Một số vấn đề pháp lý nhìn từ một tình huống tranh chấp kinh doanh thương mại

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ NHÌN TỪ MỘT TÌNH HUỐNG TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Công ty cổ phần C (chuyên sản xuất các sản phẩm cà phê) ký hợp đồng số 01 với Công ty trách nhiệm hữu hạn D với nội dung: Công ty D thay mặt Công ty C để thực hiện hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc. Ngày 1/3/2019, Công ty C vận chuyển 200 thùng hàng (cà phê cùng một loại) từ Buôn Ma Thuột tới trụ sở chính của Công ty C ở Hà Nội. Nắm được thông tin, Doanh nghiệp tư nhân AHA (trụ sở chính tại quận Đống Đa) đã gửi đề nghị giao kết hợp đồng mua 100 thùng cà phê xay sẵn tới Công ty D. Ngày 2/3/2019, hợp đồng mua bán 100 thùng cà phê (hợp đồng số 02) được ký kết. Dự kiến sáng ngày 3/3/2019, hàng có mặt tại trụ sở chính của Công ty D. Tuy nhiên đang ở địa phận Thanh Hóa, vì gặp phải bão to, lô hàng bị hư hại 150 thùng cà phê.

1. Hãy xác định các quan hệ pháp luật thương mại cụ thể được nêu trong tình huống trên.

2. Nếu đại diện theo pháp luật duy nhất của Công ty C là bà Đỗ Thị K . Bà K cũng chính là chủ Doanh nghiệp tư nhân AHA. Hãy nhận xét về hiệu lực của hợp đồng mua bán số 02.

3. Chủ thể nào phải chịu tổn thất hư hại 150 thùng cà phê?

4. Trong hợp đồng số 02 các bên thỏa thuận về địa điểm giao hàng là trụ sở chính của Doanh nghiệp tư nhân AHA. Thỏa thuận này có ảnh hưởng đến việc xác định chủ thể chịu tổn thất về việc hư hại 150 thùng cà phê không?

5. Giả sử, anh/chị là luật sư đã được hai bên tìm đến để tư vấn các vấn đề pháp lý kể trên. Sau khi hoàn thành vụ việc, anh/chị rút ra được những kinh nghiệm chuyên môn (những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi thực hiện pháp luật) nào cho bản thân khi giải quyết đối với các vụ việc tương tự về sau:

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

 Căn Cứ Pháp Lý:  Điều 3, Điều 6, Điều 24, Điều 142 LTM năm 2005 các quan hệ pháp luật thương mại cụ thể được nêu trong tình huống trên bao gồm: Quan hệ đại diện cho thương nhân và quan hệ mua bán hàng.

a) Quan hệ đại diện cho thương nhân giữa CTCP C và CT TNHH D

Căn cứ vào quy định của LTM năm 2005 và dựa vào các dữ liệu thông tin trong tình huống trên, ta xác định được quan hệ pháp luật thương mại giữa CTCP C và CT TNHH D là quan hệ đại diện cho thương nhân. Bởi vì nó đáp ứng đầy đủ các đặc điểm của đại diện cho thương nhân:

Về mặt bản chất, đại diện cho thương nhân là quan hệ trung gian thương mại. Theo đó, hoạt động này chỉ được diễn ra khi một chủ thể có nhu cầu giao công việc cho chủ thể khác thay mình thực hiện công việc. Trong tình huống, CTCP C ký hợp đồng số 01 với CT TNHH D với nội dung: “Công ty D thay mặt Công ty C để thực hiện hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc”.

Về chủ thể, đại diện cho thương nhân bao gồm bên giao đại diện và bên đại diện, hai bên đều phải là thương nhân. Trong đó, CTCP C là bên giao đại diện, CT TNHH D là bên đại diện và hai bên đều là thương nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 6 LTM năm 2005. Lúc này CTCP C có quyền thực hiện các hoạt động thương mại nhất định theo quy định của pháp luật, đồng thời được phép ủy quyền công việc kinh doanh của mình cho CT TNHH D. Còn CT TNHH D đại diện CTCP C thực hiện hoạt động kinh doanh một cách chuyên nghiệp để hưởng thù lao theo sự uỷ quyền của bên giao đại diện.

