Mua xe trộm cắp thì phạm tội gì?

MUA XE TRỘM CẮP THÌ PHẠM TỘI GÌ?

Câu hỏi: Chào Luật sư, em mới mở một cửa hàng mua, bán, sửa chữa xe máy. Mấy hôm trước có một cậu thanh niên mang đến bán cho em một chiếc xe máy cũ với giá 3 triệu đồng. Hôm nay, em nghe hàng xóm nhà em nói đây là chiếc xe vừa bị mất trộm mấy hôm trước của xóm trên. Họ cũng có nói em là em mua xe trộm cắp như này là sẽ bị ngồi tù. Luật sư cho em hỏi em có bị đi tù thật không ạ?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật không phải mọi trường hợp mua xe trộm cắp đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người mua xe biết rõ đấy là xe trộm cắp thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người mua xe máy trộm cắp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Theo quy định trên người nào không hứa hẹn trước nhưng mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì phạm tội. Lưu ý rằng người mua phải “biết rõ” đó là tài sản trộm cắp mà có thì mới phạm tội. Trường hợp không “biết rõ” thì không phạm tội. Việc “ biết rõ” trong trường hợp này không phải đơn thuần là hai bên nói chuyện với nhau “xe này là tài sản trộm cắp” mà  “biết rõ” nó phải căn cứ vào nhiều tình tiết khác nhau. Quy định trên cũng không đưa ra khái niệm cụ thể “thế nào là phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Tham khảo: Mẫu Biên bản giao nhận xe khi cầm cố xe do trộm cắp, lừa đảo mà có

Để làm rõ những khái niệm trên ta có thể căn cứ theo Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (TTLT số 09/2011) hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền hướng dẫn như sau:

“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.

3. Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản”.

Ngoài ra để hiểu rõ hơn về cụm từ “biết rõ” có thể tham khảo quy định hướng dẫn cụ thể về cụm từ “biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”, của Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội rửa tiền (gọi tắt là Nghị quyết 03). Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã giải thích thế nào là “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” tại khoản 4, Điều 2, như sau:

“4. Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có);

b) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin);

c) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền);

d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó)”.

Tham khảo: Phân biệt tội trộm cắp và tội cướp tài sản

Như vậy, một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nếu như người đó biết rõ tài sản đó là do người khác phạm tội mà có và người đó không hứa hẹn trước là sẽ tiêu thụ tài sản (nếu hứa hẹn trước là sẽ tiêu thụ tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm về tội phạm mà người phạm tội thực hiện để có tài sản mà người đó chứa chấp, tiêu thụ).

Trong trường hợp người mua xe không biết xe này có nguồn gốc do trộm cắp thì việc mua xe này thường được xem là một giao dịch dân sự và sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Hành vi của người mua không phải là hành vi phạm tội, do vậy không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, trong trường hợp của bạn nếu bạn không biết rõ xe máy trên là do hành vi trộm cắp mà có thì bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bạn cũng cần rút kinh nghiệm lưu ý về việc mua, bán xe thì cần phải có giấy tờ đầy đủ để tránh những vướng mắc không hay.

Trân trọng!

Bài viết liên quan