Luận văn về tặng cho quyền sử dụng đất (Chương I)

LUẬN VĂN VỀ TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT (CHƯƠNG I)

CHƯƠNG I

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

1.1 Khái quát chung về tặng cho tài sản

1.1.1 Các khái niệm

1.1.1.1. Khái niệm tài sản và quyền sở hữu

Hệ thống pháp luật dân sự của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có cách tiếp cận khác nhau về chế định tài sản và quyền sở hữu. Vì chế định tài sản và quyền sở hữu có tầm ảnh hưởng rất lớn tới các chế định khác trong pháp luật dân sự nói chung và pháp luật đất đai nói riêng. Trong bất kỳ Bộ luật Dân sự nào, từ Bộ luật Dân sự năm 1995, đến Bộ luật Dân sự năm 2005 và gần đây nhất là Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các chế định về tài sản và quyền sở hữu luôn giữ vị trí trọng tâm của Bộ luật.

Khái niệm tài sản đã được Bộ luật Dân sự năm 2015 Điều 105 quy định khá cụ thể: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Tài sản bao gồm bất động sản và động sản, bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Thứ nhất: tài sản bao gồm 04 loại: vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản.

– Vật: là thành phần cấu thành của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể nhận thức bằng giác quan của mình. Dưới góc độ pháp lý, vật chỉ có ý nghĩa trở thành đối tượng của quan hệ pháp luật khi nó có thể được con người kiểm soát và đáp ứng được một nhu cầu nào đó của con người. Không phải bất kỳ một bộ phận nào của thế giới vật chất cũng đều được coi là vật, muốn trở thành vật trong quan hệ dân sự cần phải đáp ứng được những điều kiện sau: là bộ phận của thế giới vật chất; con người có thể chiếm hữu được; có thể mang lại lợi ích cho chủ thể; có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.

– Tiền: theo quan điểm chủ nghĩa Mác- Lênin thì tiền tệ là hàng hoá đặc biệt, dùng làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hoá, là sự thể hiện chung của giá trị và thể hiện lao động xã hội, đồng thời tiền tệ biểu hiện quan hệ sản xuất giữa những người sản xuất hàng hoá, do quá trình phát triển lâu dài của trao đổi hàng hoá tạo ra. Hiện nay, trong Bộ luật Dân sự có đề cập tới tiền là một loại tài sản nhưng khái niệm “tiền” là gì thì chưa được đề cập tới.

– Giấy tờ có giá, được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Có nhiều dạng giấy tờ có giá khác nhau như cổ phiếu, công trái, tín phiếu, hồi phiếu, kỳ phiếu, séc, …

– Quyền tài sản được định nghĩa tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Thứ hai: tài sản bao gồm động sản và bất động sản và có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản hiện có là tài sản tồn tại vào thời điểm hiện tại và đã được xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu của tài sản đó (ví dụ như chiếc quạt mới mua, hạt thóc đã thu hoạch…). Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản chưa tồn tại hoặc chưa hình thành đồng bộ vào hiện tại nhưng chắc chắn sẽ có hoặc được hình thành trong tương lai (ví dụ như nhà đang được xây dựng theo dự án, tiền lương sẽ được hưởng…). Ngoài ra, tài sản hình thành trong tương lai có thể bao gồm tài sản đã được hình thành nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch tài sản đó mới thuộc sở hữu của các bên (tài sản mua bán, thừa kế nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển giao cho chủ sở hữu).

Quyền sở hữu là một chế định rất quan trọng trong các quy định về quyền đối với vật. Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Trong đó, quyền chiếm hữu là việc chủ sở hữu có quyền nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu không phải là chủ sở hữu. Quyền sử dụng là quyền mà chủ thể được phép khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản; quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Quyền định đoạt là quyền mà chủ thể có quyền chuyển giao, từ bỏ quyền sở hữu; tiêu dùng hoặc tiêu huỷ tài sản.

