Công ty có được cấm không được làm việc cho công ty đối thủ không?

CÔNG TY CÓ ĐƯỢC CẤM KHÔNG ĐƯỢC LÀM VIỆC CHO CÔNG TY ĐỐI THỦ KHÔNG?

Câu hỏi: Tôi hiện đang làm việc tại CTCP ABC từ đầu năm 2023 hợp đồng lao động 01 năm, công việc của tôi là nghiên cứu sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực điện tử. Thời hạn hợp đồng của tôi sắp hết, tôi không muốn tiếp tục ký HĐLĐ với công ty ABC nữa. Tôi muốn chuyển qua làm việc ở CTCP NMH, vì mức lương ở đây rất hấp dẫn. Công ty NMH cũng cùng KCN và kinh doanh sản phẩm điện tử với công ty tôi đang làm. Tuy nhiên, Công ty ABC lại yêu cầu tôi phải ký cam kết không làm việc tại công ty đối thủ trong vòng 12 tháng sau khi nghỉ việc. Vậy việc Công ty ABC yêu cầu như vậy có đúng với quy định của pháp luật không và nếu tôi cố tình sang Công ty NMH làm việc thì có phải chịu hậu quả gì không?

Trả lời: Hiện nay, để đảm bảo tính bảo mật của công ty, các doanh nghiệp thường sẽ yêu cầu người lao động phải ký cam kết không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh trong một thời gian nhất định.

Yêu cầu ký cam kết không làm việc cho công ty khác có đúng quy định pháp luật

Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ là đang bảo vệ sự sống còn của doanh nghiệp. Do đó, khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 đã có quy định như sau:

“Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động

2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

…”

Tham khảo: Bị công ty thay đổi chỗ làm có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Như vậy, theo quy định trên trường hợp người lao động làm việc có liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản các nội dung liên quan đến vấn đề bảo mật bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Do đó, việc người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiến hành ký cam kết về việc không làm việc cho công ty đối thủ trong một thời gian nhất định là hoàn toàn hợp lý, giúp đảm bảo bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty.

Tuy nhiên, không phải tất cả người lao động đều phải ký cam kết mà chỉ những người lao động là việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ mới phải ký thỏa thuận này. Trường hợp người lao động chỉ làm công việc bình thường, không liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì doanh nghiệp không được yêu cầu ký cam kết bởi điều này xâm phạm đến quyền tự do việc làm của người lao động.

Vì vậy, trong trường hợp của bạn, để xác định công ty ABC yêu cầu bạn ký cam kết có đúng không thì bạn cần phải xác định công việc của bạn có liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ hay không. Trường hợp công việc của bạn có liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì công ty hoàn toàn có quyền đề nghị bạn ký cam kết bảo mật. Do đó, bạn nên đọc kỹ các quy định của nội dung cam kết để đảm bảo quyền lợi của mình. Khi bạn đã ký cam kết thì nếu vi phạm bạn có khả năng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Công ty ABC theo mức phạt đã thỏa thuận.

Người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên.

Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

– Trường hợp 1: Vi phạm khi đang trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019.

– Trường hợp 2:  Vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, trong một số trường hợp người lao động còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị 75/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“Điều 16. Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.”

Mức phạt hành chính trên là áp dụng cho tổ chức, do đó trường hợp người lao động vi phạm thì có thể bị xử phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng và còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh; tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Do đó, bạn cần phải cân kỹ càng trước khi đưa ra quyết định tránh những trường hợp vi phạm đáng tiếc xảy ra.

Trân trọng!

Tham khảo: Tiết lộ bí mật kinh doanh bị xử lý như thế nào?

Bài viết liên quan