Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

Trái đất của chúng ta vô cùng mênh mông, rộng lớn mỗi người chỉ có thể nhìn được tận mắt một góc nhỏ của thế giới. Tuy nhiên nhờ có hoạt động đo đạc và bản đồ mà chúng ta có thể quan sát được toàn bộ một trái đất thu nhỏ. Hiện nay xã hội ngày càng ứng dụng nhiều hơn các sản phẩm của đo đạc và bản đồ. Với tầm quan trọng của thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ, hạ tầng không gian địa lý quốc gia được coi là một trong các hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một quốc gia. Hiểu được ý nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng đó có rất nhiều cá nhân, tổ chức muốn tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ. Bài viết dưới đây, Luật Việt Chính sẽ hướng dẫn về thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.

Cơ sở pháp lý

– Luật đo đạc và bản đồ năm 2018;

– Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;

– Nghị định số 136/ 2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật đo đạc và bản đồ.

1. Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ là gì

Một số khái niệm liên quan

– Đo đạc là việc thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu để xác định vị trí, hình dạng, kích thước và thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý.

– Bản đồ là mô hình khái quát thể hiện các đối tượng địa lý ở tỷ lệ nhất định, theo quy tắc toán học, bằng hệ thống ký hiệu quy ước, dựa trên kết quả xử lý thông tin, dữ liệu từ quá trình đo đạc.

– Hoạt động đo đạc và bản đồ là việc đo đạc các đối tượng địa lý; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu địa lý; thành lập bản đồ, sản xuất sản phẩm đo đạc và bản đồ khác. Hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành.

Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ được quy định tại Điều 51 Luật đo đạc và bản đồ năm 2018:

– Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cấp cho tổ chức kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ thuộc Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép theo quy định của Chính phủ.

– Mỗi tổ chức được cấp một giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho một hoặc một số nội dung kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ thuộc Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép. Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có giá trị trong cả nước, có thời hạn ít nhất là 05 năm và được gia hạn.

– Giấy phép cấp cho nhà thầu nước ngoài phải thể hiện địa bàn hoạt động và có thời hạn theo thời gian thực hiện nội dung về đo đạc và bản đồ trong gói thầu.

2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

Điều 52 Luật đo đạc và bản đồ năm 2018, quy định các điều kiện được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm:

Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ;

b) Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ; có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 năm phù hợp với ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoặc có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I quy định tại Điều 53 của Luật này; không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác;

c) Có số lượng nhân viên kỹ thuật được đào tạo về đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu thực hiện các nội dung đề nghị cấp giấy phép theo quy định của Chính phủ;

d) Có phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với quy định trong định mức kinh tế – kỹ thuật đo đạc và bản đồ để thực hiện một sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc nội dung đề nghị cấp giấy phép.

Nhà thầu nước ngoài được cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư, trong đó có hoạt động đo đạc và bản đồ;

b) Có lực lượng kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với hồ sơ dự thầu đã trúng thầu hoặc hồ sơ được chọn thầu.

Tham khảo: Thủ tục xin cấp lại sổ đỏ bị mất

Điều kiện cấp giấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ đối với tổ chức tổ chức

– Là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ;

– Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải có bằng cử nhân thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ; có thời gian hoạt động thực tế không được dưới 05 năm và phải phù hợp với ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoặc có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I; không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác;

– Có số lượng nhân viên kỹ thuật được đào tạo về đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu thực hiện các nội dung đề nghị cấp giấy phép theo quy định;

– Có phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với quy định.

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc đối với nhà thầu nước ngoài:

– Có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư, trong đó có hoạt động đo đạc và bản đồ;

– Có lực lượng kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với hồ sơ dự thầu đã trúng thầu hoặc hồ sơ được chọn thầu.

Có thể thấy rằng, có rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Trong số những điều kiện đó, quan trọng nhất và có tính quyết định là các tổ chức hay các nhà đấu thầu nước ngoài đều phải có hoạt động đo đạc và bản đồ.

