MẪU HỢP ĐỒNG TẶNG CHO SỔ TIẾT KIỆM TỪ BỐ MẸ CHO CON
Tặng cho sổ tiết kiệm là một hình thức tặng cho không còn xa lạ đối, nhất là sau khi đại dịch Covid – 19 diễn ra, người dân thường có xu hướng sử dụng và thanh toán bằng phương thức chuyển khoản, quét thẻ ngân hàng và gửi tiền vào tài khoản ngân hàng thay vì tích trữ tiền mặt.
Vậy tặng cho sổ tiết kiệm được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết sau đây của Việt Chính Luật sẽ làm rõ tới Quý độc giả quy định về tặng cho sổ tiết kiệm và mẫu hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm đầy đủ, chi tiết nhất hiện nay.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Công chứng năm 2014;
- Thông tư 111/2013/TT-BTC;
1. Hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm là gì?
Điều 457 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tặng cho tài sản như sau: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”.
Như vậy, hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm từ bố mẹ cho con là sự thỏa thuận giữa bố mẹ và các con về việc tặng cho, giao tài sản của mình là toàn bộ số tiền tiết kiệm, cả gốc và lãi cho các con mà không yêu cầu đền bù và các con đồng ý nhận khoản tiền gửi trong sổ tiết kiệm đó.
Tặng cho sổ tiết kiệm từ bố mẹ cho con
Lưu ý rằng, Hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm thực chất không phải là tặng cho chiếc sổ tiết kiệm mà là tặng cho khoản tiền trong sổ tiết kiệm.
2. Hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm cho con có cần công chứng hay không?
Hiện nay có 02 phương thức tặng cho số tiền trong sổ tiết kiệm cho con,
Thứ nhất: Hai bên tặng cho và bên nhận tặng cho trực tiếp ra ngân hàng làm thủ tục chuyển nhượng. Các bên mang theo căn cước công dân/chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác. Bên tặng cho rút toàn bộ số tiền tiết kiệm và bên nhận tặng cho nhận khoản tiền mà bên tặng cho chuyển giao cho bên được tặng cho. Quy trình, thủ tục tùy thuộc vào quy định riêng của từng ngân hàng mà bên tặng cho gửi sổ tiết kiệm.
Thứ hai: Hai bên tặng cho và nhận tặng cho lập Hợp đồng đồng tặng cho tài sản. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, Hợp đồng tặng cho phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
+ Về chủ thể: Bố mẹ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, minh mẫn, sáng suốt, không bị ai ép buộc. Đối với con thì trong trường hợp không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể thực hiện giao dịch thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật.
+ Về tài sản: Số tiền trong sổ tiết kiệm đáp ứng được điều kiện không được có tranh chấp, không nằm trong diện thế chấp, cưỡng chế kê biên để đảm bảo thi hành án và đáp ứng các yêu cầu khác tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Hiện nay, không có quy định Hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm phải được công chứng và chứng thực. Bộ luật Dân sự năm 2015 về Hợp đồng tặng cho tài sản chỉ bắt buộc công chứng, chứng thực đối với những động sản và bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Số tiền trong sổ tiết kiệm không phải là động sản phải đăng ký, cho nên Hợp đồng tặng cho tài sản (sổ tiết kiệm) không cần phải công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên trên thực tế, để thực hiện tặng cho sổ tiết kiệm, ngân hàng thường yêu cầu Hợp đồng tặng cho tài sản (sổ tiết kiệm) phải được công chứng, chứng thực. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ nếu Hợp đồng tặng cho tài sản (sổ tiết kiệm) không được các tổ chức hành nghề công chứng chứng thực về nội dung và hình thức thì ngân hàng không thể nắm được chủ thể của hợp đồng tặng cho có đúng trên thực tế hay không, nội dung của Hợp đồng có đúng quy định của pháp luật hay không, do đó mà rủi ro và tranh chấp nếu ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền theo Hợp đồng tặng cho tái sản không có công chứng, chứng thực là rất cao.
3. Tặng cho sổ tiết kiệm giữa bố mẹ và con cái có mất phí hay không?
Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế thu nhập cá nhân, theo đó, các trường hợp sau đây phải đóng thuế thu nhập cá nhân:
– Thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế; thu nhập từ nhận quà tặng.
Trong đó, phải đóng thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ quà tặng trong những trường hợp như sau:
+ Đối với nhận quà tặng là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
+ Đối với nhận quà tặng là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân, vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.
+ Đối với nhận quà tặng là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ quà tặng là bất động sản hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
+ Đối với nhận quà tặng là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.
Như vậy, tặng cho tài sản (sổ tiết kiệm) không phải trường hợp phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
4. Mẫu Hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm từ bố mẹ cho con cái có công chứng.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TÀI SẢN
Hôm nay, ngày {…} tháng {…} năm …, trước sự chứng kiến của …, chúng tôi gồm:
BÊN TẶNG CHO (Bên A):
- Ông {…}, sinh năm {…}, Căn cước công dân số {…} do {…} cấp ngày {…};
- Và bà {…}, sinh năm {…}, Căn cước công dân số {…} do {…} cấp ngày {…};
Cả hai ông bà cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại: {…};
Ông {…} và bà {…} là vợ chồng theo Giấy chứng nhận kết hôn số {…}, quyển số {…}, đăng ký ngày {…} tại Ủy ban nhân dân {…}.
