Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt

QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT DƯỚI MỨC THẤP NHẤT CỦA KHUNG HÌNH PHẠT

Pháp luật hình sự là một công cụ sắc bén, mạnh mẽ, hữu hiệu nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm. Các tội phạm rất đa dạng, khác nhau ở tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, đảm bảo nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, BLHS đã quy định một hệ thống hình phạt đa dạng, phong phú và có tính phân hóa cao đối với từng loại tội phạm, từng người phạm tội. Mục đích của việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội là giáo dục họ trở lại thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc xã hội, ngăn ngừa tội phạm mới phát sinh, hoàn trả lại cho xã hội một con người không còn nguy hiểm cho xã hội.

Tuy nhiên, bênh cạnh nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự thì nhân đạo cũng là một nguyên tắc có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu của BLHS. Nguyên tắc nhân đạo góp phần thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân, vi dân của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Nguyên tắc này được thể hiện sâu sắc trong các quy định về việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Một trong những quy định thể hiện tính nhân đạo, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là quy định về việc “quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dung”. Vậy quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được hiểu là gì? Điều kiện để người phạm tôi có thể được nhận quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết sau đây, Luật Việt Chính sẽ giúp quý vị và các bạn phân tích và trả lời cụ thể các câu hòi này.

Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là việc tòa án lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định đối với tội danh cụ thể, áp dụng đối với chủ thể chịu trách nhiệm hình sự.

Tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định như sau: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”.

Theo quy định trên, Tòa án chỉ có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung nhẹ hơn liền kề trước hoặc liền sau đó của điều luật, nếu có ít nhất là hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Tức là trong số các tình tiết giảm nhẹ được vận dụng thì ít nhất phải có hai tình tiết được luật quy định, đồng thời giới hạn hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt phải trong phạm vi của khung hình phạt nhẹ hơn liền trước hay liền sau của khung đó.

Như vậy có thể thấy điều kiện tiên quyết để Tòa án xem xét quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định trực tiếp tại Khoản 1 Điều 51 BLHS. Những tình tiết giảm nhẹ này được quy định cụ thể bao gồm:

(1) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

(2) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

(3) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

(4) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

(5) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

(6) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

(7) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

(8) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

(9) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

(10) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

(11) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

(12) Phạm tội do lạc hậu;

(13) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

(14) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

(15) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

(16) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

(17) Người phạm tội tự thú;

(18) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

(19) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

(20) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

(21) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

(22) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

BLHS có sự kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc nhân đạo và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự. Ta dễ dàng nhận thức được thông qua quy định tại Khoản 2 Điều 54 BLHS: “2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”

Căn cứ theo quy định này, có thể hiểu rằng khi quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt , Tòa án không nhất thiết phải áp dụng hình phạt thuộc khung hình phạt liền kề nhẹ hơn mà có thể lựa chọn một khung hình phạt khác nhẹ hơn khung liền kề bị truy cứu. Tuy nhiên để được áp dụng điều khoản này, ngoài việc đáp ứng điều kiện có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 51 BLHS, người phạm tội còn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Thứ nhất, phải là trường hợp phạm tôi lần đầu

– Thứ hai, phải là người giúp sức trong vụ án đồng phạm

– Thứ ba, người phạm tội chỉ giữ vai trò không đáng kể trong vụ án

Qua đây, ta cũng thấy rõ được Khoản 2 Điều 54 BLHS cũng chỉ được áp dụng trong trường hợp vụ án đồng phạm mà không được áp dụng đối với các vụ án có tội phạm đơn lẻ hoặc vụ án có nhiều người phạm tội nhưng không phải là đồng phạm.

Thoạt tiên chúng ta dễ dàng nhìn nhận Khoản 1 Điều 54 BLHS được quy định ngắn gọn, xúc tích và rất dễ dàng để cơ quan Tòa án áp dụng. Tuy nhiên thực tế áp dụng quy định này chỉ có thể thuận lợi, nhất quán được một phần Bởi lẽ, đối với trường hợp người phạm tội được xem xét quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng mà cả hai khung hình phạt liền kề nhau đó có cùng loại hình phạt phạt với nhau thì Tòa án rất dễ áp dụng . Tòa án có thể xác định ngay được loại hình phạt của khung liền kề nhẹ hơn để áp dụng, tuyên án với người phạm tội.

Ta có thể ví dụ: “Nguyễn Văn A phạm tội hủy hoại tài sản, gây thiệt hại 400.000.000 đồng, theo quy định tại Khoản 3 Điều 178 BLHS, A có thể bị tuyên hình phạt tù từ 5 năm đến 10  năm. Tuy nhiên Tòa án đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho A và nhận thấy A có đủ điều kiện để quyết định cho A nhận một hình phạt dưới mức thấp nhất so với khung hình phạt khoản 3 Điều 178 BLHS (dưới 5 năm tù). Do vậy Tòa án có thể tuyên phạt A chịu mức hình phạt từ 2 năm đến 4 năm tù dựa theo khung hình phạt nêu khoản 2 Điều 178 BLHS.”

Tuy nhiên đối với những tội được quy định có điều khoản liền kề nhẹ hơn có khung hình phạt quy định có nhiều loại hình phạt khác nhau khi áp dụng sẽ đặt ra câu hỏi cho Tòa án sẽ phải lựa chọn loại hình phạt nào cho người phạm tội.