3. Danh mục hoạt động phải xin giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

Danh mục hoạt động phải xin giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ được quy định tại Điều 29 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 136/ 2021/NĐ-CP như sau:

1. Lập đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán nhiệm vụ đo đạc và bản đồ cơ bản, chuyên ngành.

2. Kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản, chuyên ngành.

3. Xây dựng mạng lưới tọa độ, độ cao, trọng lực quốc gia, cơ sở chuyên ngành..

4. Thu nhận, xử lý dữ liệu ảnh hàng không.

a) Thu nhận, xử lý dữ liệu ảnh hàng không từ tàu bay;

b) Thu nhận, xử lý dữ liệu ảnh hàng không từ tàu bay không người lái.

5.Xử lý dữ liệu ảnh viễn thám.

6. Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia.

a) Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000;

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000;

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.100.000.

7. Đo đạc, thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000

8. Đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển.

9. Đo đạc, thành lập bản đồ địa giới hành chính.

10. Đo đạc, thành lập bản đồ địa chính.

11. Thành lập bản đồ hành chính.

12. Đo đạc, thành lập hải đồ.

13. Đo đạc, thành lập bản đồ công trình.

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

Hồ sơ của tổ chức trong nước đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo Mẫu số 04 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này;

TẢI VỀ: TẠI ĐÂY

– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ đối với các tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ, bản khai quá trình công tác của người phụ trách kỹ thuật theo Mẫu số 05 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này hoặc chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I; hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; quyết định bổ nhiệm của người phụ trách kỹ thuật;

TẢI VỀ: TẠI ĐÂY

– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về đo đạc và bản đồ kèm theo hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của các nhân viên kỹ thuật đo đạc và bản đồ; bản khai quá trình công tác của ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có thời gian hoạt động thực tế tối thiểu 05 năm phù hợp với nội dung đề nghị cấp phép theo Mẫu số 05 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này;

TẢI VỀ: TẠI ĐÂY

– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh sở hữu phương tiện đo, thiết bị, chứng minh sở hữu hoặc quyền sử dụng phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ; giấy kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo còn hiệu lực. Danh mục phương tiện đo, thiết bị, phần mềm phù hợp với nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép theo Phụ lục IC ban hành kèm theo Nghị định này.

TẢI VỀ: TẠI ĐÂY

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Minh họa)

Hồ sơ của nhà thầu nước ngoài đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm:

– Đơn đề nghị hoặc tệp tin chứa đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo Mẫu số 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

TẢI VỀ: TẠI ĐÂY

– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính quyết định trúng thầu (hoặc quyết định được chọn thầu) của chủ đầu tư, trong đó có nội dung về đo đạc và bản đồ thuộc danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép;

– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về đo đạc và bản đồ, giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đối với nhân viên kỹ thuật là người nước ngoài; hoặc văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về đo đạc và bản đồ, hợp đồng lao động của các nhân viên kỹ thuật đo đạc và bản đồ là người Việt Nam phù hợp với số lượng và trình độ chuyên môn trong hồ sơ dự thầu đã trúng thầu hoặc hồ sơ được chọn thầu;

– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh sở hữu hoặc quyền sử dụng phương tiện đo, thiết bị, phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với hồ sơ dự thầu đã trúng thầu hoặc hồ sơ được chọn thầu.

5. Trình tự thực hiện xin cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

Bước 1: Nộp hồ sơ

Trường hợp 1: Tổ chức đề nghị cấp giấy phép thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập; tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức thuộc tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có pháp nhân và hạch toán độc lập; tổ chức có pháp nhân và hạch toán độc lập trực thuộc tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức thuộc cơ quan trung ương của tổ chức xã hội – nghề nghiệp; nhà thầu nước ngoài gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp 2: Tổ chức đề nghị cấp giấy phép không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 NĐ 27/2019/NĐ-CP gửi 01 bộ hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử cho tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ về việc hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ

– Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thẩm định hồ sơ của các tổ chức thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập; tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức thuộc tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có pháp nhân và hạch toán độc lập; tổ chức có pháp nhân và hạch toán độc lập trực thuộc Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức thuộc cơ quan trung ương của tổ chức xã hội – nghề nghiệp; nhà thầu nước ngoài;

– Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ của tổ chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP;

– Cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ thành lập Tổ thẩm định với thành phần không quá 03 người để thẩm định hồ sơ tại trụ sở chính của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

Tổ thẩm định có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định sự phù hợp của hồ sơ về nhân lực, phương tiện đo, thiết bị, phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ so với thực tế của tổ chức đề nghị cấp giấy phép; kiểm tra sự phù hợp giữa bản khai quá trình công tác của lực lượng kỹ thuật về đo đạc và bản đồ với quá trình đóng bảo hiểm xã hội từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm được Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối, chia sẻ; xác định năng lực của tổ chức trong việc thực hiện các nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ đề nghị cấp giấy phép, lập biên bản thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo Mẫu số 09 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này;

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ, lập biên bản thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của các tổ chức.

– Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định, gửi biên bản thẩm định kèm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đến cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

– Trường hợp tổ chức không đạt điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo, nêu rõ lý do không cấp giấy phép và trả lại hồ sơ cho tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo thời hạn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 3 Điều 33 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP.

Bước 4: Cấp giấy phép

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định kèm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ;

– Cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức về việc hoàn thành cấp giấy phép. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trả giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho tổ chức qua dịch vụ bưu chính, gửi tệp tin chứa bản chụp giấy phép cho cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phối hợp quản lý đối với các tổ chức do cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định.

6. Mẫu giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo Mẫu số 16 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 27/2019/NĐ-CP.

TẢI VỀ: TẠI ĐÂY

Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Nguồn Internet)

Gồm các thông tin chính về tên, địa chỉ trụ sở chính, điện thoại liên hệ, fax, Email, website, số quyết định thành lập tổ chức hoặc mã số doanh nghiệp, danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ được cấp phép, ngày cấp, thời hạn giấy phép, phạm vi hoạt động, danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ cấp bổ sung, người ký giấy phép.

7. Lệ phí cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

Lệ phí cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ được quy định tại Điều 3 Thông tư 34/2017/TT-BTC ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.

Mức thu phí thẩm định cấp mới, cấp bổ sung giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ như sau:

Mức phí đối với hồ sơ do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thẩm định.

Số TT Số hoạt động dịch vụ đo đạc và bản đồ đề nghị cấp phép theo quy định                     Mức thu phí                    (1.000 đồng/hồ sơ)
Khu vực I Khu vực II Khu vực III
1 Dưới 03 7.280 12.900 23.140
2 Từ 03 đến 05 8.730 14.350 24.260
3 Từ 06 đến 08 9.210 14.840 24.670
4 Từ 09 đến 11 9.700 15.320 25.070
5 Từ 12 đến 14 10.190 15.810 25.480

a) Khu vực I: Tổ chức đề nghị cấp phép có trụ sở chính tạiĐồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi phía Bắc;

b) Khu vực II: Tổ chức đề nghị cấp phép có trụ sở chính tạiBắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên;

c) Khu vực III: Tổ chức đề nghị cấp phép có trụ sở chính tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Mức phí đối với hồ sơ do Sở Tài nguyên và môi trường thẩm định.

Số TT Số hoạt động dịch vụ đo đạc và bản đồ đề nghị cấp phép theo quy định  Mức thu phí

(1.000 đồng/hồ sơ)

1 Dưới 03 4.090
2 Từ 03 đến 05 5.540
3 Từ 06 đến 08 6.030
4 Từ 09 đến 11 6.510
5 Từ 12 đến 14 7.000

Không thu phí thẩm định đối với trường hợp cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.

8. Không có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có bị phạt không

Nếu hoạt động mà không có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 4 Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 5 Nghị định 18/2020/NĐ-CP.

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2020/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ

4. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 5 như sau:

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động đo đạc và bản đồ không có giấy phép hoặc hoạt động đo đạc và bản đồ trong thời gian bị buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.”

 Như vậy, hành vi hoạt động đo đạc và bản đồ không có giấy phép hoặc hoạt động đo đạc và bản đồ trong thời gian bị buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó. Thì bị phạt tiền từ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn cơ bản của chúng tôi về vấn đề Thủ tục xin giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Luật Việt Chính mong khách hàng có thể áp dụng những thông tin trên để phục vụ cho công việc của mình.

Thông tin liên hệ

Để được hỗ trợ trực tiếp về Thủ tục xin giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ hoặc các vấn đề khác về pháp luật, bạn có thể liên hệ theo các phương thức sau:

  • Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày yêu cầu tư vấn.
  • Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com
  • Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính
  • Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099
Bài viết liên quan