CÓ BẮT BUỘC CẤP DƯỠNG CON RIÊNG CỦA VỢ, CHỒNG SAU KHI LY HÔN
Hiện nay trong cuộc sống việc kết hôn chung giữa những người đã có gia đình và có con riêng ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng gìn giữ được hạnh phúc mà đôi khi có những mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Vậy sau khi ly hôn chồng, vợ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng con riêng của vợ/chồng không và có những nghĩa vụ gì? Luật Việt Chính sẽ giải đáp những thắc mắc trên ở bài viết sau.
- Pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ cấp dưỡng
Các nghĩa vụ về cấp dưỡng là một trong những cơ sở giúp gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau và nâng cao tính trách nhiệm của mỗi người.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là gì?
Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định, cấp dưỡng là việc một người có đóng góp tiền bạc hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không còn chung sống với mình mà có các quan hệ như hôn nhân, huyết thống hoặc người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để có thể nuôi bản thân, người gặp khó khăn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nghĩa vụ về cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa những người thân trong gia đình như: giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu hoặc giữa những người có quan hệ họ hàng như: giữa cô, dì, chú, bác ruột và cháu ruột và đặc biệt là giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, các chủ thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể là những người có cùng huyết thống với nhau hoặc không phải nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc thực hiện, không thể thay thế được bằng nghĩa vụ khác và không được chuyển giao.
Những điều kiện để phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng
– Cả hai bên có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng;
– Cả hai không sống chung với nhau hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và cũng không có tài sản để có thể tự nuôi mình, người đang trong hoàn cảnh gặp khó khăn, túng thiếu;
– Người cấp dưỡng là người đã thành niên có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Như vậy, khi đáp ứng được các điều kiện để phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng thì nghĩa vụ cấp dưỡng khi đó sẽ phát sinh.
- Cha dượng, mẹ kế có nghĩa vụ cấp dưỡng con riêng của vợ, chồng không?
Khi đã kết hôn thì nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái là nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng, không phân biệt là con đẻ hay con riêng. Theo quy định tại Điều 79 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của vợ, chồng cùng chung sống chung với mình. Con riêng cũng phải có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay cha dượng, mẹ kế có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng con riêng của bên kia nếu con cùng sống chung với mình. Bên cạnh đó, pháp luật cũng không có quy định cha dượng, mẹ kế phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con riêng của vợ, chồng sau khi ly hôn. Do vậy sau khi ly hôn vấn đề cấp dưỡng của cha dượng, mẹ kế đối với con riêng của vợ, chồng không đặt ra.