BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG KIỂM SÁT
TẠM GIỮ, TẠM GIAM
Quyền con người, hay nhân quyền, là một giá trị cơ bản, quan trọng và thiêng liêng nhất của con người. Cùng với dòng chảy của thời gian quyền con người là một trong những quy phạm pháp luật được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Vì vậy, đòi hỏi tất cả mọi thành viên của xã hội, không loại trừ bất cứ ai, đều có quyền và nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền và tự do của mọi người.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quyền con người đã được pháp điển hóa, trở thành một hệ thống các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế có tính chất bắt buộc với mọi quốc gia. Ở Việt Nam, việc phổ biến và giáo dục nhân quyền luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 được coi là một văn kiện có tính lịch sử trên phương diện quốc tế về quyền con người. Trên cơ sở đó, quyền con người đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp nước ta: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.
Mang trong mình một giá trị cao quý, do đó quyền con người có mối liên hệ mật thiết với với pháp luật. Pháp luật có vai trò đặc biệt, không thể thay thế được trong việc ghi nhận, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Là chủ thể của pháp luật, con người – cùng với quyền, tự do và nghĩa vụ, những thuộc tính xã hội gắn liền với nó – luôn là đối tượng phản ánh của các hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống ngày nay quyền con người vẫn ngày ngày đang có dấu hiệu bị xâm phạm. Điều đó đặt ra muôn vàn khó khăn và thách thức về việc xây dựng một hệ thống pháp luật giúp bảo vệ tối ưu quyền con người. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy vấn đề “Quyền con người” trong việc tạm giữ, tạm giam đã được các cơ hiện nay vẫn có không ít những trường hợp không đúng pháp luật, cũng như việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam chưa bảo đảm và phù hợp với thực tế.
Nhận thấy những bất cập của thực tiễn ấy, Kiểm sát viên Vũ Minh Hải, đã lựa chọn đề tài “Bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định” làm luận văn Thạc sĩ. Luận văn đã giúp cho người đọc có cái nhìn đánh giá toàn diện các quy định về bảo đảm quyền con người đối với người bị tạm giữ, tạm giam và thực tiễn áp dụng, từ đó đưa ra một số giải pháp để thực thi một cách hiệu quả việc bảo đảm quyền này trong thực tiễn hiện nay.
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG KIỂM SÁT TẠM GIỮ, TẠM GIAM.
1.1. Khái niệm, đặc điểm của bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam
1.2. Nội dung bảo đảm quyền con người trong tạm giữ, tạm giam
1.3. Phương thức bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam
1.4. Các điều kiện bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của viện kiểm sát nhân dân cấp huyện
Chương 2. THỰC TIỄN BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG KIỂM SÁT TẠM GIỮ, TẠM GIAM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HẬU, TỈNH NAM ĐỊNH
2.1. Khái quát chung về tình hình có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
2.2. Những kết quả đạt được về bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu
2.3. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của hạn chế, tồn tại trong bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu
Chương 3. QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG KIỂM SÁT TẠM GIỮ, TẠM GIAM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HẬU, TỈNH NAM ĐỊNH
3.1. Quan điểm bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam
3.2. Giải pháp bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
KẾT LUẬN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BLTTHS | : Bộ luật Tố tụng hình sự |
BLHS | : Bộ luật Hình sự |
BPNC | : Biện pháp ngăn chặn |
KSND | : Kiểm sát nhân dân |
KSV | : Kiểm sát viên |
QCN | : Quyền con người |
TTHS | : Tố tụng hình sự |
VKS | : Viện kiểm sát |
VKSND | : Viện kiểm sát nhân dân |
DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1: Bảng số liệu về tạm giữ
Bảng 2.2: Bảng số liệu về tạm giam
Bảng 2.3: Bảng số liệu về kiểm sát việc áp dụng BPNC tạm giữ, tạm giam
