Trẻ dưới 18 tuổi gây rối trật tự công cộng có bị tạm giam không

TRẺ DƯỚI 18 TUỔI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG CÓ BỊ TẠM GIAM KHÔNG

Câu hỏi: Thưa luật sư, con trai tôi mới 17 tuổi, hôm trước cháu có chở bạn đi đánh nhau. Đến điểm hẹn đánh nhau thì cháu sợ quá nên bỏ về. Vụ đánh nhau có xảy ra và công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 2 thì phải. Có người bảo với tôi rằng phải chạy 100 triệu để cháu được tại ngoại, không thì sẽ bị tạm giam. Theo luật sư thì có nên chạy không và nếu không chạy thì có bị tạm giam không. Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Chào bạn, hành vi “chạy tiền” về bản chất chính là hành vi đưa hối lộ. Luật Việt Chính luôn phản đối hành vi này vì nó khiến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng bị ảnh hưởng tiêu cực, mang lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Về mặt bản thân gia đình chị, việc “chạy tiền” chưa chắc đã mang lại hiệu quả và có thể sẽ rơi vào các cạm bẫy lừa đảo, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ. Với việc đưa hối lộ 100 triệu thì có thể phải chịu mức án tối đa tới 7 năm tù. Do vậy, bạn tuyệt đối không được thực hiện hành vi nêu trên.

Trẻ dưới 18 tuổi gây rối trật tự công cộng có bị tạm giam không

Việc tạm giam một người không phải đơn giản, trường hợp của cháu nếu bị truy cứu theo khoản 2 tội gây rối trật tự công cộng thì sẽ thuộc trường hợp tội nghiêm trọng. Theo quy định tại khoản 2, Điều 119, Bộ luật tố tụng hình sự, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Như vậy, nếu cháu không thuộc các trường hợp trên thì theo quy định sẽ không bị tạm giam. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp vi phạm quy định tố tụng và lạm dụng biện pháp tạm giam. Khi đó thì bạn có thể khiếu nại, phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền để cơ quan tiến hành tố tụng nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật.

Trân trọng!

Bài viết liên quan