CÓ ĐƯỢC THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Trong quá trình hình thành và phát triển tính cách của con trẻ, bố mẹ là những người rất quan trọng, là tấm gương phản chiếu nhân cách của con sau này. Do đó việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con là vô cùng cần thiết, đặc biệt là khi bố mẹ có những đổ vỡ trong hôn nhân con bị thiếu tình thương yêu của bố hoặc mẹ. Vì nhiều lý do sau khi ly hôn, bố hoặc mẹ được Tòa án giao quyền nuôi con nhưng không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Do đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc được thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn.
Bài viết sau đây của Việt Chính Luật sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về quy định thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn và thủ tục để thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn.
Cơ sở pháp lý:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
1. Có được thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên”.
Khi ly hôn, việc thỏa thuận về chăm sóc, nuôi dưỡng, trông nom con cái là một trong những nội dung rất quan trọng bên cạnh việc thỏa thuận về việc phân chia tài sản. Nếu vợ chồng tự thỏa thuận được nội dung này thì Tòa án sẽ công nhận và giao con theo đúng thỏa thuận của hai bên. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giao cho cha hoặc mẹ thực hiện việc trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều trường hợp, cha hoặc mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì vẫn có thể thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng. Việc thay đổi phải dựa trên căn cứ:
+ Có thỏa thuận từ cha, mẹ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con để phù hợp với điều kiện phát triển của con;
+ Người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Tuy nhiên, như thế nào là không đủ điều kiện thì hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể mà sẽ dựa vào sự xem xét, đánh giá của Thẩm phán tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
+ Nguyện vọng của con từ 07 tuổi trở lên. Quy định này xuất phát từ lợi ích của người con. Việc ở với người cha hay người mẹ cũng đều có những tác động đến cuộc sống của con và con khi đủ 07 tuổi thì đã có những nhận thức nhất định, ở độ tuổi từ 07 đến 18 tuổi, là giai đoạn người con đang phát triển mạnh nhất về tâm sinh lý . Vì vậy, con cần được nuôi dạy trong môi trường tốt nhất nên việc hỏi ý kiến của con từ 07 tuổi trở lên là rất cần thiết.
Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn
2. Người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con
Khoản 5, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con như sau:
“5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ”.
Trong đó,
Người thân thích theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì “Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”. Theo đó, người thân thích của con có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm: Anh, chị ruột đã thành niên; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại người chưa thành niên; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột của người chưa thành niên.
Cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình được quy định tại Điều 3 Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về công tác gia đình như sau: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình trong phạm vi toàn quốc; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình; Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương.
Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, theo quy định tại các khoản 11, khoản 12 Điều 8 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và theo quy định tại các khoản 5, khoản 6 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bao gồm 4 cấp: Cấp Trung ương; Cấp tỉnh (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương); Cấp huyện (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương); Cấp cơ sở (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn và tương đương).
3. Hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con
– Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con nếu các bên tự thỏa thuận hoặc đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con nếu các bên không tự thỏa thuận việc nuôi con.
Tải về: don-xin-thay-doi-quyen-nuoi-con_vietchinh
Tải về: don-khoi-kien-thay-doi-quyen-nuoi-con-sau-ly-hon_vietchinh
– Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
– Căn cước công dân gắn chip của cha, mẹ.
– Giấy khai sinh của con.
– Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
4. Nộp hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con ở đâu?
Việc nộp hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con được chia thành 02 trường hợp;
Trường hợp cha, mẹ thỏa thuận được việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì nộp hồ sơ ở Tòa án nhân dân nơi vợ hoặc chồng thường trú hoặc làm việc.
Trường hợp cha, mẹ hoặc những người có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con khác không thỏa thuận được việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án giải quyết tại nơi mà người con đang thường trú hoặc sinh sống, học tập.
5. Thời hạn giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con là bao nhiêu ngày?
Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn giải quyết đối với vụ án dân sự trong đó có tranh chấp về ly hôn, tranh chấp về nuôi con tối đa không quá 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.
Như vậy, tổng thời gian giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con không quá 06 tháng.
6. Lệ phí thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là bao nhiêu?
Theo Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14, án phí và lệ phí thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn đều là 300.000 đồng.
Trên đây là những nội dung tư vấn của Luật Việt Chính. Hi vọng rằng bạn có thể nắm được những thông tin đầy đủ nhất về việc thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Do tính chất phức tạp của vụ việc, để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian, Quý khách hành có thể sử dụng dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình của Luật Việt Chính theo liên hệ hotline: 0911.111.099 hoặc 0987.062.757 chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ.