ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT CHÍNH —–o0o—– |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —–o0o—– |
Hà Nội…, ngày … tháng … năm …
MẪU LUẬN CỨ BÀO CHỮA VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN
(Bị cáo: H.T.S bị truy tố về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ Luật hình sự)
Kính thưa: – Hội đồng xét xử!
– Kính thưa Vị đại diện Viện kiểm sát!
– Thưa các vị luật sư đồng nghiệp cùng toàn thể quý vị có mặt trong phiên tòa ngày hôm nay!
Tôi là Luật sư Lương Đức Phương thuộc Công ty Luật TNHH Việt Chính – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm bảo vệ cho bị cáo H.T.S trong vụ án “Cướp tài sản”. Vụ án đang được Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm.
Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và lắng nghe phần xét hỏi tại phiên tòa hôm nay, tôi xin trình bày với Hội đồng xét xử quan điểm bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo H.T.S như sau:
- Hành vi của bị cáo H.T.S không có đủ các yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 133 BLHS:
Điều 133 BLHS quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì …”
Theo điều luật quy định thì tội cướp tài sản được thực hiện bởi hành vi khách quan là: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự” với mục đích (thuộc về mặt chủ quan của tội phạm) là: “Chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, trong vụ án này, hành vi của bị cáo S không đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” theo Điều 133 BLHS.
Thứ nhất, hành vi túm cổ áo và chửi anh N.V.H của bị cáo H.T.S không liên quan đến việc đòi anh N.V.H trả nợ bị cáo S 4 triệu.
Bị cáo S được gọi đến số 47 Đại Cổ Việt để gặp anh Hợp là do bị động, bản thân anh không biết trước về thời gian, địa điểm và nội dung cuộc gặp gỡ mà anh được gọi đến với vai trò làm chứng cho một tình tiết liên quan đến mối quan hệ vay nợ giữa anh Hợp và anh Nguyễn Xuân Hảo (Theo lời khai của bị cáo S tại BL 48, 54; lời khai của anh Hảo tại BL 96, 101). Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 21/08/2015, bị cáo S cũng đã khẳng định điều này (BL418, 419). Khi bị cáo S đến điểm hẹn theo cuộc điện thoại của anh Hảo thì ngay lập tức bị cáo nhận được thông tin anh Hợp nói với anh Hảo là đã đưa cho mình 15 triệu để trả anh Hảo từ trước. Bất bình trước sự vu khống trắng trợn này, bị cáo S đã có những phản ứng thiếu bình tĩnh với anh Hợp như chửi bậy, túm cổ áo anh Hợp. Đây là phản ứng ngẫu nhiên, tức thời trước hành vi bị vu khống, bôi nhọ danh dự từ chính người bạn mà mình đã từng giúp đỡ. Tình tiết này được bị cáo S khai trong rất nhiều bản cung trong hồ sơ vụ án và được khẳng định lại trong lời khai của các nhân chứng Nguyễn Xuân Hảo, Đỗ Thành Trung và Phùng Minh Đạt tại phiên tòa sơ thẩm mở ra vào ngày 21/08/2015. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo S túm cổ áo anh Hợp, chửi bậy anh Hợp là do bị anh Hợp vu khống chứ không phải nhằm mục đích ép anh Hợp trả nợ cho mình như Cáo trạng đã nêu. Còn việc bị cáo S yêu cầu anh Hợp trả mình món nợ 5 triệu là mối quan hệ dân sự. Sau khi bị bị cáo S đòi thì anh Hợp đã tự tay đưa tiền cho bị cáo. Anh Hợp còn bảo bị cáo đưa lại tiền để mời uống nước, bị cáo S đã đưa lại cho anh Hợp 400 nghìn đồng (Lời khai của Trung tại BL135, Lời khai tại biên bản phiên tòa sơ thẩm BL423). Sau khi trả xong tiền, anh Hợp còn nói với anh S anh còn nợ mày 1 triệu nữa nhé (BL 48, 55) và lời khai của các nhân chứng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/08/2015 đã xác nhận lại điều này. Vì vậy, hành vi của bị cáo S là phản ứng tiêu cực khi bị anh Hợp vu khống trước anh Hảo, không phải là hành vi đe dọa với mục đích chiếm đoạt số tiền 4 triệu đồng của anh Hợp. Việc bị cáo S yêu cầu anh Hợp trả số tiền 5 triệu đồng là mối quan hệ dân sự, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán chứ không phải là mối quan hệ hình sự như cơ quan điều tra đã kết luận.