1.1.1.2. Khái niệm tặng cho tài sản

Khái niệm tặng cho tài sản được thể hiện thông qua khái niệm hợp đồng tặng cho tài sản theo Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”. Hợp đồng tặng cho tài sản có những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất: hợp đồng tặng cho tài sản có thể là hợp đồng thực tế. Điều 458 và Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản. Theo đó, những trường hợp tặng cho tài sản không cần phải đăng ký phát sinh hiệu lực từ thời điểm thực hiện nghĩa vụ và những trường hợp tặng cho tài sản phải đăng ký sẽ phát sinh hiệu lực từ thời điểm đăng ký. Như vậy, có thể thấy rằng ít nhất có một bộ phận hợp đồng tặng cho tài sản có tính chất thực tế – Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm thực hiện nghĩa vụ. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi một bộ phận hợp đồng tặng cho tài sản chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Trên thực tế, nhiều trường hợp đã đăng ký quyền sở hữu theo hợp đồng tặng cho nhưng chưa chuyển giao tài sản.

Thứ hai: hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng đơn vụ. Tính chất đơn vụ được thể hiện ở việc bên nhận tặng cho tài sản không phải thực hiện một nghĩa vụ nào đối với bên tặng cho.

Thứ ba: hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù. Đặc điểm này được thể hiện ở việc, bên tặng cho chuyển tài sản và quyền sở hữu cho bên nhận tặng cho, bên nhận tặng cho không có nghĩa vụ phải đền bù cho bên tặng cho bất kì lợi ích nào. Với những trường hợp tặng cho có điều kiện, cũng không thể xác định đây là trường hợp hợp đồng có đền bù. Bởi lẽ, tính chất pháp lý của công việc mà người nhận tặng cho phải thực hiện là hoàn toàn khác, không phải là tính chất đền bù theo tinh thần của Bộ luật Dân sự. Có thể thấy, chuyển giao tài sản và quyền sở hữu có đền bù ngang bằng với giá trị của tài sản tặng cho thì giao dịch này trở thành mua bán tài sản. Do đó, tính chất không có đền bù tạo nên bản sắc và là đặc điểm phân biệt rõ ràng nhất của hợp đồng tặng cho tài sản so với các loại giao dịch khác.

Thứ tư: Tặng cho tài sản có thể có điều kiện theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

1.1.2 Sự khác nhau giữa tặng cho tài sản và các giao dịch khác

1.1.2.1 Phân biệt tặng cho với di tặng

“Di tặng là tặng di sản thừa kế cho một cá nhân hoặc một tổ chức bất kì”[1]. Điều 646 Bộ luật Dân sự 2015 giải thích về khái niệm di tặng như sau: “1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.

  1. Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
  2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

Như vậy, tặng cho khác di tặng ở điểm: Tặng cho được thực hiện ngay tại thời điểm khi người tặng cho còn sống. Trái lại, di tặng chỉ có thể được thực hiện sau khi người di tặng đã chết. Di tặng là một hành vi pháp lý đơn phương được thực hiện thông qua hình thức Di chúc trong khi tặng cho tài sản là một hợp đồng. Từ sự khác biệt về bản chất như vậy mà di tặng và tặng cho có rất nhiều điểm khác biệt. Trong nghiên cứu và ứng dụng, tác giả nhận thấy ít có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.

1.1.2.2. Phân biệt tặng cho với di chúc

Khái niệm di chúc được ghi nhận tại Điều 624 Bộ luật Dân sự như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Tương tự như di tặng, việc để lại di chúc là một hành vi pháp lý đơn phương. Di chúc chỉ phát sinh hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế – một điểm khác biệt cơ bản đối với hợp đồng tặng cho tài sản. Hiện nay, dù không có nhiều trường hợp nhầm lẫn giữa Di chúc và Hợp đồng tặng cho tài sản nhưng việc lựa chọn một trong hai giao dịch dân sự này lại là nỗi băn khoăn của nhiều cá nhân. Vì vậy, cần phân tích rõ những điểm khác biệt của Di chúc và Hợp đồng tặng cho tài sản để đưa ra phương án phù hợp cho mỗi trường hợp nhất định.

