KẾ THỪA NGHĨA VỤ TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
Câu hỏi: Bố tôi hiện đang là đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế. Tuy nhiên, tháng 3/2024 bố tôi đã qua đời. Luật sư cho tôi hỏi, tôi có được thay mặt bố tôi tiếp tục tham gia vụ án tranh chấp thừa kế trên không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật, trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về đương sự trong vụ việc dân sự như sau:
“1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Như vậy, đương sự trong vụ án dân sự rất đa dạng có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tham khảo: Mẫu đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm
NGƯỜI KẾ THỪA QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
Điều 74 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng như sau:
“1. Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
2. Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:
a) Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;
b) Trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng;
c) Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.
3. Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
4. Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
5. Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.”
Như vậy, theo như quy định nêu trên trong trường hợp đương sự là cá nhân, nếu đương sự chết thì những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tài sản của đương sự cũng sẽ thừa kế quyền, nghĩa vụ về tố tụng và trở thành đương sự trong vụ án đó.
Cụ thể trong trường hợp của bạn, bố bạn đang là đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế. Do đó, khi bố bạn chết thì bạn sẽ được kế thừa quyền, nghĩa vụ của bố bạn trong vụ án tranh chấp thừa kế này. Ví dụ: bố bạn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì bạn cũng sẽ tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Lưu ý:
– Tất cả những là đồng thừa kế của bố bạn sẽ đều sẽ là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng trong vụ án dân sự;
– Bạn tham gia vụ án với tư cách đương sự nhưng không phải là nhân danh chính bạn mà là nhân danh bố của bạn.
Trân trọng!