Một số điều cần biết về kinh doanh đồ chơi người lớn (Sextoy)

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KINH DOANH ĐỒ CHƠI NGƯỜI LỚN (SEXTOY)

Đồ chơi người lớn hay còn được gọi là đồ chơi tình dục, sextoy là công cụ hỗ trợ đời sống tình dục đã được xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người. Trong xã hội phát triển, đồ vật này càng trở nên quen thuộc với nhiều người. Lợi nhuận từ việc kinh doanh này rất cao và có xu hướng đang không ngừng mở rộng, phát triển. Tuy nhiên việc kinh doanh ngành hàng này ở nước ta lại không phổ biến. Một trong những nguyên nhân là nhiều người vẫn nghĩ rằng đấy là mặt hàng không được phép kinh doanh và có tâm lý lo sợ vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục. Bài viết dưới đây của Luật Việt Chính sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về quy định của pháp luật đối với ngành nghề kinh doanh này.

Căn cứ pháp lý

– Luật Đầu tư năm 2020;

– Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

– Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

1. Đồ chơi người lớn là gì?

Đồ chơi người lớn hay đồ chơi tình dục (sextoy) là sản phẩm đồ chơi giúp thỏa mãn nhu cầu tình dục và hỗ trợ trong chuyện tình yêu của các cặp vợ chồng, tình yêu đôi lứa.

Đồ chơi người lớn ngày càng được cải tiến với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Những sản phẩm đồ chơi mô phỏng được thiết kế khá cầu kỳ và công phu với đủ các tính năng khác nhau nhằm tăng khoái cảm cho người sử dụng.

2. Pháp luật có cho phép kinh doanh đồ chơi người lớn

Quyền tự do kinh doanh

Một trong những nội dung quan trọng được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 chính là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Và một trong những quyền được ghi nhận chính là quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ mà pháp luật không cấm.

Cụ thể hóa điều này, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 cũng khẳng định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

“Luật Doanh nghiệp năm 2020

Điều 7. Quyền của doanh nghiệp

Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.”

“Luật Đầu tư năm 2020

Điều 5. Chính sách về đầu tư kinh doanh

Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.”

Nguyên tắc tự do kinh doanh được xem là nguyên tắc hiến định. Các chủ thể kinh doanh được tự do kinh doanh, hoạt động nhưng không được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật cấm. Tự do kinh doanh nhưng phải theo khuôn khổ của pháp luật, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

 

Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Minh họa)

Ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, những ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh là:

Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy theo quy định trên, đối chiếu với các quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020, có thể thấy theo quy định pháp luật hiện nay, kinh doanh đồ chơi người lớn không nằm trong những loại hình kinh doanh bị cấm.

Do đó, các chủ thể có quyền thực hiện hoạt động kinh doanh hàng hóa là đồ chơi người lớn nhưng phải đáp ứng các quy định về đầu tư kinh doanh của pháp luật hiện hành.

3. Kinh doanh đồ chơi người lớn có phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Căn cứ các quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020 về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cụ thể như sau:

“Điều 7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật này.

3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

4. Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quy định tại khoản 1 Điều này và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

5. Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;

b) Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;

c) Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;

d) Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);

đ) Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;

e) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).

6. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây:

a) Giấy phép;

b) Giấy chứng nhận;

c) Chứng chỉ;

d) Văn bản xác nhận, chấp thuận;

đ) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

8. Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.”

Kinh doanh đồ chơi người lớn có phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Minh họa)

Đối chiếu với danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật này, trong đó không có quy định liên quan đến hàng hóa là đồ chơi người lớn (đồ chơi tình dục). Do đó, việc kinh doanh hàng hóa là đồ chơi người lớn không thuộc nhóm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Như vậy, đây là một loại hàng hóa được phép kinh doanh thông thường.

Kinh doanh đồ chơi người lớn không thuộc ngành nghành kinh doanh bị cấm và ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó các cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh hàng hóa này. Tuy nhiên, việc kinh doanh này cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ các quy trình đăng ký kinh doanh và phải có giấy tờ chứng minh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không vi phạm thuần phong mỹ tục.

Tham khảo: Danh mục ngành nghề kinh doanh phải lựa chọn loại hình doanh nghiệp theo quy định

4. Kinh doanh hàng hóa là đồ chơi người lớn không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì có thể bị xử phạt như thế nào

Theo quy định của pháp luật, đây là một loại hàng hóa thông thường, do đó có thể dẫn đến quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ xuất xứ, nguồn gốc cụ thể như sau:

“Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;

b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;

c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.

10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

13. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

14. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”

Kinh doanh hàng hóa là đồ chơi người lớn không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì có thể bị xử phạt như thế nào (Minh họa)

Theo quy định trên, trường hợp kinh doanh hàng hóa nói chung, nếu hàng hóa không rõ nguồn gốc thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt tùy thuộc vào giá trị hàng hóa kinh doanh, mức thấp nhất là 300 ngàn đồng và cao nhất là 50 triệu đồng. Đối với tổ chức, mức phạt gấp 02 lần so với mức nêu trên (căn cứ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP). Đồng thời, có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và hình phạt bổ sung.

Như vậy, hàng hóa là đồ chơi người lớn được phép tự do kinh doanh nhưng phải đảm bảo các sản phẩm này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mặt hàng này cũng sẽ hay bị kiểm tra hơn nên càng phải tuân thủ. Có thể chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thông qua các hóa đơn chứng từ mua bán, trường hợp hàng hóa nhập khẩu nhập khẩu trực tiếp thì phải trình được giấy tờ thông quan của hàng hóa.

Bên cạnh đó, nếu quyết định mở cửa hàng kinh doanh mặt hàng này thì cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.  Đây cũng là một mặt hàng khá nhạy cảm, do đó việc trưng bày, bày bán các sản phẩm cũng cần phải chú ý sao cho phù hợp, không gây phản cảm cho mọi người xung quanh.

Trên đây là nội dung tư vấn cơ bản của chúng tôi về một số vấn đề cần biết trong hoạt động kinh doanh hàng hóa là đồ chơi người lớn. Luật Việt Chính mong khách hàng có thể áp dụng những thông tin trên để phục vụ cho công việc của mình.

Thông tin liên hệ

Để được hỗ trợ trực tiếp về Thủ tục đăng ký kinh doanh mặt hàng này hoặc các vấn đề khác về pháp luật, bạn có thể liên hệ theo các phương thức sau:

  • Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày yêu cầu tư vấn.
  • Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com
  • Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính
  • Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099
Bài viết liên quan