BÊN NHẬN TẶNG CHO (Bên B):
Ông/Bà {…}, sinh năm {…}, Căn cước công dân số {…} do {…} cấp ngày {…};
Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: {…};
Ông/Bà {…} là {…} của ông {…} và bà {…} theo Giấy khai sinh số {…}, quyển số {…}, đăng ký ngày {…} tại Ủy ban nhân dân {…}.
Hai bên tự nguyện cùng nhau lập và ký Hợp đồng này để thực hiện việc tặng cho tài sản theo các thỏa thuận sau đây:
Điều 1: ĐỐI TƯỢNG CỦA HỢP ĐỒNG
1.1. Đối tượng của hợp đồng là khối tài sản của Bên A bao gồm toàn bộ khoản tiền (cả gốc và lãi) gửi tại Ngân hàng {…} theo {…} số {…} mang tên ông/bà {…}, cụ thể như sau: số tiền giao dịch {…} (Bằng chữ: {…}), kỳ hạn {…} tháng, ngày gửi {…}, số tài khoản {…}, lãi suất {…};
1.2. Bên A đồng ý tặng cho và Bên B đồng ý nhận tặng cho toàn bộ tài sản nêu tại khoản 1.1 theo các thỏa thuận ghi trong Hợp đồng này.
Điều 2: ĐIỀU KIỆN TẶNG CHO
Việc tặng cho này là tự nguyện, dứt khoát và không kèm theo bất kỳ điều kiện nào.
Điều 3: VIỆC GIAO NHẬN, ĐĂNG KÝ QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
3.1. Bên A có nghĩa vụ giao cho Bên B tài sản cùng với giấy tờ về quyền sở hữu tài sản nêu tại khoản 1.1 Điều 1 ngay sau khi Hợp đồng này được ký công chứng, đồng thời có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để Bên B thực hiện hoàn tất việc đăng ký sang tên quyền sở hữu tài sản mà Bên A đã tặng cho; Việc giao và nhận nêu trên do hai bên tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật;
3.2. Bên B có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký sang tên quyền sở hữu tài sản tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện các thủ tục cần thiết để nhận tài sản nêu trên.
Điều 4: NGHĨA VỤ NỘP THUẾ, PHÍ VÀ LỆ PHÍ
4.1. Phí, thù lao công chứng Hợp đồng này do Bên A/B nộp;
4.2. Bên A/B có nghĩa vụ nộp toàn bộ các khoản thuế, phí, lệ phí có liên quan đến việc nhận tài sản tặng cho nêu trên theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền;
Điều 5: PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG
Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 6: CAM ĐOAN CỦA CÁC BÊN
Các bên xin tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau:
6.1. Các bên cùng cam đoan:
- Trên cơ sở đã tìm hiểu kỹ, biết rõ nhân thân của mỗi bên, thông tin và thực trạng về tài sản, các quy định pháp luật có liên quan; các bên cùng nhất trí thoả thuận, xác lập Hợp đồng này và xin tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, bằng chính tài sản của mình, cùng những thiệt hại xảy ra (nếu có);
- Các bên không yêu cầu Công chứng viên xác minh hay yêu cầu giám định về tài sản, các giấy tờ tài sản, giấy tờ nhân thân của mỗi bên;
- Các bên xin tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ mà các bên đã xuất trình trước Công chứng viên để lập Hợp đồng này. Các bên cùng xác nhận và cam đoan rằng các giấy tờ trên do cơ quan có thẩm quyền cấp, không có sự giả mạo, tẩy xóa làm sai lệch nội dung.
6.2. Bên A cam đoan:
- Những thông tin về nhân thân, về quan hệ hôn nhân/tình trạng hôn nhân, về tài sản đã ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;
- Tài sản nêu trên hoàn toàn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Bên A và thuộc trường hợp được tặng cho theo quy định của pháp luật;
- Tại thời điểm giao kết Hợp đồng này: Tài sản nêu trên không có tranh chấp; không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, không bị ràng buộc hoặc hạn chế bởi bất kỳ một văn bản hay quyết định của cá nhân, tổ chức nào đối với quyền của chủ sở hữu;
- Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối và không bị ép buộc;
- Thực hiện đúng và đầy đủ các thoả thuận đã ghi trong hợp đồng này.
6.3. Bên B cam đoan:
- Những thông tin về nhân thân, về quan hệ hôn nhân/quan hệ huyết thống đã ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;
- Bên B đồng ý nhận tài sản tặng cho với các điều kiện như đã thỏa thuận trong Hợp đồng này, chấp nhận nộp các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật đối với tài sản đã nhận tặng cho;
- Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối và không bị ép buộc;
- Thực hiện đúng và đầy đủ các thoả thuận đã ghi trong hợp đồng này.
Điều 7: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
7.1. Bản Hợp đồng này có hiệu lực ngay sau khi hai bên ký kết và được công chứng;
7.2. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ Hợp đồng này chỉ có giá trị khi được hai bên lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng viên …. hoặc tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và chỉ được thực hiện khi chưa đăng ký sang tên quyền sở hữu tài sản theo Hợp đồng này;
7.3. Các bên đã tự đọc/nghe đọc, nghe Công chứng viên giải thích toàn bộ nội dung Hợp đồng này và các quy định của pháp luật có liên quan; các bên đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình, hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này và cùng ký tên/điểm chỉ dưới đây để làm bằng chứng.
BÊN TẶNG CHO
(Ký/điểm chỉ, ghi rõ họ tên) |
BÊN NHẬN TẶNG CHO
(Ký/điểm chỉ, ghi rõ họ tên) |
Trên đây là bài viết về Tặng cho sổ tiết kiệm từ bố mẹ cho con. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 0987.062.757 – 0911.111.099.