Nhận con nuôi để miến thuế thừa kế bất động sản

NHẬN CON NUÔI ĐỂ MIỄN THUẾ THỪA KẾ BẤT ĐỘNG SẢN

HỎI: Tôi không chồng, không con, tuổi già không nơi nương tựa nên rất quan ngại nhỡ sau mình có ốm đau thì ai chăm sóc, ai lo lắng cho tôi. Cũng may tôi cũng tích cóp được 1 căn nhà ở Hà Nội. Nay tôi có ý định sẽ để di chúc lại cho đứa cháu, là con của em gái tôi đứng ra phụng dưỡng, chăm sóc khi tôi già yếu. Đứa cháu này rất ngoan, mới ly hôn chồng và có ý định sống 1 mình như tôi nên sau này cũng không vướng bận gì, có thể toàn tâm toàn ý lo cho tôi nên tôi rất hài lòng. Nhưng có người bảo tôi là nếu làm vậy, sau này cháu tôi sẽ phải làm thủ tục nhận thừa kế, mất đến 10% tiền thuế thu nhập cá nhân, tốn kém quá. Họ còn bảo tôi nhận đứa cháu làm con nuôi để được miễn thuế. Luật sư cho tôi hỏi thủ tục, chi phí và thời gian làm như thế nào. Tôi xin cảm ơn!

ĐÁP: Luật Việt Chính đã nhận được câu hỏi của cô và có những ý kiến tư vấn như sau:

I. BÁ ĐỂ THỪA KẾ CHO CHÁU THÌ CÓ ĐƯỢC MIỄN THUẾ KHÔNG

Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 3, Thông tư số 111/2013 của Bộ Tài chính, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả thừa kế) giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Như vậy trường hợp bá để thừa kế cho cháu thì không được miễn thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra thì cũng sẽ không được miễn lệ phí trước bạ.

Mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân khi bá để thừa kế bất động sản cho cháu là 10% của phần tài sản vượt quá 10 triệu đồng. Ví dụ, tài sản trị giá 1 tỷ đồng thì thuế thu nhập cá nhân = (1 tỷ – 10 triệu) * 10% = 99 triệu đồng.

Mức lệ phí trước bạ phải chịu sẽ là 0,5% giá trị của tài sản. Ví dụ, tài sản trị giá 1 tỷ thì lệ phí trước bạ = 1 tỷ * 0,5% = 5 triệu đồng.

Như vậy, nếu bá để thừa kế cho cháu tài sản trị giá 1 tỷ thì khi làm thủ tục sang tên, cháu sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ hết 104 triệu (chưa tính các khoản chi phí khác).

Trong khi đó, nếu mẹ nuôi để thừa kế cho con nuôi thì sẽ được miễn các khoản thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ nêu trên. Tài sản có giá trị 1 tỷ thì tiết kiệm được 104 triệu, tài sản 5 tỷ thì tiết kiệm được 520 triệu. Đó là những khoản tiền không hề nhỏ, đáng được cân nhắc. Do vậy, mong muốn nhận cháu làm con nuôi để được miễn thuế là một ý tưởng rất hay. Tuy nhiên, từ ý tưởng thành hiện thực không phải khi nào cũng khả thi, chúng ta hãy đến phần tiếp theo.

Bá để thừa kế cho cháu thì có được miễn thuế không

II. NHẬN NGƯỜI ĐÃ THÀNH NIÊN LÀM CON NUÔI ĐƯỢC KHÔNG

Điều 8, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định các trường hợp có thể được nhận làm con nuôi bao gồm:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Như vậy, những người từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ không thể trở thành con nuôi theo quy định. Nội dung này phù hợp với tinh thần của Luật Nuôi con nuôi, theo đó, việc nhận nuôi con nuôi để đảm bảo nuôi dưỡng, giáo dục cho con nuôi. Với con nuôi đã đủ 18 tuổi thì điều này thường không còn cần thiết. Tất nhiên, hãn hữu vẫn có những trường hợp đã thành niên nhưng không có khả năng lao động đáng ra vẫn nên cho họ được trở thành con nuôi nhưng pháp luật không quy định. Chúng ta thấy trường hợp cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi thì có được ưu tiên, mở rộng đối tượng hơn nhưng cũng phải dưới 18 tuổi. Trong khi đó, cháu gái của cô đã ly dị chồng, chắc chắn trên 18 tuổi nên không thể trở thành con nuôi của cô. Cô sẽ không thể thực hiện được ý tưởng nhận cháu làm con nuôi.

