hai, quan hệ pháp luật tranh chấp

Theo như Bác chia sẻ chúng tôi xác định quan hệ pháp luật đang tranh chấp ở đây là: “Tranh chấp thừa kế tài sản” theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Thứ ba các vấn đề cần phải chứng minh về tài sản

Vì thông tin Bác cung cấp chưa cụ thể, do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bác chúng tôi xin đưa ra một số vấn đề Bác cần phải chứng minh làm rõ như sau:

1. Đất và Căn nhà Bác đang ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất chưa? Nếu đã được cấp thì do ai đứng tên?

Trường hợp đất đã được cấp GCN và đứng tên của bố mẹ Bác thì đây là tài sản của bố mẹ bác, không phải là tài sản chung cửa vợ chồng Bác. Do đó, căn nhà trên là di sản thừa kế của bố mẹ Bác, người được quyền nhận thừa kế đối với căn nhà trên là Bác và em gái của Bác.

Trường hợp đất đã được cấp GCN và do vợ chồng Bác đứng tên thì tài sản trên là tài sản chung của vợ chồng Bác (Trừ trường hợp Bác chứng minh được cấp GCN đã cấp không đúng quy trình, thủ tục, đối tượng,…). Do đó, người con của người phụ nữ kia vẫn có quyền được nhận di sản thừa kế căn nhà trên. Còn đối với người phụ nữ kia có được nhận hay không thì cần phải xác minh.

Trường hợp đất chưa được cấp GCN thì Bác có thể yêu cầu UBND xã sẽ tiến hành việc xác minh xác nhận nguồn gốc đất trên để xác minh quyền sử dụng hợp pháp đất và quyền sở hữu nhà.

2. Chồng Bác và người phụ nữ kia chung sống với nhau từ năm nào? Có đăng ký kết hôn hay không?

Theo như Bác chia sẻ, sau khi vợ chồng Bác ly hôn thì chồng Bác mới sống chung với người phụ nữ khác. Do đó, chúng tôi xác định thời điểm chồng Bác và người phụ nữ kia chung sống có thể là từ năm 2000.

Trường hợp, họ không có đăng ký kết hôn thì họ không được xem là vợ chồng. Thời điểm họ chung sống là từ năm 2000, theo quy định tại điểm b Mục 3 Nghị quyết của Quốc hội số 35/2000/QH 10 thì họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng, cụ thể:

“Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.”

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.”

Như vậy, chồng Bác và người phụ nữ kia không phải là vợ chồng hợp pháp. Do đó, người phụ nữ kia không phải là người thừa kế theo pháp luật của chồng Bác.

Trường hợp, họ có đăng ký kết hôn thì họ là vợ chồng hợp pháp. Do đó, họ là người thừa kế theo pháp luật của chồng Bác và có quyền được nhận di sản thừa kế của chồng Bác.

Tham khảo: Thủ tục chia thừa kế và đăng ký biến động đất đai

3. Qúa trình chung sống vợ chồng Bác có cải tạo, sửa chữa gì không?

Việc xác định chồng Bác có công sức sữa chữa, cải tạo là một trong những căn cứ để xác định các phần di sản thừa kế của chồng Bác. Trường hợp có cải tạo, sửa chữa thì dựa vào phần công sức đóng góp việc tu sửa cải tạo để xác định phần di sản của chồng Bác là bao nhiêu.

4. Hiện nay có ai đang quản lý, sử dụng nhà?

Việc xác nhận ai đang quản lý, sử dụng nhà cũng là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để xác định chủ sử dụng đất và chủ sở hữu nhà hợp pháp. Bên cạnh đó, nếu Bác là người đang quản lý, sử dụng nhà thì bác sẽ có nhiều quyền lợi hơn trong quá trình phân chia di sản thừa kế. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình Bác cần thu thập các tài liệu chứng minh Bác đang quản lý, sinh sống ổn định lâu dài trong căn nhà trên.

Vì thông tin Bác cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi không thể khẳng định được việc người phụ nữ kia và con trai có được chia căn nhà trên hay không. Do đó, Bác có thể dựa vào những thông tin cần chứng minh chúng tôi nêu ra ở trên để có thể hiểu rõ hơn về sự việc của gia đình mình và có phương án giải quyết cụ thể.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần giúp đỡ, Bác hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng!

Bài viết liên quan