LUẬN VĂN “CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA” (CHƯƠNG II PHẦN 1)
CHƯƠNG 2 (PHẦN 1)
THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA
2.1. Đánh giá chung về tình hình thực hiện chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba
2.1.1. Trong đời sống nhân dân
Kể từ khi Luật HN&GĐ năm 2014 ra đời đến nay đã được 07 năm, có thể thấy những quy định tiến bộ về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng và hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung đã đi vào đời sống và phần nào đã thực hiện được vai trò của mình. Để công dân, cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức khác có cơ sở để áp dụng pháp luật, thi hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, ngoài Luật HN&GĐ năm 2014, Chính phủ đã cụ thể hóa luật bằng những nghị định, thông tư. Có thể kể đến như nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình; một số thông tư như: Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2014. Luật HN&GĐ năm 2014 đã có quy định tiến bộ, phù hợp với nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến Pháp năm 2013 và BLDS năm 2015 về quyền được tự do thỏa thuận, tự do định đoạt, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình
Hệ thống pháp luật về HN&GĐ nhìn chung đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là khẳng định nền tảng của gia đình đối với xã hội. Vợ chồng mặc dù được thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ duy trì gia đình, nuôi dưỡng con cái, bố mẹ và thành viên khác trong gia đình. Bên cạnh đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba khác luôn được thể hiện qua các điều luật của Luật HN&GĐ. Đó thực sự là một bước tiến trong tư duy xây dựng pháp luật, có hội nhập và tiếp thu tinh hoa của nền pháp luật thế giới nhưng không làm mất đi truyền thống, nét đẹp trong phong tục của người Việt.
Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là một quy định mới trong pháp luật về hôn nhân và gia đình. Sự mới mẻ này thể hiện ở cả lĩnh vực pháp luật khi lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật HN&GĐ, đồng thời ở cả đời sống thực tế bởi phong tục tập quán và nhận thức của người dân từ xưa đến nay vẫn là “của chồng công vợ”, tức là sự nhất quán về tài sản giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, hiện nay khi nền kinh tế công – thương nghiệp đang ngày một phát triển, sự hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các nước là điều tất yếu thì nhận thức của một bộ phận cũng đã có sự thay đổi. Đó là mong muốn minh bạch tài sản, được làm chủ sở hữu đối với tài sản của mỗi cá nhân, và “nhu cầu” này xảy ra phần lớn là ở những cá nhân được sinh ra từ những gia đình trâm anh thế phiệt, giàu có và am hiểu pháp luật hoặc những trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Phần còn lại là những người có thu nhập trung bình đến thấp, không có nhu cầu minh bạch tài sản giữa vợ chồng, hoặc có tư tưởng bảo thủ, gia trưởng, hoặc không am hiểu pháp luật nên chưa có nhận thức về chế độ tài sản này. Ở Việt Nam, mặc dù bình đẳng giới giữa nam và nữ đã được đề ra từ rất lâu nhưng ở đâu đó, đặc biệt là ở vùng nông thôn vẫn còn nhận thức người đàn ông là trụ cột chính trong gia đình, nên tất cả quyền sở hữu về tài sản đều chỉ ghi nhận người chồng mà không cần ghi nhận tên người vợ. Đồng thời, xuất phát từ chính những quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế và nhận thức về pháp luật của người dân còn chưa cao nên ở nước ta hiện nay, chế độ thỏa thuận này vẫn chưa thực sự đi vào thực tế đời sống một cách phổ biến như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
2.1.2. Trong hoạt động của Văn phòng công chứng
Theo tìm hiểu của tác giả, trên địa bàn thành phố Hà Nội thực tế từ khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực cho đến nay, các văn phòng công chứng hầu như chưa được tiếp nhận các yêu cầu công chứng về việc công chứng thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng hoặc có khách hàng yêu cầu công chứng văn bản đó thì công chứng viên khá e dè và từ chối thực hiện. Cụ thể khảo sát 1 số văn phòng công chứng tại quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội như Văn phòng Công chứng A9, Văn phòng Công chứng A1, Văn phòng Công chứng Cầu Giấy, Văn phòng công chứng Lê Vinh Hoa, Văn phòng công chứng Lạc Việt trong 7 năm vừa qua chưa từng thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng. Trong các trường hợp yêu cầu công chứng thỏa thuận về chế độ tài sản thì có tới 2/3 liên quan đến trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Một số văn phòng khác có tiếp nhận yêu cầu như: Văn phòng công chứng Trương Thị Nga đã tiếp nhận 02 hồ sơ; Văn phòng công chứng Bắc Từ Liêm đã tiếp nhận 01 hồ sơ; Văn phòng công chứng Hai Bà Trưng tiếp nhận 01 hồ sơ, Văn phòng Công chứng Hà Thành đã tiếp nhận 01 hồ sơ. Ở các địa phương khác cũng đã tiếp nhận một số yêu cầu công chứng về thỏa thuận chế độ tài sản như Văn phòng công chứng Nam Thanh, tỉnh Thừa Thiên Huế. So với số lượng các hồ sơ về thừa kế, chuyển nhượng hợp đồng, ủy quyền, và các giao dịch khác thì con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm 2014 đến năm 2017 hầu như không ghi nhận trường hợp nào; năm 2018 ghi nhận 04 hồ sơ; năm 2019 ghi nhận 04 hồ sơ; năm 2020 ghi nhận 05 hồ sơ; từ đầu năm 2021 đến nay ghi nhận 04 hồ sơ. Đây thực sự là một con số rất khiêm tốn, bởi Hà Nội là thủ đô có nền kinh tế phát triển đứng thứ 2 cả nước, là địa phương tập trung nhiều thành phần tri thức, dân số trẻ nhưng số lượng cặp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận vẫn còn quá thấp điều đó đã cho thấy chế độ này thực sự vẫn còn quá xa lạ với người dân.
