Mẫu văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng

MẪU VĂN BẢN THỎA THUẬN CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG

Trong giao dịch dân sự thông thường, việc các bên thực hiện việc chấm dứt Hợp đồng là một điều rất phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng. Trong phạm vi bài viết này của Luật Việt Chính, đội ngũ Luật sư của chúng tôi sẽ gửi tới Quý độc giả những quy định của pháp luật về chấm dứt hợp đồng, phân biệt giữa chấm dứt và hủy hợp đồng, mẫu văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mới nhất hiện nay.

Cơ sở pháp lý:

– Luật dân sự năm 2015;

1. Chấm dứt hợp đồng là gì?

Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi hợp đồng dân sự được xác lập, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng cũng được rằng buộc và được pháp luật bảo vệ, bất cứ hành vi vi phạm hợp đồng trái với quy định của pháp luật đều phải gánh chịu hậu quả pháp lý.

Trường hợp các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng dân sự vì nhiều lý do, việc chấm dứt hợp đồng là hoàn toàn cần thiết. Bởi, chỉ khi chấm dứt hợp đồng thì quyền, nghĩa vụ đã được các bên xác lập trong Hợp đồng bị chấm dứt mới được dừng lại, các bên không có trách nhiệm phải tiếp tục thực hiện những thỏa thuận đã được xác lập từ trước đó, những hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng cũng không phải chịu hậu quả pháp lý (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).

Các ví dụ về chấm dứt hợp đồng: chấm dứt hợp đồng thuê tài sản, chấm dứt hợp đồng lao động,

2. Các trường hợp châm dứt hợp đồng

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự bao gồm:

– Hợp đồng đã được hoàn thành;

– Theo thỏa thuận của các bên;

– Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

– Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

– Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;

– Hợp đồng chấm dứt do hoàn cảnh thay đổi cơ bản;

–  Trường hợp khác do luật quy định.

Mẫu văn bản chấm dứt hợp đồng

Sau đây là những quy định cụ thể về chấm dứt hợp đồng dân sự:

a. Chấm dứt hợp đồng do hợp đồng đã được hoàn thành

Đây là trường hợp lý tưởng nhất của việc chấm dứt hợp đồng dân sự, khi các bên đã hoàn thành các thỏa thuận, nội dung công việc, quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng dân sự đã được ký kết và không có nhu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, thì sẽ chấm dứt hợp đồng dân sự.

Cần lưu ý rằng: việc hoàn thành phải được thực hiện đúng và đủ từ cả hai phía, nếu một bên đã hoàn thành nhưng bên còn lại vẫn chưa thực hiện đúng nghĩa vụ thì không được coi là chấm dứt hợp đồng dân sự do hoàn thành công việc.

Ví dụ: Ông A và công ty H kí hợp đồng lao động có xác lập thời hạn là 01 năm. Sau 01 năm, ông A và công ty H đã thực hiện xong thời hạn trong hợp đồng lao động và không có nhu cầu tiếp tục kí hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động trên sẽ được chấm dứt.

b. Theo thỏa thuận của các bên

Khác với trường hợp chấm dứt do hoàn thành công việc, chấm dứt hợp đồng dân sự theo thỏa thuận của các bên xảy ra khi công việc chưa được hoàn thành những các bên thỏa thuận và đồng ý về việc sẽ chấm dứt, không tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng đã xác lập từ trước.

Ví dụ: Ông A và công ty H kí kết hợp đồng lao động có xác lập thời hạn 01 năm, sau khi làm việc 06 tháng, do không phù hợp nên ông A đã xin nghỉ trước thời hạn và được công ty đồng ý. Trường hợp này được coi là chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận của các bên.

c. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.