Về nội dung, nội dung của hợp đồng sẽ được thỏa thuận bởi các bên trên cơ sở tự do hợp đồng. CTCP C và CT TNHH D đã thỏa thuận về việc CT TNHH Đồng Bằng thay mặt CTCP C để thực hiện hoạt động kinh doanh trong phạm vi các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc.

Về mục đích, mục đích của hoạt động đại diện cho thương nhân là sinh lời. Do đó, quan hệ đại diện cho thương nhân luôn mang tính song vụ, đền bù. CT TNHH D sẽ được nhận thù lao từ CTCP C và CTCP C sẽ thu lợi từ việc CT TNHH D thay mình để thực hiện hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc.

Về cơ sở pháp lý, cơ sở pháp lý của quan hệ đại diện cho thương nhân là hợp đồng. Trong tình huống trên, CTCP C đã ký kết hợp đồng số 01 với CT TNHH D, đây chính là hợp đồng đại diện cho thương nhân. Căn cứ theo Điều 142 LTM năm 2005 hợp đồng này phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

 b) Quan hệ mua hàng bán hàng hóa giữa CTCP C và DNTN AHA

Quan hệ giữa CTCP Cao Nguyên và DNTN AHA là quan hệ mua bán hàng hoá. Bởi xét về mặt hình thức có thể thấy quan hệ mua bán hàng hóa thuộc về CT TNHH D và DNTN AHA; Nhưng xét về mặt bản chất đây là quan hệ mua bán hàng hóa giữa CTCP C và DNTN AHA bởi CT TNHH D chỉ là đại diện cho CTCP C để ký hợp đồng số 02. Và đương nhiên, mọi quyền lợi và nghĩa vụ mua bán trong hợp đồng số 02 đều thuộc về CTCP C. Theo LTM năm 2005 thì mọi hành vi trong phạm vi ủy quyền do bên đại diện là CT TNHH D thực hiện được xem như chính bên giao đại diện là CTCP C thực hiện và trực tiếp đem lại hậu quả pháp lý cho bên giao đại diện. Do đó, bên giao đại diện phải chịu trách nhiệm về các cam kết do bên đại diện thực hiện trong phạm vi uỷ quyền với DNTN AHA. Vậy, chủ thể chính của hợp đồng số 02 là CTCP C và DNTN AHA. Để xác định được quan hệ mua bán hàng hóa giữa CTCP C và DNTN AHA, dựa vào những đặc điểm của quan hệ mua bán hàng hóa, cụ thể như sau:

Về chủ thể, chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa chủ yếu là thương nhân. CTCP C là thương nhân và có quyền thực hiện các hoạt động thương mại nhất định, nên đáp ứng điều kiện về bên bán, còn DNTN AHA cũng là thương nhân tham gia vào hoạt động mua bán với tư cách là bên mua.

Về hình thức, hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thoả thuận giữa các bên, dưới góc độ pháp lý việc tuân thủ hình thức của hợp đồng là bắt buộc nhằm hạn chế các rủi ro cho các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng. Tại Điều 24 LTM năm 2005 quy định rõ về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong tình huống trên hình thức của hợp đồng là bằng văn bản (hợp đồng số 02).

Về đối tượng, hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa. Các loại hàng hoá được quy định tại khoản 2 Điều 3 LTM năm 2005. Tuy nhiên, những hàng hóa này phải là những hàng hóa hợp pháp và không thuộc những trường hợp hàng hóa bị cấm kinh doanh trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Trong đó, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa giữa CTCP C và DNTN AHA là cà phê, nên hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật.

Về nội dung, nội dung của hợp đồng mua bán hàng hoá là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo đó quyền và nghĩa vụ của bên này tương ứng với nghĩa vụ và quyền của bên kia.

2. Giả sử, đại diện theo pháp luật duy nhất của Công ty D là bà Đỗ Thị K. Bà K cũng chính là chủ Doanh nghiệp tư nhân AHA. Hãy nhận xét về hiệu lực của hợp đồng mua bán số 02. Căn cứ pháp lý: Điều 4, Điều 145 LTM năm 2005; Điều 117, Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014. CTCP C ký hợp đồng số 01 với CT TNHH D với nội dung: Công ty D thay mặt Công ty C để thực hiện hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc. Ngày 02/03/2019, CT TNHH D giao kết hợp đồng mua bán số 02 với DNTN AHA. Như vậy, CT TNHH D là bên đại diện, nhân danh CTCP C thực hiện hợp đồng với DNTN AHA. Tức là khi thực hiện hợp đồng giao kết thì sẽ do CT TNHH D thực hiện với DNTN AHA, hai bên cùng ký vào hợp đồng. Trong trường hợp đại diện theo pháp luật duy nhất của CT TNHH D là bà Đỗ Thị K và cũng chính là chủ DNTN AHA,  có những nhận xét về hiệu lực của hợp đồng mua bán số 02 như sau:

   Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục hành chính 

Thứ nhất, theo đề bài, hợp đồng được ký kết vào ngày 02/03/2019, lúc bấy giờ Luật Doanh nghiệp năm 2020 chưa có hiệu lực thi hành nên áp dụng. Luật Doanh nghiệp năm 2014 để áp dụng giải quyết tình huống trên. Theo khoản 3 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh”. Như vậy, pháp luật không hạn chế việc chủ DNTN làm đại diện cho CT TNHH. Do đó, việc bà K vừa là đại diện theo pháp luật của CT TNHH D vừa là chủ DNTN AHA là không vi phạm pháp luật.

Thứ hai, LTM năm 2005 không quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa, căn cứ theo khoản 3 Điều 4 LTM năm 2005: “Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”. Dựa theo bản chất, hợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất giống như hợp đồng mua bán tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự. Do đó, để xét hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa trong tình huống này cần dựa theo những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, nếu thiếu một trong các căn cứ, giao dịch dân sự sẽ bị coi là vô hiệu.

Thứ ba, căn cứ vào khoản 4 Điều 145 LTM năm 2005: “Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện”. Quy định này phù hợp với quy định trong Bộ luật Dân sự, theo khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Theo quy định trên, sẽ xảy ra hai trường hợp mà bà Lúa không được thực hiện hợp đồng là: Thực hiện các hoạt động thương mại với bên thứ ba mà mình cũng là đại diện của người đó hoặc thực hiện các hoạt động thương mại với chính mình mà mình cũng là đại diện của người đó. Vì hợp đồng là sự thoả thuận của các bên, nếu các bên không trực tiếp làm thì sẽ uỷ quyền cho các chủ thể khác, vậy nếu uỷ quyền cho cùng một chủ thể thì sự thoả thuận của các bên không còn mang tính khách quan và độc lập nữa. Vì thế luật cấm việc đồng thời làm đại diện cho các bên trong cùng một quan hệ pháp luật hoặc làm đại diện cho một bên đồng thời giao kết trong cùng một quan hệ pháp luật với chính mình. Như vậy, chỉ khi làm đại diện cho các bên trong các quan hệ pháp luật khác nhau thì hợp đồng mới có hiệu lực. Xét thấy trong trường hợp này, bà Lúa là đại diện duy nhất của CT TNHH D, thực hiện hợp đồng giao dịch với tư cách là chủ sở hữu của DNTN AHA, thuộc trường hợp làm đại diện cho một bên đồng thời giao kết trong cùng một quan hệ pháp luật với chính mình. Bà K đã vi phạm quy định về phạm vi đại diện của pháp luật. Do đó hợp đồng mua bán hàng hoá số 02 không đáp ứng được điều kiện về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng, nên hợp đồng này không có hiệu lực pháp luật.

3. Chủ thể nào chịu tổn thất hư hại 150 thùng cà phê?

Căn cứ pháp lý,  Điều 60, Điều 145, Điều 146 LTM năm 2005; Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong hợp đồng số 01, giữa CTCP C và CT TNHH D là quan hệ đại diện cho thương nhân. Theo đó, Công ty C có nghĩa vụ cung cấp hàng hóa tới Công ty D, căn cứ theo khoản 2 Điều 146 LTM năm 2005; Còn Công ty D chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa do bên giao đại diện giao, căn cứ theo khoản 6 Điều 145 LTM năm 2005. Công ty D là đại diện kinh doanh, bán hàng tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc, không phải chủ sở hữu, do đó không phải chịu trách nhiệm rủi ro đối với hàng hóa đã bị hư hại. Khi Công ty D giao dịch với DNTN AHA thì về mặt pháp lý các hành vi do Công ty D thực hiện được xem như là Công ty C thực hiện. Công ty C phải chịu trách nhiệm về các cam kết do Công ty D thực hiện trong phạm vi đại diện. Do đó, CT TNHH D không phải chịu tổn thất hư hại 150 thùng cà phê. Trong hợp đồng số 02, quan hệ pháp luật thương mại giữa CTCP C với DNTN AHA là quan hệ mua bán hàng hóa. Ngày 1/3/2019, CTCP C vận chuyển 200 thùng hàng cà phê từ Buôn Ma Thuột tới trụ sở chính của CT TNHH Đồng Bằng. Nắm bắt được thông tin, DNTN AHA đã đề nghị giao kết hợp đồng mua 100 thùng cà phê do CT TNHH D đứng ra đại diện. Ngày 2/3/2019, hợp đồng mua bán 100 thùng cà phê được ký kết.

