Bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp về xác định người thừa kế

BẢN ÁN SƠ THẨM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ XÁC ĐỊNH NGƯỜI THỪA KẾ

Quyền thừa kế là một trong những vấn đề quan trọng được quy định trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành nói riêng và pháp luật thế giới nói chung. Khi nền kinh tế xã hội ngày càng phát triển hiện đại, dân số tăng dẫn tới nguồn lao động tăng, đồng nghĩa với việc số lượng và giá trị tài sản của cá nhân cũng tăng lên nhanh chóng. Từ đó kéo theo tranh chấp về di sản thừa kế cũng tăng lên đáng kể. Để hạn chế những tranh chấp về di sản thừa kế trong thực tế đời sống xã hội, pháp luật Việt Nam đã có những quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật về thừa kế, điển hình Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, việc xảy ra tranh chấp về xác định người thừa kế tài sản là không thể nào tránh khỏi. 

Cụ thể, phân tích và đưa ra quan điểm về Bản án số 32/2017/DS-ST ngày 18/07/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh A. 

Luật Việt Chính hỗ trợ tư vấn Luật Dân sự

Tóm tắt nội dung vụ việc

Ông Lê Văn T và bà Mai Thị M chung sống với nhau không có con chung, có nhận nuôi một con nuôi tên Lê Thị T (có giấy khai sinh hợp pháp). Hai vợ chồng có tài sản chung bao gồm phần đất có tổng diện tích 8.465 m² do ông T đăng ký và đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D0808374 ngày 25/11/1994. Sau khi bán đất và chuyển nhượng quyền sử dụng, diện tích phần đất còn lại là 3.169,7 m² có trồng cây Tràm Vàng, một căn nhà cấp 4A trị giá 209.356.227 đồng, một Nhà tạm loại B đã hết niên hạn sử dụng, một Nhà tạm loại A trị giá 10.386.961 đồng, một mái che phía trước nhà cấp 4A trị giá 13.920.768 đồng. Phần đất này hiện do vợ là bà M và con nuôi là chị T quản lý, sử dụng. Trước khi qua đời ngày 21/10/2015, ngày 20/12/2010, ông T có lập di chúc tặng cho 3 người em ruột là Lê Văn C, Lê Thị C1 và Lê Thị C2 (các nguyên đơn) với phần đất có diện tích 1.201,1m², thuộc thửa số 656, tờ bản đồ số 13, có trồng 605 cây Tràm Vàng với tứ cận: hướng Đông giáp đường xe; hướng Tây giáp bác Sáu T; hướng Nam giáp đường xe; hướng Bắc giáp em Y. Bà M không đồng ý thực hiện di chúc, cho nên vào ngày 28/11/2016, ông C, bà C1 và bà C2 đã khởi kiện “Yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc” do ông Lê Văn T lên tòa án nhằm giải quyết tranh chấp. 

Lý do bà M không đồng ý yêu cầu khởi kiện: Tài sản là quyền sử dụng đất mà ông T được cha mẹ cho đã không còn; tài sản trong thời kỳ hôn nhân chưa được phân chia nên ông T không có quyền lập di chúc; di chúc không hợp pháp vì không có công chứng, chứng thực; lúc ông T lập bản di chúc bà không biết và cũng không nghe ông T cùng những người em của ông T nói gì cả. 

Kết quả sơ thẩm: Tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về yêu cầu chia thừa kế tài sản của ông T đối với phần đất diện tích 1.201,1 m² và công nhận bản di chúc do ông Lê Văn T lập là hợp pháp. Bên cạnh đó, Tòa án cũng xác định chi tiết tứ cận phần đất mà các nguyên đơn được hưởng và tuyên về chi phí đo đạc định giá tài sản quyền yêu cầu thi hành án, lãi suất chậm thi hành, án phí và quyền kháng cáo của đương sự. 

Những điểm chưa phù hợp trong bản án sơ thẩm

Nhận định của tòa sơ thẩm về di chúc của ông T là hợp pháp về hình thức và nội dung, bởi:

Ông T dành một phần tài sản là 1.201,1 m² trong khối tài sản chung để di tặng cho ông C, bà C1, bà C2 khi ông chết là phù hợp với quy định tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 626 của Bộ luật Dân sự 2015). 

  • Di chúc của ông T lập thực hiện đúng theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 652, 655 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 630, 633 của Bộ luật Dân sự 2015).
  • Nội dung di chúc thể hiện ý chí của ông T là nhằm chuyển 1.201,1 m² đất theo tứ cận được ghi trong di chúc là tài sản của ông trong khối tài sản chung 3.169,7m² đất, do ông và bà M tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân cho ông C, bà C1, bà C2 phù hợp với quy định tại Điều 653 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 631 của Bộ luật Dân sự năm 2015).

Theo quan điểm của  bản án số 32/2017/DS-ST ngày 18/07/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản của Toà án nhân dân huyện G, tỉnh A vẫn còn tồn tại một số điểm chưa phù hợp như sau: 

Thứ nhất, Tòa sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện và chia diện tích đất cho các nguyên đơn mà không xem xét đến quyền lợi của bà M là một sự thiếu sót và chưa phù hợp. 