Thứ hai, anh N.V.H không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Trong hồ sơ vụ án đã thể hiện, khi bị cáo S đưa trả anh Hợp số tiền trong ví, anh Hợp còn nói với anh S, mày đưa lại cho anh 400 nghìn đồng để anh trả tiền nước (Theo lời khai của anh Hợp tại BL 66, 74, 80), và “vậy là anh còn nợ S 1 triệu nhé” (BL 48, 55). Đây không phải là câu nói của một người bị cướp nói với tên kẻ cướp và càng không thể là câu nói của một người bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được .
Hơn nữa, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/08/2015, các nhân chứng đều khai “chúng cháu bảo chú Hợp thôi chú về đi nhưng chú Hợp không về và cứ bảo cháu ngồi đợi để chú bảo người mang tiền đến trả cho chúng cháu”. Đây là sự tự nguyện của anh Hợp chứ không phải do bị ép buộc. Trong sự việc xảy ra vào ngày 21/10/2014 có tình tiết bị cáo S bỏ ra ngoài ba lần, trong đó có một lần bị cáo S đi tìm quán ăn cơm thì bị anh Hợp gọi về để làm chứng cho việc anh Hợp trả nợ tiền cho Hảo (BL55, biên bản phiên tòa sơ thẩm BL417). Trong các biên bản lời khai và tại biên bản phiên tòa sơ thẩm bị cáo S đều nhắc đến tình tiết này nhưng lại không được nhăc đến trong Cáo trạng và không được tòa án và cơ quan điều tra xác minh, làm rõ. Sau khi bị cáo S quay lại quán cafe được khoảng 5 phút thì công an ập đến bắt và tiến hành khởi tố bị cáo S về tội “Cướp tài sản” theo Điều 133 BLHS. Xâu truỗi các tình tiết, sự kiện trong vụ án cho thấy một người bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được thì không thể đưa ra những kế hoạch nhuần nhuyễn, hoàn hảo như anh Hợp đã làm.
- Cần phải loại bỏ anh N.T.H với tư cách là nhân chứng trực tiếp có mặt tại hiện trường khi công an quận Hai Bà Trưng đến bắt:
Thứ nhất, trong hồ sơ vụ án, anh N.T.H có đơn trình báo công an quận Hai Bà Trưng về sự việc xảy ra tại quán cafe (BL186) tuy nhiên chỗ phần cuối ghi ngày tháng năm làm đơn thì lại bị tẩy xóa từ ngày nào đó thành ngày 21. Tại phiên tòa ngày 27/01/2016, khi luật sư hỏi anh Hưng vậy anh viết đơn trình báo trên vào ngày nào? Tại sao ngày làm đơn lại bị sửa như vậy thì anh H*ng không trả lời được.Vậy liệu đơn trình báo này có được lập vào ngày 21/10/2014 hay được lập vào vài ngày sau đó rồi được hợp thức hóa thành ngày 21.
