Thời hiệu khởi kiện trong vụ án tranh chấp đất đai

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG VỤ ÁN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vậy thời hiệu khởi kiện trong vụ án tranh chấp đất đai được tính như thế nào?

I. ĐỐI VỚI CÁC TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRƯỚC NGÀY 01/01/2017

Theo Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS năm 2015 thì đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phát sinh trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và Điểm h Khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011. Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 159 BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì: “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.”

Do đó, đối với loại tranh chấp đất đai pháp luật quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện không còn là điều kiện mà Tòa án xem xét khi thụ lý vụ án, tuy nhiên sau khi thụ lý vụ án mà Tòa án xác định thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Tham khảo: Tranh chấp đất đai

II. ĐỐI VỚI CÁC TRANH CHẤP PHÁT SINH TỪ NGÀY 01/01/2017

Đối với các tranh chấp đất đai phát sinh kể từ ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thì áp dụng quy theo quy định tại Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác

3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

4. Trường hợp khác do luật quy định.”

Như vậy, theo quy định trên thì thời hiệu khởi kiện không áp dụng đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên không phải mọi tranh chấp đất đai đều không áp dụng thời hiệu khởi kiện, việc có áp dụng thời hiệu khởi kiện hay không cần phụ thuộc vào việc quan hệ pháp luật tranh chấp ở đây là gì.

Những tranh chấp về quyền sử dụng đất không áp dụng thời hiệu khởi kiện là:

– Tranh chấp ai có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

– Chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Tham khảo: Những trường hợp nào phải hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện?

Đối với các tranh chấp về giao dịch đất đai

Theo quy định tại Điều 429 BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Đối với tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người đang quản lý di sản đó.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể thừ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghãi vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Lưu ý: Nếu muốn áp dụng thời hiệu khởi kiện để giải quyết đương sự phải yêu cầu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định về giải quyết vụ việc dân sự.

Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khởi kiện khi một trong các bên đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu kiện.

Bài viết liên quan