Điều kiện, thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam

        ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC XIN TRỞ LẠI QUỐC TỊCH VIỆT NAM 

 

    Hiện tại có nhiều người đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng muốn xin lại quốc tịch. Vậy đối với trường hợp người đã xin thôi quốc tịch Việt Nam nếu có nhu cầu quay trở lại quốc tịch Việt Nam thì điều kiện, trình tự thủ tục như thể nào? Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC TRỞ LẠI QUỐC TỊCH VIỆT NAM

 Theo quy định tại Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, cụ thể:

 – Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành);

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam);

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam (có dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy tờ chứng nhận việc đầu tư đó);

e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

– Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

– Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

– Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây.

– Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người:

+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam.

+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

* Nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài, tức là sẽ được nhập 2 quốc tịch:

+ Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

+ Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.

+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. HỒ SƠ XIN TRỞ LẠI QUỐC TỊCH VIỆT NAM

* Số lượng hồ sơ: 03 bộ.

* Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam gồm các giấy tờ sau theo quy định tại Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008:

– Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

– Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

– Bản khai lý lịch theo mẫu TP/QT-2020-BKLL; có dán ảnh chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất.

– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

– Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam; 

– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật này;

Giấy tờ có trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài có trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải được dịch sang tiếng Việt; bản dịch phải được công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 Tham khảo thêm: Người nước ngoài có được mua đất và nhà ở tại Việt Nam?

3. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN TRỞ LẠI QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Bước 1: Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp nơi cư trú.

Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:

  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ;
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Thời hạn giải quyết

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Công an Thành phố xác minh về nhân thân của người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam.

+ Trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Công an Thành phố xác minh và gửi kết quả về Sở Tư pháp.

Trong thời gian này, Sở Tư pháp tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam.

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm tra của Công an Thành phố, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, kết luận và đề nghị ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp

+ Đối với người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam không thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài:

  • Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ của người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài.
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

+ Đối với người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch.

  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
  • Trong trường hợp cần thiết phải xác minh về nhân thân của người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Công an xác minh.
  • Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Công an xác minh và trả lời kết quả cho Bộ Tư pháp.

 Bước 4: Văn phòng Chủ tịch nước

 Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

 Bước 5: Thông báo kết quả giải quyết

 + Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam về kết quả giải quyết việc trở lại quốc tịch Việt Nam và đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

+ Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm gửi đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

 Bước 6: Người đề nghị căn cứ ngày hẹn trên biên nhận đến nhận kết quả giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở Tư pháp như sau:

 + Lần 1: Nhận thông tin hồ sơ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, kết luận và đề nghị gửi Bộ Tư pháp.

+ Lần 2: Nhận thông báo để làm thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài (Đối với người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam không thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài).

+ Lần 3: Nhận thông tin cho trở lại quốc tịch Việt Nam hoặc văn bản từ chối.

Tham khảo thêm: Quyền sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài gốc Việt

Bài viết liên quan