Thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất

THỦ TỤC THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Nước mắt chảy xuôi là truyền thống bao đời của người Việt Nam ta, đa phần mọi người có xu hướng tích góp tài sàn để sau này tặng cho hoặc để thừa kế cho con cháu. Trong các loại tài sản thì quyền sử dụng đất nói riêng hay bất động sản nói chung là tài sản có ý nghĩa quan trọng và giá trị nhất đối với người Việt và đương nhiên cũng là mối quan tâm lớn nhất của nhiều người trong thủ tục thừa kế. Bên cạnh đó, thừa kế quyền sử dụng đất thông thường cũng phức tạp hơn so với việc thừa kế các tài sản khác. Với bài viết này, Luật Việt Chính sẽ cung cấp các thông tin đơn giản và chi tiết nhất về thừa kế quyền sử dụng đất tới các Quý khách.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Để cung cấp các thông tin hữu ích tới quý khách, bên cạnh kinh nghiệm thì Luật Việt Chính còn phải dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:

Luật Đất đai

Bộ luật dân sự

Luật Công chứng

Luật Cư trú

Luật Căn cước công dân

THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ GÌ

Quyền sử dụng đất là một loại tài sản. Người có quyền sử dụng đất được nhà nước cho phép sử dụng một diện tích đất với mục đích sử dụng đất do nhà nước quy định. Quyền sử dụng đất không đồng nghĩa với quyền sở hữu đất nên người sử dụng đất phải chấp hành các quyết định thu hồi đất theo quy định.

Thừa kế là việc chuyển giao tài sản của người chết cho những người còn sống hoặc pháp nhân theo Di chúc hoặc theo pháp luật.

Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người chết cho người sống hoặc pháp nhân theo di chúc hoặc theo pháp luật.

THỪA KẾ THEO DI CHÚC

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về chủ thể, tài sản, hình thức và nội dung. Nếu di chúc không có hiệu lực thì tài sản sẽ được chia theo pháp luật. Ngoài ra một số trường hợp di chúc hợp pháp nhưng vẫn có những nội dung được chia mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Hiện nay, tỉ lệ lập di chúc hợp pháp đang ngày càng tăng lên nhưng vẫn chỉ chiếm số ít trong xã hội. Theo đánh giá của Luật Việt Chính, cần phải nâng cao tỉ lệ lập di chúc hợp pháp để hạn chế những tranh chấp phát sinh. Còn xét về mặt thủ tục hành chính thì việc lập di chúc cũng không khiến cho thủ tục thừa kế theo di chúc được đơn giản hơn là bao.

Thừa kế theo di chúc 

THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Thừa kế theo pháp luật là một dạng thừa kế đang rất phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Với trường hợp này, sẽ cần phải xem xét đến từng hàng thừa kế, nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai thì mới tính đến hàng thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ 2 cũng không còn ai thì mới tính đến hàng thừa kế thứ ba. Chú ý rằng việc xem xét sẽ tính trên thời điểm người để lại di sản chết.

Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm:  Bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, vợ, chồng.

Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: Ông, bà, anh chị em ruột, cháu gọi bằng ông bà.

Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: Cụ ruột, cô dì chú bác ruột,  cháu gọi bằng cụ ruột, cô dì chú bác ruột.

Những người thừa kế cùng 1 hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

THỦ TỤC THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ – Thông thường đây là bước khó và phức tạp, mất công sức nhất. Thành bại tại các bước tiếp theo đều phụ thuộc vào bước này.

Bước 2: Văn phòng công chứng niêm yết thông báo về việc thụ lý hồ sơ.

Bước 3: Công chứng Văn bản khai nhận di sản/Văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Bước 4: Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất theo quy định.

Các bước thừa kế quyền sử dụng đất

CHUẨN BỊ HỒ SƠ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Hồ sơ thừa kế vừa phức tạp, vừa liên quan đến người đã chết, vừa liên quan đến những mối quan hệ, những thông tin đã có từ rất lâu nên thường có sự sai sót, khó thu thập. Nhiều người thậm chí không thể thu thập được đầy đủ hồ sơ theo quy định. Khi chuẩn bị hồ sơ, cần phải phân chia thành các nhóm giấy tờ thì sẽ dễ dàng hơn.

Nhóm 1: Giấy tờ về quyền sử dụng đất bao gồm Sổ đỏ (Bản chính) và Biên lai nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm gần nhất (Bản photo – nếu có).

Nhóm 2: Giấy tờ của người đã chết bao gồm Giấy chứng tử, Di chúc (nếu có), giấy tờ tùy thân (trong 1 số trường hợp).

Nhóm 3: Giấy tờ chứng minh quan hệ bao gồm: Giấy khai sinh của người để lại di sản (để chứng minh bố mẹ họ là ai), Giấy đăng ký kết hôn (để chứng minh vợ chồng họ là ai – trong 1 số trường hợp thì có thể thay bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc văn bản xác nhận, xác minh khác), Giấy khai sinh của các con của người để lại di sản,…

Nhóm 4: Trong những người thuộc từng hàng thừa kế hoặc những người được hưởng di chúc nếu có người đã chết thì cần giấy chứng tử của họ.

