Cách tính thuế phi nông nghiệp theo quy định mới nhất năm 2024

 CÁCH TÍNH THUẾ PHI NÔNG NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH MỚI NHẤT NĂM 2024

Thuế đất phi nông nghiệp là loại thuế đất mà hàng năm người sử dụng đất không phải đất nông nghiệp nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Số tiền thuế đất phi nông nghiệp thường không lớn, tuy nhiên để thực hiện các thủ tục sang tên, chuyển nhượng,… người sử dụng đất phải hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, trong đó có việc đóng thuế đất phi nông nghiệp này.

Trong phạm vi bài viết sau đây của Luật Việt Chính, chúng tôi sẽ cung cấp cho Quý độc giả những thông tin cơ bản về thuế đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật mới nhất năm 2024.

Căn cứ pháp lý:

– Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010;

– Nghị định 53/2011/NĐ-CP;

– Nghị định 153/2011/NĐ-CP;

– Công văn 14452/BTC-TCT năm 2012;

1. Những đối tượng phải chịu thuế phi nông nghiệp

– Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị:

– Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, gồm:

+ Đất xây dựng khu công nghiệp bao gồm đất để xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất;

+ Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu kinh tế);

+ Đất để khai thác khoáng sản, đất làm mặt bằng chế biến khoáng sản, trừ trường hợp khai thác khoáng sản mà không ảnh hưởng đến lớp đất mặt hoặc mặt đất;

Ví dụ: Công ty A được nhà nước cho thuê đất để khai thác cát, trong tổng diện tích đất được thuê là 2000m2 đất có 1000m2 trên mặt đất là đất nuôi trồng thủy hải sản, còn lại là mặt bằng cho việc khai thác và sản xuất cát. Việc khai thác cát không ảnh hưởng đến diện tích đất nuôi trồng thủy hải sản, thì phần diện tích đất nuôi trồng thủy hải sản đó không thuộc đối tượng chịu thuế.

+ Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm bao gồm đất để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

– Đất phi nông nghiệp nhưng được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Luật sư Phương chuyên tư vấn về Luật đất đai

2. Người nộp thuế đất phi nông nghiệp

– Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế.

– Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

– Người nộp thuế (NNT) trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

+ Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người được nhà nước giao đất, cho thuê đất là người nộp thuế;

Do vậy, đối với đất trong khu công nghiệp, thì các đơn vị được nhà nước giao đất, cho thuê đất thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế SDĐPNN. Trường hợp công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện cho thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư thì công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải kê khai, nộp thuế.

+ Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có thoả thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế;

Ví dụ 2: Ông A có thửa đất tại tỉnh B nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất không có giấy tờ hoặc chỉ có một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003) thì Ông A là người nộp thuế đối với thửa đất đó. Tuy nhiên, Ông A không sử dụng mà xây nhà và cho Ông B thuê. Người nộp thuế được xác định như sau:

– Trường hợp Ông B chỉ thuê nhà (không thuê đất) của Ông A thì Ông A là người nộp thuế;

– Trường hợp Ông B thuê cả nhà và đất của Ông A nhưng không có hợp đồng hoặc trong hợp đồng không quy định rõ người nộp thuế thì Ông A là người nộp thuế;

– Trường hợp trong hợp đồng thuê nhà, đất giữa Ông B và Ông A quy định rõ người nộp thuế thì người nộp thuế là người được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký.

+ Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất;

+ Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó;

+ Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 1 Thông tư này thì pháp nhân mới là người nộp thuế.

+ Trường hợp thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước thì người nộp thuế là người cho thuê nhà (đơn vị được giao ký hợp đồng với người thuê).

+ Đối với các căn hộ mà chủ đầu tư dự án đã chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân thì người nhận chuyển nhượng là người nộp thuế. Trường hợp người nhận chuyển nhượng không sử dụng mà cho tổ chức, cá nhân khác thuê theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng; Nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận thì người nhận chuyển nhượng là người nộp thuế.

+ Đối với các căn hộ mà chủ đầu tư chưa chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác thì chủ đầu tư là người nộp thuế; Trường hợp chủ đầu tư cho các tổ chức, cá nhân khác thuê theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng; Nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận thì chủ đầu tư là người nộp thuế.

Hướng dẫn cách tính thuế phi nông nghiệp cập nhập mới nhất năm 2024

3. Căn cứ tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Căn cứ tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) là diện tích đất tính thuế, giá 1m2 đất tính thuế và thuế suất.

Trong đó, diện tích đất tinh thuế, giá 1m2 đất tính thuế, thuế suất được tính như sau:

3.1. Diện tích đất tính thuế

Diện tích đất tính thuế là diện tích đất phi nông nghiệp thực tế sử dụng. Cách tính diện tích đất tính thuế được quy định cụ thể đối với từng loại đất như sau:

a. Đất ở, bao gồm cả trường hợp đất ở sử dụng vào mục đích kinh doanh.

