Hồ sơ đăng ký xe máy chuyên dùng có thời hạn

HỒ SƠ ĐĂNG KÝ XE MÁY CHUYÊN DÙNG CÓ THỜI HẠN

Hiện nay, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển do đó càng thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các dự án ODA tại Việt Nam. Do đó, số lượng xe máy chuyên dùng tạm nhập, tái xuất vào Việt Nam cũng ngày một nhiều. Các loại xe máy chuyên dùng này muốn hoạt động tại Việt Nam cần phải thực hiện thủ tục đăng ký. Vậy hồ sơ đăng ký xe máy chuyên dùng có thời hạn bao gồm những gì? Trình tự thực hiện như thế nào?

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

– Thông tư số 22/2019/TT-BGTVT quy định về đăng ký xe máy chuyên dùng.

XE MÁY CHUYÊN DÙNG LÀ GÌ?

Khái niệm xe máy chuyên dùng được quy định tại Khoản 20 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể:

“Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.”

Theo đó, xe máy chuyên dùng là khái niệm dùng để gọi chung đối với các phương tiện xe máy được dùng trong công trình xây dựng, trong hoạt động nông nghiệp hoặc lâm nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, xe máy chuyên dùng còn bao gồm cả những phương tiện xe máy được sử dụng trong công an, quân đội mà có tham gia giao thông đường bộ. Hiện nay, các loại xe máy chuyên dùng ít tham gia giao thông đường bộ nên nhiều người khi nghe nhắc đến cụm từ “xe máy chuyên dùng” có sự nhầm lẫn với các phương tiện tham gia giao thông khác.

HỒ SƠ ĐĂNG KÝ XE MÁY CHUYÊN DÙNG CÓ THỜI HẠN

Khoản 2 Điều 5 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT quy định xe máy chuyên dùng được tạm nhập, tái xuất thuộc các chương trình dự án của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, các dự án ODA đầu tư tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký có thời hạn. Hồ sơ đăng ký bao gồm:

– Tờ khai đăng ký xe máy chuyên dùng theo mẫu số 3 của Phục lục 2;

– Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);

– Bản chính giấy tờ xác định quyền sở hữu xe máy chuyên dùng

Giấy tờ xác định quyền sở hữu xe máy chuyên dùng là một trong những giấy tờ sau:

+ Hợp đồng mua bán, cho tặng hoặc văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật;

+ Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính;

+ Văn bản của cấp có thẩm quyền đồng ý thanh lý xe theo quy định của pháp luật;

+ Văn bản của bên cho thuê tài chính đồng ý cho bên thuê xe máy chuyên dùng được đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật;

+ Quyết định tiếp nhận viện trợ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

+ Quyết định xuất, bán hàng dự trữ quốc gia của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

– Bản chính giấy tờ xác định nguồn gốc xe máy chuyên dùng.

Giấy tờ xác định nguồn gốc xe máy chuyên dùng là một trong những giấy tờ sau:

+ Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp trong nước;

+ Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu hoặc thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với xe máy chuyên dùng nhập khẩu;

+ Giấy chứng nhận chất lượng xe cải tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với xe máy chuyên dùng đã qua cải tạo kèm theo giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này. Trường hợp thay thế tổng thành máy, khung xe phải có giấy tờ mua bán tổng thành máy hoặc khung xe thay thế theo quy định. Nếu tổng thành máy, khung xe thay thế được sử dụng từ các xe máy chuyên dùng đã được cấp đăng ký, phải có tờ khai thu hồi đăng ký, biển số theo mẫu số 1 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

+ Đối với xe máy chuyên dùng bị xử lý tịch thu sung quỹ nhà nước:

  • Quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước do Bộ Tài chính phát hành (trường hợp tài sản xử lý theo hình thức thanh lý); biên bản bàn giao tiếp nhận tài sản (trường hợp xử lý tài sản theo hình thức điều chuyển) theo quy định của pháp luật.

+ Đối với xe máy chuyên dùng có quyết định xử lý vật chứng:

  • Quyết định xử lý vật chứng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật;
  • Phiếu thu tiền hoặc giấy biên nhận tiền hoặc biên bản bàn giao theo quy định của pháp luật (nếu là người bị hại).

