Hướng dẫn thủ tục nhận thừa kế sổ tiết kiệm

HƯỚNG DẪN THỦ TỤC NHẬN THỪA KẾ SỔ TIẾT KIỆM

Trong cuộc đời của mỗi con người đều phải trải qua những giai đoạn sinh – lão –  bệnh – tử, mặc dù quy luật như vậy nhưng không ai biết trước được việc “tử” sẽ diễn ra vào thời điểm nào để hoàn thành, bàn giao những công việc còn dang dở cho những người còn sống. Chính vì lẽ đó mà pháp luật về thừa kế đã ra đời, và là một trong những chế định quan trọng trong bộ luật dân sự từ những ngày lập pháp đầu tiên. Ngày nay, cùng với các tài sản như quyền sử dụng đất, sở hữu xe, thì sổ tiết kiệm cũng là một trong những di sản thừa kế rất phổ biến.

Bài viết sau đây của Việt Chính Luật sẽ phân tích tới Quý độc giả về quy định của pháp luật về khai nhận thừa kế sổ tiết kiệm và mẫu văn bản khai nhận di sản thừa kế sổ tiết kiệm.

Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Luật công chứng năm 2014;

– Thông tư 48/2018/TT-NHNN;

1. Thừa kế sổ tiết kiệm là gì?

Sổ tiết kiệm là một loại giấy tờ ghi nhận số tiền bạn đã gửi tại ngân hàng kèm theo thông tin về lãi suất và số tiền lãi mà bạn sẽ nhận được theo mức lãi suất được áp dụng.

Sổ tiết kiệm có thể được phân thành 02 loại chính:

+ Sổ tiết kiệm vật lý hay còn được gọi là sổ tiết kiệm giấy;

+ Sổ tiết kiệm online hay còn được gọi là sổ tiết kiệm trực tuyến.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản là tài sản riêng của người chết, hoặc phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Tài sản lại được quy định bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Sổ tiết kiệm là một “vật” ghi nhận số tiền đã gửi tại ngân hàng, do đó sổ tiết kiệm là một loại tài sản, tuy nhiên trong giao dịch dân sự về thừa kế, di sản hướng tới ở đây không phải là sổ tiết kiệm mà là số tiền gốc và lãi trong sổ tiết kiệm. Khi chủ sở hữu số tiền trong sổ tiết kiệm chết, thì khoản tiền đó được coi là di sản và sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Thủ tục thừa kế sổ tiết kiệm

2. Những người được thừa kế sổ tiết kiệm theo quy định của pháp luật

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, những người thừa kế di sản nói chung, sổ tiết kiệm nói riêng bao gồm những người sau:

– Những người thừa kế theo di chúc: là những người được người để lại di sản chỉ định hưởng thừa kế trong di chúc. Lưu ý, chỉ có những di chúc có hiệu lực theo quy định của pháp luật thì người chỉ định mới có quyền thừa kế.

– Những người thừa kế theo pháp luật:

 Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

+ Không có di chúc;

+ Di chúc không hợp pháp;

+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Lưu ý: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Tìm hiểu thêm: Mẫu hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm từ bố mẹ sang con

3. Thủ tục thừa kế sổ tiết kiệm

a. Hồ sơ thừa kế sổ tiết kiệm bao gồm:

– Dự thảo văn bản khai nhận/phân chia di sản nếu có;

– Giấy chứng tử (bản chính) hoặc Trích lục khai tử;

– Giấy tờ nhân thân chứng minh quan hệ hôn nhân/quan hệ huyết thống giữa người để lại di sản với những người thừa kế, ví dụ: đăng ký kết hôn, giấy khai sinh (bản chính) hoặc bản sao Trích lục.

– Thông tin về sổ tiết kiệm (bản chính) hoặc xác nhận số dư (trường hợp gửi tiết kiệm online có đóng dấu của ngân hàng;

– Giấy tờ nhân thân của những người thừa kế, ví dụ căn cước công dân, chứng minh nhân dân (bản chính).

b. Các bước thừa kế sổ tiết kiệm:

Bước 1: Liên hệ văn phòng công chứng/công ty luật để được tư vấn chuẩn bị hồ sơ

Thông thường đây là bước khó và phức tạp, mất công sức nhất. Hồ sơ thừa kế sổ tiết kiệm đã được Việt Chính Luật liệt kê đầy đủ ở phần a Mục 3. Tuy nhiên, trong những trường hợp thừa kế phức tạp như có trường hợp thừa kế kế vị, truất quyền thừa kế, từ chối quyền thừa kế,… Quý khách hàng nên liên hệ với những đơn vị có chuyên môn như Việt Chính Luật để được tư vấn cụ thể nhất.

Bước 2: Văn phòng công chứng niêm yết thông báo về việc thụ lý hồ sơ.

Việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân xã/phường nơi thường trú/cư trú trước khi mất của người để lại di sản. Thời gian niêm yết là 15 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được thông báo niêm yết, Ủy ban nhân dân xã xác nhận về việc niêm yết thông báo khai nhận/phân chia di sản nếu không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp.

Bước 3: Văn phòng công chứng thực hiện việc công chứng Văn bản khai nhận di sản/Văn bản thỏa thuận phân chia di sản

Bước 4: Thực hiện việc rút sổ tiết kiệm tại Ngân hàng.

Căn cứ tại Điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, việc rút sổ tiết kiệm của người đã mất tại địa điểm giao dịch được thực hiện như sau:

– Sau khi thực hiện xong thủ tục công chứng hoặc chứng thực Văn bản khai nhận/thoả thuận phân chia di sản thừa kế thì những người thừa kế có thể trực tiếp (hoặc ủy quyền cho người khác) mang theo Văn bản khai nhận/thoả thuận phân chia di sản thừa kế, Sổ tiết kiệm và Giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy tờ tùy thân đến ngân hàng nơi người chết gửi tiền tiết kiệm.

– Ngân hàng sẽ hướng dẫn thủ tục chi trả cụ thể, đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người rút tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng;

– Ngân hàng đối chiếu thông tin lưu tại ngân hàng với thông tin của người gửi tiền, thông tin của người thừa kế, thông tin trên thẻ tiết kiệm…

– Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, ngân hàng sẽ thực hiện việc chi trả đầy đủ gốc, lãi tiền gửi tiết kiệm cho người gửi tiền.

Các bước thừa kế sổ tiết kiệm

4. Mẫu Văn bản khai nhận di sản sổ tiết kiệm

TẢI VỀ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                   Độc lập – Tự do – Hạnh phúc                                                     

VĂN BẢN KHAI NHẬN DI SẢN

Hôm nay, vào hồi {…} giờ, {…} phút, ngày {…} tháng {…} năm …., tại ….., trước sự chứng kiến của Công chứng viên,

Tôi – {…}, sinh ngày {ghi rõ ngày tháng năm sinh}, Chứng minh nhân dân số {…} do {…} cấp ngày {…}; đăng ký hộ khẩu thường trú tại: {…} (là {…} của ông/bà {…} theo Giấy khai sinh/Giấy đăng ký kết hôn số {…}, đăng ký ngày {…} tại  {…});  

Tôi lập văn bản này để thực hiện việc khai nhận di sản với nội dung như sau:

I. QUAN HỆ THỪA KẾ

Bằng văn bản này, tôi khai nhận đúng sự thật rằng:

  1. Người để lại di sản: Ông/Bà {…}, sinh ngày {…}, đã chết ngày {…}, nơi thường trú cuối cùng trước khi chết: {…} (theo Giấy chứng tử số {…}, quyển số {…}, đăng ký ngày {…} tại {…});
  2. Cha đẻ của ông/bà {…} là cụ ông {…}, sinh năm {…}, đã chết ngày {…} (theo Giấy chứng tử số {…}, quyển số {…} đăng ký ngày {…} tại {…}). Mẹ đẻ của ông/bà {…} là cụ bà {…}, sinh năm {…} đã chết ngày {…} (theo Giấy chứng tử số {…}, quyển số {…} đăng ký ngày {…} tại {…}).
  3. Sinh thời, ông/bà {…} có vợ/chồng là bà/ông {…}, sinh năm {…}, và {…} {…} người con đẻ tên là {…}, sinh năm {…};
  4. Ông/Bà {…} không còn ai là cha nuôi, mẹ nuôi, người có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 653, 654 của Bộ luật Dân sự và không còn người vợ/chồng, người con đẻ, con nuôi, con riêng nào khác;
  5. Tính đến thời điểm thực hiện việc khai nhận di sản này chưa phát sinh cũng như xác định được ông/bà {…} có nghĩa vụ tài sản nào không;
  6. Trước khi chết, ông/bà {…} đã để lại Di chúc số {…} lập ngày {…} do Công chứng viên Văn phòng công chứng {…} chứng nhận cùng ngày;
  7. Người thừa kế: Tôi là người duy nhất được hưởng thừa kế của ông/bà {…} theo Di chúc/hoặc theo Điều 651 (652 – nếu có thừa kế thế vị) của Bộ luật Dân sự;
  8. Tôi chưa lập bất kỳ văn bản nào “Từ chối nhận di sản” theo Điều 620, cũng không thuộc trường “Không được quyền hưởng di sản” theo khoản 1, Điều 621; ngoài tôi ra, không ai được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1, Điều 644 của Bộ luật Dân sự;
  9. Do vậy, một lần nữa khẳng định: Tôi – người có thông tin nêu trên, được quyền hưởng toàn bộ di sản của ông/bà {…} để lại nêu tại Mục II dưới đây.

