MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ BẢN ÁN SƠ THẨM VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HÌNH THỨC CỦA GIAO DỊCH DÂN SỰ
Giao dịch dân sự là một quan hệ pháp luật phổ biến trong đời sống xã hội được biểu hiện dưới những hình thức nhất định, như lời nói, văn bản, bằng hành vi. Xã hội ngày càng phát triển, các giao dịch dân sự cũng ngày càng đa dạng, phức tạp và hình thức của giao dịch dân sự được xác định tùy thuộc vào từng thể loại giao dịch. Thực tế hiện nay, khi số lượng và giá trị tài sản trong giao dịch dân sự ngày càng lớn, đa dạng và phong phú thì vấn đề không tuân thủ đúng quy định về hình thức của giao dịch dân sự cũng nảy sinh nhiều dạng tranh chấp phức tạp. Do đó, làm rõ những vấn đề liên quan đến hình thức của giao dịch dân sự luôn là nội dung then chốt của giao dịch dân sự, góp phần đảm bảo hiệu quả thực thi của luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan. Nhằm xây dựng một góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề này nhóm chúng em xin lựa chọn đề số 4 liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hình thức của giao dịch dân sự làm đề tài nghiên cứu.
1. Từ bản án, quyết định đã sưu tầm được, tóm tắt nội dung vụ việc dưới dạng tình huống
Trong khoảng thời gian từ 2012-2013, vợ chồng ông Đ bà T thường xuyên mua hạt điều nhân từ gia đình nhà bà B (tên thật là Nguyễn Thị T – mẹ vợ ông T). Bà B và vợ chồng ông T, bà P đều có xưởng điều riêng nên vợ chồng ông Đ, bà T mua hạt điều nhân không cố định một xưởng, việc mua bán trao đổi giữa các bên bằng miệng. Tuy nhiên ông T phủ nhận việc có quan hệ với bà T, chỉ có giao dịch mua bán xảy ra giữa mẹ vợ ông T (bà B) và bà T. Ngày 27/5/2013, sau khi đã trao đổi qua điện thoại với bà T, gia đình bà B tổ chức đám cưới cho con trai nên không thể trực tiếp đi nhận số điều thừa còn lại từ bà T. Ông T được mẹ vợ – bà B nhờ đi cân xe điều giùm. Phiếu cân xe số 110 ngày 27/05/2013 của Công ty TNHH N chỉ có 01 bản duy nhất do vợ chồng ông Đ, bà T giữ, thể hiện số lượng hàng là 4169kg x 23 (giá tiền) = 95.887.000 đồng. Ông T cân điều và ký, ghi rõ họ tên “Mai Phạm T” trong Phiếu cân, ngay bên dưới số tiền 95.887.000 đồng.
Vì có nhiều Phiếu cân xe nên ông Đ đã ghi tại mặt sau tờ Phiếu cân xe ngày 27/5/2013 dòng chữ “mẹ P chưa T toán tiền”. Sau này ông Đ sửa lại thành chữ “Chú T nợ chưa T toán”, ba chữ “chú T nợ” có dấu hiệu viết đè lên, các chữ bị xóa, màu mực viết khác nhau, không có chữ ký xác nhận của ông T hoặc bà B.
Ông T hẹn khoảng 01 tuần đến 10 ngày trả tiền nhưng ông không thực hiện theo đúng thỏa thuận. Bà T nhiều lần yêu cầu ông T trả nhưng ông T không chịu. Ông T và bà B đều cho rằng ông T chỉ là người nhận hộ hàng (hạt điều khô) cho mẹ vợ (bà B), nghĩa vụ trả tiền hàng thuộc về bà B. Tuy nhiên tháng 6/2013, gia đình bà B bể nợ nên đến nay vẫn chưa trả được tiền cho vợ chồng ông Đ, bà T.
Bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn ông Mai Phạm T trả số tiền đã nợ sau khi mua hàng 95.000.000 đồng. Yêu cầu khởi kiện của bà T được Hội đồng xét xử chấp nhận, buộc ông Mai Phạm T và bà Trần Thị Mỹ P có trách nhiệm trả bà Nguyễn Thị T và ông Nguyễn Xuân Đ số tiền nợ mua hàng chưa thanh toán là 95.000.000đ (Chín mươi lăm triệu đồng). Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và bà T, ông Đ có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông T, bà P chưa trả số tiền nêu trên thì còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Những điểm chưa phù hợp trong quyết định hoặc bản án sơ thẩm:
Những điểm chưa phù hợp trong quyết định hoặc bản án sơ thẩm ở đây là:
Một là, Toà án sơ thẩm đã bỏ qua nhiều tình tiết mâu thuẫn giữa lời khai giữa các đương sự mà không có sự đối chất cụ thể:
Căn cứ vào Điều 100 BLTTDS 2015 về việc đối chất, khi xét thấy sự việc có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, Thẩm phán sẽ tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cùng với lời khai của các bên có liên quan và ý kiến của Đại diện viện kiểm sát, xét thấy có sự mâu thuẫn nhưng Tòa án không tiến hành đối chất các đương sự.
Tòa án đã bỏ qua sự mâu thuẫn từ lời khai của hai bên về mối quan hệ giữa các đương sự. Nguyên đơn bà T trình bày: Bà và vợ chồng ông T, bà P có quen biết nhau do bà thường xuyên mua hạt điều nhân của vợ chồng ông T, bà P và bà B trong khoảng thời gian năm 2012, 2013. Nhưng theo lời khai của bị đơn ông T thì ông và bà T không có quan hệ gì với nhau. Bên cạnh đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà B khai: Bà và bà T có quan hệ mua bán điều với nhau trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2013. Bà T mua hạt điều khô rồi bán lại cho bà, bà mua điều của bà T về chế biến rồi bán ra thị trường.
Lời khai về việc xác nhận mua bán giữa các bên đương sự có sự mâu thuẫn. Nguyên đơn bà T khai rằng: khoảng ngày 20/5/2013 ông T hỏi mua điều hột (điều nguyên liệu) của bà. Vào ngày 27/05/2013, vợ chồng bà chở xe điều hột đến Công ty TNHH N cân điều để giao cho ông T. Còn bà B trình bày: 27/5/2013 bà T gọi điện bảo bà lấy giùm số điều còn lại sau khi bà T đã bán cho người khác. Bà đã nhờ ông T ra trạm cân TNHH N để cân xe điều giùm.
Sự mâu thuẫn từ lời khai của các đương sự về chữ trên phiếu cân. Về mặt trước của Phiếu cân, theo lời khai của bị đơn, ông T cho biết rằng tại thời điểm ông kí và viết “Mai Phạm T”, trên phiếu cân chỉ thể hiện trọng lượng xe tải và trọng lượng hàng, ngoài ra không có bất cứ chữ viết nào của bà T. Về sau, ông mới biết bà T đã tự ghi số lượng điều, giá điều và số tiền chưa thanh toán. Đối chiếu với lời khai của nguyên đơn bà T: Ông Mai Phạm T là người tự tính toán số lượng hàng sau khi cân, tự nâng giá điều và tự ký vào Phiếu cân xe. Toàn bộ chữ ký và chữ viết trong Phiếu cân xe ngày 27/5/2013 là chữ của ông T, do ông T tự viết.
Hai là, Nhận định của Toà chưa phù hợp do chưa xác định rõ đối tượng ghi số lượng điều, giá điều, số tiền chưa thanh toán trong phiếu cân ngày 27/05/2013.
Theo Khoản 2 Điều 102, Điều 108 BLTTDS 2015 và Khoản 4 Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, phiếu cân xe là một chứng cứ quan trọng trong vụ việc tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn. Mặt trước phiếu cân xe bao gồm những thông tin mật thiết: thời gian xảy ra vụ việc (27/5/2013), trọng lượng xe tải, trọng lượng hàng, tổng số tiền hàng cần thanh toán, thông tin xác nhận của bà T và thông tin xác nhận của ông T. Còn mặt sau phiếu cân xe bao gồm dòng chữ “Chị B (mẹ P) chưa T toán” do bà T ghi vào ngày 27/5/2013. Sau đó ông Đ thừa nhận đã sửa lại thành “ Chú T nợ chưa T toán” – 3 chữ “ Chú T nợ” có dấu hiệu bị gạch xoá, viết đè, màu mực khác nhau. Mặt sau phiếu cân không hề có chữ kí xác nhận của bà B hay ông T.
