Hưởng chế độ thai sản khi sinh con

CHẾ ĐỘ HƯỞNG THAI SẢN KHI SINH CON

        Câu hỏi: Thưa luật sư em mới sinh bé ngày 17/02/2024 mà chồng em cờ bạc nợ xã hội đen 30 triệu. Em muốn lấy tiền bảo hiểm thai sản để trả cho chồng chứ để lâu lãi mẹ đẻ lãi con. Chị kế toán bảo phải đến khi em đi làm trở lại thì bên bảo hiểm xã hội mới cho làm hồ sơ hưởng thai sản. Chị ấy nói như vậy có đúng không ạ?”

          Trả lời:

Đối với câu hỏi của bạn, Luật Việt Chính cung cấp cho bạn những thông tin về bảo hiểm xã hội như sau:

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng (bao gồm cả lao động nam và lao động nữ) trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi sinh con và nuôi con nhỏ. Chế độ này nhằm đảm bảo, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, thực hiện hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con. Vậy để được hưởng chế độ thai sản này cần phải đáp ứng được các điều kiện như sau:

1. Điều kiện đối tượng hưởng chế độ thai sản:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

“ Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Lao động nữ mang thai;

– Lao động nữ sinh con;

– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

– Người lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản;

– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

– Người lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con;

2. Điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

Về điều kiện này, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tại khoản 2 Điều 31 và Điều 9 hướng dẫn tại Thông tư 59/2015/TT – BLĐTBXH ngày 29/12/2015 như sau:

Tham khảo: Thủ tục, điều kiện xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội

“Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Người lao động được quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 31 phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”

“Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT – BLĐTBXH ngày 29/12/2015 hướng đẫn về thời gian trước 12 tháng được xác định như sau:

– Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

– Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9”

3. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con:

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con là thời gian người lao động được nghỉ lâu nhất để có thể hồi phục về thể chất và chăm sóc cho con. Căn cứ theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thời gian được hưởng chế độ khi sinh con đối với lao động nữ như sau:

– Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

– Thời gian hưởng chế độ thai sản này tính cả ngày lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.

4. Thời hạn nộp hồ sơ để được hưởng chế độ thai sản:

Theo như trường hợp của bạn, và căn cứ theo quy định của pháp luật thì bạn có thể chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ để được hưởng chế độ thai sản mà không cần phải chờ tới hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Quy định của pháp luật như sau: Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội về giải quyết hưởng chế độ thai sản:

– Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội.

– Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Quy định nêu trên không đề cập đến việc nộp hồ sơ thai sản trước khi người lao động quay lại làm việc. Tuy nhiên, theo Công văn số 361/LĐTBXH – BHXH thì khi người lao động chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật, người lao động có thể nộp ngay hồ sơ cho người sử dụng lao động mà không cần phải đợi đến hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Sau khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có thể nộp ngay cho cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết sớm quyền lợi cho người lao động.

Như vậy có thể thấy được rằng kế toán công ty bạn chưa làm tròn trách nhiệm giải quyết hồ sơ, cũng như chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi người lao động có mong muốn được hưởng chế độ thai sản sau khi sinh.

5. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người lao động sinh con:

Căn cứ tại khoản 1 Điều 101 về hồ sơ hưởng chế độ thai sản bao gồm:

– Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

– Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà người mẹ chết;

– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

– Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

6. Thủ tục hưởng chế độ thai sản:

– Quy trình và thủ tục hưởng chế độ thai sản bao gồm ba bước.

Lưu ý: Người lao động cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn của Luật Việt Chính tại mục 5 để quy trình này được diễn ra một cách thuận lợi, tránh mất nhiều thời gian và công sức đi lại.

Bước 1: Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản:

– Sau khi trở lại làm việc, trong thời hạn không quá 45 ngày, bạn cần phải nộp đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản đúng với trường hợp của mình cho người sử dụng lao động.

Tham khảo: Quy trình và thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng 2024

– Hoặc sau khi sinh có thể chuẩn bị hồ sơ và nộp cho người sử dụng lao động để được hưởng quyền lợi của mình sớm hơn.

Bước 2: Chờ người sử dụng lao động xét duyệt hồ sơ:

– Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ cho người sử dụng lao động, thì trong vòng 10 ngày người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ, tổng hợp theo quy định và nộp lên cơ quan bảo hiểm xã hội.

– Thời gian chờ xét duyệt giải quyết và chi trả cho người lao động từ cơ quan Bảo hiểm xã hội như sau:

+ 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động.

+ 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh, nhận con nuôi.

Bước 3: Nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội:

– Trong thời gian chờ giải quyết (tối đa trong vòng 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ) người lao động sẽ nhận được thông báo chi trả của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Sau khi nhận được thông báo chi trả, người lao động sẽ nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian nhận tối đa không quá 20 ngày kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là giải đáp về vấn đề hưởng chế độ thai sản ngay sau khi sinh và điều kiện để được hưởng cùng thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ thai sản sinh con mà Luật Việt Chính muốn gửi tới bạn. Hy vọng, phần giải đáp này sẽ giúp cho bạn có thể nắm bắt được thêm các quy định của pháp luật và sớm nhận được quyền lợi của mình. Mọi thắc mắc xin hãy liên hệ với chúng tôi qua Website này hoặc Zalo 0911.111.099 / 0987.062.757 chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc tới bạn 24/7.

Trân trọng!

Bài viết liên quan