Mức lương thử việc được áp dụng hiện nay như thế nào

MỨC LƯƠNG THỬ VIỆC ĐƯỢC ÁP DỤNG HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, thử việc là một quá trình hầu hết người lao động nào cũng phải trải qua trước khi được trở thành nhân viên chính thức. Người lao động và người sử dụng lao động cùng thỏa thuận về vấn đề thử việc, các bên có thể giao kết với nhau bằng hợp đồng thử việc hoặc ghi trong hợp đồng lao động. Như vậy, trong quá trình thử việc, người lao động sẽ được trả lương lương như thế nào là đúng theo quy định của pháp luật?

  1. Hợp đồng thử việc là gì?

Bộ Luật Lao động năm 2019 không có quy định cụ thể về khái niệm của hợp đồng thử việc. Cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Bộ Luật Lao động năm 2019 chỉ quy định về thử việc. Theo đó, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về nội dung thử việc, có thể ghi trong hợp đồng lao động hoặc ký kết hợp đồng thử việc.

Như vậy, có thể hiểu rằng quá trình thử việc là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận về thời gian, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của các bên trong thời gian thử việc qua hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thử việc.

Lưu ý, không phải tất cả người lao động đều phải bắt buộc có quá trình thử việc. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 24 BLLĐ năm 2019 người sử dụng lao động chỉ được áp dụng yêu cầu thử việc đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên.

  1. Mức lương thử việc

Theo quy định tại Điều 26 BLLĐ năm 2019, tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Theo đó, dù giữa người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận với nhau về tiền lương thử việc nhưng vẫn phải đảm bảo mức tối thiểu là 85% mức tiền lương cơ b của công việc đó.

Ví dụ: Công ty TNHH A có tuyển dụng nhân viên B ở vị trí nhân viên tuyển dụng với thời gian thử việc thỏa thuận là 02 tháng, lương cơ bản của vị trí này là 08 triệu đồng. Như vậy, khi thử việc ở vị trí này, mức lương tối thiểu nhân viên B được nhận là 85% x 08 triệu = 6.8 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 90 BLLĐ năm 2019, mức lương được trả cho người lao động bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản khác. Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định. Trong năm 2023, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:

 

Vùng

Mức lương tối thiểu vùng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Người lao động đã qua học nghề hoặc đào tạo nghề
Vùng I 4.680.000 22.500 Cao hơn ít nhất mức lương tối thiểu vùng tương ứng 7%
Vùng II 4.160.000 20.000
Vùng III 3.640.000 17.500
Vùng IV 3.250.000 15.600

 

  1. Lương thử việc có được tham gia đóng bảo hiểm xã hội

Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, trong hợp đồng lao động đã được ký kết nếu các bên có thỏa thuận về thử việc và người lao động đã làm việc đủ 01 tháng trở lên thì vẫn được tham gia đóng bảo hiểm xã hội dù đang trong thời gian thử việc.

  1. Lương thử việc có cần đóng thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động được xác định là thu nhập chịu thế thu nhập cá nhân (TNCN). Do đó, tiền lương thử việc cũng có thể phải chịu thuế TNCN.

Tuy nhiên theo quy định này, không phải tất cả người lao động đều phải nộp thuế TNCN, mà người lao động chỉ phải nộp thuế TNCN trong các trường hợp sau:

– Hai bên có thỏa thuận về vấn đề thử việc trong hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên mà có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (trường hợp không có người phụ thuộc, nếu có 01 người phụ thuộc thì thu nhập phải trên 15,4 triệu đồng/tháng).

– Hai bên ký hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có tổng mức thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên nhưng không làm cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN gửi người sử dụng lao động sẽ bị khấu trừ 10% tiền lương thử việc.

Trên đây là quy định về mức tiền lương thử việc và những lưu ý quan trọng về vấn đề tiền lương trong giai đoạn thử việc. Nếu còn vấn đề vướng mắc, có khó khăn gì về tiền lương bạn đọc vui lòng liên hệ Luật Việt Chính để được hỗ trợ tốt nhất.

Bài viết liên quan