MỐI QUAN HỆ GIỮA LUẬT QUỐC TẾ VÀ LUẬT QUỐC GIA
LIÊN HỆ THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM TRONG LĨNH VỰC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Ngày nay, với xu thế vận động và phát triển của thế giới, nhận thấy rằng để duy trì, điều chỉnh mối quan hệ này, các quốc gia đã cùng nhau xây dựng nên những quy chế pháp lý chung nhằm tạo nên một mạng lưới pháp luật quốc tế. Điều đấy được thể hiện rõ trong hệ thống pháp luật quốc tế nói chung cũng như trong điều ước quốc tế nói riêng. Để làm rõ hơn vai trò, mối quan hệ của luật quốc tế và luật quốc gia trong lĩnh vực điều ước quốc tế, cùng Luật Việt Chính “Phân tích mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia. Liên hệ với thực tiễn ở Việt Nam trong lĩnh vực luật điều ước quốc tế” nhé.
CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
1. Khái niệm điều ước quốc tế
Công ước viên 1969 về Luật điều ước quốc tế (ĐƯQT) đã pháp điển hóa và phát triển hàng loạt các quy phạm vốn là tập quán quốc tế trong lĩnh vực ĐƯQT, cụ thể được quy định tại Điều 1 của Công ước[1]. Đối với Việt Nam, theo pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998 tại Điều 2 cũng đã quy định về điều ước quốc tế[2]. Sau đó, pháp lệnh này đã được thay thế bằng Luật điều ước quốc tế năm 2005, kế tiếp đấy là Luật Điều ước quốc tế năm 2016, trong đó có định nghĩa: “Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác”[3].
Tham khảo thêm Thủ tục xin giấy phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế
2. Một số vấn đề về cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia
2.1. Các học thuyết về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia
2.1.1. Thuyết nhất nguyên luận
Thuyết này cho rằng pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế không thể tồn tại trong sự mâu thuẫn xung đột với nhau mà chúng phải tồn tại với tư cách là hai bộ phận của một hệ thống pháp luật thống nhất, bộ phận này tùy thuộc vào bộ phận kia. Tuy nhiên thuyết nhất nguyên luận đưa ra hai khả năng xác định mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia tùy theo vị trí ưu tiên của chúng, một khả năng coi pháp luật quốc tế có vị trí ưu tiên hơn (trường phái nhất nguyên với sự ưu tiên pháp luật quốc tế) và khả năng thứ hai là pháp luật của quốc gia có vị trí ưu tiên hơn (trường phái nhất nguyên với sự ưu tiên pháp luật quốc gia).
2.1.2. Thuyết nhất nguyên luận
Thuyết này cho rằng pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia là hai hệ thống pháp luật độc lập, có sự khác biệt căn bản về đối tượng điều chỉnh, về phạm vi hiệu lực, về chủ thể và nguồn luật. Tuy nhiên, thuyết này có những hạn chế mang tính giai cấp, dẫn đến hệ quả là không thể nhìn thấy rõ và giải quyết triệt để những vấn đề về mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia. Học thuyết nhị nguyên lại được phân chia thành hai trường phái đó là trường phái nhị nguyên cực đoan và trường phái nhị nguyên dung hòa.
3. Nội dung mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia
Mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật quốc gia là vấn đề mang tính lý luận cơ bản, luôn là đề tài khoa học mang tính pháp lý, tính thời sự. Các ĐƯQT được hình thành dựa trên sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các quốc gia. Pháp luật quốc gia không chỉ tạo cơ sở nền tảng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của các ĐƯQT, cùng với đấy các ĐƯQT tế đóng vai trò bổ sung và hoàn thiện pháp luật quốc gia. Như vậy, mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia có tính chất biện chứng, có sự tác động thường xuyên và gắn bó mật thiết. Điều này được thể hiện chính trong Luật điều ước quốc tế – một ngành của luật quốc tế, Điều 27 Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 khẳng định: Các quốc gia ký kết không được viện dẫn vào luật quốc gia của mình để biện minh sự không thực hiện điều ước quốc tế”.
Chương II. Thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
1. Khái quát quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về điều ước quốc tế ở nước ta
1.1. Quy định của Hiến pháp về quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam
Ngay khi giành được độc lập, Việt Nam đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của pháp luật quốc tế. Hiến pháp năm 1946 mặc dù chưa có điều khoản riêng quy định về mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật Việt Nam nhưng đã xác định được chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một số cơ quan nhà nước trong lĩnh vực ký kết và thực hiện ĐƯQT. Hiến pháp năm 1959 là sự phát triển thêm một bước các quy định liên quan đến việc ký kết, thực hiện ĐƯQT đối với Việt Nam. Kế thừa và phát triển các quy định của hai bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 1980 quy định các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật Việt Nam, ví dụ tại Điều 83 khoản 15[4]; Điều 100 khoản 16 của bản Hiến pháp năm 1980[5]. Từ năm 1986, Việt Nam đã chủ động hơn trong việc bước vào quá trình hội nhập quốc tế và khu vực, chính vì vậy quy định của Hiến pháp 1992 cũng vì vậy mà rõ ràng hơn đối với những vấn đề liên quan đến ĐƯQT.
