Hít bóng cười có bị xử phạt?

HÍT BÓNG CƯỜI CÓ BỊ ĐI TÙ KHÔNG?

Thời gian gần đây, trong những cuộc vui chơi của giới trẻ thường xuất hiện một phong trào mới để chứng tỏ độ chịu chơi và đẳng cấp đó là hít bóng cười. Vậy “bóng cười” là gì, việc sản xuất, kinh doanh “ bóng cười” có vi phạm pháp luật, người “hít bóng cười” có bị đi tù hay không?

  1. “Bóng cười” là gì

Bóng cười là một loại bóng, được nén hoặc bơm khí N2O vào bên trong. Khí N2O được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và y tế và thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Sản xuất bóng cười bằng khí N20

  1. “Hít bóng cười” có vi phạm pháp luật hay không?

Khí N20 mặc dù gây phấn khích, ảo giác lâu dài có thể khiến người sử dụng bị rối loạn hành vi thậm chí là tử vong nhưng  bóng cười không nằm trong danh sách các chất ma túy được ban hành theo quy định tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP. Do đó người “hít bóng cười” không vi phạm pháp luật.

  1. Sản xuất, kinh doanh “bóng cười” có vi phạm pháp pháp luật hay không?

Vì khí N2O là khí thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh nên việc sản xuất, kinh doanh bóng cười cần phải có giấy phép. Và hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc xử phạt đối với hành vi này chủ yếu dựa vào việc cơ sở sản xuất, kinh doanh có xuất trình được đăng kí kinh doanh và giấy phép hoạt động hay không.

Hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Theo đó, hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O sẽ bị xử phạt như sau:

“- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định;
b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất”. 

Như vậy, sản xuất và kinh doanh “bóng cười” là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng chế tài dành cho hành vi này chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bài viết liên quan