Pháp luật hiện nay chưa có những quy định cụ thể nên việc áp dụng và thực thi pháp luật tại các văn phòng công chứng là chưa nhất quán. Có thể lấy ví dụ về sự không thống nhất mẫu văn bản ghi nhận sự thỏa thuận về chế độ tài sản như sau: cùng một nội dung là thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Nhưng văn phòng công chứng Đông Đô quy định tên gọi là “Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn”, văn phòng công chứng Hoàng Cầu và văn phòng công chứng Độc Lập quy định tên gọi là “văn bản thỏa thuận”, văn phòng công chứng Nguyễn Thảo quy định tên gọi “văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng”,… Việc chưa nhất quán quy định về tên gọi, cũng như chưa nắm chắc được quy định, tinh thần pháp luật gây ra khó khăn cho chuyên viên và công chứng viên hành nghề công chứng khi lựa chọn tên gọi, nội dung phù hợp và thể hiện được tinh thần của nội dung giao dịch đồng thời cũng gây khó khăn cho người dân khi tiếp cận tìm hiểu về chế độ tài sản này.
Qua quá trình tìm hiểu tài liệu nghiên cứu để có những số liệu xác thực cho Luận văn của mình, tác giả đã sưu tầm được một số văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận (Phụ lục), theo đánh giá của tác giả, nhìn chung nội dung của văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng trên thực tế được các cặp vợ chồng thỏa thuận bao gồm: Các tài sản được xác định là tài sản chung; các tài sản được xác định tài là tài sản riêng; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản, cam đoan của các bên.
– Đối với nội dung xác định tài sản chung: một số trường hợp quy định tài sản chung là tất cả những tài sản do hai vợ chồng cùng nhận chuyển nhượng; hai vợ chồng cùng đứng tên chủ sử dụng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu; là các tài sản mà người vợ, người chồng được tặng cho, cùng được thừa kế theo quy định của pháp luật. Có trường hợp vợ chồng thỏa thuận ngoài tài sản riêng cụ thể đã được xác định, tất cả tài sản còn lại được xác định là tài sản chung. Ngoài ra, còn có trường hợp vợ chồng thỏa thuận về tài sản chung như sau: Các bên thống nhất giữa vợ và chồng không có tài sản chung, mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kì hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; thỏa thuận này được áp dụng ngay cả khi các bên đã thống nhất quy định về tài sản riêng; chỉ những những tài sản được đăng kí dưới tên của cả hai bên hoặc được các bên chỉ định bằng văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của pháp luật về xác định tài sản chung vợ chồng mới được xác định là tài sản chung. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hoa lợi, lợi tức được hình thành từ tài sản chung được xác định là tài sản chung của vợ chồng và các bên có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Trong trường hợp có tranh chấp về việc chiếm hữu, định đoạt các tài sản, hoa lợi, lợi tức thì mỗi bên sẽ có quyền định đoạt, chiếm hữu 50% giá trị tài sản, hoa lợi, lợi tức đó.
– Đối với nội dung xác định tài sản riêng: đây là nội dung chiếm nội dung lớn nhất và là nội dung quan trọng nhất trong văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng. Tùy thuộc vào ý chí và khối lượng tài sản mà các bên thỏa thuận xác định tài sản nào sẽ là tài sản riêng. Có trường hợp xác định tài sản riêng là bất động sản (gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất được công nhận quyền sở hữu), động sản do vợ hoặc chồng tự nhận chuyển nhượng (mua); là tài sản mà người chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng theo quy định. Có trường hợp quy định cụ thể tài sản nào là tài sản riêng: ví dụ tài sản là vốn góp trong công ty cổ phần, …
Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình
– Đối với nội dung quyền và nghĩa vụ của vợ chồng hầu hết các văn bản đều ghi nhận nội dung vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau liên quan đến tài sản chung vợ chồng; đối với tài sản riêng của người vợ, chồng phải tự mình chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tạo lập và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Người còn lại không có bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của vợ, chồng.
– Nội dung về bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình: hầu như các văn bản thỏa thuận đều ít nhiều có nhắc đến nội dung này. Ví dụ như quy định: việc sử dụng và định đoạt tài sản riêng cũng phải trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của gia đình. Hay một trường hợp văn bản thỏa thuận khác có ghi nhận việc định đoạt tài sản chung phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên đáp ứng nhu cầu cần thiết cho cuộc sống gia đình; vệc sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mỗi người cũng phải trên cơ sở nguyên tắc ưu tiên đáp ứng nhu cầu cần thiêt cho cuộc sống gia đình và các thành viên khác.
– Nội dung về điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản: đây là một vấn đề phức tạp, xảy ra nhiều tranh chấp tuy nhiên không được các cặp vợ chồng quy định rõ ràng trong văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng. Một số trường hợp chỉ quy định: Trong trường hợp hôn nhân chấm dứt, tài sản riêng của người nào thì thuộc về người đó, tài sản chung phân chia được tính theo yếu tố: công sức đóng góp, ưu tiên quyền lợi của con chung, các nghĩa vụ tài chính riêng của vợ chồng của vợ chồng sẽ do vợ chồng tự chịu trách nhiệm.