Ở phần nhận định của Tòa, Toà án chỉ căn cứ vào tình tiết có chữ kí xác nhận của ông T trên phiếu cân để ra quyết định ông T có nghĩa vụ trả tiền hàng còn nợ cho bà T. Những chi tiết như chữ viết trên mặt trước giấy cân về số tiền hàng chưa thanh toán, trọng lượng hàng là bao nhiêu, được viết vào trước hay sau khi ông T kí và ghi họ tên đều bị Toà án bỏ qua, không xét tới.
Trường hợp bà T khai khống trọng lượng hàng và số tiền chưa thanh toán thì ông T vẫn phải thanh toán toàn bộ số tiền mà bà T khai khống. Bởi vì theo nhận định của Tòa, ông T có nghĩa vụ trả tiền hàng còn nợ cho bà T dựa trên tình tiết có chữ kí xác nhận của ông T trên phiếu cân
Ba là, Nhận định của Tòa án chưa đủ căn cứ để chứng minh ông T có nghĩa vụ phải trả nợ cho nguyên đơn bà T
Việc đối chiếu giữa lời khai của ông T và bà B cho thấy sự thống nhất giữa hai người về việc bà B đã nhờ ông T nhận hàng (thực hiện mua bán điều với bà T) hộ bà, cụ thể như sau:
Lời khai của ông T: “Ngày 27/5/2013, do gia đình vợ ông có đám cưới hay đám hỏi (ông không nhớ chính xác do thời gian đã lâu) em trai vợ ông nên mẹ vợ ông (bà T) có nhờ ông đến trạm cân của Công ty TNHH N cân điều nguyên liệu (điều thô) do bà T (nguyên đơn) bán cho mẹ vợ tôi” và “Ông không đồng ý trả tiền cho bà T vì ông chỉ là người nhận hàng điều nguyên liệu hộ mẹ vợ ông chứ ông không phải là người mua của bà T.”
Lời khai của bà B: “Bà đã nhờ con rể (Mai Phạm T) ra trạm cân N để cân xe điều giùm.” và “Số tiền này là bà nợ bà T (nguyên đơn) chứ không liên quan gì đến ông T vì ông T chỉ là người đi cân hàng giùm bà.”
Căn cứ theo Điều 142 BLDS 2005 và sự thống nhất giữa hai lời khai của ông T, bà B có thể cho thấy bà B đã ủy quyền cho ông T việc đi nhận hàng điều nguyên liệu từ bà T bán theo hình thức ủy quyền bằng lời nói. Như vậy, ông T đã thay mặt bà B xác lập giao dịch dân sự với bà T. Hơn nữa, việc ông Đ tự ý sửa dòng chữ “mẹ P chưa T toán tiền” thành chữ “chú T nợ chưa T toán” mà không có chữ kí xác nhận của ông T hoặc bà B cho thấy căn cứ chưa đủ chứng minh ông T có nghĩa vụ trả nợ cho bà T. Theo phiếu cân xe ngày 27/05/2013, ở mặt trước đã có chữ kí của của ông T, nhưng lúc đầu ông Đ đã viết ở mặt sau là “mẹ P chưa T toán tiền” rồi sau đó mới sửa lại. Bên cạnh đó, theo lời khai của bà B “Do tháng 6/2013, gia đình bà bể nợ nên đến nay bà vẫn chưa trả được tiền cho bà T”. Như vậy, chi tiết này có thể cho thấy rằng việc ông Đ tự ý sửa chữ viết nhằm mục đích muốn ông T thay bà B trả nợ, thanh toán nhanh số tiền 95.887.000 đồng cho vợ chồng ông.
Bốn là, Hình thức bản án sơ thẩm có chỗ sai sót
Căn cứ nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao) xét thấy bản án số 22/2021/DS-ST, ngày 16/07/2021, vụ việc “ Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” đã có sai sót về hình thức là phần quốc hiệu tiêu ngữ. Theo nghị quyết và theo bản mẫu số 52 phần đầu của bản án phải đủ hình thức, đây là sai sót có thể khắc phục được ngay. Trên đây là những góp ý của nhóm để góp phần hoàn thiện bản án.
