THỦ TỤC THỪA KẾ CĂN HỘ CHUNG CƯ
Hiện nay chất lượng xây dựng nhà chung cư đang ngày càng được cải thiện nên có độ bền tương đối cao, hàng chục năm vẫn chưa xuống cấp quá nhiều và là sự lựa chọn để an cư hoặc sản sinh dòng tiền ổn định từ việc cho thuê. Thậm chí, có nhiều trường hợp chủ sở hữu đã “khuất núi” nhưng căn hộ chung cư vẫn còn sử dụng tốt nên đã phát sinh nhu cầu thừa kế căn hộ chung cư. Về cơ bản thì thủ tục thừa kế căn hộ chung cư không khác nhiều so với các bất động sản khác. Tuy nhiên, để thực hiện suôn sẻ việc sang tên sổ đỏ do nhận thừa kế căn hộ chung cư cũng sẽ không hề đơn giản. Cần phải có sự hiểu biết hoặc được sự tư vấn, hỗ trợ từ những đơn vị chuyên nghiệp hành nghề luật sư, công chứng. Trong bài viết này, Luật Việt Chính sẽ đề cập đến trường hợp không có Di chúc.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
Để thừa kế căn hộ chung cư thì cần phải nghiên cứu các văn bản sau đây:
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật đất đai 2013
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Luật nhà ở 2014
- Luật công chứng 2014
- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
GIẤY TỜ CẦN CHUẨN BỊ
Để sang tên sổ đỏ căn hộ chung cư do nhận thừa kế, cần phải xác định các nhóm giấy tờ khác nhau để tiện cho việc chuẩn bị, tránh nhầm lẫn, thiếu sót.
1. Nhóm giấy tờ về tài sản
Sổ đỏ bản chính là giấy tờ bắt buộc phải có. Để thực hiện thủ tục thừa kế thì sổ đỏ phải không còn nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước, không còn tình trạng thế chấp, chuyển nhượng hoặc rơi vào trạng thái bị ngăn chặn, bị vướng mắc bởi các giao dịch khác. Cần phải xác định sổ đỏ do ai đứng tên để biết được di sản để lại là toàn bộ căn hộ chung cư hay chỉ là một phần. Nhiều trường hợp sổ đỏ đứng tên 1 người nhưng hình thành trong thời kỳ hôn nhân và không có căn cứ để xác định đó là tài sản riêng thì vẫn được tính là tài sản chung của hai vợ chồng và phần di sản do người đứng tên để lại chỉ có 1 nửa căn hộ mà thôi. Thậm chí những trường hợp sổ đỏ đứng tên hộ gia đình thì sẽ tương đối phức tạp, cần phải có sự đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Thừa kế căn hộ chung cư
Ngoài sổ đỏ thì nhiều trường hợp còn cần thêm hóa đơn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của năm gần nhất. Nếu không chuẩn bị được thì có thể sẽ phải đi xin xác nhận, nộp bổ sung hoặc kê khai lần đầu và sẽ tương đối tốn thời gian.
2. Nhóm giấy tờ về quan hệ thừa kế
Trước hết, cần phải xác định được ai là người để lại di sản, thời điểm chết và nơi chết và nơi đăng ký thường trú trước khi chết tại đâu. Những thông tin đó có thể được khai thác thông qua Giấy chứng tử của người để lại di sản. Giấy tờ này bắt buộc phải có bản chính, nếu không có bản chính thì cần có bản sao trích lục từ sổ gốc (nhưng phải cung cấp nhiều bản để Tổ chức hành nghề công chứng và cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế lưu giữ).
Sau khi đã xác định được người để lại di sản là ai, chúng ta hãy liệt kê những người có mối quan hệ với người đó như sau: Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, vợ,chồng, con đẻ, con nuôi và thu thập những giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa họ. Các giấy tờ đó có thể là Giấy khai sinh, Đăng ký kết hôn, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Lý lịch Đảng, Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà sẽ có những giấy tờ không sử dụng được. Ví dụ như sử dụng Lý lịch đảng để chứng minh mối quan hệ vợ chồng thì sẽ không được chấp nhận. Hoặc một số trường hợp sử dụng lý lịch đảng để chứng minh quan hệ cha con thì cơ quan đăng ký đất đai có thể chấp nhận nhưng cơ quan thuế sẽ không đồng ý miễn thuế. Nhìn chung việc chuẩn bị những giấy tờ này khá phức tạp và có tỷ lệ cao không thống nhất về thông tin, có sai sót cần phải bổ sung, đính chính. Tuy nhiên việc bổ sung, đính chính thường gặp những khó khắn do đã trải qua thời gian quá dài, có người đã chết,… Khi ấy, nếu có sự hỗ trợ của Luật Việt Chính hoặc có hoạt động xác minh của Tổ chức hành nghề công chứng thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Trong số những người có quan hệ nêu trên thì có thể có người đã chết. Những người đó sẽ cần phải có Giấy chứng tử. Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì những người con của họ (cháu của người để lại di sản) sẽ được hưởng thừa kế thế vị và khi đó sẽ cần giấy khai sinh của những người cháu này.
Đối với những người chết sau người để lại di sản thì phải tiếp tục coi họ là người để lại di sản để tiếp tục chia tài sản của họ. Khi ấy, sẽ xét đến những người có mối quan hệ với họ. Nhiều trường hợp người để lại di sản có cha mẹ mất sau và nhà đông anh em con cháu thì có thể dẫn tới số lượng người thừa kế lên tới hàng chục, hàng trăm người. Vì vậy, thủ tục thừa kế phải làm càng nhanh càng tốt, để càng lâu thì càng có nguy cơ phức tạp hơn.