Trong quá trình vận chuyển, vì gặp phải bão to nên lô hàng bị hư hại 150 thùng tại địa phận tỉnh Thanh Hoá. Có thể nhận định rằng, lô hàng trên gặp bão sau ngày 2/3/2019, tức sau khi hợp đồng số 02 được ký kết. Hợp đồng số 02 được ký kết trong thời gian hàng hóa đang trên đường vận chuyển. Do đó, đối tượng của hợp đồng số 02 là hàng hóa đang trên đường vận chuyển theo Điều 60 LTM năm 2005. Về trách nhiệm chịu rủi ro khi hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì có các trường hợp sau:

Thứ nhất, các bên có thoả thuận về chịu rủi ro tổn thất khi hàng hoá bị hư hỏng, mất mát trên đường vận chuyển. Nếu hai bên có thoả thuận về thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hoá thì thực hiện theo thỏa thuận. Hoặc nếu hai bên có thoả thuận về phân chia rủi ro, thì sẽ chia rủi ro theo thoả thuận. Bên cạnh đó, nhóm em có hướng gợi ý về thực hiện trách nhiệm chịu rủi ro hàng hoá bị hư hỏng dựa trên số lượng hàng hóa đã ký kết trên hợp đồng số 02 và số lượng hàng hóa hư hỏng. Theo hợp đồng số 02, DNTN muốn mua 100 thùng cà phê, tuy nhiên trong quá trình vận chuyển, lô hàng bị hư hại 150 thùng cà phê và lô hàng vẫn còn 50 thùng hàng không hư hỏng. Việc xác định 50 thùng hàng không hư hỏng thuộc về bên nào là rất khó bởi vì DNTN AHA giao kết hợp đồng số 2 trong khi hàng hoá đang trên đường vận chuyển nên nếu không xác định được thùng hàng nào thuộc về DNTN AHA, thì nhóm 03 gợi ý nên chia đều trách nhiệm chịu rủi ro cho hai bên để đảm bảo tính công bằng và 10 khách quan. Theo đó, CTCP C chịu rủi ro 75 thùng hàng hư hỏng (do là chủ sở hữu) và DNTN AHA chịu rủi ro 75 thùng hàng hư hỏng ( bên mua hàng hoá).

Thứ hai, nếu hai bên không có thoả thuận về chuyển rủi ro thì áp dụng Điều 60 LTM năm 2005 về chuyển rủi ro trong trường hợp hàng hoá đang trên đường vận chuyển. Điều 60 LTM năm 2005 quy định như sau: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng”. Hàng hóa đang trên đường vận chuyển theo quy định của Điều 60 là đối tượng của hợp đồng mà hai bên ký kết, thay vì có vị trí cố định, thì hàng hóa đó đang trên đường vận chuyển khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Căn cứ theo tình huống đề bài, khi nắm được thông tin về chuyến hàng giữa CTCP C và CT TNHH D đang được vận chuyển, DNTN AHA đã gửi đề nghị giao kết hợp đồng mua 100 thùng cà phê tới CT TNHH D. Khi đó đối tượng của hợp đồng là “hàng hóa đang trên đường vận chuyển”. Như vậy, kể từ thời điểm hai bên giao kết hợp đồng, thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng đối với số hàng hóa trên được chuyển giao cho bên mua – DNTNAHA. Chính vì thế, DNTN AHA phải chịu rủi ro tương ứng về phần hàng hóa bị hư hại trong hợp đồng là 100 thùng cà phê. 50 thùng cà phê còn lại do CTCP C chịu trách nhiệm, vì căn cứ theo khoản 1 Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Trong tình huống này, hàng hóa đang trên đường vận chuyển vẫn thuộc quyền sở hữu của CTCP C, nên CTCP C phải chịu rủi ro 50 thùng hàng còn lại.