II. DI SẢN:

A. Ông/Bà {…} và bà/ông {…} (vợ/chồng ông/bà {…}) là chủ sở hữu toàn bộ khoản tiền (cả gốc và lãi) gửi tại Ngân hàng {…} theo {…} số {…} mang tên ông/bà {…}, cụ thể như sau: số tiền giao dịch {…} (Bằng chữ: {…}), kỳ hạn {…} tháng, ngày gửi {…}, số tài khoản {…}, lãi suất {…};

B. Theo quy định của pháp luật, di sản mà ông/bà {…} để lại là quyền sở hữu một phần hai tài sản nêu tại điểm A, Mục II Văn bản này.

(Quyền sở hữu một phần hai tài sản còn lại là của ông/bà {…} – Theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và Gia đình).

III.   KHAI NHẬN DI SẢN:

  1. Bằng Văn bản này, tôi đồng ý nhận toàn bộ di sản của ông/bà {…} để lại nêu tại điểm B, Mục II;
  2. Tôi/Ông/Bà {…} đồng ý nhập phần quyền sở hữu của mình trong khối tài sản chung nêu tại điểm A, Mục II vào khối di sản nêu tại điểm B, Mục II để đứng tên sở hữu toàn bộ tài sản nêu tại điểm A, Mục II Văn bản này;
  3. Sau khi hoàn thiện các thủ tục khai nhận di sản nêu tại điểm B, Mục II Văn bản này, tôi được toàn quyền làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để đứng tên chủ sở hữu toàn bộ tài sản nêu tại điểm A, Mục II Văn bản này.

IV. CAM ĐOAN, CAM KẾT:

Tôi xin cam đoan, cam kết tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nội dung sau:

  1. Những thông tin về nhân thân, về tài sản đã ghi trong Văn bản khai nhận di sản này là đúng sự thật. Tôi không yêu cầu Công chứng viên xác minh hay yêu cầu giám định về tài sản, các giấy tờ tài sản, giấy tờ nhân thân của tôi. Tôi xin tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ mà tôi đã xuất trình trước Công chứng viên để lập Văn bản này. Tôi cùng xác nhận và cam đoan rằng các giấy tờ trên do cơ quan có thẩm quyền cấp, không có sự giả mạo, tẩy xóa làm sai lệch nội dung;
  2. Như đã khai nhận tại Mục I – Quan hệ thừa kế, ngoài tôi ra, ông/bà {…} không còn người thừa kế nào khác. Nếu có người nào chứng minh được họ là người thừa kế hợp pháp của ông/bà {…}, xuất trình được bản Di chúc có hiệu lực hoặc chứng minh được ông/bà {…} có nghĩa vụ tài chính để lại thì tôi xin cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, Văn phòng công chứng và Công chứng viên ký công chứng Văn bản này không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì;
  3. Văn bản khai nhận di sản này do tôi tự nguyện lập và việc khai nhận này không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản nào với bất kỳ ai;
  4. Tôi đã tự đọc/nghe đọc, nghe Công chứng viên giải thích toàn bộ nội dung Văn bản và các quy định của pháp luật có liên quan; tôi đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình, hậu quả pháp lý của việc ký Văn bản này và tự nguyện ký tên/điểm chỉ dưới đây để làm bằng chứng.

NGƯỜI KHAI NHẬN DI SẢN

                     (Ký/điểm chỉ, ghi rõ họ tên)                   

CÂU HỎI

  1. Bố tôi đã mất, tuy nhiên tôi không biết về thông tin sổ tiết kiệm của thì có làm cách nào để lấy được thông tin không ạ?

Trả lời:

Theo quy định của Nghị định 117/2018/NĐ-CP, Điều 11, việc cung cấp thông tin khách hàng được quy định như sau:

“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.

b) Có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng cho chính khách hàng hoặc người đại diện hợp pháp của khách hàng đó”.

Trường hợp bố bạn đã mất, do đó không thể yêu cầu tổ chức tính dụng cung cấp thông tin, tất nhiên cũng không thể có người đại diện hợp pháp cho bố bạn trong trường hợp này, do đó khả năng bạn có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin là rất thấp.

2. Nếu người có số tiết kiệm đã chết và làm mất số tiết kiệm thì giải quyết sao?

Trả lời: 

Trước tiên, bạn cần phải trình báo tới công an cấp xã nơi sổ tiết kiệm bị thất lạc. Sau khi có xác nhận của cơ quan công an, bạn chuẩn bị hồ sơ bao gồm Đơn xác nhận mất sổ tiết kiệm của công an, Giấy chứng tử, Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của bạn và người để lại di sản, Giấy tờ nhân thân để tới ngân hàng xin xác nhận số dư trong sổ tiết kiệm. Sau đó thực hiện thủ tục thừa kế sổ tiết kiệm như thông thường.