Căn cứ vào Điều 676 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015) thì người được hưởng thừa kế theo pháp luật của ông T bao gồm bà Mai Thị M (vợ) và chị Lê Thị T (con nuôi hợp pháp của ông T và bà M) – bà M và chị T thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Như vậy, một suất thừa kế theo pháp luật của ông T là quyền sử dụng đất có diện tích 792,425 m² (1.584,85 m² : 2 = 792,425 m²). 

Thêm vào đó, Tòa chưa xem xét quy định tại Điều 669 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 644 của Bộ luật Dân sự 2015). Theo đó, thì bà M là người vẫn được hưởng 2/3 (hai phần ba) suất của một người thừa kế theo pháp luật đối với di sản của ông T mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc trong phần di sản mà ông T để lại là quyền sử dụng đất có diện tích 1.584,85 m². Bà M được hưởng một kỷ phần bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật (792,425 m²) là 528,28 m². 

Như vậy, di sản của ông T sau khi trừ đi phần mà bà M được hưởng là 528,28 m², ông T còn lại 1.056,57 m², phần này ông T được quyền di tặng lại cho ông C, bà C1, bà C2, nhưng di chúc tặng cho ông C, bà C1, bà C2 1.201,1 m² là gây thiệt hại cho bà M. Do đó, di chúc do ông T lập chỉ có hiệu lực pháp luật một phần theo quy định tại khoản 4 Điều 667 của Bộ luật Dân sự 2005 (nay là Điều 643 của Bộ luật Dân sự 2015). 

Mặt khác, theo như quyết định của tòa sơ thẩm, thì tòa chỉ chia phần đất diện tích 1.201,1 m² cho ông C, bà C1, bà C2 mà chưa có sự đề cập đến phần diện tích đất còn lại. Điều này cũng ko hợp lí. 

Thứ hai, Tòa sơ thẩm yêu cầu các nguyên đơn thanh toán lại cho bà M và chị T 2.017.000 đồng là chưa hợp lí. 

Mặc dù suất đất mà ông C, bà C1, bà C2 được nhận trên đó có trồng cây Tràm Vàng thuộc quản lý của bà M và chị T. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 684 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 659 của Bộ luật Dân sự 2015) thì trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó. 

Thứ ba, phần di sản được chia theo di chúc cho các nguyên đơn không phù hợp. 

Theo quyết định của tòa sơ thẩm: 

– Ông Lê Văn C được quyền sử dụng phần đất diện tích 401,1 m², tứ cận: Đông giáp đường đất dài 8,67m (2,42m + 6,25m); Tây giáp phần đất còn lại của bà M và chị T dài 10m; Nam giáp đường đất dài 38,62m (7,46m + 7,94m + 23,22m); Bắc giáp phần đất bà C2 được chia dài 40m.

– Bà Lê Thị C2 được quyền sử dụng phần đất diện 400 m², tứ cận: Đông giáp đường đất dài 10m; Tây giáp phần đất còn lại của bà M và chị T dài 10m; Nam giáp phần đất ông C được chia dài 40m; Bắc giáp phần đất bà C1 được chia dài 40m.

– Bà Lê Thị C1 được quyền sử dụng phần đất diện tích 400 m², tứ cận: Đông giáp đường đất dài 10m; Tây giáp phần đất còn lại của bà M và chị T dài 10m; Nam giáp phần đất bà C2 được chia dài 40m; Bắc giáp phần đất còn lại của bà M và chị T dài 40m.

Trong di chúc, ông T để lại phần đất cho các em của ông và phần đất có diện tích 1.201,1 m² (chiều ngang 30m và chiều dài 40m). 

Tuy nhiên trong trường hợp này, theo khoản 1 Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015: “Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, thì tòa chia diện tích đất không đều khi ông C được nhận thừa 1,1 m² đất còn bà C1 và bà C2 nhận đủ. Nhưng về mặt thực tế thì tòa vẫn chưa xét tới phần đất liên quan tới đường lộ chính mà xã quản lý với phần đất giáp với căn nhà bà M đang sử dụng. 

Quan điểm về việc giải quyết vụ việc phù hợp với quy định của pháp luật. 

Thứ nhất, tài sản chung của ông T và bà M có được trong thời kỳ hôn nhân gồm có diện tích đất 3.169,7 m² cùng với tài sản khác là nhà, mái che trị giá là 233.663.956 đồng và các vật dụng khác nhưng không định giá. 

