THỦ TỤC XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Việt Nam vốn là nước có lực lượng lao động dồi dào nên pháp luật hạn chế việc người nước ngoài tới làm việc tại Việt Nam ngoại trừ những trường hợp mà người lao động tại Việt Nam chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó thì yếu tố đảm bảo an ninh, trật tự, quốc phòng cũng là một nội dung khiến pháp luật đặt ra những điều kiện nhất định đối với người lao động nước ngoài. Trọng tâm trong chính sách đó của nhà nước là Giấy phép lao động dành cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang lúng túng khi cần phải xin giấy phép lao động cho người nước ngoài khiến bị động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại rất lớn. Với vai trò là một đơn vị nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Luật Việt Chính gửi tới Quý khách những thông tin cơ bản về thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài thông qua bài viết dưới đây.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
Bộ luật lao động năm 2019;
Nghị định số 152/2020/NĐ-CP;
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP;
Nghị định số 140/2018/NĐ-CP;
Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
1. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẢI XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải xin giấy phép lao động, trừ những trường hợp sau đây:
1. Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
2. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
3. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.
4. Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.
5. Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
6. Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
7. Tình nguyện viên là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu trường hợp phải xin giấy phép lao động
8. Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.
9. Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật.
10. Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.
11. Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
12. Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
13. Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
14. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.
15. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
16. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
17. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
18. Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định củaLuật Luật sư.
19. Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
20. Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
2. ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM
Như vậy, nếu không thuộc những trường hợp được miễn xin giấy phép lao động thì khi muốn làm việc tại Việt Nam sẽ phải xin giấy phép lao động. Vậy để được cấp giấy phép lao động thì người lao động phải đáp ứng được những điều kiện nào? Hãy cùng Luật Việt Chính điểm qua những điều kiện theo quy định hiện hành:
1. Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
3. Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
3. ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NHẬN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM
Mối quan hệ lao động là quan hệ từ hai phía. Do đó, bên cạnh những điều kiện của người lao động thì người sử dụng lao động cũng phải có những yêu cầu phải đáp ứng. Cụ thể như sau:
1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Điều kiện người sử dụng lao động nhận người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. QUY TRÌNH TỔNG THỂ XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
Bước 1: Người sử dụng lao động báo cáo, giải trình về nhu cầu thuê lao động nước ngoài để được chấp thuận việc sử dụng lao động nước ngoài.
Bước 2: (áp dụng đối với nhà thầu): Chờ đợi được giới thiệu người lao động Việt Nam, nếu không có lao động Việt Nam phù hợp thì chuyển tới bước 3.
Bước 3: Xin cấp giấy phép lao động.
5. THỦ TỤC XIN CHẤP THUẬN VIỆC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
Theo quy định, việc xin chấp thuận việc sử dụng lao động nước ngoài được thực hiện như sau:
Xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài
a) Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp.
Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp này trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
b) Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 154 của Bộ luật Lao độngvà các khoản 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
6. NHÀ THẦU MUỐN SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI PHẢI LÀM GÌ
Theo quy định, việc xin chấp thuận việc sử dụng lao động nước ngoài của nhà thầu được thực hiện như sau:
1. Trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần tuyển để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp.
Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp.
Nhà thầu muốn sử dụng lao động nước ngoài
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương khác để giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu. Trong thời hạn tối đa 02 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 100 đến dưới 500 người lao động Việt Nam và 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 100 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng nội dung đã kê khai về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật; theo dõi và quản lý người lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật; trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 của năm sau, chủ đầu tư báo cáo về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài của 6 tháng đầu năm và hằng năm theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp.
Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
4. Hằng năm hoặc đột xuất, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan công an tỉnh, thành phố; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng tại khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng và các cơ quan có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật đối với người lao động nước ngoài gói thầu do nhà thầu trúng thầu trên địa bàn thực hiện, báo cáo về kết quả kiểm tra cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
7. THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
Hiện nay, thẩm quyền cấp giấy phép thuộc về 3 cơ quan với cách phân chia như sau:
1. Cục Việc làm – Bộ Lao động thương binh và xã hội:
a.Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp
b.Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam
c.Tổ chức sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật
d.Văn phòng của dự án nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế tại Việt Nam
e.Hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật
f.Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam
g.Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam
h.Các cơ quan, tổ chức sử dụng đối tượng quy định ở trên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan
2. Sở Lao động thương binh và Xã hội cấp tỉnh
a. Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tại tỉnh, thành phố đó.
b. Nhà thầu nước ngoài hoặc trong nước tham dự thầu.
c. Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp.
d.Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài.
đ. Các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam.
e. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
g.Hộ kinh doanh, cá nhân.
3. Ban quản lý các khu công nghiệp:
Doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Ban quản lý các khu công nghiệp đó cấp
8. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
Sau khi người sử dụng lao động đã đáp ứng được những nội dung trên thì sẽ tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thủ tục như sau:
Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, đối tượng sau phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cơ quan có thẩm quyền:
a) Người sử dụng lao động đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức quy định tại điểm a, b, e, g, i và k khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP;
b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mà người lao động nước ngoài đến làm việc theo hình thức quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP;
c) Người lao động nước ngoài vào Việt Nam để chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại theo hình thức quy định tại điểm đ và h khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Đối với người lao động nước ngoài tới Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động, sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó. Hợp đồng lao động là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.
9. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động vô cùng phức tạp, cụ thể như sau:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo mẫu do Luật Việt Chính tổng hợp.
2. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ hoặc giấy chứng nhận có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp.
Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
4. Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số nghề, công việc được quy định như sau:
a) Giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP;
b) Giấy tờ chứng minh là chuyên gia, lao động kỹ thuật theo quy định tại khoản 3, 6 Điều 3 Nghị định số 152/2022/NĐ-CP, gồm: văn bằng, chứng chỉ, văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật;
c) Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài hoặc giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế (ITC) cấp cho cầu thủ bóng đá nước ngoài hoặc văn bản của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xác nhận đăng ký tạm thời hoặc chính thức cho cầu thủ của câu lạc bộ thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam;
Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động
d) Giấy phép lái tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đối với phi công nước ngoài hoặc chứng chỉ chuyên môn được phép làm việc trên tàu bay do Bộ Giao thông vận tải cấp cho tiếp viên hàng không;
đ) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn trong lĩnh vực bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay;
e) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc giấy công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho thuyền viên nước ngoài;
g) Giấy chứng nhận thành tích cao trong lĩnh vực thể thao và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đối với huấn luyện viên thể thao hoặc có tối thiểu một trong các bằng cấp như: bằng B huấn luyện viên bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) hoặc bằng huấn luyện viên thủ môn cấp độ 1 của AFC hoặc bằng huấn luyện viên thể lực cấp độ 1 của AFC hoặc bằng huấn luyện viên bóng đá trong nhà (Futsal) cấp độ 1 của AFC hoặc bất kỳ bằng cấp huấn luyện tương đương của nước ngoài được AFC công nhận;
h) Văn bằng do cơ quan có thẩm quyền cấp đáp ứng quy định về trình độ, trình độ chuẩn theoLuật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệpvà Quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
5. 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
6. Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
7. Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
8. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài:
a) Đối với người lao động nước ngoài Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng liên tục;
b) Đối với người lao động nước ngoài thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
c) Đối với người lao động nước ngoài là nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 năm;
d) Đối với người lao động nước ngoài chào bán dịch vụ phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
đ) Đối với người lao động nước ngoài làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam phải có văn bản của cơ quan, tổ chức cử người lao động nước ngoài đến làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam trừ trường hợp thực hiện hợp đồng lao động và giấy phép hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
e) Đối với người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật thì phải có văn bản của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam và phù hợp với vị trí dự kiến làm việc.
9. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt:
a) Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động, đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc và cùng chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm: giấy xác nhận của người sử dụng lao động trước đó về việc người lao động hiện đang làm việc, các giấy tờ quy định tại khoản 1, 5, 6, 7, 8 Điều 9, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và bản sao có chứng thực giấy phép lao động đã được cấp;
b) Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà thay đổi vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật nhưng không thay đổi người sử dụng lao động thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 9, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và giấy phép lao động hoặc bản sao có chứng thực giấy phép lao động đã được cấp.
10. Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực các giấy tờ:
Các giấy tờ quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 8 Điều 9, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
10. MỨC XỬ PHẠT NẾU KHÔNG CÓ GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
Có rất nhiều trường hợp dù thuộc trường hợp phải xin giấy phép lao động nhưng vì thủ tục quá phức tạp nên không thể xin hoặc không muốn xin giấy phép lao động. Nếu như vẫn cố tình lao động không có giấy phép thì sẽ bị xử phạt như sau:
1. Người lao động nước ngoài nếu không có giấy phép hoặc nếu không có văn bản xác nhận không thuộc trường hợp cấp giấy phép theo quy định của pháp luật mà vấn tiếp tục làm việc tại Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và có thể trục xuất khỏi Việt Nam.
2. Người sử dụng lao động vẫn có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà nếu không có giấy phép hoặc nếu không có giấy xác nhận về việc không thuộc diện cấp giấy phép hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận về việc không thuộc diện cấp giấy đã hết hiệu lực có thể bị phạt tiền theo các mức sau:
a) Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
b) Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
c) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
Lưu ý: Đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi.
Có thể thấy rằng mức phạt theo quy định rất cao và ngoài ra thì còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả nặng nề khiến cho kế hoạch của các bên bị đảo lộn rất nhiều. Vì vậy, các bên cần cố gắng thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép lao động càng sớm càng tốt. Trong trường hợp không thể tự mình thực hiện hoặc mong muốn được 1 đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ thì Quý khách có thể sử dụng dịch vụ xin cấp Giấy phép lao động của Luật Việt Chính.
11. NỘI DUNG DỊCH VỤ CỦA LUẬT VIỆT CHÍNH
Tư vấn các yêu cầu của pháp luật đối với từng trường hợp người lao động người nước ngoài tới làm việc tại Việt Nam.
Xác định thủ tục cần thiết để người lao động nước ngoài có thể làm việc tại Việt Nam.
Hỗ trợ khách hàng thu thập, chuẩn bị, soạn thảo hồ sơ để báo cáo nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài và xin cấp giấy phép lao động.
Thay mặt khách hàng nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền.
Thay mặt khách hàng làm việc cùng cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc.
Nộp lệ phí theo quy định.
Thay mặt khách hàng nhận kết quả và bàn giao cho khách hàng.
Giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của khách hàng.
12. KHÁCH HÀNG CẦN CUNG CẤP
Về cơ bản thì khách hàng cần cung cấp các giấy tờ sau đây, một số trường hợp đặc thù phát sinh giấy tờ sẽ được Luật Việt Chính thông báo. Trường hợp khách hàng không chuẩn bị được đủ các giấy tờ dưới đây thì thông báo để Luật Việt Chính hỗ trợ.
Bản sao y công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Văn bản đề nghị cấp giấy phép.
Giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 tháng;
Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận không trong trường hợp đang chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng;
Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số nghề, công việc;
02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu) ảnh chụp không quá 06 tháng;
Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị;
Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài.
13. THỜI GIAN THỰC HIỆN THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
Chỉ từ 16 ngày làm việc
Luật Việt Chính cần 1 ngày soạn hồ sơ, tổ chức ký kết hồ sơ và nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền.
Trong vòng từ 15 ngày còn lại, Luật Việt Chính tích cực trao đổi, làm việc cùng cơ quan có thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ vướng mắc.
Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu giải quyết nhanh thì Luật Việt Chính sẽ thu xếp để hỗ trợ khách hàng theo quy định.