THAM KHẢO MỘT SỐ VẤN ĐỀ NHÌN XUỐNG TỪ LUẬT HÀNH CHÍNH THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THÀNH LẬP HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Cùng với quá trình dân chủ hóa, các quyền con người ở Việt Nam được pháp luật bảo vệ ngày càng toàn diện hơn. Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân Việt Nam có quyền lập hội theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở vững chắc để hội ra đời. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của hội có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Hoạt động của hội nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên đồng thời hướng tới mục đích nâng cao ý thức pháp luật thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật thường xuyên đối với các thành viên. Thông qua hội, công dân có điều kiện hơn trong việc thực hiện và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Xuất phát từ những lí do trên, việc nghiên cứu một cách toàn diện về thủ tục thành lập hội là cần thiết. Do đó, tôi chọn và nghiên cứu đề tài: “Phân tích quy định pháp luật về thủ tục thành lập hội. Nêu quan điểm cá nhân về việc xây dựng luật về hội ở Việt Nam hiện nay”.
1. Phân tích quy định pháp luật về thủ tục thành lập hội
- Khái niệm hội
Hiện nay việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội được điều chỉnh bởi Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ. Theo đó, hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
- Cơ sở pháp lí:
- Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
- Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/04/2012 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
- Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/04/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định 33/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
- Thông tư số 03/2014/TT-BNV ngày 19/06/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/04/2013 và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ.
- Thông tư 1/2022/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/04/2013 và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/04/ 2012 của Chính phủ.
Theo Điều 5 Nghị định 45/2010/NĐ-CP để được thành lập thì hội phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, có mục đích hoạt động không trái với pháp luật không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.
Thứ hai, có điều lệ.
Thứ ba, có trụ sở.
Thứ tư, có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội:
Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất mười công dân, tổ chức trong xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh, hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký thanh gia thành lập hiệp hội.
Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập hội
Theo Điều 6 Nghị định Nghị định 45/2010/NĐ-CP muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập Ban vận động thành lập hội. Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực Hiệp hội dự kiến hoạt động. Số thành viên trong ban vận động thành lập hội được quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
Bước 2: Đề nghị công nhận Ban vận động hội
Ban vận động thành lập hội gửi hồ sơ đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội, hồ sơ gồm hai bộ là: Đơn xin công nhận ban vận động thành lập hội và Danh sách và trích ngang của những người dự kiến trong ban vận động thành lập hội được quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 45/2010 NĐ-CP. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b và c khoản 5 Điều này có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội, trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 3: Gửi hồ sơ xin thành lập hội
Sau khi được công nhận, Ban vận động thành lập hội có nhiệm vụ: vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia hội và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập hội theo quy định tại khoản 7 Nghị định 45/2010 NĐ-CP và gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền Bộ Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh; Sở Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, huyện, xã; Phòng Nội vụ (trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập hội có phạm vi hoạt động trong xã).
Bước 4: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ xem xét hồ sơ và đề nghị bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp pháp
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP khi nhận hồ sơ xin phép thành lập hội phải có giấy biên nhận. Kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cán bộ tiếp nhận hồ sơ chuyển cho phòng chuyên môn nghiên cứu, thẩm định hồ sơ xin phép thành lập hội và thực hiện quy trình lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, tổng hợp các ý kiến đóng góp, đề nghị bổ sung hồ sơ (nếu có). Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin phép , cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, quyết định cho phép thành lập hội, trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 5: Tiến hành Đại hội
Sau khi có Quyết định cho phép thành lập hội, cần xây dựng kế hoạch chuẩn bị Đại hội. Nội dung chủ yếu trong đại hội thành lập hội được quy định tại Điều 11 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, bao gồm: công bố quyết định cho phép thành lập hội, thảo luận và biểu quyết điều lệ, bầu ban lãnh đạo và ban kiểm tra, thông qua chương trình hoạt động của hội, thông qua nghị quyết đại hội.