– Căn cứ Khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Theo đó, thì di sản thừa kế của ông T khi chết để lại là 1/2 của khối tài sản chung là tức là bằng: 

3.169,7 m² : 2 = 1.584,85 m² đất                                                                             

233.663.956 đồng : 2 = 116.831.978 đồng

– Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, khi chia thừa kế theo pháp luật, người được hưởng thừa kế của ông T gồm bà M và chị T. Như vậy, một suất thừa kế theo pháp luật của ông T là:

1.584,85 m² : 2 = 792,425 m² đất

116.831.978 đồng : 2 = 58.415.989 đồng 

– Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, bà M được hưởng phần di sản thừa kế:

792,425 m² x 2/3 = 528,28 m² đất                                                                                 

58.415.989 đồng x 2/3 = 38.943.992,7 đồng

Như vậy, di sản của ông T sau khi trừ đi phần mà bà M được hưởng là 528,28 m² và 38.943.992,7 đồng, ông T còn lại (phần diện tích đất này là phần ông T được quyền tặng lại cho ông C, bà C1, bà C2): 

                                1.584,85 m² – 528,28 m² = 1.056,57 m² đất 

Thứ hai, phần di chúc ông T để lại không xác định rõ phần của từng người, vì vậy, căn cứ Khoản 1 Điều 684 Bộ luật Dân sự 2005 (nay là Khoản 1 Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015), di sản trên sẽ được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc: ông C, bà C1, bà C2. Theo đó, với phần diện tích đất 1.056,57 m², mỗi nguyên đơn sẽ được hưởng 352,19 m² với chiều dài 40m và chiều ngang khoảng 8,8m. Phần đất còn lại sẽ được chia như sau: 

– Ông Lê Văn C được quyền sử dụng phần đất diện tích 352,19 m² và cây Tràm Vàng trên đất (trong phần đất được hưởng theo di chúc) với tứ cận:

+ Hướng Đông giáp đường đất chiều dài 40m; 

+ Hướng Tây giáp phần đất của bà Lê Thị C1 chiều dài 40m; 

+ Hướng Nam giáp đường đất chiều ngang dài 8,8m; 

+ Hướng Bắc giáp phần đất còn lại của bà M dài 8,8m. 

– Bà Lê Thị C1 được quyền sử dụng phần đất diện tích 352,19 m² và cây Tràm Vàng trên đất (trong phần đất được hưởng theo di chúc) với tứ cận:

+ Hướng Đông giáp đất ông C chiều dài 40m; 

+ Hướng Tây giáp phần đất của bà Lê Thị C2 chiều dài 40 m; 

+ Hướng Nam giáp đường đất chiều ngang dài 8,8 m; 

+ Hướng Bắc giáp phần đất còn lại của bà M dài 8,8m 

– Bà Lê Thị C2 được quyền sử dụng phần đất diện tích 352,19 m² và cây Tràm Vàng trên đất (trong phần đất được hưởng theo di chúc) với tứ cận:

 + Hướng Đông giáp đất bà C1 chiều dài 40m; 

+ Hướng Tây giáp phần đất của bà Mai Thị M chiều dài 40m; 

+ Hướng Nam giáp đường đất chiều ngang dài 8,8m; 

+ Hướng Bắc giáp phần đất còn lại của bà M dài 8,8m. 

Ông C, bà C2, bà C1 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 99 Luật đất đai 2013. Bên cạnh đó, Tòa án cũng cần xác định chi phí đo đạc định giá tài sản quyền yêu cầu thi hành án, lãi suất chậm thi hành, án phí… 

Luật Việt Chính hỗ trợ tư vấn Luật Dân sự

Có thể nói, quyền thừa kế là một trong những quyền dân sự vô cùng thiết thực của người dân và việc thừa kế phản ánh quá trình dịch chuyển tài sản của người đã chết sang cho những người còn sống. Hơn thế nữa, quyền thừa kế còn thể hiện được ý chí của những người để lại đi sản và tâm nguyện của họ đối với người được hưởng quyền. Ở Việt Nam, pháp luật về thừa kế được phát triển và hoàn thiện theo điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ từ khi ra đời cho đến nay. Pháp luật về thừa kế ở giai đoạn sau này thường bổ sung những quy định mới nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội đồng thời kế thừa và tiếp tục phát huy những quy định tiến bộ của thời đại trước. Để giải quyết các vụ án xác định việc chia thừa kế đúng quy định, trước tiên cần nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và ban hành các quy định sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chế định về thừa kế nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đưa ra các giải pháp khắc phục là việc làm nghiêm túc và cần thiết. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Bộ luật Dân sự 2005: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan- su/Bo-luat-Dan-su-2005-33-2005-QH11-2463.aspx

2. Bộ luật Dân sự 2015: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan- su/Bo-luat-dan-su-2015-296215.aspx

3. Hiến pháp năm 2013: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh- chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

4. Luật Hôn nhân và gia đình 2014: https://thuvienphapluat.vn/van- ban/Quyen-dan-su/Luat-Hon-nhan-va-gia-dinh-2014-238640.aspx

5. Luậtđấtđai2013 :https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong- san/Luat-dat-dai-2013-215836.aspx

6. Bản án số 32/2017/DS-ST ngày 18/07/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh A.

Trên đây là toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp về xác định người thừa kế. Chúng tôi luôn hân hạnh và sẵn sàng phục vụ và đáp ứng các yêu cầu pháp lý của quý khách hàng. Liên hệ với chúng tôi theo Hotline: 0987.062.757 – 0911.111.099 để được tư vấn và hỗ trợ. 

Trân trọng!  

Bài viết liên quan