Phần lớn các văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng đều quy định rất sơ sài về vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Thậm chí có trường hợp trong thỏa thuận về chế độ tài sản không hề đề cập tới nội dung này. Các cặp vợ chồng chỉ thỏa thuận chung chung: trong giao dịch với bên thứ ba, mỗi bên có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan cần thiết về chế độ tài sản vợ chồng được ghi nhân trong thỏa thuận này trong giới hạn và mức độ pháp luật yêu cầu về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình. Bên không thực hiện phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường cho hành vi vi phạm và giữ cho bên kia không bị tổn hại từ mọi khiếu nại, mất mát, thiệt hại và chi phí phát sinh do hoặc liên quan đến hành vi vi phạm.
Việc xác định thẩm quyền công chứng văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng cũng có nhiều trường hợp xác định sai thẩm quyền công chứng. Theo quy định hiện hành, có thể thấy trong văn bản thỏa thuận hiện nay sẽ xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất là người nam, người nữ chỉ thỏa thuận về mặt nguyên tắc các khối tài sản có thể có giữa vợ và chồng, đưa ra cách thức phân định các khối tài sản này, quyền và nghĩa vụ cụ thể giữa người vợ và người chồng. Trường hợp thứ hai là người nam và người nữ, ngoài những thỏa thuận trên, có thể đưa vào nội dung văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng những tài sản cụ thể (ví dụ như trước thời kì hôn nhân) và không loại trừ tình huống có cả bất động sản. Rõ ràng, đối với trường hợp thứ nhất, việc xác định thẩm quyền của công chứng viên rất đơn giản, nhưng trường hợp thứ hai, công chứng viên có thể nhầm lẫn, khi trong văn bản thỏa thuận có nhiều tài sản là bất động sản cụ thể mà những bất động sản đó lại ở những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau thì thẩm quyền công chứng của công chứng viên lúc này rất khó xác định.
Ví dụ, anh A và chị B có nhu cầu công chứng văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng tại văn phòng công chứng X tại tỉnh Y. Nội dung của văn bản thỏa thuận xác định chế độ tài sản vợ chồng có phần xác định tài sản chung, tài sản riêng. Theo thỏa thuận của hai bên, tài sản riêng của anh A là thửa đất đã được bố mẹ tặng cho tại tỉnh M và tài sản riêng của chị B là thửa đất đã được bố mẹ tặng cho tại tỉnh N. Những tài sản còn lại được xác định là tài sản chung, bao gồm cả động sản và bất động sản. Như vậy, trong trường hợp yêu cầu công chứng này, Văn phòng công chứng X không thể công chứng vì bất động sản không nằm tại tỉnh Y. Nhưng có nhiều trường hợp công chứng viên do xác định sai, đã công chứng văn bản thỏa thuận này là sai quy định về thẩm quyền của công chứng viên theo LCC năm 2014.
2.2. Những bất cập trong thực tiễn thực hiện pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba
2.2.1. Về việc sửa đổi, bổ sung
Khoản 1 Điều 49 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản”. Theo quy định này, không có bất kỳ điều gì làm hạn chế quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay đổi chế độ tài sản bất kể thời gian, nội dung nào, việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba đồng thời làm mất tính ổn định của chế độ tài sản. Với một vấn đề và nội dung nhạy cảm như thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, đặc biệt là sự riêng tư và khép kín của mối quan hệ gia đình, người thứ ba rất khó có thể biết được tường tận các vấn đề phát sinh, trong khi pháp luật hiện nay dường như quá tin tưởng vào sự trung thực, tự giác của một bên đang chiếm ưu thế trong quan hệ tài sản. Khi mọi thứ đều phụ thuộc vào sự thoả thuận của vợ chồng đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ làn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người thứ ba.