3. Quan điểm giải quyết vụ việc phù hợp với quy định của pháp luật
Sau quá trình xem xét nội dung và quyết định của bản án số 22/2021/DS-ST, ngày 16/7/2021,V/v “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”, nhóm nhận thấy còn chứa nhiều điểm chưa hợp lí, sau đây là quan điểm của nhóm để giải quyết vụ việc phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ 1, Tòa án cần thu thập thêm, xác minh toàn bộ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc này
Trước tiên, trong khâu thu thập tài liệu, lập hồ sơ Tòa cần thiết phải cho thu thập thêm tài liệu liên quan đến vụ việc. Căn cứ vào Điểm g Khoản 2 điều 97 BLTTDS 2015, các tài liệu Tòa có thể thu thập, yêu cầu các đương sự cung cấp thêm bao gồm: Bằng chứng chứng minh bà T có mối quan hệ quen biết với ông T và bà P do hay mua bán điều do bà T – nguyên đơn cung cấp; Bằng chứng chứng minh rằng vào ngày 21/4/2013 (âm lịch) tức ngày 27/5/2013 có diễn ra đám cưới của con trai bà, việc ông T có nhận được sự ủy quyền từ bà để đi cân điều giùm (nếu có) do bà B – người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan cung cấp; Bằng chứng minh mình chỉ là người đi lấy điều hộ cho bà B do ông T – bị đơn cung cấp.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điểm e Khoản 2 điều 97 BLTTDS năm 2015, khi xét thấy cần thiết, Tòa phải cho tiến hành xác minh cuộc điện thoại giữa nguyên đơn và bà B. Việc xác minh cuộc điện thoại được cho là thiết yếu vì sẽ xác thực được cuộc giao dịch mua bán này được xác lập giữa những ai. Tòa còn có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ việc đang được lưu giữ theo như Khoản 3 Điều 106 BLTTDS 2015. Với quan điểm của nhóm, dựa vào Khoản 2 Điều 102 và Điều 108 BLTTDS 2015, Tòa cần trưng cầu giám định thêm và đánh giá lại tờ phiếu cân – chứng cứ gốc, bởi có sự mập mờ từ chữ viết ghi các thông tin quan trọng của giao dịch.
Thứ 2, Tòa án cần tiến hành đối chất, xét hỏi lời khai của các đương sự liên quan đến vụ việc
Đầu tiên, trong quá trình thu thập chứng cứ lời khai của các đương sự xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự bao gồm bà T, bà B, ông T, ông Đ, khi đó thẩm phán cần phải tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau căn cứ theo khoản 1 điều 100 BLTTDS 2015. Qua việc đối chất ta mới giải quyết được mâu thuẫn, xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa của các đương sự để tìm ra sự thật của vụ việc.
Tiếp đến, trong quá trình tranh tụng trong phiên tòa:
Một, Chủ tọa phiên tòa cần hỏi nguyên đơn về những vấn đề mà nguyên đơn trình bày chưa rõ, mâu thuẫn với lời trình bày của bị đơn như: Nguyên đơn nói toàn bộ chữ viết và chữ ký của ông T trong Phiếu cân xe ngày 27/5/2013 là do ông tự viết…, căn cứ theo Khoản 2 Điều 250 BLTTDS 2015,
Hai, Chủ tọa phiên tòa cần hỏi bị đơn – ông T về những vấn đề mà bị đơn trình bày chưa rõ, mâu thuẫn với lời khai của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Đ như: ông không có quan hệ gì với vợ chồng ông Đ, chữ kí trên phiếu cân là của ông còn các thông tin còn lại do nguyên đơn tự ghi…căn cứ theo Khoản 2 Điều 251 BLTTDS 2015,
Ba, Chủ tọa phiên tòa cần hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà B về những vấn đề có mâu thuẫn trong lời khai của bà với lời khai của nguyên đơn như: Theo bà T trình bày vào khoảng ngày 20/5/2013, ông T hỏi mua điều hột (điều nguyên liệu) của bà, hai bên thỏa thuận giá 23.000 đồng/kg. Tuy nhiên bà B khai trong lúc đang làm lễ thì bà T gọi điện bảo bà lấy giùm số điều còn lại sau khi bà T đã bán cho người khác…, căn cứ theo Khoản 2 Điều 252 BLTTDS 2015.