– Trường hợp người nộp thuế có nhiều thửa đất ở trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích các thửa đất ở thuộc diện chịu thuế trong tỉnh.

– Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất tính thuế là diện tích ghi trên Giấy chứng nhận; Trường hợp diện tích đất ở ghi trên Giấy chứng nhận nhỏ hơn diện tích đất thực tế sử dụng thì diện tích đất tính thuế là diện tích thực tế sử dụng.

Trường hợp nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng trên một thửa đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất tính thuế đối với từng người nộp thuế là diện tích đất thực tế sử dụng của từng người nộp thuế đó.

Trường hợp nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng trên một thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất tính thuế là diện tích đất ghi trên Giấy chứng nhận.

– Đối với đất ở nhà nhiều tầng có nhiều hộ gia đình ở, nhà chung cư, bao gồm cả trường hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh thì diện tích đất tính thuế của từng người nộp thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà (công trình) mà người nộp thuế đó sử dụng, trong đó:

+ Diện tích nhà (công trình) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng là diện tích sàn thực tế sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo hợp đồng mua bán hoặc theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

+ Hệ số phân bổ được xác định như sau:

Trường hợp không có tầng hầm:

Hệ số phân bổ = Diện tích đất xây dựng nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư
Tổng diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng

Trường hợp có tầng hầm:

Hệ số phân bổ = Diện tích đất xây dựng nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư
Tổng diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng (phần trên mặt đất) + 50% diện tích tầng hầm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng

Trường hợp chỉ có công trình xây dựng dưới mặt đất:

Hệ số phân bổ = 0,5 x Diện tích đất trên bề mặt tương ứng với công trình xây dựng dưới mặt đất
Tổng diện tích công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng dưới mặt đất

Trường hợp gặp khó khăn khi xác định diện tích đất xây dựng đối với nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư thì Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xem xét, xử lý từng trường hợp cụ thể phù hợp với thực tế tại địa phương.

b. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

Diện tích đất tính thuế là tổng diện tích đất được nhà nước giao, cho thuê sử dụng vào mục đích kinh doanh ghi trên Giấy chứng nhận, Quyết định giao đất, Quyết định hoặc Hợp đồng cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trường hợp diện tích đất ghi trên Giấy chứng nhận, Quyết định giao đất, Quyết định hoặc Hợp đồng cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thấp hơn diện tích đất thực tế sử dụng vào mục đích kinh doanh thì diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế sử dụng.

Đối với đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh thì diện tích tính thuế là toàn bộ diện tích đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Trường hợp không xác định được cụ thể diện tích đất sử dung vào mục đích kinh doanh thì diện tích đất chịu thuế được xác định theo phương pháp phân bổ theo tỷ lệ doanh số.

c. Đất sử dụng không đúng mục đích, đất lấn, chiếm và đất chưa sử dụng theo đúng quy định:

Diện tích đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định được xác định theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ví dụ 3: Hộ gia đình ông A đang sử dụng 2000 m2 đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên Giấy chứng nhận ghi: 200 m2 đất ở, 1.800m2 đất vườn. Diện tích đất thực tế sử dụng để ở là 400 m2. Hạn mức đất ở tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận là 200m2.

Ông A phải tính thuế đối với diện tích đất gia đình Ông thực tế sử dụng để ở là: đất ở 400 m2.

Cơ quan thuế sẽ tính thuế như sau: tổng diện tích đất ở tính thuế SDĐPNN là 400 m2 , trong đó: diện tích đất ở trong hạn mức 200m2 , diện tích đất ở ngoài hạn mức: 200 m2.

Nếu cơ quan có thẩm quyền xác định diện tích 200 m2đất vườn mà gia đình Ông A đã sử dụng để ở là đất sử dụng không đúng mục đích thì diện tích đất tính thuế của Ông A được xác định lại là: 200 m2đất ở trong hạn mức; 200m2 sử dụng không đúng mục đích.

3.2. Giá của 1m2 đất tính thuế

Giá của 1 m2 đất tính thuế là giá đất theo mục đích sử dụng của thửa đất tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm, kể từ ngày 01/01/2012.

-Trường hợp trong chu kỳ ổn định có sự thay đổi về người nộp thuế hoặc phát sinh các yếu tố làm thay đổi giá của 1 m2 đất tính thuế thì không phải xác định lại giá của 1 m2 đất cho thời gian còn lại của chu kỳ.

-Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hoặc từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang đất ở trong chu kỳ ổn định thì giá của 1m2 đất tính thuế là giá đất theo mục đích sử dụng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm được giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và được ổn định trong thời gian còn lại của chu kỳ.

-Trường hợp đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn, chiếm thì giá của 1 m2 tính thuế là giá đất theo mục đích đang sử dụng do UBND cấp tỉnh quy định áp dụng tại địa phương.