Trong một số trường hợp, chủ thể trong giao kết hợp đồng phải là cá nhân hoặc pháp nhân, thì trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng chết hoặc pháp nhân giao kết hợp đồng không còn tồn tại thì hợp đồng đó đương nhiên phải bị chấm dứt do không có chủ thể thực hiện

Ví dụ: Ông A và công ty H kí hợp đồng lao động có xác lập thời hạn là 01 năm, nhưng sau khi làm việc được 06 tháng thì ông A đột ngột chết, khi đó Hợp đồng lao động giữa ông A và công ty H đương nhiên cũng bị chấm dứt.

d. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

Các trường hợp hợp đổng bị hủy bỏ được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

Điều 424. Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ

1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng.

2. Trường hợp do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải tuân theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Vi dụ: Hủy bỏ Hợp đồng do bên bán giao tài sản không đúng chủng loại (Điều 439 BLDS năm 2015); Hủy bỏ Hợp đồng do bên bán giao hàng không đúng số lượng (Điều 437); Hủy bỏ Hợp đồng do bên bán giao vật không đồng bộ); Điều 438 Hủy bỏ hợp đồng do bên bán không cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng (Điều 443 BLDS năm 2015); Hủy bỏ hợp đồng do người thứ ba tranh chấp (Điều 444 BLDS năm 2015);…

Điều 426. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng

Trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng.

Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351 và Điều 363 của Bộ luật này.

Tìm hiểu thêm: Mẫu đơn thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng

Trường hợp chấm dứt hợp đồng do một bên đơn phương thực hiện:

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ về việc vi phạm nghiêm trọng thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

e. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;

Trong mỗi hợp đồng dân sự, quy định về chủ thể, đối tượng của Hợp đồng là bắt buộc, nếu chủ thể là người thực hiện hành vi xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ thì đôi tượng của hợp đồng là điều mà các bên hướng tới trong hợp đồng;

Ví dụ: đối tượng của Hợp đồng mua tài sản là tài sản đang được bên bán muốn bán và bên mua muốn mua; đối tượng của hợp đồng lao động là sức lao động mà người lao động muốn “bán” và người sử dụng lao động muốn “mua”; đối tượng của hợp đồng dịch vụ là những công việc có thể thực hiện được.

Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn, ví dụ như ông A và ông B thỏa thuận bán chiếc xe máy, nhưng trong khi đang thực hiện việc mua bán thì bất ngờ chiếc xe bị bốc cháy không còn, trường hợp này đương nhiên thỏa thuận mua bán sẽ bị chấm dứt.

f. Hợp đồng chấm dứt do hoàn cảnh thay đổi cơ bản;

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

– Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

– Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

–  Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

– Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Ví dụ: ông A và công ty H ở Hà Nội có kí hợp đồng dịch vụ trọn gói du lịch tại Nha Trang vào ngày 5/9/2023, hợp đồng đã được ký kết ngày 1/9/2023, tuy nhiên ngày 4/9/2023 đột nhiên có cơn bão lớn nên không thể di chuyển đến Nha Trang như dự kiến. Trường hợp này nếu các bên không thể đàm phán, thỏa thuận lại thì qua một thời gian hợp lý sẽ yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng.

3. Phân biệt giữa hủy hợp đồng và chấm dứt hợp đồng

Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về định nghĩa thế nào là thỏa thuận Hủy hợp đồng và chấm dứt hợp đồng mà chỉ đề cập tới những trường hợp cụ thể của hủy và chấm dứt. 

Tuy nhiên, dựa vào hậu quả pháp lý mà có thể phân biệt hủy và chấm dứt hợp đồng như sau:

Tiêu chí Hủy bỏ hợp đồng  Chấm dứt hợp đồng
Phạm vi Hẹp Rộng, các trường hợp chấm dứt dứt hợp đồng trong đó bao gồm hủy bỏ Hợp đồng;
Hậu quả pháp lý – Hiệu lực của hợp đồng bị hủy bỏ kể từ khi kí kết;

– Các bên không phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng trừ thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;

– các bên còn phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản tài sản,…