Tham khảo thêm Mẫu đơn khởi kiện vụ án hành chính
Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, thời gian tiến hành Đại hội thành lập hội là 90 ngày, kể từ ngày quyết định cho phép thành lập hội có hiệu lực, ban vận động thành lập hội phải tổ chức đại hội. Nếu quá thời hạn trên không tổ chức đại hội, thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày hết thời hạn tổ chức đại hội theo quy định tại khoản 1 Điều này, ban vận động thành lập hội có văn bản gửi cơ quan nhà nước đã quyết định cho phép thành lập hội đề nghị gia hạn. Thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày, nếu quá thời gian được gia hạn mà không tổ chức đại hội thì quyết định cho phép thành lập hội hết hiệu lực.
Bước 6: Báo cáo kết quả đại hội
Trong thời hạn ba mươi ngày (kể từ ngày đại hội) ban lãnh đạo hội gửi tài liệu đại hội đến cơ quan nhà nước đã quyết định cho phép thành lập hội, gồm: Điều lệ và biên bản thông qua điều lệ hội, Biên bản bầu ban lãnh đạo, ban kiểm tra (có danh sách kèm theo) và lý lịch người đứng đầu hội, Chương trình hoạt động của hội, Nghị quyết đại hội.
Bước 7: Phê duyệt điều lệ hội
Theo khoản 3 Điều 1 Nghị định 33/2012/NĐ-CP thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quyết định phê duyệt điều lệ hội khi điều lệ đã được đại hội thông qua. Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc kể từ ngày đại hội kết thúc, ban lãnh đạo hội gửi một bộ hồ sơ báo cáo kết quả đại hội theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và văn bản đề nghị phê duyệt điều lệ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp pháp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt điều lệ.
Điều lệ hội có hiệu lực kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt.
2. Quan điểm cá nhân về việc xây dựng luật về hội ở Việt Nam hiện nay
Việc xây dựng Luật về Hội là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013. Việc xây dựng Luật về Hội phải phù hợp với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, không hành chính hóa tổ chức và hoạt động của hội, phát huy vai trò của hội phù hợp với lịch sử, văn hóa và điều kiện phát triển, hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Việc xây dựng và ban hành Luật về hội là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích. Tuy nhiên, Luật về hội chưa được thông qua do luật vẫn có nhiều nội dung không phù hợp.
- Một số góp ý, kiến nghị đối với dự thảo Luật về Hội
Thứ nhất, hiện nay dự thảo được xây dựng với tên gọi “Luật về hội”. Tên gọi Luật về hội vẫn chưa nêu bật lên được tính xã hội của các hội và với tên gọi như vậy thì Luật này vẫn hàm chứa việc nhà nước sẽ quản lý và điều phối hoạt động của hội. Luật này nên được đổi tên thành Luật về lập hội, để làm sao nêu bật lên được quyền và sự tự chủ của người dân khi tham gia vào việc lập, quản lý hoạt động của hội.
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh và quyền lập hội của công dân. Với dự thảo Luật về Hội, có thể nhận thấy rằng, phạm vi điều chỉnh chủ yếu tập trung vào những vấn đề thuận lợi cho việc quản lý nhà nước về hội mà chưa thực sự là một đạo luật cởi mở cho công dân thực hiện quyền của mình. Do đó, nếu nhìn nhận về tư duy xây dựng luật thì dự thảo cần mở rộng hơn nữa, đặc biệt là các quy định về quyền lập hội của công dân. Cần tiếp cận dưới góc độ quyền lập hội của công dân như là một nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình quản lý nhà nước về hội. Cần bổ sung thêm một số điều để khẳng định và làm rõ hơn nữa nội dung về quyền lập hội của công dân, mở rộng khả năng điều chỉnh của luật về hội.
Thứ ba, về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội được quy định tại Điều 5 dự thảo bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu hội; hoạt động thường xuyên và không vì lợi nhuận. Trong hệ thống nguyên tắc trên cần bổ sung thêm nguyên tắc: đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích của hội, hội viên, cộng đồng. Đây là một tư tưởng quan trọng để gắn kết các hội viên với nhau, các hội viên với hội và với cộng đồng.