3. Nhóm giấy tờ tùy thân
Sau khi đã xác định được tất cả những người thừa kế cùng toàn bộ giấy tờ chứng minh mối quan hệ thừa kế của họ thì cần phải chuẩn bị Căn cước công dân có gắn chíp của họ. Trường hợp không có Căn cước công dân gắn chíp thì phải có Giấy xác nhận nơi cư trú kèm theo Giấy tờ tùy thân còn hạn như Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân không gắn chíp. Những giấy tờ này thì chuẩn bị khá đơn giản, chỉ cần có thời gian thì sẽ không có vấn đề gì khó khăn. Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý sớm rà soát để chủ động hơn trong quá trình thực hiện thủ tục.
NIÊM YẾT THÔNG BÁO
Theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính Phủ quy định trường hợp thừa kế đối với Bất động sản như nhà chung cư thì Tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện việc niêm yết 15 ngày tại trụ sở UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản (nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú cuối cùng) và tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản. Nếu nơi niêm yết ở khác tỉnh thành phố với Tổ chức hành nghề công chứng thì Tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục niêm yết.
Xung quanh việc niêm yết thì hiện nay mỗi nơi một kiểu, không có mẫu số chung khiến nhiều trường hợp không được chủ động, gây khó khăn cho cả những đơn vị chuyên nghiệp như tổ chức hành nghề công chứng, luật sư. Những khó khăn thường xuất phát từ chính các quy định và những cơ quan nhà nước, cụ thể như sau:
- Thời gian niêm yết có nơi áp dụng 15 ngày làm việc, có nơi 15 ngày thường.
- Có nơi yêu cầu VPCC phải cung cấp thêm công văn và các giấy tờ khác nhau khiến VPCC không chủ động.
- Có nơi yêu cầu nộp phí trong khi không có quy định
- Có nơi xác nhận ngay khi niêm yết, có nơi xác nhận sau khi niêm yết đủ thời gian nhưng hồ sơ bị thất lạc, sếp đi vắng và rất nhiều lý do khiến không thể xác nhận ngay
Vì vậy, không phải cứ niêm yết 15 ngày là đã xong, khách hàng cần phải có sự thông cảm cho tổ chức hành nghề công chứng nếu như có những trở ngại khách quan khiến thủ tục bị kéo dài.
CÔNG CHỨNG VĂN BẢN THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN/KHAI NHẬN DI SẢN
Thủ tục công chứng tương đối đơn giản, chỉ cần xuất trình đầy đủ bản gốc giấy tờ đã chuẩn bị và tất cả những người thừa kế đều phải ký giấy tờ trước mặt công chứng viên là được. Trường hợp không tới Tổ chức hành nghề công chứng được thì có thể yêu cầu công chứng viên công chứng ngoài giờ, ngoài trụ sở. Riêng những trường hợp có khoảng cách địa lý quá xa thì có thể lập Hợp đồng ủy quyền để ủy quyền cho người khác thay mặt giao kết các Văn bản cần thiết.
Quá trình công chứng có thể chỉ cần lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản/khai nhận di sản hoặc có thể lập trước Văn bản từ chối nhận di sản để cho đơn giản hoặc tối ưu lợi ích về thuế.
SANG TÊN CĂN HỘ CHUNG CƯ DO NHẬN THỪA KẾ
Việc sang tên căn hộ chung cư cần được thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có căn hộ chung cư (có thể thực hiện tại trụ sở hoặc tại Chi nhánh). Quý khách cần chuẩn bị sẵn hồ sơ và kê khai trước các biểu mẫu (có thể được tải về tại trang web của Việt Chính Luật). Với những Quý khách chưa có kinh nghiệm thì nên đi thật sớm vì có những nơi cần phải xếp hàng từ 4-5 giờ sáng để có thể nộp trong ngày. Cần phải có kế hoạch dự phòng trong trường hợp không thể nộp xong trong ngày (có nơi còn cần phải hẹn trước ngày để nộp) nhằm tránh ảnh hưởng đến công việc của bản thân.
Sau khi nộp hồ sơ xong thì sau 13 ngày làm việc (nếu suôn sẻ nhưng thường ít khi được như vậy) thì Quý khách có thể tới Chi cục thuế để nhận thông báo thuế (nếu có mối quan hệ bố mẹ, con cái, anh em ruột, ông bà với cháu, vợ chồng thì sẽ được miễn thuế và lệ phí trước bạ). Thủ tục nhận sổ đỏ nhìn chung tương đối đơn giản.
Tất nhiên mỗi bộ hồ sơ, mỗi địa phương lại có những đặc thù. Trong quá trình làm việc có thể phát sinh nhiều vướng mắc mà cần phải có kinh nghiệm mới có thể dự trù trước và nhanh chóng giải quyết. Nếu Quý khách không có thời gian hoặc ngại thực hiện thủ tục với cơ quan nhà nước thì có thể sử dụng dịch vụ sang tên sổ đỏ trọn gói căn hộ chung cư do nhận thừa kế được cung cấp bởi Việt Chính Luật với những ưu điểm sau:
- Miễn phí tư vấn 24/7
- Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ
- Sắp xếp công chứng trọn gói, nhanh chóng tiện lợi, không phải chờ đợi.
- Thay mặt khách hàng kê khai, nộp hồ sơ, nhận kết quả.
Tìm hiểu thêm: Thủ tục sang tên trọn gói tại Hà Nội
Với Việt Chính Luật thì khách hàng không cần phải đi lại, có thể nhận kết quả tại nhà với chi phí chỉ từ 3.000.000 VNĐ (Ba triệu đồng). Tất cả những gì Quý khách cần làm ngay là gọi tới số 0911.111.099 hoặc 0987.062.757 để được hỗ trợ!