III. CÁC PHƯƠNG ÁN KHÁC DÀNH CHO CÔ

1. Thực hiện thủ tục chuyển nhượng cho cháu của cô

Cô có thể chuyển nhượng thẳng cho cháu của cô, thay vì mức thuế thu nhập cá nhân do nhận thừa kế mà cháu cô phải chịu, cô sẽ chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở mức 2% giá trị tài sản, tiết kiệm được gần 8% giá trị tài sản. Tài sản mà có giá sàn 5 tỷ theo bảng giá nhà nước là cô đã tiết kiệm được gần 400 triệu đồng rồi. Tuy nhiên, cô chú ý rằng với phương án như vậy, cô không bảo lưu được quyền sở hữu quyền sử dụng của mình. Không có gì đảm bảo rằng sau này cháu của cô sẽ tích cực chăm sóc, phụng dưỡng cô.

2. Thực hiện thủ tục tặng cho theo đường vòng

Cô sẽ thực hiện thủ tục tặng cho em gái cô, sau đó em gái cô tặng cho cháu của cô. Với biện pháp này thì sẽ thực hiện theo 2 bước tặng cho, 1 bước giữa chị em ruột với nhau, 1 bước giữa mẹ con với nhau và được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Cô sẽ chỉ phải chịu phí thẩm định, phí công chứng, một vài lệ phí khác không đáng kể. Biện pháp này còn tiết kiệm triệt để hơn nhưng sẽ mất thời gian và cũng không có gì đảm bảo rằng sau này cháu của cô sẽ tích cực chăm sóc, phụng dưỡng cô.

3. Thực hiện thủ tục lập di chúc bình thường

Con người ai cũng sẽ trở về với cát bụi. Cô không nên quá lo lắng về khoản thuế thu nhập cá nhân mà cháu của cô phải chịu. Quan trọng là cô cần phải được sống 1 cuộc sống bình yên với sự chăm sóc tận tình của cháu cô. Việc phải nộp khoản thuế thu nhập cá nhân tới 10% cũng không phải là một thảm họa vì cháu của cô nhận được cả 1 căn nhà. Hơn nữa, giá trị nhà để tính thuế sẽ áp dụng theo mức giá tối thiểu mà nhà nước quy định mà mức này thấp hơn thực tế rất nhiều. Nhiều trường hợp nhà giá trị thực tế 5 tỷ nhưng giá nhà nước quy định chỉ 1 tỷ đồng. Khi đó thì cháu của cô chũng chỉ phải chịu 104 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ đối với 1 tài sản có giá thực tế là 5 tỷ, chỉ ở mức trên 2% một chút thôi và Luật Việt Chính đánh giá mức này có thể chấp nhận được.

4. Cô chọn một người cháu khác dưới 18 tuổi để người cháu đó sẽ trở thành con nuôi của cô, có trách nhiệm phụng dưỡng cô và có quyền hưởng thừa kế ngôi nhà. Phương án này khá hay nhưng cô sẽ phải chọn được một người cháu phù hợp, một điều không hề dễ dàng. Thậm chí, một người dưới 18 tuổi thì vẫn đang trong giai đoạn tính cách có thể thay đổi mãnh liệt, sẽ khó có thể khẳng định được trong tương lai người cháu đó có còn phù hợp không. Trong khi đó thì thủ tục nhận nuôi con nuôi cũng sẽ tương đối phức tạp, mất thời gian. Vì vậy, cô cần phải cân nhắc thật kỹ.

Hi vọng rằng với nội dung tư vấn nêu trên của Luật Việt Chính, cô có thể tìm được phương án tốt nhất dành cho mình. Xin được chúc cô sức khỏe và hạnh phúc, trân trọng!

Trên đây là bài viết tham khảo của công ty Luật Việt Chính về Nhận con nuôi để miễn thuế thừa kế bất động sản hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho quý khách hàng. Nếu còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu nào về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số 0911.111.099 hoặc số 0987.062.757 của công ty Luật Việt Chính chúng tôi để nhận được sự giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin chân thành cảm ơn khi nhận được sự hợp tác của quý khách hàng.

Trân trọng!

Bài viết liên quan