Mặc dù khi vợ chồng sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba được pháp luật gián tiếp bảo vệ theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định trên của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là chưa thật sự chặt chẽ. Bởi lẽ, đứng trên vị thế của người thứ ba, họ hoàn toàn bị động trước sự thay đổi, bổ sung thỏa thuận của vợ chồng. Trong giao dịch dân sự nói riêng, đối tượng trong giao dịch dân sự giữa vợ chồng và người thứ ba bị thay đổi về quyền sở hữu do thay đổi về nội dung thỏa thuận chế độ tài sản nhưng người thứ ba chỉ được biết, chứ hoàn toàn không có quyền quyết định. Vậy câu hỏi đặt ra là, trường hợp người thứ ba đã biết nhưng không đồng ý về sự thay đổi, bổ sung thì sẽ giải quyết như thế nào? Trong mối quan hệ tài sản với người thứ ba là bố mẹ, con cái, việc sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận cũng có thể ảnh hưởng tới quyền nuôi dưỡng và quyền thừa kế của người thứ ba. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận cần phải có sự đồng ý của bên thứ ba thì sửa đổi, bổ sung đó không bị vô hiệu giống như quy định của một số quốc gia khác trên thế giới để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình
Hiện nay, pháp luật Việt Nam hiện hành không dự kiến bất kỳ cơ chế kiểm soát nào từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản theo thoả thuận giữa vợ chồng. Thậm chí, ngay từ việc xác lập chế độ tài sản thoả thuận đã không có sự kiểm soát. Theo yêu cầu của Luật Hộ tịch Việt Nam năm 2014 “Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây: a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ; b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn; c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch”(khoản 2 Điều 18). Nội dung quy định nêu trên và tổng thể các quy định khác của Luật này về thủ tục đăng ký kết hôn không thấy quy định về việc cơ quan đăng ký kết hôn hoặc phải ghi nhận có sự tồn tại của chế độ tài sản thỏa thuận (trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc trong sổ lưu), hoặc phải kiểm tra về việc có hay không tồn tại chế độ tài sản thỏa thuận. Có thể thấy, ngay cả việc xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận không được nhà nước kiểm soát thì việc sửa đổi, bổ sung đương nhiên cũng không được kiểm soát. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng trong quy định của pháp luật và cần phải được khắc phục bởi, chế độ tài sản thoả thuận, mặc dù chỉ là thoả thuận giữa vợ, chồng, nhưng lại tác động rất lớn đến người thứ ba, do đó tác giả cho rằng, cùng với việc xác lập chế độ tài sản thoả thuận, việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản này phải có sự kiểm soát từ cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng chỉ được xác lập giữa vợ và chồng, nhưng thoả thuận đó sẽ có thể làm ảnh hưởng tới lợi ích của người thứ ba, nghĩa vụ đã có hoặc sẽ có trong tương lai. Mặt khác, sự sửa đổi, bổ sung cần phải ưu tiên đặt sự tôn trọng lợi ích của người thứ ba, lợi ích của xã hội trước, sau đó mới đến lợi ích của chính vợ chồng. Việc không quy định về thời gian như: sau bao nhiêu lâu kể từ khi xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng được phép thay đổi, bổ sung nội dung; mỗi lần thay đổi, bổ sung nội dung cách nhau khoảng thời gian tối thiểu là thời gian bao nhiêu; điều kiện thay đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng hay quy định về trình tự, thủ tục đăng ký bổ sung, thay đổi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Theo tác giả, khi sửa đổi, bổ sung thỏa thuận, vợ chồng có nghĩa vụ phải thông báo cho người thứ ba biết về sự bổ sung, thay đổi và thủ tục thay đổi, bổ sung thỏa thuận phải được thực hiện giống như khi xác lập. Tức là cũng phải được lập thành văn bản, có công chứng của Công chứng viên hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế đã cho thấy, việc vợ chồng thay đổi liên tục thỏa thuận về chế độ tài sản là rất hiếm, vì vừa mất thời gian lại vừa tốn kém. Mặc dù vậy, việc nhà làm luật không quy định về điều kiện sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản trong thực tế đã tạo ra tâm lý e dè cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự với vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận từ đó tạo ra rào cản để phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
2.2.2. Về hủy bỏ văn bản thỏa thuận
Bản chất văn bản thỏa thuận chế độ về tài sản vợ chồng là một Hợp đồng “tiền hôn nhân”, khi các bên thực hiện xác lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản cũng phải đáp ứng những quy định của BLDS năm 2015. Điều 401 BLDS năm 2015 quy định về hiệu lực của hợp đồng như sau: “Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật”.
Đối với các hợp đồng thông thường, sau khi ký kết các bên có thể sửa đổi, bổ sung, thậm chí là hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. LCC năm 2014 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ Hợp đồng, công chứng giao dịch như sau:
“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này”.
Trong quan hệ dân sự nói chung, mối quan hệ giữa vợ chồng với người thứ ba bất kỳ, có thể là một giao dịch hoặc không là vô cùng mật thiết. Sự xác lập, tồn tại thỏa thuận không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa hai vợ chồng mà nó có thể và hiện hữu ảnh hưởng tới quan hệ với những người thứ ba. Vì vậy, việc huỷ bỏ văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản, về nguyên tắc sẽ chỉ được xác lập khi nó còn trong điều kiện, khả năng có thể khôi phục lại nguyên trạng mối quan hệ như ban đầu, như thể nó chưa từng được xác lập. Pháp luật cần có sự thể hiện một cách rõ ràng về điều kiện, yêu cầu và trình tự, thời điểm có thể xác lập được việc huỷ bỏ này. Việc này giúp ổn định mối quan hệ giữa vợ chồng với những người thứ ba trước, đồng thời cũng là bảo vệ quyền và lợi ích của chính vợ chồng.
Luật HN&GĐ năm 2014 chỉ có quy định về việc sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Vấn đề hủy bỏ nội dung của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận không được đề cập đến, mà thay vào đó là quy định vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung toàn bộ nội dung của chế độ tài sản. Câu hỏi đặt ra là, hợp đồng thông thường có thể bị hủy bỏ, vậy văn bản thỏa thuận về tài sản vợ chồng có thể bị hủy bỏ hay không? Trường hợp đã công chứng văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng nhưng không tiến tới hôn nhân (không đăng ký kết hôn), và đã tiến tới hôn nhân và chế độ tài sản theo thỏa thuận đã có hiệu lực thì có phải hủy văn bản thỏa thuận về tài sản hay không? Và vấn đề pháp lý khi hủy bỏ văn bản thỏa thuận, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba như thế nào?