Qua việc đối chất, xét hỏi của tòa án: Ta có thể làm rõ, giải quyết được phần nào mâu thuẫn, xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa của các đương sự để tìm ra sự thật, qua đó đánh giá đúng bản chất của vụ việc.
Thứ 3, Tòa án cần đánh giá khách quan, chính xác nhất những tình tiết quan trọng của vụ việc
Tình tiết đầu tiên: Sự kiện đám cưới của con trai bà B có diễn ra trong ngày thực hiện giao dịch hay không. Theo lời khai của bà B, ngày 21/4/2013 (âm lịch) tức ngày 27/5/2013 gia đình bà có tổ chức đám cưới cho con trai, vì vậy bà đã nhờ con rể – ông T đi lấy điều hộ, chính ông T đã xác nhận điều này trong lời khai của mình. Theo quan điểm của nhóm, đây là chi tiết quan trọng, bởi khi xác minh được sẽ biết rõ những ai đã xác lập giao dịch với nhau, việc nhờ ông T đi lấy điều hộ là đúng sự thật. Điều này tạo cơ sở để đánh giá ông T có phải là người có nghĩa vụ trả nợ trong cuộc giao dịch này không.
Tình tiết tiếp theo: Có sự mập mờ trong chữ viết xác định người trả nợ phía sau phiếu cân xe, bởi ban đầu mặt sau có ghi: “Chị B (mẹ P) chưa T toán tiền”, tuy nhiên chính ông Đ đã thừa nhận ông là người tự viết tự sửa thành: “chú T nợ chưa T toán”. Nhóm cho rằng đây là tình tiết hết sức uẩn khúc, không minh bạch, rõ ràng: Có sự thay đổi con nợ trong ý thức của vợ chồng Đ – chuyển từ bà B sang ông T (do biết được bà B đã bị bể nợ vào tháng 6 và không còn khả năng thanh toán khoản nợ cho gia đình mình). Ngoài ra do ông Đ là chồng của nguyên đơn nên sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho vợ mình. Đây là bằng chứng khách quan để xác nhận ông T hay bà B mới là người có nghĩa vụ trả nợ.
Tình tiết cuối cùng: Cuộc điện thoại giữa bà T với bà B có xác lập giao dịch giữa hai người hay không. Bởi theo Khoản 1 Điều 124 của BLDS 2005, hình thức của giao dịch dân sự có thể thực hiện bằng lời nói. Đây được coi là chứng cứ quan trọng để xác nhận ai là nghĩa vụ trả nợ cho bà T, đồng thời trên thực tế việc xác định này là hoàn toàn có cơ sở dựa trên lịch sử, nội dung cuộc gọi được lưu lại trên các nhà mạng mà hai bên sử dụng.
Câu 4: Từ việc phân tích vụ án, nhóm hãy đưa ra kiến nghị hoàn thành quy định pháp luật hiện hành:
Từ quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về bản án số 22/2021/DS-ST, Ngày 16/7/2021, tòa án nhân dân huyện Phú Riềng, nhóm chúng em xin phép đưa ra 1 số ý kiến, kiến nghị để hoàn thành các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề của nhóm nghiên cứu:
Thứ nhất, bổ sung quy định liên quan tới hình thức ủy quyền trong Bộ luật Dân sự.
Tại Khoản 1 Điều 143 BLDS 2005 có quy định: “ Người đại diện theo ủy quyền gồm: Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.” (Nội dung này còn được quy định trong Điều 138 BLDS 2015).
Như vậy, theo như quy định này quan hệ ủy quyền là quan hệ giữa một bên ủy quyền và một bên được ủy quyền. Việc ủy quyền được xác lập giữa một cá nhân với một cá nhân hoặc giữa người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Như vậy, quy định trên đã xác định rất rõ người đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc tranh cãi trong giao dịch dân sự liên quan đến người đại diện theo ủy quyền và đặc biệt là việc hình thức ủy quyền. Điển hình như vụ việc trên khi ông T được mẹ vợ ủy quyền đi mua điều bằng lời nói. Tại Tòa bà mẹ cũng đã xác nhận ông T là người đại diện theo ủy quyền của bà thực hiện giao dịch dân sự (đi mua điều của vợ chồng T), nhưng Tòa án xác thực không có căn cứ pháp lý nào về xác lập người đại diện theo ủy quyền bằng lời nói. Bởi trong bộ luật dân sự không quy định cụ thể về hình thúc ủy quyền này. Tại Khoản 2 Điều 142 BLDS 2005 quy định về hình thức ủy quyền: “Do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản”. Vấn đề này đã không còn được quy định tại BLDS 2015 nữa. Hình thức ủy quyền chỉ còn tìm thấy gián tiếp tại Khoản 1 Điều 140 về thời hạn đại diện: “ Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật”. Theo Điều 140 trên, pháp luật vẫn ghi nhận hình thức ủy quyền bằng văn bản nhưng cũng không quy định việc ủy quyền không được thể hiện bằng hình thức khác. Do đó Tòa vẫn quyết định chấp nhận đơn kiện của bà T và buộc ông T phải thanh toán đầy đủ số tiền trong cuộc giao dịch.
