MẪU LUẬN CỨ BẢO VỆ BÊN GỬI XE TRONG TRƯỜNG HỢP BÊN TRÔNG GIỮ LÀM MẤT XE
Hiện nay càng vào dịp cuối năm các vấn nạn về trộm cắp lại càng hoành hành. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm mọi người thường xuyên tổ chức, tham gia các cuộc vui chơi, ăn uống, liên hoan tại nhà hàng và các địa điểm vui chơi. Tuy nhiên, không phải địa điểm nào cũng có thể đảm bảo về việc trông giữ xe, thậm chí một số nơi còn không có bảo vệ để trông giữ, hay có bảo vệ nhưng lại không có vé xe. Như vậy, trong trường hợp đi ăn uống thì có người trông xe nhưng không có vé liệu có an toàn không, có rủi ro tranh chấp thế nào?
BẢN LUẬN CỨ BẢO VỀ
Khoảng …… ngày …………., anh T đi xe máy đến nhà hàng ……………. (……………………. đường Hoàng Đạo Thúy, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội) để tiếp khách. Đây là địa điểm anh thường tới mỗi khi gặp gỡ, trao đổi công việc với đối tác. Như thường lệ, anh T dựng chiếc xe máy (nhãn hiệu Honda PS màu đen, biển kiếm soát………………, đăng ký tên vợ anh) ở khu vực sảnh trước cửa nhà hàng rồi cẩn thận khóa cổ xe trước sự xác nhận “đồng ý” của nhân viên lễ tân.
Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau, khi ra lấy xe về, anh T phát hiện ra chiếc xe máy của mình đã bị mất. Lập tức anh thông báo ngay cho nhà hàng biết về việc mình bị mất xe. Tuy nhiên, ngày hôm đó người quản lý nhà hàng đi vắng, vì vậy phải hơn 2 giờ sau, đại diện nhà hàng mới có mặt để giải quyết. Sau đó anh T đã đến Công an phường Trung Hòa trình báo sự việc.
Về phía nhà hàng, đại diện Ban lãnh đạo và Tổ phó Tổ bảo vệ đã thừa nhận sơ suất của nhà hàng. Cô nhân viên đón khách tại cửa của nhà hàng cũng xác nhận sự việc trên là có thật trước sự chứng kiến của Cảnh sát hình sự phường Trung Hòa và hai người bạn anh T. Quản lý nhà hàng cho biết, hôm sau sẽ họp để đưa ra phương án giải quyết, sao cho khách hàng không phải chịu thiệt thòi. Nhà hàng sẽ chủ động thông tin cho anh T biết.
Tuy nhiên hơn 2 tháng sau kể từ khi xảy ra vụ việc, nhà hàng vẫn không hề chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Bức xúc trước thái độ bất hợp tác của nhà hàng, ngày ……………, anh T đã gửi đơn khởi kiện nhà hàng tới TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) yêu cầu nhà hàng phải bồi thường thiệt hại cho anh số tiền 80 triệu đồng (tương đương với giá trị chiếc xe tại thời điểm mất) do không đảm bảo tài sản của khách hàng trong khi sử dụng dịch vụ tại nhà hàng.
Tham khảo: Mẫu luận cứ bào chữa vụ án hình sự về tội Cướp Tài Sản
Với tư cách là luật sư bảo vệ quyền lợi cho anh T- là người bị mất xe, sau đây tôi sẽ xây dựng luận cứ để bảo vệ cho thân chủ của mình như sau:
Kính thưa HĐXX!
Thưa vị đại diện VKS!
Thưa vị luật sư đồng nghiệp!
Cùng toàn thể quý vị có mặt tại phiên tòa
Tôi là Lương Đức Phương – Luật sư thuộc Công ty Luật hợp danh Đại An Phát – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Nhận được đơn mời của ông ……….. T và được sự cho phép của HĐXX, tôi có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay với tư cách là Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông …………… T – là nguyên đơn trong vụ án này.
Qua quá trình nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, qua các chứng cứ đã được thẩm định trong giai đoạn xét hỏi, sau khi nghe quan điểm của vị đại diện VKS và quan điểm của vị luật sư đồng nghiệp, tôi xin được trình bày một số ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T như sau:
Thứ nhất, ông T và Nhà hàng đã giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản.
Trở lại với nội dung vụ việc, căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại phiên tòa ngày hôm nay, có đủ cơ sở để khẳng định những nội dung sau:
- Phía nhà hàng có Tổ bảo vệ, một trong những chức năng của Tổ bảo vệ là đảm bảo an ninh, trông giữ tài sản của nhân viên nhà hàng và thực khách. Tổ bảo vệ được hưởng lương từ nhà hàng , nguồn tiền này xuất phát từ hoạt động kinh doanh của nhà hàng mà nguồn thu chính là từ thực khách.
- Tại thời điểm ông T đến nhà hàng, như mọi lần, ông T để xe (đã khóa cẩn thận) tại trước sảnh của nhà hàng trước sự đồng ý của nhân viên nhà hàng.
- Khu vực sảnh trước nhà hàng thuộc phạm vi sử dụng của nhà hàng và chịu sự giám sát của Tổ bảo vệ nhà hàng.
Căn cứ vào những nội dung trên, tổ bảo vệ của nhà hàng có trách nhiệm trông giữ tài sản của thực khách và nhân viên dựng tại sảnh trước nhà hàng, trong đó có chiếc xe của anh T. Về bản chất, đây là quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định tại Điều ……., Bộ luật dân sự 2015.
Phía nhà hàng cho rằng hai bên không lập hợp đồng và chưa có sự trao đổi rõ ràng về các điều khoản. Tôi cho rằng đây là cách hiểu có phần máy móc và thiếu tính thuyết phục. Điều ……, Bộ luật dân sự 2015 quy định Hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói. Bên cạnh đó, không có quy định nào bắt buộc hợp đồng gửi giữ tài sản phải được lập thành văn bản. Vấn đề các bên không nói rõ nội dung quan hệ hợp đồng, đây là vấn đề dễ hiểu và thường gặp trong thực tế đời sống và phù hợp với các quy định về tập quán thương mại.
Một lần nữa tôi khẳng định giữa ông T và nhà hàng có quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản. Tôi sẵn sàng đối đáp với bất cứ vị luật sư đối tụng hoặc những người có liên quan về vấn đề này.
Tham khảo: Tham khảo mẫu văn bản kiến nghị về kết luận giám định thương tật
Thứ hai, đã thiệt hại xảy ra và trách nhiệm thuộc về nhà hàng
Chiếc xe của ông T là đối tượng của hợp đồng gửi giữ và Nhà hàng có trách nhiệm bảo quản tài sản và trả lại tài sản theo đúng tình trạng như khi nhận giữ (Điều…….., Bộ luật dân sự 2015). Tuy nhiên, Nhà hàng đã không thực hiện được nghĩa vụ này. Đây là trách nhiệm của nhà hàng theo quy định tại Điều ……, Bộ luật dân sự 2015.
Do đó, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử buộc Nhà hàng bồi thường cho ông T giá trị của chiếc xe.
Trên đây là toàn bộ quan điểm của tôi, tôi tin tưởng rằng Hội đồng xét xử sẽ công minh, thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn!