Những trường hợp nào phải hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện?

NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO PHẢI HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRƯỚC KHI KHỞI KIỆN

Những trường hợp nào phải hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện.

Trả lời:

Luật Việt Chính sẽ giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Đầu tiên, chúng ta nên hiểu tranh chấp đất đai là gì? Theo quy định tại Khoản 24 điều 3 Luật đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai được hiểu là những tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của những người sử dụng đất với nhau. Tranh chấp này có thể là tranh chấp giữa hai bên hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Thứ hai, tranh chấp đất đai có mấy dạng cơ bản? Hiện tại có ba dạng tranh chấp đất đai cơ bản, cụ thể như sau: 

  1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất
  2. Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
  3. Các tranh chấp khác liên quan đến sử dụng đất

Thứ ba, trường hợp nào thì phải hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện?

 Kham khảo: Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai

Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp đất đai

Trường hợp các bên không hòa giải được thì có thể lựa chọn các cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013 để tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai, cụ thể: 

– Đối với những tranh chấp đất đai mà các đương sự trong quan hệ tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong số các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 để xác định đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc những tranh chấp về tài sản gắn liên trên đất thì thẩm quyền giải quyết những tranh chấp này sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết; 

– Đối với những tranh chấp về đất đai mà các đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai để làm căn cứ xác định đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thì các đương sự có thể lựa chọn một trong hai cơ quan sau đây để giải quyết tranh chấp đất đai, gồm: 

  • Ủy ban nhân dân nơi có đất; 
  • Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trường hợp các đương sự lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai là Tòa án nhân dân thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện khi chưa đủ điều kiện để khởi kiện theo quy định của pháp luật. Mặt khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn về chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật:

“2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”

Kham khảo: Tranh chấp đất đai

Như vậy, theo Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, chỉ những tranh chấp đất đai về công nhận/bác bỏ, tranh chấp quyền sử dụng đất, ranh giới, ngõ đi… là những trường hợp buộc phải tiến hành hòa giải đất đai trước khi khởi kiện ra Tòa án, còn những tranh chấp khác như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, thì không bắt buộc phải hòa giải trước khi tiến hành khởi kiện.

Bài viết liên quan