Thứ hai, theo lời khai của anh H*ng và kết luận của cơ quan điều tra, anh H*ng là người có mặt ở quán cafe tại thời điểm công an quận Hai Bà Trưng ập đến, tuy nhiên tại biên bản bắt người phạm tội quả tang (BL8) lại không có lời chứng của anh H*ng. Tại phiên tòa sơ thẩm, khi được hỏi tại sao anh H*ng là người làm chứng mà lại không được lấy lời chứng trong biên bản bắt người phạm tội quả tang, anh H*ng cũng trả lời là không biết. Và bản kết luậnVậy vào thời điểm công an đến bắt ông S, anh H*ng có mặt tại hiện trường vụ án hay không? Nếu có mặt tại hiện trường vụ án, tại sao anh H*ng lại không được lấy lời chứng trong Biên bản bắt người phạm tội quả tang. Nếu thật sự anh H*ng có mặt hiện trường vụ án thì việc biên bản bắt người phạm tội quả tang không có lời chứng của anh H*ng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm khoản 1 Điều 84 BLTTHS.
Thứ ba, tại biên bản ghi lời khai ngày 21/10/2014 của anh H*ng – biên bản lấy lời khai ngay sau khi vụ việc xảy ra (BL187, 188), thời gian bắt đầu và kết thúc lấy lời khai đã được sửa chữa. Theo đó, thời gian bắt đầu lấy lời khai là 18h50’ ngày 21/10/2014 tuy nhiên lại kết thúc vào lúc 18h35’ cùng ngày. Bên cạnh đó, trong biên bản ghi lời khai cũng có rất nhiều chỗ sửa về số: tại trang 2 BL số 187, dòng thứ 14 từ dưới lên có sửa số thành “ngồi tại bàn với 4 người đàn ông”, tại trang 2 BL số 188, dòng thứ 11 từ trên xuống, có sự sửa từ số “6” thành “4.000.000đ”, dòng thứ 14 từ trên xuống được sửa thành “3 người”. Tuy nhiên, tại những chỗ sửa này đều không có chữ ký xác nhận của điều tra viên và anh H*ng. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, luật sư hỏi anh H*ng khi kí vào biên bản ghi lời khai, biên bản này đã sửa hay chưa được sửa thì anh H*ng chỉ trả lời là không biết. Đồng thời, luật sư cũng hỏi có biết về sự sửa chữa này không? Tại sao lại sửa chữa? Anh H*ng cũng không trả lời được. Nếu trường hợp biên bản ghi lời khai đã sửa mà đưa cho anh H*ng kí theo Điều 136 BLTTHS, điều tra viên phải giải thích cho nhân chứng H*ng biết lí do sửa đồng thời, điều tra viên và anh H*ng phải kí tên vào phần sửa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều tra viên đã không cho anh H*ng biết và giải thích về lí do sửa. Điều tra viên đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm nghiêm trọng Điều 136 BLTTHS, cơ quan điều tra cần phải loại biên bản ghi lời khai ngày 21/10/2014 của anh H*ng.
Thứ tư, diễn biến sự việc anh H*ng chứng kiến tại tầng 2 quán cafe số 47 Đại Cồ Việt không đủ để anh H*ng trở thành nhân chứng trực tiếp trong vụ án và là căn cứ để cơ quan điều tra kết luận ông S phạm tội: Theo lời khai của anh H*ng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/01/2016, anh H*ng đã khẳng định khi đến quán cafe anh chỉ được ông Hợp kể lại về việc ông bị ông S lấy 4.000.000 đồng chứ không chứng kiến sự việc xảy ra như thế nào. Vì vậy, lời khai của anh H*ng không được coi là lời khai của nhân chứng chứng kiến vụ án, không được coi là căn cứ để kết tội ông S như bản cáo trạng và kết luận điều tra đã kết luận.
Như vậy, từ những căn cứ kể trên, cần phải loại bỏ anh N.T.H ra khỏi vụ án với vai trò là người làm chứng có mặt tại hiện trường.