Ví dụ: A và B trước khi kết hôn đã tới văn phòng công chứng C để lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng và đã được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. A và B vì mâu thuẫn nên không tiến tới hôn nhân (A và B không đăng ký kết hôn). Một thời gian sau, A quen D và cũng muốn lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng tại văn phòng công chứng E. Tuy nhiên, khi tra phần mềm Uchi, công chứng viên phát hiện ra rằng, A đã từng kí văn bản thỏa thuận này với B, và yêu cầu A phải quay về văn phòng công chứng C để hủy Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản với chị B rồi mới ký văn bản thỏa thuận với chị D. Anh A tới phòng công chứng C nhưng công chứng viên tại đây lại cho rằng, không bắt buộc phải kí hủy. Vì pháp luật không có quy định về thủ tục hủy nội dung chế độ tài sản theo thỏa thuận. Khi anh A và chị C kí văn bản thỏa thuận sau, hiệu lực của Văn bản thỏa thuận trước tự động được hủy bỏ. Điều này được công chứng viên áp dụng tương tự như việc lập Di chúc. Theo Khoản 5 Điều 643 quy định: “5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.” Tuy nhiên, quan điểm này trái tinh thần về hủy bỏ giao dịch, dân sự trong BLDS. Đồng thời, công chứng viên áp dụng tương tự như đối với Di chúc là chưa thực sự đúng đắn, bởi Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương, do dó chỉ cần người lập di chúc lập một di chúc khác thì sẽ bản di chúc sau tự động có hiệu lực. Nhưng văn bản thỏa thuận là “hợp đồng tiền hôn nhân”, xác lập theo ý chí của hai bên, không phải là hành vi pháp lý đơn phương thì văn bản thỏa thuận sau không thể tự động có hiệu lực thay thế cho văn bản thỏa thuận trước.
Đây là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi trong lĩnh vực công chứng, do đó cần phải bổ sung quy định về nội dung trên để đồng nhất phương hướng giải quyết, tránh việc mỗi công chứng viên có một quan điểm.
Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình
2.2.3. Về thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận
Thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng là điểm mấu chốt để xác định trách nhiệm trong quan hệ dân sự là của hai vợ chồng hay chỉ là của một người đối với người thứ ba. Bao gồm cả các giao dịch, nghĩa vụ đã phát sinh trong quá khứ và các giao dịch, nghĩa vụ sẽ phát sinh sau thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản. Theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014, thì thời điểm kết hôn là thời điểm có hiệu lực của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, thời điểm kết hôn cũng là thời điểm để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ là của hai người hay của một người đối với các quan hệ dân sự đã có trong quá khứ, hay sẽ có trong tương lai. Khi vợ chồng tham gia quan hê dân sự, cần phải tuân thủ nguyên tắc căn bản trong BLDS năm 2015: “Tôn trọng lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Theo đó, bất kỳ quan hệ dân sự hay thoả thuận nào của các chủ thể không vi phạm điều cấm đều phải được tôn trọng, bảo vệ và phải được tiếp tục thực hiện theo đúng nội dung đã cam kết; các bên phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với những người mà họ đã xác lập quan hệ dân sự hoặc pháp luật đã buộc họ phải thực hiện. Họ chỉ có thể chuyển trách nhiệm, nghĩa vụ đó cho người thứ ba nếu được sự đồng ý của người có quyền, người đang hưởng lợi. Tuy nhiên, LCC năm 2014 lại đang xác định là hiệu lực của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng có từ thời điểm được Công chứng viên ký, đóng dấu, trong khi tại thời điểm đó họ lại chưa có tư cách của vợ và chồng.
Điều 47 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Theo quy định trên, mặc dù hai bên vợ chồng đã ký kết văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng; văn bản thỏa thuận đó đã được công chứng hoặc chứng thực nhưng hiệu lực của văn bản này lại chưa thể phát sinh và chưa được pháp luật bảo hộ. Thời điểm đăng ký kết hôn mới được tính là thời điểm chế độ thỏa thuận phát sinh hiệu lực. Thực chất văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là một giao dịch dân sự, tuy nhiên, khác với các giao dịch dân sự thuần túy, thông thường khi giao dịch đã được công chứng hoặc chứng thực thì sẽ phát sinh hiệu lực đối với các bên (quyền và nghĩa vụ) được pháp luật bảo đảm thực hiện. Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng mặc dù đã được hai bên ký kết, đã được công chứng hoặc chứng thực nhưng vẫn chưa thể có hiệu lực bắt buộc đối với các bên; nó chỉ phát sinh hiệu lực nếu hai bên kết hôn trở thành vợ chồng. Trường hợp không kết hôn, văn bản thỏa thuận đó chỉ là “một bản nháp” chẳng có ý nghĩa và giá trị pháp lý nào cả[1].
