Người giám hộ có được bán tài sản của người được giám hộ không ?

NGƯỜI GIÁM HỘ CÓ ĐƯỢC BÁN TÀI SẢN CỦA NGƯỜI ĐƯỢC GIÁM HỘ KHÔNG ?

 Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về người giám hộ, người giám hộ có được bán tài sản của người được giám hộ hay không? Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. Giám hộ là gì ?

Theo quy định tại Điều 46 BLDS 2015 thì giám hộ là:

“1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

Như vậy, giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định. Việc giám hộ được thực hiện nhằm việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2. Người giám hộ là gì ?

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 người giám hộ là:

“ 1. Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.

2. Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.”

Có thể hiểu người giám hộ là cá nhân có đủ điều kiện để thực hiện việc chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyển, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của người được giám hộ.

3. Người được giám hộ là gì ?

Căn cứ theo Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người được giám hộ:

“1. Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

Như vậy, người được giám hộ thuộc những trường hợp như sau:

– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

– Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

– Người mất năng lực hành vi dân sự;

– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Tham khảo thêm: Thủ tục đăng ký người giám hộ

4. Điều kiện làm người giám hộ

Căn cứ theo Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện của cá nhân làm người giám hộ:

“Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.”

Như vậy, cá nhân làm người giám hộ phải có đủ các điều kiện sau:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

5. Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ ?

Theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 BLDS 2015 về quyền và nghĩa vụ của người giám hộ như sau: 

Điều 57. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

1. Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;

b) Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;

c) Quản lý tài sản của người được giám hộ;

d) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có nghĩa vụ theo quyết định của Tòa án trong số các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này.”

Nghĩa vụ của người giám hộ đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp phập của người được giám hộ. Việc bảo vệ này được tiến hành thay cho người được giám hộ trong việc quản lí tài sản, tự mình hoặc giám sát người được giám hộ trong việc sử dụng và định đoạt tài sản vì lợi ích người được giám hộ sao cho hiệu quả nhất. Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ là người dưới 15 tuổi; chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự. Người giám hộ có trách nhiệm quản lí tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; có trách nhiệm bảo quản, gìn giữ tài sản, không làm hư hòng, mất mát tài sản của người được giám hộ, không được tự ý cho, tặng tài sản của người được giám hộ,…

“Điều 58. Quyền của người giám hộ

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:

a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền quy định tại khoản 1 Điều này.”

Quy định trên đã nêu rõ các quyền của người giám hộ được quy định nhằm thực hiện các mục đích của việc giám hộ là chăm sóc, chữa bệnh và bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ. Vì vậy, người giám hộ có quyền sử dụng tài sản, định đoạt tài sản của người được giám hộ, thanh toán các chi phí hợp lí cho những hoạt động cần thiết thường ngày của người được giám hộ; được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường thiệt hại do các hành vi của người được giám hộ gây ra.

6. Người giám hộ có quyền bán tài sản của người được giám hộ không ?

Theo quy định tại Điều 59 Bộ Luật Dân sự 2015 về Quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy theo quy định trên có thể hiểu là Người giám hộ có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ trong trường hợp người được giám hộ chưa đủ 15 tuổi, từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Cụ thể, các trường hợp người giám hộ có quyền bán tài sản của người được giám hộ bao gồm: 

Thứ nhất, khi giám hộ người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự

 – Những giao dịch mà người giám hộ có quyền thực hiện thay cho người được giám hộ phải đảm bảo mục đích vì lợi ích của người được giám hộ. Trong đó có thể kể đến một số lợi ích cho người được giám hộ như: Đảm bảo nhu cầu cuộc sống của người được giám hộ là những nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của người được giám hộ, làm gia tăng giá trị tài sản của người được giám hộ…

 – Khi việc bán tài sản đã có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ thì người giám hộ sẽ được bán các tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ. Tuy nhiên, trường hợp này được Bộ luật Dân sự quy định là thế nhưng quy định cụ thể cùng hướng dẫn chi tiết về tài sản có giá trị lớn là gì, tiêu chí xác định tài sản như thế nào, việc đồng ý của người giám sát được thể hiện thông qua hình thức nào… thì chưa có văn bản nào quy định.

Thứ hai, khi người được giám hộ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người giám hộ có quyền bán tài sản của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quyết định của Toà án với phạm vi như quản lý tài sản của người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự nêu trên.

Như vậy, đối chiếu với các trường hợp quy định trên thì người giám có quyền bán tài sản của người được giám hộ. Tuy nhiên, việc bán tài sản phải vì lợi ích của người được giám hộ và được người giám sát việc giám hộ đồng ý. Người giám hộ được phép bán tài sản của người có khó khăn trong nhận thức, thực hiện hành vi khi có quyết định của Toà án.

 

 

Bài viết liên quan