- Việc Đội CSĐTTP về Trật tự xã hội – CA thành phố Hà Nội và Cảnh sát 113 Công an quận Hai Bà Trưng bắt ông S vào ngày 21/10/2014 không thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang:
Ông H.T.S đã bị Đội CSĐTTP về Trật tự xã hội – CA thành phố Hà Nội và Cảnh sát 113 – Công an quận Hai Bà Trưng bắt với hành vi phạm tội quả tang. Tuy nhiên, việc tổ công an bắt ông S không thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang. Bởi: Ông S đến quán café số 47 Đại Cồ Việt vào lúc khoảng 11g ngày 21/10/2014. Tất cả sự việc từ lúc ông S đến quán cho đến khi ông Hợp đưa cho ông S 4.000.000 đồng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ khoảng 11g đến khoảng hơn 11h30. Trong khi đó, theo lời khai của bà Hồng – chủ quán café, đến 13g30’ ngày 21/10/2014, mới có một nhóm công an quận đến ngồi sẵn tại tầng 1 quán café và đến 14g20’ cùng ngày Đội CSĐTTTP và Cảnh sát 113 – CA quận Hai Bà Trưng cùng ập vào lên tầng 2 quán café tại số 47 Đại Cồ Việt bắt ông S và lập biên bản bắt người phạm tội quả tang (BL08). Như vậy, khi công an đến bắt ông S, hành vi nhận tiền của ông Hợp đã hoàn thành, không phải bắt lúc ông S đang thực hiện hành vi nhận tiền cũng không phải ngay sau khi ông S vừa nhận tiền của ông Hợp.
Hơn nữa, trong báo cáo của các đồng chí công an tham gia vào quá trình bắt quả tang hành vi của ông S ngày 21/10/2014 cũng có sự mâu thuẫn với lời khai của các nhân chứng và người bị hại. Theo báo cáo của đồng chí Đỗ Tuấn Ngọc – Đội phó Đội CSHS CA quận Hai Bà Trưng, sau khi nhận được tin báo, “chúng tôi xác định có 6 người đàn ông trong đó có một người đàn ông to béo đang có hành vi chửi bới, đe dọa, đòi tìm người đàn ông lùn béo nếu không trả sẽ đánh” (BL647). Trong khi đó, tại báo cáo của các đồng chỉ khác (đồng chí Nam, Thái Thịnh, Viết Huấn, Phương) chỉ nêu khi đến quán café 47 Đại Cồ Việt thì phát hiện ông S có hành vi cướp tài sản ở trên tầng 2 quán café mà không báo cáo chi tiết hành vi cướp tài sản đó được thực hiện như thế nào, đó là hành vi đe dọa ngay tức khắc dẫn đến không thể chống cự được hay là hành vi dùng vũ lực đánh, đấm, đâm để chiếm đoạt tài sản (từ BL 649 đến BL651). Trong khi đó, theo lời khai của anh H*ng, trước khi công an ập đến và tại thời điểm công an ập đến, mọi người chỉ đang nói chuyện, không hề có hành vi đe dọa hay chửi bới như báo cáo của đồng chí Ngọc đã nêu (BL654, BL655). Do đó, căn cứ theo Điều 82 BLTTHS, trường hợp CA quận Hai Bà Trưng bắt ông S không phải là bắt người phạm tội quả tang. Cần xác định lại việc công an quận Hai Bà Trưng bắt ông S thuộc trường hợp nào?
- Cần phải thay đổi cơ quan điều tra và viện kiểm sát tiến hành điều tra vụ án:
Trong quá trình điều tra vụ án, cả cơ quan cảnh sát điều tra – công an quận Hai Bà Trưng và Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã có những sai phạm và không đảm bảo tính khách quan, vô tư trong quá trình điều tra vụ án:
Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND quận Hai Bà Trưng số 361/HS-QĐ có nội dung đề nghị xác định điều tra về việc đồng chí Hoàng Anh – cán bộ công an đưa cho Đạt ký một tờ giấy chưa viết nội dung gì để ký. Tuy nhiên trong quá trình cơ quan CSĐT – CA quận HBT điều tra bổ sung, lấy lời khai vẫn có sự tham gia, xuất hiện của điều tra viên Nguyễn Hoàng Anh (biên bản ghi lời khai của Trần Thị Ánh – BL461; biên bản ghi lời khai của Đỗ Thành Trung – BL479, 505; biên bản ghi lời khai của Nguyễn Xuân Hảo – BL 482, Biên bản ghi lời khai của N.V.H – BL486). Việc tham gia trong quá trình điều tra vụ án của điều tra viên Nguyễn Hoàng Anh liệu có đảm bảo tính vô tư, khách quan của vụ án?