Bảng 2.4: Bảng số liệu về kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Quyền con người (QCN) bao gồm toàn bộ các quyền, tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người, sinh ra từ bản chất con người; được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế, không bị tước bỏ bởi bất kỳ chủ thể nào, không bị phân biệt về dân tộc, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn, địa vị xã hội,… Đây là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm mà Đấng tạo hóa đã ban cho con người, mang tính phổ biến chung của nhân loại, hiện hữu trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực TTHS – nơi mà QCN dễ bị xâm phạm nhất. Hậu quả của sự xâm phạm đó thường rất nghiêm trọng cả về vật chất, thể chất và tinh thần, do đó, đòi hỏi cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về QCN nhằm ghi nhận và bảo đảm QCN trên thực tế, phù hợp với pháp luật quốc tế, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh của Đảng và Nhà nước ta. Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 đánh dấu sự chuyển biến lớn trong nhận thức về vấn đề QCN ở nước ta hiện nay khi lần đầu tiên ghi nhận chế định QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II, thể hiện tư tưởng mới trong quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhân tố con người, đề cao tầm quan trọng, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Đây là nguyên tắc cốt lõi cơ bản bản nhằm nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ QCN, quyền công dân, góp phần hoàn thành mục tiêu cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Các quy định về QCN và bảo đảm QCN trong hiến pháp là cơ sở Hiến định quan trọng để xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó có luật tố tụng hình sự. Theo quy định của Hiến pháp, “VKSND là cơ quan duy nhất được giao chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát có trách nhiệm, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, pháp chế, bảo vệ QCN. Việc bảo vệ QCN của VKSND trong TTHS được thể hiện trên hai phương diện: “Một là, đấu tranh chống tội phạm, kịp thời phát hiện và đưa ra xử lý nghiêm khắc trước pháp luật những hành vi vi phạm QCN, đặc biệt trong hoạt động tư pháp; Hai là, bảo đảm các QCN, đặc biệt là QCN của người bị tạm giữ, tạm giam được tôn trọng”. VKSND thực hiện hoạt động kiểm sát tạm giữ, tạm giam ngay từ giai đoạn bắt đầu của quá trình tố tụng, kể từ khi phát sinh đến kết thúc việc giam, giữ. Trách nhiệm của VKS phải bảo đảm bất cứ trường hợp nào bị tạm giữ, tạm giam đều phải có đầy đủ hai yếu tố: Đúng người, đúng hành vi và phải tuân theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc tạm giữ, tạm giam phải tuân thủ các quy định của pháp luật; chế độ tạm giữ, tạm giam được bảo đảm; các QCN của người bị tạm giữ, tạm giam được tôn trọng và bảo vệ. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như vai trò của hệ thống tư pháp hình sự, đặc biệt là vai trò của VKSND trong bảo đảm QCN nói chung, QCN của người bị tạm giữ, tạm giam nói riêng cũng là một vấn đề cấp thiết và quan trọng đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự trong giai đoạn hiện nay.
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định những năm gần đây cho thấy vấn đề “Quyền con người” trong việc tạm giữ, tạm giam đã được các cơ quan tiến hành tố tụng chú trọng, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật về căn cứ, trình tự, thủ tục áp dụng các BPNC hiện nay vẫn có không ít những trường hợp không đúng pháp luật, cũng như việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam chưa bảo đảm và phù hợp với thực tế. Do đó, tác giả lựa chọn đề tài “Bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định” nhằm đánh giá toàn diện các quy định về bảo đảm QCN đối với người bị tạm giữ, tạm giam và thực tiễn áp dụng trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, từ đó đưa ra một số giải pháp để thực thi một cách hiệu quả việc bảo đảm quyền này trong thực tiễn hiện nay.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn
Tính đến nay đã có 03 luận án tiến sỹ nghiên cứu về đề tài nêu trên, gồm có:
– Luận án “Bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam, bị cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam” của Lại Văn Trình năm 2011 [19]. Luận án đã làm rõ những vấn đề lý luận về bảo đảm QCN của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong TTHS, đồng thời nghiên cứu thực trạng quy định pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động TTHS, làm sáng tỏ những bất cập hạn chế, để đưa ra những kiến nghị và giải pháp tăng cường bảo đảm QCN của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong TTHS Việt Nam.
– Luận án “Hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra” của Bùi Thị Hạnh năm 2017 [10]. Thông qua công trình nghiên cứu, tác giả đã làm rõ vai trò, chức năng và những hoạt động của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra, trong đó có biện pháp tạm giữ, tạm giam; đánh giá thực trạng, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra trong thời gian tới.
– Luận án “Bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta hiện nay” của Lê Ngọc Duy năm 2020 [7]. Tác giả đã cung cấp luận cứ khoa học để làm sáng tỏ cơ sở lý luận về bảo vệ QCN, quyền công dân trong hoạt động tố tụng của VKSND, đánh giá thực trạng bảo vệ QCN, quyền công dân trong hoạt động tố tụng của VKSND ở nước ta hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp khoa học nhằm hoàn thiện pháp luật và đảm bảo thực hiện bảo vệ QCN, quyền công dân trong hoạt động tố tụng của VKSND ở nước ta hiện nay.
