Thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong vụ án ly hôn

THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN TRONG VỤ ÁN LY HÔN

Câu hỏi: Tôi và chồng tôi lấy nhau được 2 năm nhưng hiện tại cuộc sống hôn nhân không còn hạnh phúc. Chúng tôi đã ly thân gần nửa năm nay. Hiện tại tôi muốn đơn phương ly hôn chồng tôi. Vậy tôi nên nộp đơn ly hôn ở đâu?

Trả lời: Như bạn đã chia sẻ, bạn muốn đơn phương ly hôn do đó, trường hợp của bạn được xem là có tranh chấp – vụ án dân sự. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thẩm quyền giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Như vậy, việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn được xác định theo nguyên tắc sau:

Thứ nhất, thẩm quyền của Tòa án các cấp

Thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp huyện (điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015)

“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

…”

Như vậy Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, ngoại trừ các tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Tham khảo: Thủ tục hòa giải trong vụ án ly hôn

Thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) “Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.”

Như vậy, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn có yếu tố nước ngoài hoặc không thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện.

Thứ hai, thẩm quyền theo lãnh thổ

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được quy định tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”

Như vậy thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

– Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc;

– Do các bên thỏa thuận bằng văn bản;

– Trường hợp có tranh chấp về tài sản chung là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Lưu ý: hiện nay theo quy định tại Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp nơi cư trú của bị đơn hoặc tòa án do 2 bên thỏa thuận khác với nơi có bất động sản tranh chấp thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc Tòa án do các bên thỏa thuận bằng văn bản.

Tham khảo: Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án ly hôn của Tòa án nước ngoài

Thứ ba, thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn trong vụ án lý hôn được quy định tại Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

– Trường hợp nếu không biết nơi cư trú, làm việc, của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.

Do bạn không chia sẻ cụ thể nên chúng tôi cũng không thể xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án của bạn. Nếu bạn cần thông tin chính xác vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hướng dẫn vụ thể.

Trân trọng!

Bài viết liên quan