Lưu ý: Trường hợp nhiều xe chung một giấy tờ xác định quyền sở hữu xe máy chuyên dùng, giấy tờ xác định nguồn gốc xe máy chuyên dùng (trường hợp xe máy chuyên dùng bị xử lý tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc xe máy chuyên dùng có quyết định xử lý vật chứng) thi tổ chức, cá nhân khi đăng ký phải nộp bản chính và bản sao cho mỗi xe tại Sở Giao thông vận tải nơi đăng ký (trừ trường hợp xe máy chuyên dùng chưa đăng ký, khi di chuyển trên đường bộ phải được đăng ký tạm thời). Sở Giao thông vận tải nơi đăng ký có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản với tổ chức, cá nhân đăng ký về việc đang lưu giữ bản chính.

TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ XE MÁY CHUYÊN DÙNG LẦN ĐẦU

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT  trình tự thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dụng có thời hạn gồm các bước sau:

Bước 1: Chủ sở hữu xe máy chuyên dùng được tạm nhập, tái xuất thuộc các chương trình dự án của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, các dự án ODA đầu tư tại Việt Nam lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp tại Sở Giao thông vận tải nơi chủ sở hữu có trụ sở chính hoặc nơi đăng ký thường trú.

Lưu ý: Khi làm thủ tục đăng ký trực tiếp với cơ quan cấp đăng ký, chủ sở hữu xe máy chuyên dùng phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn để kiểm tra; trường hợp không chính chủ thì người được ủy quyền phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật; người đại diện cho tổ chức phải có giấy giới thiệu của tổ chức đó.

Bước 2: Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra nội dung hồ sơ và thông báo cho chủ sở hữu trong thời gian tối đa 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa đầy đủ theo quy định thì Sở Giao thông vận tải hướng dẫn chủ sở hữu bổ sung, hoàn thiện lại;

+ Trường hợp hồ sơ đăng ký đầy đủ theo quy định thì Sở Giao thông vận tải có Giấy hẹn kiểm tra. Thời gian kiểm tra xe máy chuyên dùng không quá 05 ngày kể từ ngày viết giấy hẹn.

Đối với trường hợp xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết ngoài địa phương cấp đăng ký thì Sở Giao thông vận tải nhận hồ sơ có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải nơi có xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết kiểm tra xe máy chuyên dùng, thời hạn kiểm tra không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Bước 3: Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra xe máy chuyên dùng theo thời gian và địa điểm ghi trong giấy hẹn.

Lưu ý: Việc kiểm tra xe máy chuyên dùng phải được lập thành Biên bản kiểm tra xe máy chuyên dùng theo mẫu.

Bước 4: Nhận kết quả

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra hoặc nhận được kết quả kiểm tra đối với trường hợp xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết ngoài địa phương cấp đăng ký:

 + Trường hợp kết quả kiểm tra các hạng mục trong Biên bản đạt yêu cầu, Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký, biển số cho chủ sở hữu xe máy chuyên dùng và vào sổ quản lý đăng ký xe máy chuyên dùng;

 + Trường hợp kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì thông báo cho chủ phương tiện và nêu rõ lý do.

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT LỖI KHÔNG CÓ GIẤY TỜ XE ĐỐI VỚI XE MÁY CHUYÊN DÙNG

Hình thức xử phạt chính

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 100/2019/NĐ-CP lỗi không có giấy tờ xe đối với xe máy chuyên dùng bị xử phạt như sau:

“ Điều 19. Xử phạt người điều khiển máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe hoạt động không đúng phạm vi quy định;

b) Điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông;

c) Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc);

d) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc);

đ) Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc);

e) Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc).”

Như vậy, mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng không có giấy tờ đăng ký xe là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Nếu không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ thì mức xử phạt đối với hành vi này là 1.500.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung

Bị tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 tháng đến 03 tháng.

Nếu không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ thì thời gian tước quyền sử dụng chứng chỉ là 02 tháng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.

Trên đây là bài viết Hồ sơ đăng ký xe chuyên dùng có thời hạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến quy định của pháp luật, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

– Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Bài viết liên quan