Chính vì vậy, nhóm chúng em muốn kiến nghị, khi sửa đổi bổ sung luật bên cạnh việc xác định người đại diện theo ủy quyền như trên thì cần bổ sung thêm một số điều khoản về hình thức xác lập người đại diện theo ủy quyền bằng lời nói để phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống, đời sống xã hội và bảo vệ, quyền và lợi ích của người đại diện theo ủy quyền.
Thứ hai, xây dựng Luật Hợp đồng thống nhất
Hợp đồng là sự thỏa thuận nhằm phục vụ lợi ích của các bên. Ngoài việc thỏa thuận vì lợi ích này, hợp đồng còn là sự thỏa thuận nhằm chia sẻ rủi ro. Lợi ích và rủi ro chính là tiền đề làm các quan hệ xã hội ngày càng phát sinh nhiều biến thể. Chính vì thế mà hợp đồng trở nên phổ biến và bao quát trong đời sống xã hội và ký kết hợp đồng – hay còn gọi là cách thức để sự thỏa thuận có giá trị pháp lý nhất định – được pháp luật bảo vệ. Trên thực tế, tranh chấp hợp đồng có thể phát sinh bất cứ lúc nào, từ hành vi thực hiện hợp đồng hay từ những điều khoản ký kết trong hợp đồng. Cũng vì thế mà pháp luật hợp đồng phải ngày càng được hoàn thiện và minh bạch.
Phạm vi của pháp luật hợp đồng tương đối rộng, là đạo luật điều chỉnh hành vi thỏa thuận giữa các bên, là công cụ đại diện cho mưu cầu lợi ích kinh tế của cá nhân và tổ chức. Vì vậy, xét về phạm vi và đối tượng điều chỉnh thì chúng ta nên ưu tiên xây dựng một Luật Hợp đồng riêng biệt. Với xu hướng giản lược BLDS, các nguyên tắc và các vấn đề chung của hợp đồng sẽ được quy định chung cho tất cả các hợp đồng không phân biệt dân sự, thương mại hay hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Trên thực tế, ngày càng xuất hiện các loại hợp đồng với nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, việc phân chia các loại hợp đồng trong BLDS và các đạo luật chuyên ngành khác lại dựa trên đối tượng của hợp đồng. Cách phân loại như thế không có cơ sở khoa học và dẫn đến nhiều hệ lụy. Do đó, cần phải rà soát trên thực tế các loại hợp đồng, quy định các loại hợp đồng theo phân nhóm chủng loại hợp đồng để tránh trường hợp Luật lạc hậu so với thực tiễn. Việc sắp xếp chủng loại hợp đồng phải dựa trên hành vi và mục đích giao kết chứ không dựa trên đối tượng hợp đồng.
Như vậy, qua việc nghiên cứu, phân tích bản án số: 22/2021/DSST của Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước nhóm đã đưa ra những quan điểm về cách giải quyết, từ đó củng cố cũng như nâng cao kiến thức về giải quyết các tranh chấp liên quan đến hình thức của giao dịch dân sự. Qua đó ta cũng thấy được những bất cập còn tồn tại, điều đó đòi hỏi sự hoàn thiện hơn nữa của hệ thống tư pháp nói chung và Bộ luật dân sự nói riêng nhằm hạn chế đáng kể những mâu thuẫn tranh chấp phát sinh trong thực tiễn để từ đó quyền, lợi ích chính đáng của con người được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ.
Tham khảo thêm Bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp về xác định người thừa kế