Cho đến nay, bản Hiến pháp 2013 cũng đã quy định cụ thể và chi tiết hơn về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội liên quan đến ĐƯQT. Đồng thời xác định rõ các loại ĐƯQT mà Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực là các Điều ước có tầm quan trọng đặc biệt
Về thẩm quyền của Chủ tịch nước với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, cụ thể khoản 6 Điều 88 Hiến pháp 2013[6] quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Thấy rằng theo đấy Chủ tịch nước có 4 nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Quyết định đàm phán các ĐƯQT nhân danh Nhà nước; Ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước; Trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các ĐƯQT nhân danh Nhà nước liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia; Quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt các ĐƯQT nhân danh Nhà nước khác.
Về thẩm quyền của Chính phủ – cơ quan Hành chính Nhà nước cao nhất, tại khoản 7 Hiến pháp 2013 đã quy định chi tiết và đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ về các quyền như: đàm phán, ký, gia nhập và chấm dứt hiệu lực đối với ĐƯQT.
Về Thủ tướng Chính phủ – với tư cách là người lãnh đạo công tác của Chính phủ, Hiến pháp quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn trong quyết định việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập các ĐƯQT nhân danh Chính phủ, hoặc các ĐƯQT nhân danh Nhà nước, cụ thể được quy định tại khoản 5 Điều 98 Hiến pháp 2013.
- Quy định của các văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam
Cùng với Hiến pháp, Việt Nam đã thông qua hai pháp lệnh quan trọng là Pháp lệnh 1988 và Pháp lệnh 1998 về ký kết và thực hiện ĐƯQT. Bên cạnh đấy, Nghị định 161 ngày 18/10/1999 và quy định tại các văn bản luật liên quan như Bộ Luật Hình sự 2015 và Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có viện dẫn đến việc ký kết và thực hiện ĐƯQT. Tất cả các quy định trên đã tạo thành một mạng lưới pháp luật quốc gia về ký kết và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam. Ngày nay, mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật quốc gia được thể hiện trong khá nhiều bộ luật cũng như các nghị định khác có liên quan, chính vì vậy Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong công tác áp dụng các văn bản pháp luật, tránh sự chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của văn bản pháp luật cũng như ĐƯQT và chú ý hơn về giá trị ưu tiên áp dụng trong trường hợp văn bản pháp luật trong nước có quy định khác về cùng một vấn đề.
1.3. Về nguyên tắc ký kết, gia nhập và thức hiện điều ước quốc tế
Luật Điều ước quốc tế 2016 đã quy định cụ thể và rõ ràng về nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế so với các luật, pháp lệnh trước đó. Việc quy định các nguyên tắc ký kết, gia nhập ĐƯQT là rất cần thiết, giúp cho cơ quan đề xuất có kế hoạch thực hiện ĐƯQT một cách có hiệu quả trong mọi trường hợp. Theo đấy, luật quy định những nguyên tắc chủ yếu sau: Phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đó là: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Phù hợp với quy định của Hiến pháp; Phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam; Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập.
1.4. Về cách thức thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam
Trên thực tế, mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật trong nước được quy định xử lý trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ nhất có thể kể đến quy định tại Luật điều ước quốc tế năm 2016, được quy định tại khoản 1 Điều 6[7]. Đồng thời, luật cũng quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề. Bên cạnh đấy khoản 2 Điều 6 có quy định về điều kiện để ĐƯQT có hiệu lực, có thể phải nội luật hóa để thi hành hoặc có thể áp dụng trực tiếp nếu quy định của nó đã rõ ràng. Trong trường hợp không thể áp dụng, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ĐƯQT tức là phải nội luật hóa để thực hiện.
Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn tại Việt Nam về vấn đề điều ước quốc tế và chuyển hóa ĐƯQT, cho thấy Việt Nam ta đã đưa ra các quy định về cách thức, những nguyên tắc thực hiện ĐƯQT, bên cạnh đấy có quy định về điểm mới như Luật điều ước quốc tế cho phép áp dụng trực tiếp ĐƯQT trong những trường hợp cụ thể.
2. Những kết quả đạt được trong việc giải quyết mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam
Có thể thấy hoạt động ký kết và gia nhập các ĐƯQT của nước ta hiện nay sôi động hơn bao giờ hết. Việt Nam đã ban hành đạo luật riêng, tạo tiền đề cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động này được thực hiện một cách thống nhất, thuận lợi và hiệu quả. Tiêu biểu trong đấy có thể kể đến văn kiện gia nhập WTO và việc ký, phê chuẩn Hiến chương ASEAN của Việt Nam,.. Nhìn chung, các quy định này đều là những quan điểm tiến bộ và hợp lý, tương thích với quan điểm pháp luật của các nước trên thế giới. Nhờ vậy, công tác đàm phán, phê chuẩn, rà soát cũng được tiến hành thuận tiện theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo cho lợi ích quốc gia không bị xâm phạm khi tham gia vào quan hệ quốc tế.