Cơ quan cảnh sát điều tra đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc đối chất giữa lời khai của những người tham gia tố tụng:
Trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung bị can, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan, có nhiều điểm mâu thuẫn giữa các lời khai với nhau. Mà cụ thể ở đây là mâu thuẫn giữa lời khai của ông S với những người còn lại. Theo Điều 138 BLTTHS, khi có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa 2 người trở lên, Điều tra cần phải tiến hành đối chất. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất nhưng thực hiện thiếu trách nhiệm. Giữa lời khai của ông S và ông Hợp có sự mâu thuẫn và trái ngược hoàn toàn: ông H cho rằng: ông S đã có hành vi chửi bới, đe dọa và dùng tay quàng qua vai đè ngửa và lục soát tước đoạt tiền của ông trong khi ông S lại khai ông không chửi bới, đe dọa và không dùng vũ lực để lấy tiền của ông H. Khi tiến hành đối chất, ông H đã từ chối với lí do thường xuyên phải đi làm xa không có thời gian đối chất (BL73A). Khi tiến hành điều tra bổ sung, ông H cũng đã từ chối đối chất với lí do hạn chế thời gian (BL485). Và sau đó, cũng không thấy có thêm bất kì biên bản đối chất nào giữa ông S và ông H. Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm của cơ quan điều tra, không thể lấy lí do hạn chế về thời gian để từ chối đối chất. Thêm vào đó, lời khai những người liên quan: anh Hảo, anh Trung, anh Đạt cũng có sự mâu thuẫn với lời khai của anh H, tuy nhiên cơ quan điều tra lại không tiến hành đối chất. Nếu không tiến hành việc đối chất khi có sự mâu thuẫn giữa các lời khai, vậy căn cứ vào đâu để cơ quan điều tra xác định sự thật vụ án, liệu các chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra để buộc tội bị cáo S có chính xác.
Cần phải thay đổi kiểm sát viên, viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ kiểm sát trong vụ án này. Bởi viện kiểm sát phụ trách trong vụ án này là viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng. Trong khi đó, bà Lan Anh – vợ ông H lại là kiểm sát viên của viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng. Để đảm bảo tính vô tư, khách quan và toàn diện khi điều tra vụ án, cần phải thay đổi viện kiểm sát và kiểm sát viên trong vụ án này.
Với những phân tích trên đây, căn cứ theo khoản 2 Điều 199 BLTTHS và khoản 1 Điều 179 BLTTHS, chúng tôi kinh đề nghị Hội đồng xet xử xem xét ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm đảm bảo việc thu thập chứng cử khách quan, đầy đủ để tìm ra sự thật của vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo H.T.S đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử đề nghị cơ quan có thẩm quyền thay đổi cơ quan điều tra và viện kiểm sát điều tra vụ án này.
Trên đây là toàn bộ quan điểm bào chữa của tôi, xin Hội đồng xét xử chấp nhận.
Xin chân thành cảm ơn HDXX và Quý vị đã chú ý lắng nghe!
Lưu ý: Nội dung vụ án là giả định, pháp luật được áp dụng tương ứng với mốc thời gian theo giả định, không nhất thiết là các quy định của công ty. Trân trọng!
Tham khảo thêm Mẫu đơn mời luật sư tham gia bảo vệ trong vụ án dân sự