HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP XE Ô TÔ CÓ PHẢI CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC KHÔNG ?
Trong thời điểm hiện tại, việc các cá nhân, tổ chức vay tiền để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất phổ biến, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục sau những ngày tháng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Có nhiều nguồn vốn mà chúng ta có thể vay mượn, đó là từ bạn bè, từ người thân hoặc ngân hàng. Với sự phục hồi nền kinh tế, các dịch vụ tín dụng của ngân hàng trở nên phong phú hơn, việc cho vay và vay tiền trở thành những yếu tố không thể thiếu đối với cá nhân và tổ chức. Thế chấp tài sản được xem là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự khi cá nhân hoặc tổ chức thực hiện việc vay tiền từ các tổ chức tín dụng. Việc đảm bảo tính khách quan, phòng ngừa rủi ro và nâng cao tính pháp lý bảo vệ quyền lợi cho các bên trong hợp đồng thế chấp tài sản là hết sức quan trọng. Vậy liệu hợp đồng thế chấp tài sản có cần phải công chứng, chứng thực hay không? Luật Việt Chính sẽ giải đáp thắc mắc bằng bài viết dưới đây.
Thứ nhất, thế chấp là gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 292 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) thì Thế chấp tài sản là một trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 317 BLDS 2015:
“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia ( sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”
Như vậy thế chấp tài sản là việc bên thế chấp sử dụng tài sản mà mình sở hữu để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ và tránh giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Tài sản này có thể được giữ bởi bên thế chấp hoặc được thỏa thuận giao cho một bên thứ ba để giữ.
Tài sản thế chấp có thể là vật, quyền tài sản, giấy tờ có giá, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
Theo như phân tích trên, biện pháp thế chấp tài sản khi được xác lập sẽ tồn tại dưới dạng hợp đồng. Tài sản thế chấp là đối tượng của hợp đồng thế chấp. Để hợp đồng thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực pháp luật thì hợp đồng phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 117 BLDS 2015 (bao gồm: điều kiện về chủ thể, điều kiện về ý chí tự nguyện, điều kiện về mục đích và nội dung và điều kiện về hình thức).
Ảnh Minh họa
Thứ hai, hợp đồng thế chấp là gì?
Hợp đồng thế chấp là hợp đồng bảo đảm khi người vay tiền hoặc bên thứ 3 ký khi ký các hợp đồng vay tài sản chẳng hạn như hợp đồng tín dụng. Hợp đồng thế chấp tài sản là một dạng hợp đồng để đảm bảo nghĩa vụ tài sản. Thông thường, hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết giữa cá nhân, tổ chức với ngân hàng.
Theo đó, để đảm bảo người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình, ngân hàng và người vay thường ký hợp đồng thế chấp. Trong đó, người vay dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng trong khoảng thời gian nhất định. Để đảm bảo tính pháp lý thì hợp đồng thế chấp phải tuân thủ theo quy định về hình thức như sau:
Về hình thức hợp đồng thế chấp thế chấp
Theo quy định tại Điều 319 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 319. Hiệu lực của thế chấp tài sản
1. Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.”
Bộ luật dân sự 2015 không quy định về hình thức của thế chấp phải bằng văn bản, cho nên các bên có quyền lựa chọn một hình thức của hợp đồng phù hợp theo Điều 119 Bộ luật dân sự 2015. Theo quy định tại Điều 119 thì:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”
Về nguyên tắc, hợp đồng thế chấp có thể được giao kết dưới nhiều hình thức, miễn là các bên có thể chứng minh được quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp sau này, hợp đồng thế chấp tài sản vẫn nên lập thành văn bản, có thể là văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính (hợp đồng tín dụng).
Tham khảo thêm: Hợp đồng mua bán xe ô tô có bắt buộc phải công chứng, chứng thực không?
Thứ ba, hợp đồng thế chấp xe là gì?
Theo quy định của pháp luật thì tài sản thế chấp có thể là vật, quyền tài sản, giấy tờ có giá, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản thế chấp là động sản trong đó có xe ô tô. Như vậy có thể hiểu hợp đồng thế chấp xe ô tô là hợp đồng thế chấp tài sản, bên thế chấp dùng ô tô thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ dân sự của mình đối với bên nhận thế chấp.
Hợp đồng thế chấp xe ô tô có bắt buộc phải công chứng, chứng thực hay không?
Theo các văn bản đang có hiệu lực, không có quy định nào yêu cầu bắt buộc phải công chứng hợp đồng thế chấp xe ô tô. Chỉ có yêu cầu phải công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản gồm nhà ở, đất ở, tài sản gắn liền với đất… tại khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở và điểm a khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai, Điều 54 Luật Công chứng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật không có yêu cầu bắt buộc mọi hợp đồng thế chấp tài sản đều phải công chứng mà chỉ hợp đồng thế chấp bất động sản, thế chấp nhà ở thì mới phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, đối với việc thế chấp ô tô thì pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên công chứng, chứng thực là một công cụ hữu ích giúp phòng ngừa rủi ro, tranh chấp, góp phần nâng cao sự an toàn pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia hợp đồng, giao dịch. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên trong hợp đồng thì các bên nên thực hiện việc công chứng, chứng thực tại các tổ chức hành nghề công chứng.