Hủy bỏ di chúc

HỦY BỎ DI CHÚC

Di chúc là một văn bản vô cùng quan trọng giúp người lập di chúc quyết định được tài sản theo ý muốn của bản thân sau khi ra đi. Tuy nhiên, sau thời gian lập di chúc có những thay đổi khiến người lập di chúc cảm thấy nội dung di chúc không còn phù hợp với mong muốn của mình trước kia, vậy khi đó người lập di chúc có thể hủy bỏ di chúc đã viết hay không? Người thân của người viết di chúc có quyền yêu cầu hủy di chúc nếu phát hiện di chúc bị giả mạo hay không?

DI CHÚC LÀ GÌ?

Di chúc là một văn bản pháp lý thể hiện nguyện vọng và mong muốn của một người về việc phân chia di sản sau khi họ qua đời. Trong di chúc, cá nhân hoặc nhóm người được ủy quyền sẽ đảm nhiệm việc thực thi và quản lý tài sản theo đúng ý muốn được ghi trong di chúc cho đến khi phân chia hết tài sản theo đúng di chúc.

Theo đó, pháp luật cũng có quy định tại Điều 624 Bộ Luật Dân sự 2015 thì Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

CÁC TRƯỜNG HỢP HỦY BỎ DI CHÚC

Hủy bỏ di chúc bằng miệng

Di chúc bằng miệng được quy định tại Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể như sau:

“Điều 629. Di chúc miệng

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”

Như vậy theo quy định trên, di chúc miệng sẽ bị mặc nhiên hủy bỏ nếu sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt.

Trường hợp người để lại di chúc muốn thay đổi, hủy bỏ di chúc bằng miệng trước 03 tháng kể từ ngày ký thì người lập di chúc có thể thay đổi, hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào.

Hủy bỏ di chúc bằng văn bản

Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc được quy định cụ thể như sau:

“Điều 640. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”

Theo quy định trên, các di chúc bằng văn bản, người lập di chúc có quyền hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Trường hợp di chúc bằng văn bản đã được công chứng, người lập di chúc muốn hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng hủy bỏ di chúc đó. Ngoài ra, nếu di chúc đã công chứng đang được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc có nghĩa vụ phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đó biết về việc hủy bỏ di chúc này. Việc hủy bỏ di chúc đã công chứng phải có đầy đủ hồ sơ và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ hủy bỏ di chúc đã công chứng

Cũng giống các giao dịch, hợp đồng khác, hồ sơ người lập di chúc cần chuẩn bị để huỷ bỏ di chúc gồm:

– Tất cả các bản di chúc đã lập được công chứng viên trả cho người lập di chúc (bản chính).

– Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của người lập di chúc (còn hạn sử dụng) như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, giấy tờ xác nhận quan hệ hôn nhân (đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân)…

– Giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, đăng ký xe…

– Phiếu yêu cầu công chứng.

Đồng thời với việc chuẩn bị các giấy tờ này, người lập di chúc cũng phải xuất trình bản chính của tất cả các giấy tờ nêu trên để công chứng viên đối chiếu trước khi người này ký xác nhận trong văn bản huỷ bỏ di chúc.

Lưu ý:

– Chỉ có người lập di chúc mới có quyền yêu cầu hủy bỏ di chúc;

– Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được quyền yêu cầu hủy bỏ di chúc mà chỉ có quyền đề nghị Tòa án tuyên di chúc vô hiệu.

Bài viết liên quan