Một số nhà nghiên cứu Luật học đã đưa ra ý kiến về quan điểm thời điểm về thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng là từ thời điểm đăng ký kết hôn. Tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy đưa ra quan điểm như sau: “Sau khi đã được lập, văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vẫn chưa phát sinh hiệu lực ngay cả khi được công chứng hoặc chứng thực. Văn bản này chỉ phát sinh hiệu lực, hay nói các khác chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận chỉ được chính thức xác lập kể từ ngày vợ chồng đăng kí kết hôn và chỉ tồn tại trong thời kì hôn nhân…”[2] Tác giả không đồng ý với quan điểm đó. LCC 2014 tại Điều 5 quy định: Giá trị pháp lý của văn bản công chứng: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. Như vậy, văn bản thỏa thuận về tài sản vợ chồng sau khi đã được công chứng viên kí và đóng dấu tổ chức hành nghề công chứng thì về hình thức văn bản thỏa thuận đó đã có hiệu lực, tuy nhiên nội dung của văn bản mặc dù đã có hiệu lực nhưng chưa đủ điều kiện để xác lập thực hiện vì các bên chưa xuất hiện tư cách chủ thể là “vợ chồng”. Các bên không thể dựa vào thỏa thuận đó để phân chia tài sản chung hay tài sản riêng, hoặc xác định nghĩa vụ đối với tài sản bởi vì lúc này hai bên vẫn chưa xuất hiện tư cách là vợ chồng của nhau, do đó chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận chỉ phát sinh khi vợ chồng đăng ký kết hôn. Như vậy, việc phát sinh hiệu lực ngay từ thời điểm ký công chứng không đồng nghĩa với việc chế độ tài sản vợ chồng cũng phát sinh hiệu lực. Cần phân biệt rõ về thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng và thời điềm có hiệu lực của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Vấn đề này cũng giống như việc, hai bên kí hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, mặc dù hợp đồng chuyển nhượng đã được kí công chứng và đóng dấu và có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, bên mua chưa đồng thời là chủ sở hữu của bất động sản ngay từ thời điểm công chứng. Thời điểm bên mua chính thức là chủ sở hữu ở tại thời điểm hoàn thành xong thủ tục sang tên giấy chứng nhận.
Có thể thấy, do quy định của pháp luật chưa rõ ràng về mặt ngữ nghĩa, nên trong thực tế có nhiều trường hợp hiểu nhầm thời điểm có hiệu lực của chế độ tài sản theo thỏa thuận là từ khi văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng có hiệu lực, hoặc hiểu rằng, văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký kết hôn. Việc sai lầm trong cách diễn giải pháp luật đã dẫn tới hậu quả không thống nhất việc áp dụng pháp luật; vô hình chung gây tiềm ẩn rủi ro cho người thứ ba khi tham gia giao dịch dân sự. Ví dụ: Ngày 4/5/2015, anh A và chị B có thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận tại văn phòng công chứng C, với nội dung tất cả tài sản của chị B trước và sau khi sau khi kết hôn sẽ thuộc tài sản sở hữu của anh A. Thỏa thuận này đã được công chứng, chứng thực theo đúng quy định của LCC năm 2014 và đã có hiệu lực pháp luật về hình thức theo quy định. Tuy nhiên sau đó anh A và chị B vẫn chưa tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn. Trong khối tài sản của chị B đang sở hữu có tài sản là quyền sở hữu một căn hộ, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận, mà chỉ có Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ký với chủ đầu tư. Ngày 7/8/2016, anh A tiến hành chuyển nhượng lại Hợp đồng mua bán căn hộ cho anh C và đã được văn phòng công chứng X chứng nhận do công chứng viên tại văn phòng công chứng X cho rằng thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng có hiệu lực thì chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận cũng được xác lập. Đến tháng 9/2020, anh A và chị B có tranh chấp và được Tòa án nhân dân thụ lý vụ án. Trường hợp này, quyền và lợi ích của anh C được Tòa án giải quyết như thế nào? Có thể thấy, dù Tòa án có giải quyết để bảo đảm quyền, lợi ích của anh C, thì việc tiềm ẩn rủi ro với anh C khi kí hợp đồng với anh A là rất cao, nếu ngay từ khi kí kết anh C xác định được thời điểm có hiệu lực của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận thì sẽ không phải mất nhiều thời gian và công sức.
Việc xác định không đúng về thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng và thời điểm chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người thứ ba khác là bố mẹ, con cái trong đó có quyền thừa kế, quyền cấp dưỡng. Có thể lấy ví dụ như: Tháng 7/2016, ông A và bà B có lập thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng với nội dung toàn bộ tài sản của bà B dù là tài sản chung hay tài sản riêng đều sẽ là tài sản riêng của ông A. Ông A và bà B chưa thực hiện việc đăng kí kết hôn. Tháng 8/2017, ông A bán tài sản đã được thỏa thuận trong văn bản thỏa thuận xác định chế độ tài sản vợ chồng và dùng số tiền đó để cấp dưỡng cho người con C. Tháng 10/2020, ông A chết. Bà B muốn lấy lại số tiền mà ông A đã bán tài sản của mình thực hiện việc cấp dưỡng cho con, vậy vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào? Người con có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì không?
Như vậy, để tránh những trường hợp đáng tiếc trên, nhà làm luật cần nghiên cứu thay đổi nội dung về cách xác định chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận sao cho dễ hiểu, tránh gây nhầm lẫn.