1.1.2.3. Phân biệt tặng cho tài sản với mua bán tài sản

Theo thuật ngữ pháp lý: “Hợp đồng mua bán tài sản là một loại hợp đồng dân sự thông dụng, theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán”[2]. Có thể thấy trên thực tế, mua bán tài sản và tặng cho tài sản là hai loại giao dịch rất phổ biến và quan trọng. Nếu như trong hợp đồng mua bán tài sản, đối tượng mua bán có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai thì đối với hợp đồng tặng cho tài sản, căn cứ vào đặc điểm của hợp đồng thì đối tượng tặng cho chỉ có thể là tài sản hiện có và không thể là tài sản hình thành trong tương lai.

Hợp đồng mua bán tài sản chỉ có thể là hợp đồng song vụ, khác với hợp đồng tặng cho tài sản có thể là hợp đồng đơn vụ. Điều này được thể hiện ở điểm, trong hợp đồng mua bán tài sản, cả hai bên bán và bên mua đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Bên bán có nghĩa vụ giao tài sản còn bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản. Tương ứng với nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng mua bán tài sản là quyền của bên còn lại.  

Và cuối cùng, điểm khác nhau cơ bản nhất giữa hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng tặng cho tài sản là ở đặc điểm: Hợp đồng mua bán tài sản luôn là hợp đồng có đền bù còn hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù. Theo đó, khoản tiền mà bên mua phải trả cho bên bán là chính khoản đền bù giá trị về việc mua bán tài sản và việc đền bù này phải mang tính chất ngang giá.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục liên quan đến đất đai

1.1.2.4. Phân biệt tặng cho tài sản với mượn tài sản

Theo Từ điển Luật học, “Hợp đồng mượn tài sản là một loại hợp đồng dân sự thông dụng, theo đó, bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”[3]. Hợp đồng mượn tài sản và hợp đồng tặng cho tài sản có nhiều điểm tương đồng, ví dụ như đều là hợp đồng không có đền bù, đều là hợp đồng đơn vụ, đối tượng tài sản phải là tài sản hiện có và không thể là tài sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản nhất giữa hai loại hợp đồng này là về sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Nếu như trong hợp đồng mượn tài sản, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên cho mượn tài sản, bên mượn phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tài sản, nếu xảy ra hư hỏng thì phải bồi thường cho bên cho mượn; thì đối với hợp đồng tặng cho tài sản, bên tặng cho phải chuyển giao quyền sở hữu cho bên được tặng cho và bên được tặng cho có toàn quyền sở hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng đối với tài sản tặng cho. Ngoài ra, hợp đồng tặng cho tài sản còn khác với hợp đồng mượn tài sản ở đặc điểm về đối tượng của hợp đồng, hợp đồng tặng cho tài sản – tài sản có thể là tài sản đặc định không tiêu hao và các loại tài sản khác, còn trong hợp đồng mượn tài sản, đối tượng tài sản hẹp hơn (chỉ có thể là vật không đặc định tiêu hao do tính chất đặc thù của loại giao dịch này).

1.2. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của tặng cho quyền sử dụng đất

1.2.1. Các khái niệm

1.2.1.1 Khái niệm quyền sử dụng đất

“Quyền” là nội dung thiết yếu của pháp luật và được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Có rất nhiều khái niệm về quyền, tác giả ủng hộ khái niệm sau: “Quyền dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai ngăn cấm được”[4].

Quyền sử dụng là một trong ba bộ phận cấu thành của quyền sở hữu và được quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Theo Từ điển Luật học,“Quyền sử dụng còn bao gồm quyền lựa chọn cách sử dụng tài sản và quyền không sử dụng tài sản. Người có quyền sử dụng bao gồm: chủ sở hữu tài sản, người không phải chủ sở hữu tài sản được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng hoặc do pháp luật quy định”[5].

Như vậy, từ khái niệm “Quyền”“Quyền sử dụng” trên đây có thể hiểu quyền sử dụng đất là một quyền năng của người sử dụng đất, là những việc mà người sử dụng đất được pháp luật đất đai cho phép làm hoặc những việc do người sử dụng đất thực hiện mà không bị pháp luật ngăn cấm trong quá trình sử dụng đất. Hiện nay, chưa có khái niệm cụ thể về quyền sử dụng đất, khái niệm quyền sử dụng đất được những nhà nghiên cứu Luật học đưa ra theo cách diễn đạt khác nhau. Từ điển Luật học có đưa ra khái niệm về quyền sử dụng đất như sau: “Quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho… từ những chủ thể khác có quyền sử dụng đất”[6]. Trong luận văn của Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hà “Pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ thực tiễn thi hành tại thành phố Yên Bái tình Yên Bái” khẳng định: “Quyền sử dụng đất được hiểu là những quyền năng sử dụng đất cụ thể của người sử dụng đất, được pháp luật ghi nhận, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và được Nhà nước đảm bảo thực hiện đối với các chủ thể sử dụng đất trong quá trình khai thác, sử dụng đất”[7].Trong Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Thị Hồng Nhung, với đề tài “Pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong kinh doanh bất động sản ở Việt Nam”, dưới góc nhìn pháp luật, tác giả nhận định về QSDĐ như sau: “Quyền sử dụng đất là bộ phận cấu thành của quyền sở hữu đất. Thông qua việc được độc quyền giao đất, cho thuê đất, Nhà nước trao cho người sử dụng đất thực hiện trong thời hạn thuê đất, nhận giao đất những quyền và nghĩa vụ nhất định, trong đó có sự phân biệt theo loại đất, theo đối tượng sử dụng đất, theo hình thức thuê đất hoặc giao đất[8].  

Như vậy, quyền sử dụng đất được tiếp cận qua nhiều góc độ với những cách hiểu khác nhau. Trong đó chủ yếu xác định quyền sử dụng đất là quyền khai thác, thu hoa lợi, lợi ích từ đất đai và nhìn chung đều cho rằng quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản.

Theo quan niệm của tác giả, quyền sử dụng đất là một quyền phát sinh từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai, đảm bảo cho chủ thể khai thác công dụng của đất đai và tham gia các giao dịch về đất đai dưới sự bảo hộ và kiểm soát của nhà nước. Quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản, do đó nó mang đầy đủ những đặc điểm cơ bản sau:

– Thứ nhất: quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản cụ thể là quyền đối vật, được xác định giá trị và được phép trao đổi trên thị trường.

– Thứ hai: quyền sử dụng đất được hình thành trên cơ sở hành vi chuyển quyền của chủ sở hữu đất đai.

– Thứ ba: quyền sử dụng đất có tính chất không trọn vẹn. Đặc trưng này xuất phát từ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ được nắm giữ quyền định đoạt, quyền chiếm giữ còn quyền khai thác, quản lý, sử dụng một cách trực tiếp được thực hiện thông qua hộ gia đình, cá nhân. Mặt khác, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất luôn chịu sự chi phối bởi ý chí của nhà nước trong quá trình thực hiện những quyền năng của mình.

Sự chi phối bởi ý chí của Nhà nước được thể hiện qua những dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc yêu cầu các chủ thể phải tuân thủ những quy định của pháp luật về sử dụng đất, tuân thủ những thủ tục pháp lý bắt buộc khi thực hiện quyền hoặc phải được sự đồng ý, ghi nhận của nhà nước trong từng giao dịch quyền sử dụng đất cụ thể.

