PHÂN CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ ĐƯỢC TẶNG CHO
Câu hỏi: Chào Luật sư, Chồng tôi vừa bị tai nạn mất cách đây không lâu, vì mất đột ngột nên không có để lại di chúc. Chúng tôi đã cưới nhau được 3 năm có đăng ký kết hôn, hiện tại chúng tôi chưa có con do còn đang kế hoạch để làm kinh tế. Hồi vợ chồng tôi mới cưới bố mẹ chồng tôi có cho vợ chồng tôi một mảnh đất để làm nhà, đất đã được cấp giấy chứng nhận và sang tên hai vợ chồng tôi. Sau nhiều năm vất vả làm ăn, vợ chồng tích góp hiện chúng tôi đã làm được một căn nhà cấp 4 và các công trình phụ. Tuy nhiên, vì bố mẹ chồng luôn cho rằng cái chết của chồng tôi là lấy tôi nên mới xui xẻo như vậy. Vì vậy, ông bà đòi lấy lại mảnh đất trên với lý do đây là đất của ông bà tặng cho vợ chồng tôi và muốn đuổi tôi ra khỏi nhà. Luật sư cho tôi hỏi bố mẹ chồng tôi đuổi tôi đi như vậy có được không? Tài sản trên bố mẹ cho nhưng vợ chồng tôi cố gắng mới được cơ ngơi như vậy, nếu tôi không chia cho bố mẹ chồng tôi có được không ạ?
Trả lời: Lời đầu tiên chúng tôi xin được chia buồn với bạn về những mất mát to lớn này. Câu chuyện về vấn đề phân chia thừa kế giữa nàng dâu và gia đình chồng là những câu chuyện khiến bao người phải suy nghĩ. Hiện nay, pháp luật nước ta cũng đã có những quy định rất cụ thể về vấn đề phân chia tài sản thừa kế, đặc biệt là trong trường hợp không có di chúc. Chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn qua các nội dung dưới đây:
Thứ nhất, cần xác định tài sản trên là tài sản chung của vợ chồng bạn hay tài sản riêng
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Theo quy định nêu trên tài sản được tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
– Tài sản do vợ chồng tạo ra
– Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh
– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng;
– Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân
– Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung;
– Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Như bạn đã trình bày, mảnh đất trên do bố mẹ chồng tặng cho vợ chồng bạn sau khi vợ chồng bạn đã kết hôn, hơn nữa giấy chứng nhận đã cấp đứng tên cả hai vợ chồng bạn thì đây được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn. Do đó, khi phân chia tài sản thừa kế của chồng bạn thì chỉ chia 50% giá trị của mảnh đất trên.
Tham khảo: Đất được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hay riêng
Bên cạnh đó, căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú 2020 như sau:
“Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định trên, căn nhà mà bạn đang ở là chỗ ở hợp pháp của bạn. Do vậy, việc bố mẹ chồng bạn đuổi bạn ra khỏi nhà như vậy có thể coi là không hợp tình, hợp lý và vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ hai, xác định các thừa kế
Như bạn đã trình bày, chồng bạn mất và không để lại di chúc, do đó phần di sản của chồng bạn sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm các hàng thừa kế sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Theo quy định trên, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được chia thừa kế của chồng bạn có thể bao gồm:
– Bố chồng;
– Mẹ chồng;
– Vợ.
Tuy nhiên, đây chỉ là những người thừa kế mà chúng tôi xác định theo thông tin mà bạn cung cấp. Bạn cần tìm hiểu thêm chồng bạn có con riêng, con nuôi, bố mẹ nuôi nào khác không, lúc này mới xác định chính xác được những người có quyền nhận thừa kế của chồng bạn.
Số tài sản trên là số tài sản chung của vợ chồng bạn, do đó số tài sản này vẫn sẽ được chia 2. Theo đó, ba mẹ nhà chồng có quyền đòi phân chia tài sản thừa kế thuộc quyền sở hữu của chồng bạn.
Tham khảo: Thừa kế thế vị và các quy định pháp luật liên quan
Chuyện gia đình nên dĩ hòa vi quý, hơn nữa tài sản của vợ chồng có được ngày hôm nay cũng một phần công sức từ bố mẹ chồng bạn trước đó. Bạn nên cùng ngồi xuống nói chuyện hòa giải với bố mẹ chồng để phân chia phần tài sản trên. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được bạn có thể khởi kiện ra Tòa án và yêu cầu Tòa phân chia khối tài sản trên.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!