Ta lại lấy ví dụ: “Nguyễn Văn B phạm tội hủy hoại tài sản trị giá 100.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 178 BLHS, B có thể bị tuyên hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù. Tuy nhiên Tòa án đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho B và nhận thấy B có đủ điều kiện để quyết định cho A nhận một hình phạt dưới mức thấp nhất so với khung hình phạt khoản 2 Điều 178 BLHS. Tuy nhiên nếu xét khung hình phạt bên dưới liền kề của Khoản 2 Điều 178 BLHS là mức hình phạt của Khoản 1, BLHS đã quy định những loại hình phạt khác nhau, Tòa án có thể lựa chọn áp dụng là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trong trường hợp này, chúng ta đặt ra câu hỏi nếu quyết định hình phạt cho Nguyễn Văn B trong trường hợp này, thì Tòa án sẽ phải tuyên phạt cho B chịu hình phạt tù từ 06 tháng đến dưới 02 năm hay là Tòa án có thể tuyên phạt B chịu hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ để thay thế cho hình phạt tù.

Như vậy không khó để xác định đây là một thiếu xót trong quy định của nhà làm luật, rất cần được lưu ý sửa đổi, khắc phục. Quan điểm của luật sư cho rằng, đối với những trường hợp như tình huống của Nguyễn Văn B nêu trên, hướng tuyên hình phạt của Tòa án danh cho Nguyễn Văn B phải là loại hình phạt tù có thời hạn từ 06 tháng đến dưới 02 năm và không được áp dụng các loại hình phạt khác thay thế cho hình phạt tù. Điều đó có nghĩa là khi quyết định hình phạt dưới mức nhẹ nhất của khung hình phạt thì Tòa án không được thay đổi loại hình phạt đối với người phạm tội, trừ trường hợp khung hình phạt bị truy cứu là khung hình phạt nhẹ nhất hoặc tội phạm chỉ có một khung hình phạt duy nhất. Bởi lẽ, nguyên tắc tổng quát của BLHS là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ của các nguyên tắc cơ bản. BLHS một mặt phải thể hiện tinh thần nhân đạo chủ nghĩa nhưng cũng không được xa rời nguyên tắc pháp chế, phân hóa trách nhiệm hình sự cũng như phải đảm bảo mục đích răn đe, giáo dục tôi phạm. Việc xem xét quyết định cho người phạm tội chịu hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cũng đã là sự khoan hồng rất lớn đối với người phạm tội.

Ngoài ra đến đây, chúng ta cũng sẽ đặt ra câu hỏi liệu rằng Điều 54 BLHS quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt chỉ được áp dụng đối với những tội có nhiều khung hình phạt khác nhau và người phạm tội bị truy cứu TNHS không phải là khung hình phạt thấp nhất. Đối với trường hợp phạm tội mà điều luật chỉ có một khung hình phạt duy nhất hoặc người phạm tội đang bị truy cứu TNHS tại khung thấp nhất của hình phạt. Vấn đề này đã được giải quyết tại Khoản 3 Điều 54 BLHS:

“Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”

Như vậy, chiếu theo quy định này thì trường hợp phạm tội mà điều luật chỉ có một khung hình phạt duy nhất hoặc người phạm tội đang bị truy cứu TNHS tại khung thấp nhất của hình phạt thì người phạm tội sẽ được Tòa án xem xét quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt  hoặc sẽ tuyên một hình phạt khác nhẹ hơn. Bản án, quyết định sẽ phải nêu rõ lý do giảm nhẹ hình phạt của Tòa án là gì.

Ta lấy ví dụ: “Nguyễn Văn C phạm tội hủy hoại tài sản, gây thiệt hại 100.000.000 đồng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 178 BLHS, C có thể bị  phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tuy nhiên khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ TNHS cho C, Tòa án nhận thấy thấy C có đủ điều kiện để xem xét quyết định cho C nhận một hình phạt dưới mức thấp nhất so với khung hình phạt khoản 1 Điều 178 BLHS. Trường hợp này, Tòa án có thể áp dụng biện pháp phạt tiền với mức tiền dưới 10.000.000 đồng kết hợp với cải tạo không giam giữ hoặc áp dụng hình phạt khác thay cho hình phạt tù. Các hình phạt khác có thể áp dụng thay cho hình phạt tù là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ”.

Trên đây là một số quan điểm, ý kiến của Luật Việt Chính liên quan đến nội dung vấn đề quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Hi vọng với bài viết này sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu sâu sắc hơn về các quy định mang tính chất và thể hiện nguyên tắc nhân đạo của BLHS Việt Nam. Là một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý, Luật Việt Chính tự tin sẽ là địa chỉ tin cậy, uy tín, luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của quý vị và các bạn trong các lĩnh vực tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính. Hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để được thỏa mãn những nguyện vọng và yêu cầu chính đáng.

Mọi thông tin tư vấn vui lòng liên hệ:

Công Ty TNHH Tư Vấn Việt Chính Luật

– Địa chỉ: Số 6 BTT9 Him Lam Vạn Phúc Luxury Residence, đường Nguyễn Thanh Bình, phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội

– Số điện thoại/Zalo: 0987.062.757 (Ls Băng) – 0911.111.099 (Ls Phương)

– Email: luatvietchinh@gmail.com

– Trang facebook: Luật Việt Chính

 

 

 

Bài viết liên quan