1.2.1.2. Khái niệm tặng cho quyền sử dụng đất

Tặng cho quyền sử dụng đất là một loại của tặng cho tài sản, được ghi nhận chính thức lần đầu tiên tại Luật Đất đai 2003. Về mặt khách quan, tặng cho quyền sử dụng đất là các quy phạm pháp luật của nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh quan hệ tặng cho phát sinh trong quá trình chuyển giao quyền sử dụng đất dưới hình thức tặng cho. Đó là các quy định về điều kiện, nội dung, hình thức của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bên tặng cho và bên được tặng cho cùng các vấn đề khác có liên quan. Về mặt chủ quan, tặng cho quyền sử dụng đất là một giao dịch dân sự trong đó các bên thỏa thuận và thống nhất về việc tặng cho quyền sử dụng đất để dẫn đến sự chuyển giao quyền sử dụng đất. Theo đó, bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho bên được tặng cho mà không yêu cầu bên được tặng cho đền bù cho mình bất kì tài sản nào tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất; còn bên được tặng cho đồng ý nhận quyền sử dụng đất đó.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải An, “tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên tặng cho và bên được tặng cho, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về đất đai. Đồng thời, nó còn là một phương tiện pháp lý quan trọng bảo đảm cho việc dịch chuyển quyền sử dụng đất từ bên tặng cho sang bên nhận tặng cho nhằm thỏa mãn các nhu cầu về sử dụng đất”[9].

Theo quan điểm của tác giả, tặng cho quyền sử dụng đất được hiểu là sự thỏa thuận giữa hai bên về việc chuyển giao quyền sử dụng đất không có đền bù. Bên cạnh đó, sự thỏa thuận này phải có sự chấp thuận của nhà nước thông qua các thủ tục hành chính với các điều kiện nhất định.

1.2.2. Đặc điểm và ý nghĩa của tặng cho quyền sử dụng đất

1.2.2.1. Đặc điểm của tặng cho quyền sử dụng đất

Tặng cho quyền sử dụng đất là một loại tặng cho tài sản, do đó tác giả nhận định tặng cho quyền sử dụng đất cũng có đầy đủ những đặc điểm của tặng cho tài sản như đã nêu tại tiểu mục 1.1.1.2 của Luận văn này.

Trong tiểu mục này, tác giả lưu ý hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng kí quyền sử dụng đất ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều trường hợp các bên đã lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và đã bàn giao tài sản nhưng chưa thực hiện việc đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hợp đồng tặng cho chưa có hiệu lực. Một số trường hợp khác, dù không có sự bàn giao tài sản nhưng các bên trong giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất đã hoàn thành thủ tục đăng ký biến động theo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì giao dịch có hiệu lực theo Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015. Chính vấn đề này đã dẫn tới những luồng quan điểm khác nhau về tính thực tế của loại hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục liên quan đến đất đai

1.2.2.2. Ý nghĩa của tặng cho quyền sử dụng đất

Việc tặng cho quyền sử dụng đất thường được thực hiện giữa những người có mối quan hệ khăng khít nên bên cạnh những ý nghĩa pháp lý và kinh tế, tặng cho quyền sử dụng đất có cả ý nghĩa tình cảm, nhân sinh. Theo tác giả, tặng cho quyền sử dụng đất và pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất có những ý nghĩa sau:

Thứ nhất: Tặng cho quyền sử dụng đất thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Tặng cho quyền sử dụng đất thường được xuất phát từ những mối quan hệ thân thích gần gũi trong đời sống gia đình như giữa bố mẹ với con cái, ông bà với các cháu, anh chị em với nhau,… Nhưng cũng có thể xuất phát từ những mối quan hệ quen biết như bạn bè, hàng xóm. Tuy nhiên, việc tặng cho quyền sử dụng đất dù trong bất kì mối quan hệ nào thì cũng đều nhằm mục đích giúp đỡ nhau trong kinh doanh, cuộc sống. Chính điều này đã thể hiện tình cảm và sự gắn bó giữa người với người trong cuộc sống. Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất là khung pháp lý để các bên thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất thuận lợi, hạn chế tranh chấp có thể xảy ra. Đó là cơ sở để gìn giữ tình cảm giữa các bên trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.