Kết luận lại, hai bên có thể lựa chọn cách chia tỷ lệ rủi ro hàng hoá theo thoả thuận hoặc áp dụng dụng quy định của LTM năm 2005, cụ thể: CTCP C và DNTN AHA là hai chủ thể chịu tổn thất hư hại về 150 thùng cà phê. DNTN AHA phải chịu tổn thất hư hại 100 thùng theo quy định tại Điều 60 LTM năm 2005, còn 50 thùng do CTCP C chịu tổn thất trên cơ sở khoản 1 Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Giả sử, trong hợp đồng số 02 các bên thỏa thuận về địa điểm giao hàng là trụ sở chính của Doanh nghiệp tư nhân AHA. Thỏa thuận này có ảnh hưởng đến việc xác định chủ thể chịu tổn thất về việc hư hại 150 thùng cà phê không?  

Căn cứ pháp lý, Điều 57, Điều 60 LTM năm 2005. Căn cứ vào các tình tiết trên, có thể nhận định rằng, hợp đồng số 02 được ký kết sau khi CTCP C vận chuyển 200 thùng hàng cà phê tới trụ sở chính của Công ty D. Đối tượng của hợp đồng số 02 là 100 thùng hàng cà phê trong số 200 thùng hàng cà phê đang trên đường vận chuyển. Theo đó, dù cho các bên trong hợp đồng số 02 có thỏa thuận về địa điểm giao hàng tại trụ sở chính của DNTN AHA thì về bản chất, đối tượng của hợp đồng số 02 vẫn là hàng hóa đang trên đường vận chuyển. Do đó, nhóm vẫn áp dụng điều 60 LTM năm 2005 quy định về chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển. Trường hợp CTCP C và DNTN AHA có thỏa thuận về vấn đề chuyển rủi ro, thì việc xác định chủ thể chịu tổn thất về việc hư hại 150 thùng cà phê sẽ được xác định căn cứ vào thỏa thuận của hai bên. Trường hợp CTCP C và DNTN AHA không có thỏa thuận về vấn đề chuyển rủi ro, thì rủi ro được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng, theo Điều 60 LTM năm 2005. Tuy nhiên, căn cứ vào hợp đồng số 02 được ký kết, đối tượng của hợp đồng là 100 thùng hàng cà phê. Vì vậy, DNTN AHA chỉ phải chịu tổn thất về việc hư hại 100 thùng cà phê, 50 thùng còn lại sẽ do CTCP C là chủ sở hữu chịu tổn thất. Thỏa thuận về địa điểm giao hàng là trụ sở chính của DNTN OHO rất dễ khiến chúng ta nhầm lẫn khi áp dụng trường hợp chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định, được quy định tại Điều 57 LTM năm 2005: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặcngười được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá”. Ở đây có thể hiểu là thời điểm chuyển rủi ro trùng với thời điểm bên bán giao hàng cho bên mua và bên mua hoặc người đại diện của bên mua đã nhận hàng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp thời điểm bên bán giao hàng và thời điểm bên mua nhận hàng là trùng nhau. Do vậy, cần căn cứ vàocác thỏa thuận cụ thể của các bên trong hợp đồng về thời gian giao nhận hàng, để xác định rủi ro đã được chuyển giao hay chưa, chuyển giao vào thời điểm nào. Trong tình huống này, thời điểm chuyển rủi ro và thời điểm bên bán giao hàng cho bên mua và bên mua hoặc người đại diện của bên mua đã nhận hàng là không trùng nhau. Bởi hàng hóa vẫn đang trên đường vận chuyển, tức bên mua chưa nhận được số hàng như trong hợp đồng. Vì vậy, dù có địa điểm giao hàng xác định cũng không thể áp dụng quy định tại Điều 57 LTM năm 2005. Theo Điều 57 LTM năm 2005, hàng hóa phải là hàng hóa đang ở một địa điểm cố định, còn vận chuyển chỉ là một phương thức giao nhận. Nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa được đặt ra khi hai bên ký kết hợp đồng. Trách nhiệm rủi ro chỉ phát sinh đối với DNTN AHA khi 100 thùng cà phê đã được giao cho DNTN AHA hoặc người được DNTN AHA ủy quyền đã nhận hàng tại trụ sở chính của DNTN AHA. Trách nhiệm chịu rủi ro phát sinh đối với CTCP C khi hàng hóa vẫn chưa được giao đến trụ sở chính của DNTN AHA. Tuy nhiên, căn cứ vào tình tiết đề bài và phân tích nêu trên, nhóm em xác định đối tượng của hợp đồng số 02 là hàng hóa đang trên đường vận chuyển, tức là,hợp đồng được ký kết khi hàng hóa đang không ở điểm cố định, mà đang được vận chuyển từ bên giao đại diện sang cho bên đại diện.