3. Một số tồn tại liên quan đến mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ tiêu chí xác định loại điều ước nào có thể áp dụng trực tiếp, loại điều ước nào buộc phải tiến hành chuyển hóa. Theo khoản 2 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, trong đấy có nêu về việc áp dụng một phần hoặc toàn bộ ĐƯQT trong trường hợp quy định của ĐƯQT đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện. Tuy nhiên, việc quy định ĐƯQT như thế nào là “đủ rõ”, đủ “chi tiết” để tiến hành áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần ĐƯQT lại chưa được quy định cụ thể. Chính vì vậy, cần thiết phải có một tiêu chí cụ thể để dễ xác định loại ĐƯQT có thể áp dụng trực tiếp hoặc cần phải thông qua chuyển hóa để thực hiện.
Thứ hai, hoạt động tổng kết, đánh giá, rà soát công tác thực hiện điều ước quốc tế còn nhiều khó khăn, bất cập: Nhận thấy rằng, công tác rà soát, đối chiếu các ĐƯQT đa phương và song phương chưa được thật sự chú trọng, mặc dù đây là công tác hết sức quan trọng nhằm phục vụ trực tiếp việc thực thi ĐƯQT của các cơ quan cũng như là cở sở để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc ký kết các ĐƯQT mới.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ chưa đủ mạnh, thiếu kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực pháp chế. Thấy rằng, chất lượng của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, một số cán bộ thiếu chuyên nghiệp, đối với mặt lập pháp còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thậm chí, còn tồn tại những trường hợp thiếu gương mẫu, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, vướng vào tham nhũng,..
Tham khảo thêm Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
4. Một số kiến nghị nhằm khắc phục những tồn tại liên quan đến mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật của Việt Nam
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam cần thể hiện rõ quan điểm về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia là hai hệ thống độc lập nhưng có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau. Mặc dù các ĐƯQT đã được quy định cụ thể về giá trị ưu tiên thực hiện so với pháp luật trong nước nhưng ta vẫn cần quy định rõ, phù hợp hơn về các trường hợp ưu tiên pháp luật. Vì Hiến pháp chính là đạo luật cao nhất của các quốc gia, không văn bản pháp luật nào được trái với Hiến pháp.
Thứ hai, cần tiếp tục quy định cụ thể, chi tiết hơn về tiêu chí xác định loại điều ước nào có thể áp dụng trực tiếp, loại điều ước nào buộc phải chuyển hóa. Việt Nam công nhận hiệu lực thi hành trực tiếp ĐƯQT mà không thông qua quá trình chuyển hóa, đặc biệt là các ĐƯQT về kinh tế, thương mại. Đây chính là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế và thúc đẩy cho sự hội nhập nhanh chóng và sâu rộng của Việt Nam. Chính vì vậy, cần có một cơ chế rõ ràng việc áp dụng trực tiếp các ĐƯQT nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, cần chú trọng thực hiện công tác rà soát, đối chiếu các điều ước quốc tế một cách chặt chẽ và nghiêm túc hơn nhằm tránh sự xung đột hiệu lực giữa các điều ước mà Việt Nam là thành viên. Song song với đấy cần có cơ chế đào tạo hiệu quả, chất lượng, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ đầy đủ phẩm chất, năng lực để phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Xu thế toàn cầu hóa đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, đặt ra cho các quốc gia sự lựa chọn không hề đơn giản. Nếu đứng ngoài xu thế đó, chắc chắn ta sẽ bị cô lập, tụt hậu nhưng nếu tham gia thì sự cạnh tranh khốc liệt là điều không thể tránh khỏi. Pháp luật quốc tế nói chung và ĐƯQT nói riêng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ghi nhận và đảm bảo các quyền tự do của con người cũng như các quyền tự do của quốc gia. Chính vì vậy, pháp luật quốc tế mặc dù là một hệ thống pháp luật độc lập nhưng nó không thể tồn tại tách biệt mà có mối quan hệ chặt chẽ với mọi pháp luật quốc gia tham gia các quan hệ quốc tế đó. Việt Nam cần dành sự quan tâm hơn nữa về vấn đề này bởi đây chính là cơ hội cũng như thách thức đặt ra mà ta có thể gặp phải trong quá trình hội nhập quốc tế.
[1] Điều 1: Điều ước là từ dùng để chỉ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và bất kể tên gọi riêng của nó là gì.
[2] Điều 2: Điều ước quốc tế mà các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết, dưới đây gọi là điều ước quốc tế, là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi như hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi và danh nghĩa ký kết.
[3] Khoản 1 Điều 2 Luật điều ước quốc tế năm 2016.
[4] Điều 83 Khoản 15 Hiến pháp 1980: Quốc hội có quyền phê chuẩn hoặc bãi bỏ những điều ước quốc tế theo đề nghị của Hội đồng nhà nước.
[5] Điều 100 khoản 16 Hiến pháp năm 1980: Hội đồng nhà nước có quyền phê chuẩn hoặc bãi bỏ những điều ước quốc tế trừ trường hợp xét thấy cần trình Quốc hội quyết định.
[6] Khoản 6 Điều 88: Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.
[7] Khoản 1 Điều 6: Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.