Ngoài ra, liên quan đến đề tài này còn có một số bài viết, công trình nghiên cứu ở nhiều góc độ, khía cạnh, phạm vi khác nhau như:
– Luận văn “Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự” của Nguyễn Xuân Hùng năm 2013 [11];
– Luận văn “Bảo đảm quyền con người trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam qua thực tiễn hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn” của Nguyễn Mạnh Cường năm 2018 [6];
– Luận văn “Vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân bảo đảm quyền con người trong giai đoạn điều tra, truy tố từ thực tiễn hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ” của Nguyễn Duy Tùng năm 2020 [18];
– Bài viết “Bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong pháp luật hành chính Việt Nam (Một số vấn đề có tính phương pháp luận, định hướng nghiên cứu)” của Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thị Thu Hương, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN năm 2012 [17];…
Trong những công trình nghiên cứu trên, các tác giả đã khái quát những vấn đề chung nhất về QCN nói chung, QCN của người bị tạm giữ, tạm giam nói riêng; vai trò của VKSND trong việc bảo đảm QCN, từ đó đánh giá về thực trạng cũng như đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam được áp dụng, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, QCN của người bị buộc tội được tôn trọng, bảo vệ.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2018 đến nay, các công trình nghiên cứu về vấn đề bảo đảm QCN trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam trong ngành KSND nói chung còn hạn chế, riêng ngành KSND tỉnh Nam Định hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào về vấn đề nêu trên. Vì vậy, trong đề tài này, tôi sẽ đi sâu đánh giá các quy định về bảo đảm QCN đối với người bị tạm giữ, tạm giam và thực tiễn áp dụng trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Qua đó đưa ra một số phương hướng để hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam và một số giải pháp để thực thi một cách hiệu quả bảo đảm quyền này trong thực tiễn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận và pháp luật về bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam, đánh giá thực trạng bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của VKSND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của VKSND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Phù hợp với mục đích trên, Luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau:
– Phân tích vấn đề lý luận và các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền của những người bị tạm giữ, tạm giam;
Phân tích thực trạng bảo đảm QCN trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
– Làm rõ các hạn chế, tồn tại trong quá trình kiểm sát tạm giữ, tạm giam, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên;
– Đưa ra giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật và nâng cao chất lượng kiểm sát tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm QCN cho các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
– Về nội dung nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát, ở cả hai góc độ là kiểm sát việc áp dụng BPNC tạm giữ, tạm giam và kiểm sát việc thi hành tạm giữ, tạm giam.
– Về thời gian và địa bàn nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy định về bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2022.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
5.1. Cơ sở lý luận
Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về chính sách hình sự, về vấn đề cải cách tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng và các Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26/5/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Sử dụng trong việc nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan đến vai trò bảo vệ QCN thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, các đề tài khoa học, các bài viết đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành.
– Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu: Sử dụng để đưa ra cơ sở lý thuyết về vai trò bảo vệ QCN qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, đánh giá, khái quát thành những quan điểm, luận điểm phục vụ mục đích lý luận cho luận văn.
– Phương pháp thống kê: Sử dụng trong thống kê các số liệu thu thập được để tổng hợp, phân tích làm cơ sở đánh giá thực trạng, qua đó đánh giá về thành tựu, hạn chế để đưa ra những giải pháp giải quyết vấn đề một cách cụ thể.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu
Về mặt lý luận, luận văn đề cập và giải quyết một cách cụ thể, tổng quan về vai trò của VKSND trong việc bảo đảm QCN của người bị tạm giữ, tạm giam, góp phần làm phong phú tri thức trong lĩnh vực này.
Về mặt thực tiễn, luận văn phân tích và đánh giá thực trạng vai trò của VKSND trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong việc bảo đảm QCN của người bị tạm giữ, tạm giam và đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của ngành KSND nói chung và VKSND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nói riêng trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam. Những kiến nghị mà tác giả đưa ra góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về vai trò của VKSND trong việc bảo đảm QCN của người bị tạm giữ, tạm giam trong TTHS ở Việt Nam.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của đề tài luận văn gồm 3 chương:
– Chương 1: Một số vấn đề lý luận và pháp luật về bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam
– Chương 2: Thực tiễn bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
– Chương 3: Quan điểm và giải pháp bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
Theo Ths.Kểm sát viên Vũ Minh Hải