ĐÃ ĐI LÀM DÂN QUÂN TỰ VỆ THÌ CÓ PHẢI ĐI NGHĨA VỤ QUÂN SỰ NỮA KHÔNG ?
Câu hỏi: Luật sư cho em hỏi em đã đi làm dân quân tự vệ thì có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nữa không ?
Trả lời:
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Vậy những trường hợp nào phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, đã đi dân quân tự vệ thì có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nữa không? Luật Việt Chính sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây:
1. Nghĩa vụ quân sự là gì ?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định thì:
“Nghĩa vụ quân sự được hiểu là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.”
Theo đó, tất cả công dân Việt Nam ở độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn hay nghề nghiệp cũng như nơi cư trú thường trú hoặc tạm trú đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của công dân Việt Nam khi đến độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2. Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự
Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 bao gồm:
– Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên;
– Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ đủ 18 tuổi trở lên.
Như vậy đối tượng được đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm công dân nam từ đủ 17 tuổi trở lên và công dân nữ thực hiện trên sự tự nguyện, quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ khi đủ từ 18 tuổi trở lên.
3. Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự
Theo quy định tại Điều 15 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì cơ quan đăng ký nghĩa vụ bao gồm:
– Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân cư trú tại địa phương.
– Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở;
Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.
Ảnh Minh họa
4. Dân quân tự vệ là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Dân quân tự vệ 2019: “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.”
Có 5 thành phần dân quân tự vệ như sau:
– Dân quân tự vệ tại chỗ: lực lượng làm nhiệm vụ ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, thôn và ở cơ quan, tổ chức.
– Dân quân tự vệ cơ động: lực lượng cơ động làm nhiệm vụ trên các địa bàn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
– Dân quân thường trực: lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.
– Dân quân tự vệ biển: lực lượng làm nhiệm vụ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam.
– Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.
Tham khảo thêm: Có được xin tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đang học đại học không?
5. Đã làm dân quân tự vệ thì có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nữa không ?
Theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, Khoản 1, Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định như sau:
“…
4.Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:
a) Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;
b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;
c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;
d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế – quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.”
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì nếu công dân thuộc trường hợp đi dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình và không phải đi nghĩa vụ quân sự nữa.
Tuy nhiên cần phải xem xét từng trường hợp, cần phải biết quá trình tham gia dân quân tự vệ của bạn như thế nào để có thể kết luận là bạn có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nữa không nhưng nếu hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực thì bạn sẽ được công nhận là đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình. Vì vậy trường hợp này sẽ không phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự nữa.