TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN ĐẦU
Khiếu nại là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vậy khiếu nại là gì? Khi nào công dân sẽ thực hiện hoạt động khiếu nại? Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu được pháp luật quy định ra sao? Chúng tôi xin giải đáp những thắc mắc nêu trên trong bài viết dưới đây.
1. Khái niệm khiếu nại.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011:
“Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”
Dựa vào quy định trên, có thể hiểu khiếu nại chính là hoạt động với mục đích nhằm ngăn ngừa việc quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm bởi những quyết định, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật trái pháp luật của những chủ thể có thẩm quyền.
2. Chủ thể khiếu nại.
Chủ thể thực hiện hoạt động khiếu nại được xác định là cá nhân hoặc tổ chức có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm từ quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật trái pháp luật của chủ thể có thẩm quyền.
Chủ thể giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Cụ thể, căn cứ từ Điều 17 đến Điều 26 Luật Khiếu nại năm 2011, thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về những chủ thể sau: Chủ tịch UBND các cấp; Thủ trưởng, Giám đốc các cơ quan hành chính trực thuộc UBND, trực thuộc Bộ; Bộ trưởng; Chánh Thanh tra các cấp; tổng Thanh tra Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ.
Ví dụ: Trong trường hợp Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không thực hiện hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định của pháp luật, người dân có thể gửi đơn khiếu nại về hành vi này đến Chủ tịch Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Hình thức khiếu nại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Khiếu nại năm 2011, hiện nay hoạt động khiếu nại thực hiện thông qua 02 hình thức là khiếu nại trực tiếp và gửi đơn khiếu nại.
Trường hợp khiếu nại thực hiện bằng đơn, trong đơn khiếu nại cần phải có những nội dung như ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại cũng phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
4. Thời hiệu khiếu nại.
Căn cứ theo Điều 9 Luật khiếu nại năm 2011, thời hiệu khiếu nại được xác định là 90 ngày tính từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trong trường hợp người khiếu nại vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại sẽ không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Ví dụ: Ngày 31/03/2020, ông D nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai với đầy đủ tài liệu, giấy tờ theo quy định của pháp luật đến Văn phòng đăng ký đất đai huyện X. Tuy nhiên, ngày 01/04/2020, ông D lại nhận được thông báo của Văn phòng đăng ký đất đai với nội dung từ chối không chấp nhận hồ sơ của ông với lý do hồ sơ “còn thiếu” và yêu cầu bổ sung những tài liệu không có trong quy định của pháp luật. Trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, ông D cần tiến hành gửi đơn khiếu nại đến Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện X về quyết định trái pháp luật trên trong thời hạn 90 ngày, cụ thể tính từ ngày 01/04/2020 (khi ông nhận được thông báo của Văn phòng đất đai) đến ngày 29/06/2020.
5. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu.
Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011, với mục đích nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại có thể thực hiện hoạt động khiếu nại hai lần. Trong đó, hoạt động giải quyết khiếu nại lần đầu được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Thụ lý khiếu nại.
Trong trường hợp đơn khiếu nại hợp lệ và không thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết, căn cứ theo Điều 27 Luật khiếu nại năm 2011, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết phải thụ lý; đồng thời gửi thông báo bằng văn bản đến người khiếu nại, đến cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp. Trường hợp không thụ lý giải quyết cần phải nêu rõ lý do.
Bước 2: Xác minh nội dung trong đơn khiếu nại.
Theo Điều 29 Luật khiếu nại năm 2011, trong giai đoạn này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau đây:
– Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng cần ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
– Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì phải tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện hoạt động xác minh nội dung, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Thời hạn thực hiện hoạt động xác minh trong giai đoạn này được Luật khiếu nại năm 2011 quy định không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.
Bước 3: Thông báo giải quyết khiếu nại và tổ chức đối thoại.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại là khác nhau, người giải quyết khiếu nại phải tiến hành tổ chức đối thoại.
Thành phần tham gia đối thoại sẽ bao gồm: người giải quyết khiếu nại; người khiếu nại; người bị khiếu nại; người có quyền và nghĩa vụ liên quan (nếu có); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có).
Việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ với mục đích làm rõ nội dung khiếu nại, xác định hướng giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Quyết định giải quyết khiếu nại là văn bản do chủ thể có thẩm quyền ban hành trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Quyết định giải quyết khiếu nại phải có những nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm ra quyết định;
– Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;
– Nội dung khiếu nại;
– Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
– Kết quả đối thoại (nếu có);
– Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
– Kết luận về nội dung khiếu nại;
– Hướng giải quyết khiếu nại (giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật…)
– Hướng bồi thường thiệt hại cho người bị khiếu nại (nếu có);
– Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Bước 5: Công bố quyết định giải quyết khiếu nại
Căn cứ theo Điều 32 Luật khiếu nại năm 2011, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định đã ban hành cho người khiếu nại; thủ trưởng cấp trên trực tiếp; cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp; người có thẩm quyền, có quyền, nghĩa vụ liên quan (nếu có); cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến (nếu có).
Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có thể tiếp tục thực hiện hoạt động khiếu nại lần hai hoặc lựa chọn khởi kiện ra Tòa án.
Tham khảo: Mẫu đơn khiếu nại trường hợp bị chậm trả kết quả
Như vậy, trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Hy vọng những nội dung trên sẽ mang lại cho các bạn những thông tin bổ ích.
Chúc các bạn thành công trong cuộc sống!
Trân trọng!