3. Chồng tôi và tôi kết hôn năm 2015, năm 2022 chồng tôi mất. Chúng tôi có có một sổ tiết kiệm gửi từ năm 2019, tôi có ra ngân hàng để rút tiền tiết kiệm nhưng ngân hàng không đồng ý, yêu cầu tôi phải cung cấp văn bản khai nhận/phân chia di sản. Tôi đã ra văn phòng công chứng để tìm hiểu về thủ tục khai nhận di sản nhưng họ yêu cầu phải có mặt cả bố mẹ của chồng tôi. Tôi và bố mẹ chồng có nhiều xung đột, tôi lo sợ khi bố mẹ chồng tôi biết về số tiền này sẽ không cho tôi được hưởng phần di sản. Luật sư có thể tư vấn cho tôi, ngân hàng yêu cầu như vậy có đúng không, trong trường hợp này tôi phải làm thế nào không ạ?

Trả lời:

Thứ nhất: Yêu cầu của ngân hàng là hoàn toàn đúng.

Bởi lẽ, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015, tài sản chung vợ chồng trong thời kì hôn nhân là tài sản sở hữu chung hợp nhất. Tài sản sở hữu chung hợp nhất là tài sản mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Tài sản sở hữu chung của vợ chồng là tài sản sở hữu chung có thể phân chia trong trường hợp có sự thỏa thuận theo đúng quy định hoặc phán quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, mặc dù sổ tiết kiệm là tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kì hôn nhân nhưng do chưa được phân chia nên bạn không thể tự rút sổ tiết kiệm ra được.

Thứ hai: Phần di sản bạn sẽ được hưởng khi chia thừa kế theo quy định của pháp luật

Trường hợp của bạn là phân chia di sản không có di chúc, do đó di sản sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật. Như phần trên đã phân tích, những người được hưởng di sản thừa kế được phân chia theo hàng thừa kế, trong đó: bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, con đẻ, con nuôi được chia thành một hàng thừa kế. Do đó phần thừa kế của bạn sẽ bằng di sản của chồng để lại chia cho những người thừa kế.

Tuy nhiên, do sổ tiết kiệm của bạn là tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân, do đó khi chia thừa kế bạn sẽ được chia ½ số tiền trong sổ tiết kiệm. Đây là phần tài sản của bạn trong khối tài sản chung.

Do đó phần tiền tiết kiệm mà bạn được hưởng sẽ bao gồm: số tiền tiến kiệm của bạn + số tiền tiết kiệm bạn được hưởng trong khối di sản của chồng.

Nếu bố mẹ chồng bạn không đồng ý với cách phân chia như trên thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án nơi bố mẹ chồng bạn đang cư trú/thường trú để yêu cầu tòa án phân chia di sản.

4. Sổ tiết kiệm online có chia thừa kế được không?

Sổ tiết kiệm online hay sổ tiết kiệm vật lý đều là sổ tiết kiệm chỉ khác nhau ở hình thức. Nếu người để lại di sản có sổ tiết kiệm online và những người thừa kế biết thông tin của sổ tiết kiệm đó thì người thân có thể ra ngân hàng yêu cầu cung cấp xác nhận số dư để thực hiện việc công chứng khai nhận di sản. Hồ sơ yêu cầu ngân hàng xác nhận số dư bao gồm: thông tin tài khoản, giấy chứng tử, giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân/huyết thông với người để lại di sản, giấy tờ nhân thân của người để lại di sản. Sau khi có xác nhận số dư của ngân hàng thì những người thừa kế sẽ tiến hành công chứng khai nhận/phân chia di sản như thông thường.  

5. Thừa kế sổ tiết kiệm có mất thuế không?

Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế thu nhập cá nhân, theo đó, các trường hợp sau đây phải đóng thuế thu nhập cá nhân:

– Thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế; thu nhập từ nhận quà tặng.

Trong đó, thu nhập từ nhận thừa kế phải đóng thuế thu nhập cá nhận trong những trường hợp sau đây:

– Đối với nhận thừa kế là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoáncổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

– Đối với nhận thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh; vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân; vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.

– Đối với nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ thừa kế là bất động sản theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

– Đối với nhận thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.

Như vậy, trường hợp thừa kế sổ tiết kiệm không cần đóng thuế thu nhập cá nhân. 

Tìm hiểu thêm: Thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất

Trên đây là bài viết của Việt Chính Luật về thủ tục thừa kế sổ tiết kiệm và mẫu văn bản thừa kế sổ tiết kiệm mới nhất hiện nay. Quý khách hàng cần tư vấn, hãy gọi trực tiếp tới số hotline 0911.111.099 hoặc 0987.062.757 chúng tôi sẽ hỗ trợ miễn phí!

 

                                                             

 

Bài viết liên quan