Niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế

NIÊM YẾT THÔNG BÁO KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ

 

1. KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ LÀ GÌ?

Khai nhận di sản thừa kế chính là một thủ tục nhằm xác nhận quyền tài sản với di sản của người đã khuất để lại. Người được hưởng sẽ được nhận tài sản theo đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng 2014 đã nêu cụ thể 2 trường hợp khi khai nhận di sản thừa kế như sau:

– Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật;

– Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.

Theo đó việc công chứng và xác nhận việc thực hiện khai nhận di sản áp dụng đối với người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sane.

Bên cạnh đó, Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rõ, những người được nhận tài sản sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Hoặc người thừa kế chỉ có duy nhất một người và được xếp theo ưu tiên như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Việc khai nhận di sản thừa kế sẽ được thực hiện tại văn phòng công chứng nơi cư trú cuối cùng của người có di sản (có thể là nơi người chết có hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú có thời hạn của người đã chết). Trong trường hợp khi không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì nơi khai nhận di sản thừa kế sẽ xác định là văn phòng công chứng nơi có toàn bộ hoặc nơi có nhiều di sản thừa kế nhất.

Tham khảo thêm: Phân chia tài sản thừa kế được tặng cho

2. Niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế

Niêm yết văn bản khai nhận di sản nhằm đảm bảo tính pháp lý, tăng cường minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các bên và tránh tranh chấp giữa các bên. Vì vậy, các văn bản thỏa thuận phân chia di sản và khai nhận di sản phải được thụ lý công chứng và niêm yết theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn niêm yết là 15 ngày, tính từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng tiến hành tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người để lại di sản có thường trú cuối cùng. Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng, niêm yết sẽ được thực hiện tại nơi tạm trú cuối cùng của người đó, với thời hạn cuối cùng.
  • Đối với trường hợp di sản bao gồm cả bất động sảnvà động sản hoặc chỉ bao gồm bất động sản, việc niêm yết sẽ tuân theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
  • Trong trường hợp di sản chỉ bao gồm động sản và tổ chức hành nghề công chứng cùng nơi trụ sở và nơi thường trú hoặc tạm trú cuối cùng của người để lại di sản không thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức hành nghề công chứng có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
  • Sau thời hạn 15 ngày niêm yết Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.

Theo đó địa điểm niêm yết văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định như sau:

– Niêm yết tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản.

– Nếu di sản có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

– Nếu di sản chỉ gồm có động sản mà trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì việc niêm yết được thực hiện tại UBND cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản.

Cũng theo quy định trên, nội dung niêm yết phải bao gồm:

  • Họ và tên của người để lại di sản.
  • Họ và tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế.
  • Quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế.
  • Danh mục di sản thừa kế.
  • Trường hợp có khiếu nại hoặc tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế, bỏ sót người thừa kế, hoặc di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của người để lại di sản, khiếu nại hoặc tố cáo đó sẽ được gửi đến tổ chức hành nghề công chứng đã niêm yết.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản các văn bản niêm yết trong thời hạn niêm yết.

Việc niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế là một yêu cầu pháp lý, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Thông qua việc thực hiện niêm yết, các bên liên quan đảm bảo tính pháp lý của việc chia tài sản và tuân thủ quy định của pháp luật, từ đó đảm bảo tính công bằng và hợp pháp trong quá trình xử lý di sản thừa kế.

 Tham khảo thêm: Thủ tục chia thừa kế và đăng ký biến động đất đai

Bài viết liên quan