2.2.4. Về cung cấp và công khai thông tin về chế độ tài sản
Xuất phát từ đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự: quyền của một bên là nghĩa vụ của bên còn lại, các chủ thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình không thể chỉ trông chờ vào sự trung thực, tự giác của bên còn lại trong giao dịch, do đó quy định về cung cấp và công khai thông tin chế độ tài sản vợ chồng là điều vô cùng cần thiết và đặc biệt quan trọng để bảo đảm quyền, lợi ích của người thứ ba. Việc các bên hiểu rõ được nội dung, tính chất của giao dịch và thông tin liên quan đến chủ thể là tiền đề tạo lên sự ổn định trong giao dịch, tránh được những tranh chấp không mong muốn. Mỗi một giao dịch chắc chắn, ổn định sẽ góp phần làm nên sự ổn định nói chung của toàn xã hội. Cần lưu ý rằng, sự công khai của các thoả thuận không hề mâu thuẫn với nguyên tắc bảo mật thông tin của các bên, mà ngược lại, nó bảo đảm sự tiếp cận thông tin của những người có liên quan, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thiện chí, trung thực trong BLDS năm 2015.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong giao dịch dân sự, Điều 16 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba. Tuy nhiên, việc xác định “thông tin liên quan” được cung cấp bao gồm những nội dung gì, hình thức ra sao thì pháp luật chưa hướng dẫn cụ thể. Quy định này còn rất sơ sài, chưa giải quyết trọn vẹn vấn đề và chưa dự liệu những trường hợp có thể xảy ra trên thực tế, ví dụ như: trường hợp vợ chồng đã liên lạc với người thứ ba nhưng không được thì giải quyết như thế nào? Trường hợp vợ chồng trên thực tế đã liên hệ với người thứ ba, nhưng khi có tranh chấp thì người thứ ba phủ nhận việc đã liên hệ đó, thì Tòa án có căn cứ để xác định người thứ ba này không thuộc trường hợp ngay tình hay không? Việc quy định cần phải được các nhà làm luật điều chỉnh sao cho chặt chẽ, nếu không đây sẽ là sơ hở để cho các bên trốn tránh quyền và nghĩa vụ của mình.
Quy định của pháp luật hiện nay chỉ quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng với người thứ ba. Đứng trên phương diện của người thứ ba, việc này là không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Người thứ ba chỉ có thể biết thông tin về chế độ tài sản từ người vợ hoặc chồng, trong trường hợp vợ chồng không thông báo với người thứ ba thì người thứ ba đã rơi vào bị động trong vấn đề này. Mặc dù pháp luật đã quy định về trường hợp bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp vợ chồng không thông báo về sự thay đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận, tuy nhiên để tránh được tranh chấp ngay từ đầu thì nên xây dựng theo hướng công khai thông tin về chế độ tài sản vợ chồng. Việc này giúp người thứ ba tiếp cận thông tin từ nhiều phía, chủ động trong việc giao dịch với vợ chồng. Để giải quyết bài toán này, một số nước đã đưa ra giải pháp là yêu cầu phải công khai thông tin về chế độ tài sản trên phương tiện đại chúng nơi mà vợ chồng cư trú, thông tin về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải được ghi nhận trong Giấy đăng ký kết hôn, như vậy khi giao dịch, chỉ cần xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn là bên thứ ba đã nắm được thông tin về việc vợ chồng đã xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận.
BLDS Pháp năm 1804 là bộ luật điển hình, được coi là tinh hoa của pháp luật trên thế giới. Trong Bộ luật này, vấn đề công khai về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được quy định như sau: Các bên có liên quan của hợp đồng hôn nhân được sửa đổi hay chấm dứt và con đã thành niên của mỗi bên vợ, chồng được thông báo – mang tính cá nhân – về sự thay đổi; Các chủ nợ của vợ chồng cũng được thông báo về các thay đổi do vợ chồng đề xuất bằng cách đăng một thông báo trên một tờ báo được ủy quyền công bố thông báo tại địa phương nơi cư trú của vợ, chồng. Quy định trên cho thấy, vợ chồng muốn xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận phải đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ về hình thức, nội dung và đặc biệt là việc cung cấp thông tin. Mặc dù chưa có cơ chế bảo vệ người thứ ba một cách cụ thể bằng một điều luật nhưng ngay từ nội hàm các quy định chung về điều kiện, hình thức, thủ tục và việc công khai thông tin đã giúp cho quyền và lợi ích của người thứ ba được bảo đảm một cách tối ưu nhất.
Ngoài ra, theo quy định Luật HN&GĐ năm 2014 và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP khi xác lập, thực hiện giao dịch hoặc khi sửa đổi, thay thể nội dung của chế độ tài sản theo thỏa thuận, vợ và chồng phải có trách nhiệm thông báo với người thứ ba, bất kể mức độ, phạm vi thay đổi như thế nào. Chẳng hạn như việc thay đổi về nội dung bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình cũng phải thông báo tới người thứ ba, việc quy định như vậy cũng phần nào gây sự phiền hà và khó khăn trong việc áp dụng pháp luật cho cả người thứ ba và vợ chồng. Theo tác giả, việc pháp luật quy định về nghĩa vụ của vợ chồng về việc phải thông báo cho người thứ ba biết về sự thay đổi, bổ sung là hợp lý, tuy nhiên để bảo vệ tốt nhất quyền và nghĩa vụ của người thứ ba, pháp luật nên đặt một phần trách nhiệm phải biết thông tin về chế độ tài sản theo thỏa thuận của người thứ ba. Việc cả hai bên cùng có trách nhiệm trong việc xác nhận sự tồn tại của chế độ này góp phần hạn chế những tranh chấp không đáng có khi chấm dứt chế độ tài sản nói riêng và trong giao dịch dân sự nói chung.
Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình
2.2.5. Về các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
Luật HN&GĐ năm 2014 quy định chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại BLDS và các luật khác có liên quan. BLDS năm 2015 quy định những trường hợp về giao dịch dân sự vô hiệu bao gồm: giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo; giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Riêng đối với trường hợp giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện Điều 125 BLDS năm 2015 quy định giao dịch dân sự của đối tượng này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:
“c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự”.