Thứ hai: Tặng cho quyền sử dụng đất giúp Nhà nước theo dõi, kiểm soát các biến động về việc sử dụng đất, có biện pháp quản lý đất đai chặt chẽ và có hiệu quả. Thông qua quy định về việc đăng ký đất đai, Nhà nước thực hiện những hoạt động nêu trên một cách hiệu quả, chính xác và dễ dàng hơn.

Thứ ba: Tặng cho quyền sử dụng đất góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Việc tặng cho quyền sử dụng đất góp phần điều phối và thúc đẩy việc sử dụng đất một cách hiệu quả, hợp lý. Bởi tặng cho quyền sử dụng đất đã tạo ra cơ hội để quyền sử dụng đất được lưu chuyển tới những người thực sự cần và có khả năng khai thác hiệu quả, làm tăng giá trị của đất. Những người có đất những không có nhu cầu hoặc sử dụng không hiệu quả thì có thể tặng cho đất để chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần từng bước phân công lại lao động xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thứ tư: Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất là cơ sở để giải quyết tranh chấp về tặng cho quyền sử dụng đất. Trên thực tế, vẫn có những giao dịch về tặng cho quyền sử dụng đất không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về nội dung, điều kiện hay thủ tục dẫn tới những tranh chấp về quyền sử dụng đất. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên thường lựa chọn Tòa án là nơi để giải quyết tranh chấp. Và cơ sở để Tòa án vận dụng giải quyết chính là pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất.

   KẾT LUẬN CHƯƠNG I

Như vậy, qua việc phân tích những vấn đề lý luận về tặng cho quyền sử dụng đất, tác giả đưa ra một số kết luận như sau:

Thứ nhất, Tặng cho tài sản được thực hiện thông qua hợp đồng tặng cho tài sản, có đặc điểm là hợp đồng thực tế, đơn vụ và không có đền bù. Loại giao dịch này có những điểm khác biệt so với các loại giao dịch khác như mượn tài sản ở quyền sở hữu tài sản được chuyển giao cùng với tài sản; khác với mua bán tài sản ở chỗ ở đặc điểm tính đền bù; và khác với các hành vi pháp lý đơn phương như di tặng và di chúc.

Thứ hai, Quyền sử dụng đất là một quyền phát sinh từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai, đảm bảo cho chủ thể khai thác công dụng của đất đai và tham gia các giao dịch về đất đai dưới sự bảo hộ và kiểm soát của nhà nước.

Thứ ba, Tặng cho quyền sử dụng đất là một dạng tặng cho tài sản, tuy nhiên tặng cho quyền sử dụng đất còn có những đặc điểm riêng biệt là chịu sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước và bảo đảm thực hiện thông qua các thủ tục hành chính.

[1] Từ điển Luật học, tr.217

[2] Từ điển Luật học, tr.395

[3] Từ điển Luật học, tr.395

[4] Từ điển Luật học: Nxb Từ điển bách khoa, 2006, tr.648

[5] Từ điển Luật học: Nxb Từ điển bách khoa, 2006, tr.655

[6] Từ điển Luật học: Nxb Từ điển bách khoa, 2006, tr.655

[7] Nguyễn Xuân Hà, 2017, Pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ thực tiễn thi hành tại thành phố Yên Bái giai đoạn 2011- 2015, trường Đại học Luật Hà Nội, tr.9

[8] Nguyễn Thị Hồng Nhung, 2012, Pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong kinh doanh bất động sản tại Việt Bam”, tr.16

[9] Nguyễn Hải An, 2012, Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất ở Việt Nam, tr.60

Đây là kỳ thứ 2 luận văn của Thạc sỹ Nguyễn Thị My về đề tài Tặng cho quyền sử dụng đất, mong rằng quý bạn đọc sẽ nghiên cứu và củng cố cho bản thân những kiến thức mình cần. Trân trọng!

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

Bài viết liên quan