Nhóm 5: Căn cước công dân gắn chip hoặc giấy tờ tùy thân khác kèm theo Xác nhận nơi cư trú của những người thừa kế.

Đặc điểm chung trong việc thu thập giấy tờ thừa kế là các sự kiện pháp lý đã diễn ra đã quá lâu nên thường gặp tình trạng chưa có, thất lạc giấy tờ chứng minh hoặc có nhưng bị sai sót về họ tên, về năm sinh. Để giải quyết những vấn đề đó thì cần phải xin cấp bổ sung hoặc cải chính thông tin. Tuy nhiên với những vụ việc đã trải qua thời gian dài và có người đã chết thì việc xin cấp bổ sung hay cải chính thông tin vô cùng khó khăn. Trong một số trường hợp, có thể dùng Lý lịch Đảng viên hoặc các xác nhận của các cơ quan nhà nước để thay thế nhưng sẽ không chắc chắn, cần phải có sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền.

Việc chuẩn bị hồ sơ thông thường sẽ có sự hướng dẫn của tổ chức hành nghề công chứng hoặc luật sư, với nhiều trường hợp, phải đủ hồ sơ thì mới tiến hành niêm yết nhưng cũng có trường hợp việc niêm yết được thực hiện song song với quá trình xin hồ sơ để tiết kiệm thời gian.

NIÊM YẾT TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG

Thủ tục niêm yết việc thụ lý Văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc Văn bản khai nhận di sản sẽ được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người để lại di sản thường trú trước khi mất, nếu không xác định được nơi thường trú thì sẽ theo nơi tạm trú cuối cùng. Riêng với bất động sản như quyền sử dụng đất thì còn phải niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc niêm yết được quy định là 15 ngày kể từ ngày niêm yết nhưng có một số địa phương vẫn đang yêu cầu phải niêm yết đủ 15 ngày làm việc, tức là không tính ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Ngoài ra, thủ tục niêm yết mỗi nơi yêu cầu khác nhau, cần giấy tờ khác nhau.

CÔNG CHỨNG VĂN BẢN THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN/KHAI NHẬN DI SẢN

Sau khi niêm yết đủ 15 ngày và được Ủy ban nhân dân xã xác nhận mà không có khiếu nại tranh chấp gì thì Tổ chức hành nghề công chứng có thể chứng nhận Văn bản thừa kế do các đồng thừa kế lập. Việc công chứng được tiến hành tại trụ sở Tổ chức hành nghề công chứng hoặc có thể thực hiện tại nhà, tại nơi làm việc của đương sự theo yêu cầu. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng nếu ký ngoài trụ sở và ngoài giờ làm việc thì chi phí có thể sẽ bị tăng lên rất cao, cần phải trao dổi về phí trước khi thực hiện. Để công chứng thì người yêu cầu công chứng cần xuất trình bản gốc tất cả các giấy tờ đã chuẩn bị. Trường hợp không có đủ giấy tờ gốc thì có thể thay thế bằng các bản sao trích lục từ sổ gốc (không phải bản sao y bản chính). Những người lập Văn bản sẽ phải ký tên (điểm chỉ) trước mặt công chứng viên.

ĐĂNG KÝ SANG TÊN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Sang tên quyền sử dụng đất do nhận thừa kế không khó vì những vấn đề khó khăn, vướng mắc đều đã được giải quyết trong các bước trước đó rồi. Chỉ cần chuẩn bị một hoặc hai bộ bản sao các giấy tờ cần xuất trình khi công chứng kèm theo Sổ đỏ bản chính và Văn bản thỏa thuận phân chia di sản/khai nhận di sản là đã có thể thực hiện thủ tục sang tên. Nếu người hưởng thừa kế thuộc các trường hợp có mối quan hệ được miễn thuế như bố mẹ, con cái, ông bà, cháu, anh em ruột,….thì còn được miễn thuế và lệ phí trước bạ. Thời gian thực hiện theo quy định là 13 ngày làm việc nhưng nhiều địa phương, nhiều hồ sơ có tình trạng chậm trễ khiến thời gian giải quyết bị kéo dài.

DỊCH VỤ CỦA LUẬT VIỆT CHÍNH

Luật Việt Chính cung cấp dịch vụ sang tên sổ đỏ thừa kế trọn gói. Với dịch vụ này, Luật Việt Chính sẽ hỗ trợ khách hàng những nội dung gì?

  • Tư vấn pháp luật về thừa kế
  • Hỗ trợ lập di chúc
  • Hỗ trợ chuẩn bị giấy tờ thừa kế
  • Hỗ trợ công chứng Văn bản thừa kế
  • Hỗ trợ sang tên quyền sử dụng đất do nhận thừa kế.

Với tùy từng dịch vụ mà mức chi phí sẽ rất phải chăng, phù hợp, chỉ từ 500.000 VNĐ sẽ đảm bảo cho khách hàng hạn chế tranh chấp, hạn chế rủi ro, giữ được tình cảm trong gia đình. Hãy gọi ngay 0911.111.099 hoặc 0987.062.757 để được hỗ trợ nhanh nhất!

Tìm hiểu thêm: Dịch vụ sang tên sổ đỏ trọn gói tại Hà Nội

Bài viết liên quan