– Hiệu lực của hợp đồng không bị chấm dứt kể từ ngày xác lập; quyền và nghĩa vụ của các bên chỉ chấm dứt kể từ ngày thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

– Chấm dứt hợp đồng có thể có hoặc không đi kèm với bất kỳ một hậu quả cụ thể nào, như bồi thường thiệt hại, các khoản phạt, hoặc các hậu quả khác do các bên thỏa thuận

4 . Mẫu văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng

TẢI VỀ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc                                                                                                                                              

VĂN BẢN THỎA THUẬN CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG {…}

Hôm nay, ngày {…} tháng {…} năm …., chúng tôi gồm:

BÊN A (Bên {…} trong Hợp đồng cần chấm dứt):

1. Ông {…}, sinh năm {…}, Căn cước công dân số {…} do {…} cấp ngày {…};

2. Và bà {…}, sinh năm {…}, Căn cước công dân số {…} do {…} cấp ngày {…};

Cả hai ông bà cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại: {…};

Ông {…} và bà {…} là vợ chồng theo Giấy chứng nhận kết hôn số {…}, quyển số {…}, đăng ký ngày {…} tại Ủy ban nhân dân {…}.

(copy thông tin ở Hợp đồng cần chấm dứt)

BÊN B (Bên {…} trong Hợp đồng cần chấm dứt):

Ông {…}, sinh năm {…}, Căn cước công dân số {…} do {…} cấp ngày {…};

Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: {…}.

(copy thông tin ở Hợp đồng cần chấm dứt)

Chúng tôi tự nguyện cùng nhau lập và ký Văn bản này với nội dung cụ thể như sau:

1. Ngày {…}, chúng tôi đã lập và ký Hợp đồng {…} để thực hiện một số công việc liên quan đến {copy thông tin tài sản ở Hợp đồng cần chấm dứt};

2. Nay chúng tôi cùng nhau thỏa thuận lập Văn bản này để thống nhất việc chấm dứt Hợp đồng {…} nêu trên. Kể từ ngày ký Văn bản này, Hợp đồng {…} ngày …tháng…năm… nêu trên sẽ chấm dứt hiệu lực theo quy định của pháp luật;

3. Chúng tôi đã thực hiện tất cả công việc trên thực tế để chấm dứt các nội dung được chúng tôi thỏa thuận tại Hợp đồng {…} nêu trên;

4. Chúng tôi xin tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:

– Những thông tin ghi trong các giấy tờ do chúng tôi xuất trình làm căn cứ để lập Văn bản này là đúng sự thật, do các cơ quan có thẩm quyền cấp, không có sự giả mạo, tẩy xóa và sửa chữa;

– Chúng tôi sẽ thông báo cho các bên có liên quan biết việc hai bên chấm dứt thực hiện công việc theo bản Hợp đồng {…} nêu trên;

– Chúng tôi tự hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, không còn điều gì vướng mắc;

– Việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng {…} này là hoàn toàn tự nguyện, dứt khoát và không nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào mà các bên phải thực hiện. Chúng tôi cam đoan tự chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng {…} nêu trên;

– Chúng tôi đã tự đọc/nghe đọc toàn bộ nội dung Văn bản và các quy định của pháp luật có liên quan; chúng tôi đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình, hậu quả pháp lý của việc ký Văn bản này và cùng ký tên/điểm chỉ dưới đây để làm bằng chứng;

– Văn bản này có hiệu lực kể từ thời điểm các bên ký kết.

BÊN A

(Ký/điểm chỉ, ghi rõ họ tên)

BÊN B

(Ký/điểm chỉ, ghi rõ họ tên)

Trên đây là nội dung tư vấn cơ bản của Luật Việt Chính về quy định chấm dứt hợp đồng, Quý khách có thắc mắc hoặc cần sử dụng dịch vụ liên quan xin vui lòng liên hệ trực tiếp tới số 0911.111.099 hoặc 0987.062.757

 

 

Bài viết liên quan