TIẾT LỘ BÍ MẬT KINH DOANH BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Bí mật kinh doanh là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của một công ty. Do đó, việc bảo vệ bí mật kinh doanh của công ty là vô cùng quan trọng. Mọi hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh đều là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh sẽ bị xử lý như thế nào?
CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Lao động 2019;
– Luật sở hữu trí tuệ 2005;
– Luật Cạnh tranh 2018;
– Nghị định 75/2019/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh;
BÍ MẬT KINH DOANH LÀ GÌ?
Theo quy định tại Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, định nghĩa bí mật kinh doanh như sau:
“4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
23. Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
…”
Như vậy, bí mật kinh doanh có các đặc điểm sau:
– Thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ;
– Thông tin chưa được bộc lộ công khai ra bên ngoài;
– Thông tin có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Ví dụ: công thức pha chế đồ ăn, đồ uống của các thương hiệu nổi tiếng như Coca-cola, KFC, Phúc Long,…
Tham khảo: Bị công ty thay đổi chỗ làm có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
HÀNH VI TIẾT LỘ BÍ MẬT KINH DOANH LÀ GÌ?
Hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh là một trong những hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật mật kinh doanh. Cụ thể, Điều 127 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh như sau:
– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
– Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
– Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
– Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi nêu trên;
– Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm.
Như vậy, hành vi được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh là hành vi tự ý bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó. Trường hợp tiết lộ bí mật kinh doanh mà được sự cho phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh thì không bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh.
TIẾT LỘ BÍ MẬT KINH DOANH LÀ HÀNH VI BỊ CẤM
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 45, Luật Cạnh tranh 2018, cấm các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:
– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Như vậy, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh bị coi là hành vi vi phạm pháp luật khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh;
– Không được sự cho phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh.
Do đó, trường hợp tiết lộ bí mật kinh doanh nhưng không có đầy đủ các căn cứ trên thì không bị coi là vi phạm pháp luật.
QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT CỦA HÀNH VI TIẾT LỘ BÍ MẬT KINH DOANH
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh, cụ thể như sau:
“Điều 16. Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh
1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.”
Căn cứ khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức phạt trên là mức phạt đối với tổ chức, đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
Theo đó cá nhân tiết lộ bí mật kinh doanh cho doanh nghiệp đối thủ sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng và tối đa đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Ngoài ra còn chịu hình thức xử phạt bổ sung như:
– Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
– Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Tham khảo: Bị công ty thay đổi chỗ làm có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Ngoài ra, trong trường hợp người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì còn bị xử lý theo quy định của pháp luật lao động. Căn cứ vào Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 về áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, cụ thể như sau:
“Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.”
Như vậy, theo quy định định trên, doanh nghiệp có thể xử lý kỷ luật người lao động ở mức cao nhất là sa thải nếu người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh.
Ngoài việc bị xử phạt theo quy định nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu bí mật kinh doanh (mức bồi thường do các bên thỏa thuận).