THỦ TỤC BỔ SUNG THÔNG TIN NGƯỜI CHA VÀ THAY ĐỔI HỌ CHO CON TRÊN GIẤY KHAI SINH
Câu hỏi: Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn hỏi Quý Luật sư như sau: Tôi là mẹ đơn thân, đã có con được 4 tuổi, nay bố của cháu có mong muốn được nhận lại cháu và đứng tên cha trên Giấy khai sinh, đồng thời đổi họ của con theo cha. Không biết mong muốn của tôi có được thực hiện không ạ? Và hồ sơ bao gồm những gì ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Việc con cái được sinh ra có đầy đủ cả bố và mẹ là một trong những điều thiêng liêng và cao cả. Hiện nay, pháp luật Việt Nam cho phép việc bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con; đồng thời nếu cha, mẹ đẻ của cháu có nhu cầu thay đổi họ của người con theo họ của cha thì thủ tục này vẫn có thể được thực hiện.
Sau đây, Việt Chính Luật sẽ hướng dẫn bạn thực hiện thủ tục bổ sung thông tin người cha và thay đổi họ cho con trên Giấy khai sinh.
1. Hồ sơ nhận cha cho con
Để thực hiện việc bổ sung thông tin người cha trên Giấy khai sinh, cha hoặc mẹ phải làm thủ tục nhận cha cho con. Hồ sơ nhận cha cho con bao gồm những giấy tờ sau:
– Tờ khai nhận cha, mẹ con;
– Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có văn bản nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Điều kiện nhận cha, mẹ con
– Bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều còn sống;
– Việc nhận cha, mẹ, con không có tranh chấp.
– Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
2. Hồ sơ thay đổi họ cho con theo họ cha
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, công dân có quyền thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
– Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
– Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
– Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
– Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;
– Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
– Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;
– Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Điều kiện thay đổi họ cho con theo họ cha:
– Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai;
– Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
Trường hợp của bạn, do người con mới 4 tuổi nên không cần có sự đồng ý của người con nhưng phải có sự đồng ý của người bạn và được thể hiện trong Tờ khai cải chính hộ tịch.
Hồ sơ thay đổi họ cho con bao gồm:
– Đơn (tờ khai) xin thay đổi, cải chính họ, tên cho con (theo mẫu ở UBND phường, xã).
TK thay doi, cai chinh, bo sung ho tich, xa dinh lai dan toc
– Giấy khai sinh bản chính của con.
– Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu (bản sao chứng thực).
– Các giấy tờ khác liên quan đến việc thay đổi, cải chính họ, tên cho con.
3. Trình tự nhận cha cho con và thay đổi họ con theo cha
Để thay đổi họ cho con theo họ của cha, trước tiên bạn phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con. Theo đó trình tự nhận cha cho con được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
– Người có yêu cầu nhận cha cho con nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã có thẩm quyền hoặc nộp online tại Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nộp lệ phí Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con nếu có yêu cầu cấp bản sao Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, có Phiếu hẹn, trả kết quả cho người có yêu cầu, đồng thời chuyển hồ sơ để công chức làm công tác hộ tịch xử lý.
– Trường hợp người có yêu cầu nhận cha cho con không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con.
– Trường hợp người có yêu cầu nhận cha cho con không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu nhận cha cho con.
Bước 3: Công chức tư pháp – hộ tịch thẩm tra hồ sơ
+ Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ .
+ Trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không thể trả kết quả đúng thời gian đã hẹn thì công chức tư pháp – hộ tịch lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả, trong đó nêu rõ lý do chậm trả kết quả và thời gian hẹn trả kết quả, chuyển Bộ phận một cửa để trả cho người có yêu cầu;
+ Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định, trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con theo hình thức trực tiếp, thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, cập nhật thông tin đăng ký nhận cha, mẹ, con và lưu chính thức trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.
Bước 4: Trả kết quả nhận cha cho con
Công chức tư pháp – hộ tịch in Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển Bộ phận một cửa trả kết quả cho người có yêu cầu.
Lưu ý: Người có yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con (cả hai bên phải có mặt, xuất trình giấy tờ tuỳ thân để đối chiếu) kiểm tra thông tin trên Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, trong Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con và ký tên vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, nhận Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Bước 5: Thực hiện thủ tục thay đổi họ cho con theo họ cha
Sau khi thực hoàn tất thủ tục nhận cha cho con, để thay đổi họ cho con theo họ của cha, bạn cần liên hệ trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thời hạn giải quyết:
– 03 ngày làm việc đối với việc nhận cha cho con, trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 08 ngày làm việc; 03 ngày làm việc đối với trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 06 ngày làm việc. Như vậy tổng thời gian thực hiện thủ tục nhận cha cho con và thay đổi họ của con theo họ cha là 06 ngày làm việc, trường hợp cần xác minh không quá 14 ngày làm việc.
Trên đây là những nội dung tư vấn của Luật Việt Chính. Hi vọng rằng bạn có thể nắm được những thông tin đầy đủ nhất về thủ tục nhận cha cho con và thay đổi họ con theo họ cha. Để được đội ngũ Luật sư của Việt Chính Luật tư vấn về các lĩnh vực pháp lý, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin dưới đây:
- Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm
- Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com
- Tư vấn pháp luật qua facebook:Luật Việt Chính
- Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099
- Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.