Như vậy, trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng số 02 thỏa thuận về địa điểm giao hàng là trụ sở chính của DNTN AHA, thỏa thuận này không làm ảnh hưởng đến việc xác định chủ thể chịu tổn thất về việc hư hại 150 thùng cà phê. Trách nhiệm chịu rủi ro hàng hóa vẫn được xác định giống ở câu 3. Khi CTCP C đang trên đường giao hàng tới CT TNHH D thì DNTN AHA đề nghị giao kết hợp đồng mua 100 thùng hàng, giả sử các bên cóthỏa thuận địa điểm giao hàng là trụ sở chính của DNTN AHA thì cũng không thể phủ nhận rằng đối tượng của hợp đồng này là hàng hóa đang trên đường vận chuyển. Do đó việc áp dụng Điều 57 LTM năm 2005 vào việc chia rủi ro là không hợp lý.

                                                              Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục hành chính 

5. Giả sử, em là luật sư đã được hai bên tìm đến để tư vấn các vấn đề pháp lý kể trên. Sau khi hoàn thành vụ việc, em rút ra được những kinh nghiệm chuyên môn (những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi thực hiện pháp luật) nào cho bản thân khi giải quyết đối với các vụ việc tương tự về sau. Căn cứ pháp lý: Điều 141, Điều 146 LTM năm 2005; Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hợp đồng thương mại là giao dịch thể hiện sự thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện giữa các chủ thể trong kinh doanh với nhau và với các bên có liên quan đến việc xác định, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên để đảm bảo một giao dịch không tồn tại rủi ro trong quátrình thực hiện hợp đồng thì cần phải được các bên liên quan, đặc biệt là luật sư tư vấn chú trọng chi tiết đến các vấn đề như: điều khoản, hợp đồng vô hiệu, thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Cụ thể, nếu là luật sư sau khi được 02 bên tìm đến để tư vấn thì chúng em sẽ rút ra được một vài kinh nghiệm chuyên môn cho bản thân như sau:

Thứ nhất, về các vấn đề liên quan đến các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật thương mại. Trước hết phía luật sư tư vấn cần xác định và kiểm tra tư cách pháp nhân của mỗi bên chủ thể tham gia ký kết hợp đồng thương mại. Mỗi quan hệ pháp luật thương mại, yếu tố chủ thể đều được quy định rõ trong LTM năm 2005, ví dụ như trong quan hệ đại diện thì cả hai bên chủ thể đều phải là thương nhân theo Điều 141 LTM năm 2005. Việc xác định tư cách pháp nhân là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hợp đồng có bị vô hiệu hay không. Ngoài ra, mỗi hợp đồng thương mại cần phải được xác định rõ các bên chủ thể tham gia cũng như quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi bên. Cụ thể như trong quan hệ đại diện pháp luật kể trên, phía bên công ty D là đại diện cho bên CTCP C. Khi hợp đồng mua bán hàng hóa với bên thứ ba là DNTN AHA được ký kết, chủ thể có tư cách pháp nhân bắt buộc phải tham gia vào các giao dịch thông qua bên đại diện. Ta phải xác định rõ nghĩa vụ của bên giao đại diện được quy định tại Điều 146 LTM năm 2005 cũng như giao dịch này ràng buộc người giao đại diện trên cơ sở pháp lý khoản 1 Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện”. Như vậy, đây chính là thời điểm các vấn đề pháp lý, đặc biệt là vấn đề chịu trách nhiệm và chuyển rủi ro sau này sẽ thuộc về phía bên giao đại diện và bên thứ ba ký kết hợp đồng. Người đại diện lúc này có trách nhiệm hoàn thành công việc đã được thỏa thuận trong hợp đồng đại diện, trong phạm vi đại diện đã giao kết trước đó với bên giao đại diện. Việc minh bạch về người đại diện có ý nghĩa vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của giao dịch. Phân biệt được các chủ thể chính tham gia vào quan hệ pháp luật thương mại sẽ giúp tránh trường hợp giữa các chủ thể có sự mập mờ về lợi ích, thiếu tính khách quan, thiếu trách nhiệm nếu xảy ra tranh chấp hay rủi ro sau này.

