THỦ TỤC TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Trong quá trình hoạt động mức vốn điều lệ có thể có sự thay đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau, vốn điều lệ có thể tăng hoặc giảm. Hiện nay, việc thay đổi vốn điều lệ, tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần xảy ra khá thường xuyên. Vậy thủ tục tăng vốn điều lệ công ty được thực hiện như thế nào?
CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp năm 2020
HÌNH THỨC TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN
Chào bán cổ phần là một trong những cách giúp công ty tăng vốn điều lệ. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
– Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
– Chào bán cổ phần riêng lẻ;
– Chào bán cổ phần ra công chúng.
Lưu ý:
– Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty đại chúng và tổ chức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
– Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.
Tham khảo: Thủ tục giảm vốn điều lệ công ty cổ phần
HỒ SƠ TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN
Hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty cổ phần gồm có:
– Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ;
– Quyết định đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ;
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
– Biên bản định giá tài sản (trường hợp cổ đông góp thêm vốn bằng tài sản);
– Bản sao công chứng CCCD/CMND/hộ chiếu của cổ đông mới (trường hợp có thêm cổ đông mới góp vốn vào công ty);
– Sổ đăng ký cổ đông mới;
– Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư (trường hợp cổ đông góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài);
– Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực;
– Bản sao công chứng CCCD/CMND/hộ chiếu của người được ủy quyền làm thủ tục.
QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI VỐN ĐIỀU LỆ
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
– Bước 2: Đăng ký thay đổi vốn điều lệ
Có 03 cách nộp hồ sơ:
+ Trực tiếp;
+ Trực tuyến: tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số;
+ Qua đường bưu chính.
Lưu ý: Hiện nay ở một số tỉnh, thành phố chỉ tiếp nhận hình thức nộp hồ sơ trực tuyến.
– Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
Sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho công ty cổ phần hoặc ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ đề nghị tăng vốn điều lệ chưa đúng yêu cầu.
– Bước 4: Nhận kết quả
Tham khảo: Những điều cần biết về thuế môn bài
LƯU Ý VỀ THUẾ KHI TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ
Việc tăng vốn điều lệ có thể dẫn đến tăng mức thuế môn bài mà công ty cổ phần phải nộp. Vì vậy, sau khi hoàn thành thủ tục tăng vốn điều lệ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp tăng vốn điều lệ làm thay đổi thuế môn bài, công ty cổ phần phải tiến hành kê khai và nộp tờ khai lệ phí môn bài bổ sung chậm nhất trước ngày 30/01 năm sau năm thay đổi vốn điều lệ.
Ví dụ:
CTCP A có vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, lệ phí môn bài phải nộp là 2.000.000 đồng/năm. Từ tháng 12/2023 công ty Anpha tăng vốn điều lệ lên 15 tỷ đồng.
Như vậy: CTCP A phải kê khai và nộp tờ khai lệ phí môn bài bổ sung chậm nhất trước ngày 30/01/2024;
Từ năm 2024, Kế toán Anpha phải nộp lệ phí môn bài là 3.000.000 đồng/năm do vốn điều lệ lớn hơn 10 tỷ đồng.