Vậy, văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trong các trường hợp sau đây có bị vô hiệu hay không:
– Tại thời điểm xác lập thỏa thuận, một bên có năng lực pháp luật dân sự không phù hợp, đến thời điểm kết hôn cả hai đều có năng lực pháp luật dân sự phù hợp, ví dụ: Anh A và chị B xác lập Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản khi chị B được 17 tuổi, đến thời điểm kết hôn, anh A đã đủ 20 tuổi, chị B đủ 18 tuổi và thừa nhận hiệu lực của Văn bản thỏa thuận đã ký kết từ trước;
– Tại thời điểm xác lập thỏa thuận, một bên hoặc hai bên bị mất năng lực hành vi dân sự, đến thời điểm kết hôn cả hai đều có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, ví dụ: anh A bị tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự, nhưng vì một lý do nào đó anh A và chị B vẫn xác lập được thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng, có công chứng; nhưng đến khi kết hôn, anh A lại tỉnh táo, minh mẫn và thừa nhận chế độ tài sản theo thỏa thuận đã lập từ trước.;
– Hai bên xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, tại thời điểm xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và thời điểm kết hôn có một trong hai bên không đủ điều kiện kết hôn, một thời gian sau các bên mới đủ điều kiện kết hôn, có yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật nhưng được pháp luật công nhận là vợ chồng.
– Hai bên xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, tại thời điểm xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và thời điểm kết hôn có một trong hai bên không đủ điều kiện kết hôn, một thời gian sau các bên mới đủ điều kiện kết hôn, không có yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật.
Theo tác giả, quy định Luật HN&GĐ năm 2014 về thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu này khá chung chung. Việc áp dụng những quy định chung của pháp luật dân sự vào trường hợp cụ thể này không hợp lý. Mặc dù thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng cũng là một dạng của hợp đồng dân sự, quan hệ hôn nhân cũng là một dạng của quan hệ dân sự, nhưng nó vẫn có những đặc điểm không giống quan hệ dân sự khác, đặc biệt là vấn đề về năng lực hành vi dân sự. Vì vậy cần phải làm rõ các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản bị tuyên vô hiệu, các trường hợp ngoại lệ không bị tuyên vô hiệu một cách rõ ràng, minh bạch để việc áp dụng được hiệu quả và cũng là để bảo đảm cho quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.
Ví dụ, anh A và chị B xác lập chế độ tài sản vợ chồng với nội dung toàn bộ tài sản trước và sau khi kết hôn của chị B đều là tài sản của anh A (bao gồm cả căn hộ chị B được mẹ tặng cho riêng trước khi đăng kí kết hôn). Sau đó, anh A và chị B đã đăng ký kết hôn lúc chị B chưa đủ 18 tuổi, nhưng do sự nhầm lẫn của cán bộ tư pháp xã mà vẫn công nhận kết hôn giữa anh A và chị B, không có cá nhân, tổ chức nào yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật. 3 tháng sau khi đăng kí kết hôn, anh A bán căn hộ chung cư mà chị B đã được mẹ tặng cho anh C. Trong trường hợp này, giao dịch của anh A và anh C có được pháp luật chấp nhận hay không? Nếu anh A và chị B ly hôn và có tranh chấp, chị B yêu cầu tòa án tuyên bố chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận vô hiệu vì cho rằng lúc đó chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật thì quyền và lợi ích của anh C được giải quyết như thế nào?
Việc tuyên vô hiệu thoả thuận về chế độ tài sản vợ chồng theo quy định của pháp luật bản chất là việc không thừa nhận chế độ tài sản theo thoả thuận mà buộc các bên phải quay trở lại áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Tuy nhiên, ở điểm này pháp luật cần có sự rõ ràng trong việc xác định các nghĩa vụ, trách nhiệm là của hai vợ chồng hay của một cá nhân, đặc biệt phải xác định đâu là nghĩa vụ chung, đâu là nghĩa vụ riêng, đâu là vì lợi ích chung của gia đình. Việc áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật không đồng nghĩa với quy đồng trách nhiệm chung của vợ chồng với mọi giao dịch đã xác lập trước đó. Đặc biệt cần lưu ý làm rõ những giao dịch mà một bên đã thoả thuận và sử dụng tài sản riêng theo thoả thuận để thực hiện là các giao dịch phục vụ lợi ích cá nhân hay giao dịch là phục vụ nhu cầu chung của vợ chồng, gia đình. Ngoài ra, những nghĩa vụ mà trước đó đã được thực thi, được bảo đảm bằng tài sản riêng và nay tài sản đó đã không còn, thì cơ chế nào để buộc người còn lại phải sử dụng tài sản riêng, tài sản chung để thực hiện tiếp các nghĩa vụ đó? Bên cạnh đó, tài sản đã xác lập, đã đăng ký là của riêng thì cũng cần một cơ chế để buộc việc chuyển đổi tư cách sở hữu từ riêng thành chung và thực thi điều đó trên thực tế. Nếu không có những cụ thể hơn về những việc này thì việc tuyên bố vô hiệu văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng chỉ tồn tại về lý thuyết mà không thể chuyển hoá thành hiện thực để bảo vệ người thứ ba.
[1] Nguyễn Văn Cừ (2015) Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật hôn nhân và gia đình, Tạp chí Luật học số 4/2015, tr. 3-10.
[2] Nguyễn Thị Thu Thủy (2015), Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trường Đại học Luật Hà Nội, tr.51;
Trên đây là Chương 2 (phần 1) bài Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” của Thạc sĩ Lê Ngọc Anh, rất mong sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích và kiến thức pháp luật đến cho bạn đọc.
– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm
– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com
– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính
– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099
– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.
Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.
Trân trọng!