3.3. Thuế suất

– Đất ở bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần như sau:

BẬC THUẾ DIỆN TÍCH ĐẤT TÍNH THUẾ (m2) THUẾ SUẤT (%)
1 Diện tích trong hạn mức 0,03
2 Phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức 0,07
3 Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức 0,15

– Đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư, công trình xây dựng dưới mặt đất áp dụng mức thuế suất 0,03%.

– Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 2 Thông tư này sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng mức thuế suất 0,03%.

– Đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15%.

– Đất của dự án đầu tư phân kỳ theo đăng ký của nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt áp dụng mức thuế suất 0,03%.

– Đất lấn, chiếm áp dụng mức thuế suất 0,2%.

3.4. Xác định số thuế phải nộp đối với từng thửa đất

– Số thuế SDĐPNN phải nộp đối với diện tích đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 2 Thông tư này sử dụng vào mục đích kinh doanh được xác định theo công thức sau:

Số thuế phải nộp

(đồng)

= Số thuế phát sinh

(đồng)

Số thuế được miễn, giảm (nếu có)

(đồng)

 

Số thuế phát sinh

(đồng)

= Diện tích đất tính thuế

(m2)

x Giá của 1m2 đất

(đồng/m2)

x Thuế suất

(%)

–  Đối với đất ở nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư (bao gồm cả trường hợp có tầng hầm) và công trình xây dựng dưới mặt đất thì số thuế phải nộp được xác định như sau:

Số thuế phải nộp = Số thuế phát sinh – Số thuế được miễn, giảm (nếu có)

Số thuế phát sinh = Diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân x Hệ số phân bổ x Giá của 1m2 đất tương ứng x Thuế suất

Trường hợp chỉ có công trình xây dựng dưới mặt đất:

Số thuế phát sinh = Diện tích sử dụng công trình của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân x Hệ số phân bổ x Giá của 1m2 đất tương ứng x Thuế suất

–  Trường hợp đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh mà không xác định được diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh doanh thì số thuế phát sinh được xác định như sau:

Số thuế phát sinh = Diện tích đất sử dụng vào kinh doanh

(m2)

x Giá của 1m2 đất

(đồng)

x Thuế suất

(%)

 

Diện tích đất sử dụng vào kinh doanh

(m2)

= Tổng diện tích đất sử dụng x Doanh thu hoạt động kinh doanh
Tổng doanh thu cả năm

5. Hồ sơ kê khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Hồ sơ kê khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bao gồm:

+ Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo mẫu 04/TK-SDPNN ban hành kèm theo thông tư 80/2021/TT-BTC (dành cho cá nhân, hộ gia đình) hoặc mẫu 02/TK-SDPNN ban hành kèm theo thông tư 80/2021/TT-BTC (dành cho người sử dụng đất là tổ chức);

TẢI VỀ MẪU 04/TK-SDDPNN

TẢI VỀ MẪU 02/TK-SDDPNN

+ Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất,… hoặc các giấy tờ khác liên quan đến thửa đất chịu thuế;

+ Tờ khai tổng hợp thuế Phi nông nghiệp theo mẫu 03/TKTH-SĐPNN ban hành kèm theo thông tư 80/2021/TT-BTC;

TẢI VỀ MẪU 03/TKTH-SDDPNN

6. Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế phi nông nghiệp

a) Đối với tổ chức:

– Trường hợp kê khai lần đầu: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Lưu ý: Trong chu kỳ ổn định, hàng năm tổ chức không phải kê khai lại thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nếu không có sự thay đổi về người nộp thuế và các yếu tố dẫn đến thay đổi số thuế phải nộp.

– Trường hợp kê khai khi có phát sinh thay đổi các yếu tố làm thay đổi căn cứ tính thuế dẫn đến tăng, giảm số thuế phải nộp và khai bổ sung khi phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót ảnh hưởng đến số thuế phải nộp: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi.

Khai bổ sung hồ sơ khai thuế được áp dụng đối với: Trường hợp phát sinh các yếu tố làm thay đổi căn cứ tính thuế dẫn đến tăng, giảm số thuế phải nộp; trường hợp phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp.

b) Đối với hộ gia đình, cá nhân:

– Trường hợp khai lần đầu: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Lưu ý: Hàng năm hộ gia đình, cá nhân không phải kê khai lại nếu không có sự thay đổi về người nộp thuế và các yếu tố dẫn đến thay đổi số thuế phải nộp.

– Trường hợp khai khi có phát sinh thay đổi các yếu tố làm thay đổi căn cứ tính thuế (trừ trường hợp thay đổi giá của 1 m2 đất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) dẫn đến tăng, giảm số thuế phải nộp: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất 30 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi.

– Khai tổng hợp: Thời hạn nộp hồ sơ khai tổng hợp chậm nhất là ngày 31 tháng 3 của năm dương lịch tiếp theo năm tính thuế.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt Chính về cách tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, để được hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý khác, liên hệ tới hotline số 0911.111.099 hoặc 0987.062.757

Bài viết liên quan