Thứ tư, Dự thảo Luật về Hội không nên có các quy định hạn chế quyền lập hội của mọi người. Ví dụ, khoản 3 Điều 8 có quy định: “Cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội có đăng ký, khi được cơ quan có thẩm quyền phân công”. Như vậy, quyền lập hội và tham gia hội của cán bộ, công chức bị hạn chế và phụ thuộc hoàn toàn vào sự cho phép của cơ quan nhà nước quản lý. Quy định này chưa hợp lý. Cán bộ, công chức, người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có quyền tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao hay có thiện chí, thiện tâm thành lập các hội để giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em… do vậy không nên hạn chế đối với họ trong việc thực hiện quyền lập hội. Vì vậy, trong luật về hội cần “cởi trói” bằng cách cụ thể hơn về những loại hội nào cần xin phép, loại hội nào được tự do tham gia…
Thứ năm, về các hành vi bị nghiên cấm tại Điều 9. Ở Khoản 3 Điều 9 Dự thảo đã ghi rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi làm phương hại đến chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và lợi ích của Nhà nước. Vậy hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố ở khoản 6 Điều 9 có cần nêu thêm hay không? Bởi vì nó là những hoạt động tội phạm nguy hiểm và gây phương hại đến chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, việc này hết sức nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nếu chỉ quy định đối với hai hành vi là rửa tiền và tài trợ khủng bố là hành vi bị nghiêm cấm thì những hành vi khác cũng nghiêm trọng và tương tự như thế, ví dụ những hành vi về tội phạm công nghệ cao. Cần bổ sung thêm các hành vi cần nghiêm cấm hoặc đưa ra một điều luật mang tính bao hàm hơn đối với các hành vi bị nghiêm cấm.
Tham khảo thêm Thủ tục khởi kiện vụ án hành chính
Thứ sáu, về thủ tục thành lập hội. Các quy định về quy trình thành lập hội ghi trong Dự thảo Luật còn phức tạp, gây khó khăn, tốn kém cho cả công tác quản lý và hạn chế quyền tự do lập hội của người dân. Chẳng hạn, tại Điểm b Khoản 2 Điều 11 Dự thảo quy định trường hợp hồ sơ chưa đủ hoặc chưa rõ thì các sáng lập viên phải có trách nhiệm bổ sung hoặc giải trình. Điều này có sự mâu thuẫn trong các quy định và không chặt chẽ. Vì theo quy định tại Điều 11 yêu cầu phải có đủ hồ sơ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội. Như vậy, không đủ hồ sơ theo quy định đã đề nghị bổ sung nhưng vẫn không đủ hồ sơ thì không cấp, tại sao phải đưa ra thêm một nội dung giải trình. Tôi đề nghị bỏ luôn Điểm b Khoản 2 Điều 11, vì quy định rất rõ ràng và cụ thể về hồ sơ thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập. Dự thảo Luật nên có sự đơn giản hóa trong quy trình thành lập hội, không cần có quy định cấp có thẩm quyền phê duyệt điều lệ hội. Cách thức quy định này sẽ giảm bớt sự hành chính hóa đối với việc thành lập các tổ chức xã hội. Thủ tục này càng đơn giản, càng tiết kiệm thời gian và chi phí thì càng tốt.
Trong quá trình phát triển hiện nay của đất nước, vai trò của các hội trong nền kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và phát huy quyền con người ngày càng quan trọng. Xây dựng Luật về Hội sẽ góp phần đảm bảo quyền tự do hiệp hội của người dân, để người dân có thêm cơ hội thể hiện quyền làm chủ của mình, đóng góp chung và sự phát triển của đất nước. Nhà nước tạo mọi điều kiện để hội được thành lập khi có đủ điều kiện do pháp luật quy định. Vì vậy, việc nghiên cứu và tìm hiểu rõ về thủ tục thành lập hội là điều cần thiết, sẽ giúp cho công dân dễ dàng hơn và tiết kiệm thời gian khi đăng kí thành lập hội.