QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN
Di sản là tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người còn sống. Thừa kế là quyền của người để lại di sản, được phép chuyển quyền sử dụng, sở hữu tài sản từ người chết cho những người thừa kế di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên không phải trường hợp nào người nhận di sản cũng mong muốn được nhận tài sản từ người đã mất. Bài viết sau đây của Việt Chính Luật sẽ phân tích tới quý độc giả quy định về từ chối nhận di sản và mẫu đơn từ chối nhận di sản hiện nay.
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
1. Từ chối nhận di sản là gì?
Theo Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về từ chối nhận di sản như sau:
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
Theo quy định trên, từ chối nhận di sản là quyền của người thừa kế. Hiện nay Bộ luật Dân sự không có định nghĩa cụ thể về khái niệm “từ chối nhận di sản”. Tuy nhiên, có thể hiểu từ chối nhận di sản là việc người thừa kế di sản (kể cả theo di chúc và theo pháp luật) từ chối, khước từ quyền được hưởng di sản của mình.
Quy định của pháp luật về từ chối nhận di sản
2. Thời điểm từ chối nhận di sản
Việc từ chối nhận di sản phải được diễn ra sau thời điểm mở thừa kế, tức là khi người để lại di sản mất, bởi vì chỉ khi người để lại di sản mất thì mới xác định được chính xác ai là người được hưởng di sản. Chỉ những người có quyền được hưởng di sản thì mới có quyền được từ chối di sản. Tuy nhiên, việc từ chối cũng phải đồng thời được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản.
3. Điều kiện từ chối nhận di sản
– Về chủ thể từ chối: Phải là người thừa kế của người để lại di sản. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (Điều 613 Bộ luật Dân sự). Người thừa kế là người được chỉ định hưởng di sản theo di chúc, hoặc theo quy định của pháp luật.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Về hình thức: việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Trong đó người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản
– Việc từ chối nhận di sản không nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ của người từ chối với người khác. Nghĩa vụ này có thể nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ nuôi dưỡng, nghĩa vụ vay mượn,…
4. Văn bản từ chối nhận di sản có phải công chứng hay không?
Điều 59 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản như sau:
“Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết. người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản.”
Như vậy, việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải công chứng tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Văn bản từ chối nhận di sản nếu đáp ứng được các điều kiện trên thì sẽ có hiệu lực pháp luật.
5. Hậu quả pháp lý khi từ chối nhận di sản
Hậu quả pháp lý đầu tiền khi người được nhận di sản từ chối quyền được hưởng di sản của mình là không được quyền sử dụng, sở hữu tài sản mà lẽ ra họ sẽ được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Chính vì họ từ chối được hưởng phần quyền đối với di sản, vì vậy đương nhiên họ cũng không phải thực hiện những nghĩa vụ mà người để lại di sản để lại. Sau khi từ chối nhận di sản, di sản sẽ tiếp tục được phân chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
6. Mẫu văn bản từ chối nhận di sản
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
VĂN BẢN TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN
Hôm nay, ngày {…} tháng {…} năm {…}, chúng tôi gồm:
1. Ông/Bà {…}, sinh ngày {ghi rõ ngày tháng năm sinh}, Căn cước công dân số {…} do {…} cấp ngày {…}; đăng ký hộ khẩu thường trú tại: {…} (là {…} của ông/bà {…} theo Giấy khai sinh/Giấy đăng ký kết hôn số {…}, đăng ký ngày {…} tại {…});
2. Ông/Bà {…}, sinh ngày {ghi rõ ngày tháng năm sinh}, Căn cước công dân số {…} do {…} cấp ngày {…}; đăng ký hộ khẩu thường trú tại: {…} (là {…} của ông/bà {…} theo Giấy khai sinh/Giấy đăng ký kết hôn số {…}, đăng ký ngày {…} tại {…});
Chúng tôi tự nguyện cùng nhau lập Văn bản này để từ chối nhận di sản với những nội dung như sau:
I. Quan hệ thừa kế:
Bằng Văn bản này, chúng tôi khai đúng sự thật rằng:
- Chúng tôi (những người có thông tin nêu trên) là cha đẻ/mẹ đẻ/vợ/chồng/con (nêu rõ mối quan hệ với người để lại di sản) của ông/bà {…};
- Ông/Bà {…}, sinh ngày {…}, đã chết ngày {…}, nơi thường trú cuối cùng trước khi chết: {…} (theo Giấy chứng tử số {…}, quyển số {…}, đăng ký ngày {…} tại {…});
- Trước khi chết, ông/bà {…} không để lại Di chúc và đến thời điểm này chưa phát sinh cũng như xác định được ông/bà {…} có nghĩa vụ tài sản nào không;
- Theo quy định của pháp luật về thừa kế, chúng tôi là những người được hưởng di sản của ông/bà {…} (nêu tại Mục II Văn bản này) theo quy định của Điều 651 Bộ luật Dân sự và không thuộc trường hợp “người không được quyền hưởng di sản” theo Điều 621 Bộ luật Dân sự.
1. Di sản:
Ông {…} và bà {…} là đồng chủ sử dụng/sở hữu quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số {…}, MS: {…}, Số QĐ cấp: {…}, do {…} cấp ngày {…}, mang tên ông/bà{…}. Cụ thể như sau:
* Thửa đất:
– Địa chỉ: {…};
– Diện tích: {…}m2 ({…}mét vuông).
– Hình thức sử dụng: Sử dụng riêng: {…}m2, Sử dụng chung: {…}m2
– Mục đích sử dụng: Đất ở đô thị.
– Thời hạn sử dụng: Lâu dài.
Nguồn gốc sử dụng: Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất.
* Tài sản gắn liền với đất:
{…}
2. Như vậy, theo quy định của pháp luật, di sản mà ông/bà {…} để lại là quyền sở hữu/sử dụng một phần hai tài sản nêu tại điểm 1, Mục II Văn bản này.
(Quyền sở hữu/sử dụng một phần hai tài sản còn lại là của ông/bà {…} – Theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và Gia đình).
III. Nội dung từ chối nhận di sản:
Bằng Văn bản này, chúng tôi tự nguyện từ chối nhận toàn bộ phần quyền thừa kế mà chúng tôi được hưởng từ ông/bà {…} đối với di sản do ông/bà {…} để lại nêu tại điểm 2 Mục II Văn bản này và tất cả những tài sản khác thuộc quyền sở hữu/sử dụng của ông/bà {…} (nếu có).
Chúng tôi xin cam đoan, cam kết tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nội dung sau:
1. Những thông tin về nhân thân, về tài sản đã ghi trong Văn bản từ chối nhận di sản này là đúng sự thật.
2. Việc từ chối nhận di sản nêu trên là hoàn toàn tự nguyện, dứt khoát, không bị lừa dối, không bị ép buộc, không giả tạo, không nhằm che giấu bất kỳ giao dịch nào; không nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ tài sản nào mà chúng tôi phải thực hiện. Nếu có điều gì sai trái, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật;
3. Chúng tôi đã tự đọc/nghe đọc toàn bộ nội dung Văn bản này và các quy định của pháp luật có liên quan; chúng tôi đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình, hậu quả pháp lý của việc ký Văn bản này và cùng ký tên/điểm chỉ dưới đây để làm bằng chứng.
NHỮNG NGƯỜI TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN
(Ký/điểm chỉ, ghi rõ họ tên)
Trên đây là bài viết về quy định từ chối nhận di sản. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 0987.062.757 – 0911.111.099.