Thứ hai, về các điều khoản được xây dựng trong hợp đồng. Một hợp đồng sẽ chứa đựng rất nhiều các điều khoản, và điều khoản nói chung chính là đại diện cho quyền lợi của các chủ thể tham gia. Trong quan hệ mua bán hàng hóa, các bên sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển rủi ro, mà mỗi điều khoản dù có cơ bản cũng sẽ có thể thay đổi “thế trận”, dẫn đến sự thiệt hại đối với thân chủ của mình. Để hạn chế rủi ro khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên nên chú ý đến các điều kiện có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng. Từ đó phải thể hiện rõ ràng thỏa thuận trong hợp đồng để không xảy ra tranh chấp đáng có. Chính vì vậy khi tư vấn xác lập hợp đồng giữa các bên, luật sư cần chú ý đến từng điều khoản cơ bản nhất như: thời điểm, thời hạn giao hàng, địa điểm giao hàng…. để tránh việc chủ thể bên mình tư vấn bị thiệt hại về lợi ích. Khi soạn thảo còn phải quan tâm về vấn đề hình thức, nội dung hợp đồng, không soạn những điều khoản vi phạm vào điều cấm của luật dẫn đến vô hiệu hợp đồng. Khi thấy có những điều khoản quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, minh bạch thì các bên cần phải thỏa thuận đàm phán và quy định lại để tạo cơ sở giải quyết khi có tranh chấp và các tình huống phát sinh trên thực tế. Cần quy định cụ thể chi tiết như quy định về đối tượng hợp đồng, giá cả và phương thức thanh toán, cơ chế giao nhận hàng, thời điểm chuyển rủi ro, thời điểm chuyển quyền sở hữu…

Thứ ba, cần tư vấn cụ thể về việc các điều khoản chịu rủi ro trong hợp đồng trong những trường hợp cụ thể. Như đã đề cập ở trên trong mọi quan hệ pháp luật thương mại nói chung và quan hệ mua bán hàng hóa nói riêng, mỗi bên chủ thể đều rất chú trọng đến việc chuyển rủi ro. Việc tiên lượng trước những rủi ro có thể xảy ra khi hai bên ký kết hợp đồng là việc hết sức quan trọng để các bên chú ý trong việc xây dựng các điều khoản trong hợp đồng sao cho mục đích của hai bên đều đạt được với tỷ lệ cao nhất. Đồng thời khi có rủi ro xảy ra, đặc biệt là các sự kiện bất khả kháng gây thiệt hại về hàng hóa, cũng giảm thiểu được tối đa thiệt hại về phía mình. Trong trường hợp không tiên lượng được những sự kiện có thể xảy ra, thì cần phải tư vấn để các bên có thể tham gia thảo luận, đưa ra cách giải quyết tình huống, sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng để các bên cùng nhận lợi cao hơn, giảm thiểu thiệt hại thấp hơn.

KẾT LUẬN

Qua tình huống trên, ta có thể khẳng định, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại, về thực chất hợp đồng trong lĩnh vực thương mại là hình thức pháp lí của hoạt động thương mại. Thông qua hợp đồng, doanh nghiệp và khách hàng cũng như đối tác được kết nối với nhau. Và trong một chừng mực nào đó, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại cho phép các doanh nghiệp tạo ra một luật lệ riêng, thông qua những điều khoản thỏa thuận mà các bên đã giao kết. Khi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác thì các bên phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý về chuyển giao quyền sở hữu và chuyển rủi ro trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá. Không chỉ pháp luật mà cả bên bán và bên mua cũng nên có những quy định cụ thể về vấn đề chuyển quyển sở hữu đối với hàng hoá từ bên bán sang bên mua vì nó ảnh hưởng đến việc chịu rủi ro của các bên sau này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam
  2. Văn bản quy phạm pháp luật
  3. Luật Thương mại năm 2005.
  4. Bộ luật Dân sự năm 2015.
  5. Luật Doanh nghiệp năm 2014

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

Bài viết liên quan