XỬ LÝ SỔ ĐỎ BỊ ĐỐI TƯỢNG GIẢ MẠO CHỮ KÝ XIN CẤP LẠI
Câu hỏi: Một đối tượng giả mạo chữ ký của chủ đất để thực hiện thủ tục xin cấp lại, cấp đổi sổ đỏ, sau đó dùng sổ đỏ đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này thì sẽ xử lý sổ đỏ đó như thế nào? Sẽ hủy sổ đỏ theo Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay tịch thu, tiêu hủy theo Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015?
Trả lời: Căn cứ vào giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao thì sổ đỏ có bản chất là quyết định hành chính. Do vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì sẽ là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Quyết định hành chính không thể bị tịch thu, tiêu hủy theo Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được.
Tham khảo thêm bài viết Sang tên sổ đỏ có cần làm thủ tục đo đạc lại không?
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có nêu: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.”
Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, chỉ có thể bị hủy bỏ khi là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hoặc bị Tòa án giải quyết vụ việc dân sự hoặc bị thu hồi bởi chính cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 106 của Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, trường hợp này thì Hội đồng xét xử cần căn cứ theo khoản 3 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi sổ đỏ đó (bản chất là thu hồi giá trị pháp lý của sổ đỏ) mà không tịch thu, tiêu hủy theo Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Còn về bản giấy vật lý của sổ đỏ đã bị cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ trong quá trình giải quyết vụ án thì sẽ không bàn giao cho bất cứ cơ quan nào mà phải lưu giữ trong hồ sơ vụ án theo đúng quy định.
Trân trọng!