THỦ TỤC CHIA THỪA KẾ VÀ ĐĂNG KÝ BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI
Câu hỏi: Thưa luật sư tôi có một miếng đất muốn sang tên cho đứa con út. Hiện tại thì chồng tôi đã chết, trên sổ đỏ có tên tôi và chồng tôi thì tôi nên làm thế nào? Người con út đang sống cùng với tôi.
Trả lời:
Đối với trường hợp của bạn, Luật Việt Chính xin đưa ra giải đáp thắc mắc như sau:
Bởi đây là tài sản chung của hai vợ chồng, nên khi chồng bà chết đi thì một nửa thửa đất này chính là di sản thừa kế mà chồng bà đã để lại. Nếu bà muốn sang tên cả thửa đất này thì không được. Vì một nửa thửa đất này là di sản thừa kế của chồng bà. Khi chồng bà chết đi, nếu không có di chúc sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 649 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 về thừa kế theo pháp luật và những người thừa kế theo pháp luật để chia thừa kế. Và sau khi chia thừa kế xong, bà có thể tặng cho người con út một nửa thửa đất thuộc quyền sở hữu của bà và phần di sản mà bà đã được thừa kế từ người chồng.
Tham khảo: Dịch vụ sang tên sổ đỏ trọn gói tại Hà Nội
“Điều 649. Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.”
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Vì vậy bà cần phải chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các bước như sau:
Vì đây là tài sản chung của vợ chồng nên cần phải thực hiện việc chia thừa kế tặng cho tài sản và cuối cùng là sang tên. Hiện nay, nhiều văn phòng đăng ký đất đai tạo điều kiện cho người dân gộp các quy trình này lại làm một để tránh người dân phải đi lại nhiều lần mất công sức và thời gian.
* Hồ sơ cần chuẩn bị:
– Giấy chứng tử của người chồng (nếu không có giấy chứng tử thì phải có trích lục khai tử).
– Giấy khai sinh của người chồng (nếu có)
– Giấy chứng tử của bố mẹ người chồng/ trích lục khai tử nếu bố mẹ người chồng đã chết.
– Giấy khai sinh của các con.
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người vợ.
– Căn cước công dân của các con, người vợ (của bố mẹ người chồng nếu bố mẹ người chồng vẫn còn sống).
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
* Lưu ý:
– Giấy tờ khai sinh của các con, tên của bố mẹ phải trùng khớp với nhau.
– Trường hợp một số người con đã mất cần phải có giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người con đã mất, và phải chuẩn bị thêm căn cước công dân của người vợ và các con (nếu các con đã lớn, thì không cần căn cước công dân của người vợ mà chỉ cần của các con).
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ nêu trên, cần niêm yết Thông báo về việc khai nhận di sản thừa kế tại Ủy ban nhân dân phường có bất động sản (mảnh đất đó). Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có tranh chấp phát sinh, Ủy ban nhân dân phường sẽ xác nhận và thực hiện thủ tục phân chia di sản. Trong lúc phân chia di sản, có thể hỏi ý kiến của các đồng thừa kế xem có đồng ý tặng cho tài sản cho người con út hay không? Trong trường hợp những người con ở xa không ký được vào văn bản thỏa thuận tặng cho di sản thừa kế, thì có thể viết đơn từ chối nhận di sản. Và người mẹ cũng có thể thể hiện mong muốn rằng tặng cho phần di sản của mình và tặng cho luôn phần tài sản mình có cho người con út. Và tất cả những điều này phải được thể hiện rõ trong văn bản phân chia di sản.
– Sau khi đã thực hiện việc phân chia di sản và có văn bản phân chia di sản đã được công chứng. Thì sẽ thực hiện tiếp bước tiếp theo sang tên sổ đỏ.
* Hồ sơ cần chuẩn bị khi sang tên sổ đỏ:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất.
– Văn bản phân chia di sản.
– Căn cước công dân.
– Tờ khai đăng ký biến động đất đai.
– Tờ khai thuế thu nhập cá nhân.
– Tờ khai lệ phí trước bạ.
– Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Trường hợp được miễn thuế cần chuẩn bị thêm các giấy tờ làm căn cứ xác định đang thuộc đối tượng được miễn thuế như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh…
– Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền cho người khác thực hiện)
– Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ sang tên sổ đỏ, người nộp hồ sơ có trách nhiệm tới Văn phòng đăng ký đất đai tại quận có bất động sản nộp hồ sơ đăng ký biến động tại bộ phận một cửa liên thông.
Trân trọng!