Bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam Chương 2 phần 1

Chương 2
THỰC TIỄN BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG KIỂM SÁT TẠM GIỮ, TẠM GIAM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HẬU, TỈNH NAM ĐỊNH

2.1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TÌNH HÌNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG KIỂM SÁT TẠM GIỮ, TẠM GIAM TẠI VIỆN KỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HẬU, TỈNH NAM ĐỊNH

2.1.1. Tình hình kinh tế, xã hội của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Hải Hậu là huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam tỉnh Nam Định, có diện tích 226 km2, dân số hiện nay trên 294.000 người, trong đó đồng bào theo đạo công giáo trên 40%, được phân bố ở 31 xã và 3 thị trấn. Huyện Hải Hậu được thành lập ngày 27/12/1888, Đảng bộ huyện Hải Hậu được thành lập vào tháng 6/1947, hiện nay Đảng bộ huyện có 90 tổ chức cơ sở Đảng với 14 nghìn đảng viên. Trải qua hơn 130 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống cách mạng, đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, vinh dự 4 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng; Từ năm 1978 đến nay liên tục là điển hình văn hóa thông tin cấp huyện của cả nước; huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015, năm 2018 được Trung ương chọn là một trong 4 huyện của cả nước làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu [12].

Trong suốt chặng đường lịch sử, Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu cùng với cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện: Nổi bật là Mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hải Hậu đã có đổi thay: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 7,22%. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng cơ bản và dịch vụ đạt 76,6%. Bài toán “li nông bất li hương” được giải bằng việc tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 22.000 lao động làm việc tại 360 doanh nghiệp, công ty; còn lại lao động tập trung ở 44 làng nghề truyền thống: mộc thủ công mỹ nghệ, hoa cây cảnh, cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản… Văn hóa, y tế, môi trường tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng. Đời sống nhân dân ngày được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách Bảo trợ xã hội giảm còn 2%. Hệ thống trường học được đầu tư, xây dựng, phát triển cả về quy mô và chất lượng [12].

Văn hóa huyện Hải Hậu mang đặc trưng văn hóa dân gian Bắc Bộ, Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, có đời sống văn hóa đa dạng, phong phú đậm nét vùng biển. Phát huy truyền thống của ông cha, cán bộ và nhân dân trong huyện luôn quan tâm duy trì và nâng cao. Năm 1978, huyện Hải Hậu được công nhận là “điển hình văn hóa của cả nước”. Năm 1998, huyện được công nhận 20 năm điển hình văn hóa cấp huyện; từ năm 1978 đến nay liên tục huyện được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Năm 2018 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen “Đơn vị 40 năm điển hình văn hóa của cả nước”Phong trào xây dựng thiết chế văn hóa được đặc biệt quan tâm thông qua việc ban hành cơ chế hỗ trợ trong xây dựng nhà văn hóa xóm, cổng làng… Đến nay, huyện có 34 nhà văn hóa xã, thị trấn quy mô 300 – 800 chỗ ngồi; có 546/546 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố khang trang, sạch đẹp. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng [12].

2.1.2. Cơ cấu tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu là đơn vị trực thuộc VKSND tỉnh Nam Định. Hiện nay, đơn vị có 14 cán bộ, công chức, người lao động, bao gồm: 01 Viện trưởng, 02 Phó Viện trưởng, 06 KSV, 01 Kiểm tra viên, 01 kế toán, 03 nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68, trong đó 03 đồng chí có trình độ Thạc sỹ, 09 đồng chí trình độ đại học, 02 đồng chí có trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức Chi bộ Đảng, tổ chức Công đoàn và Chi hội luật gia. Chi bộ VKSND huyện Hải Hậu trực thuộc Đảng bộ huyện Hải Hậu với 13 đảng viên, trong đó 02 đồng chí đảng viên có trình độ lý luận chính trị Cao cấp và 04 đồng chí đảng viên có trình độ lý luận chính trị Trung cấp [20].

Theo sự phân công của đồng chí Viện trưởng, đơn vị được chia thành các khâu, bộ phận công tác khác nhau gồm: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm; Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Kiểm sát việc thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật; Kiểm sát việc thi hành án dân sự; Tiếp dân và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin; Văn phòng tổng hợp.

Đồng chí Viện trưởng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chung mọi hoạt động của đơn vị, trực tiếp chỉ đạo công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm và Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật. Các đồng chí Phó Viện trưởng có nhiệm vụ tham mưu giúp đồng chí Viện trưởng chỉ đạo, điều hành các bộ phận công tác, ngoài ra, khi đồng chí Viện trưởng vắng mặt có thể ủy quyền cho đồng chí Phó Viện trưởng thay mặt Viện trưởng chỉ đạo, điều hành chung hoạt động của đơn vị.

KSV được giao các nhiệm vụ gồm: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm; Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự và Kiểm sát việc thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tùy thuộc vào sở trường công tác, mỗi KSV được phân công phụ trách theo dõi từ 01 đến 02 khâu công tác nêu trên. Kiểm tra viên có nhiệm vụ giúp việc cho KSV trong một số công việc cụ thể. Tại đơn vị VKSND huyện Hải Hậu, lãnh đạo Viện phân công, sắp sếp 01 đồng chí KSV phụ trách kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, đồng thời kiểm sát việc thi hành tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ trên địa bàn huyện Hải Hậu. Hiện nay, các đồng chí KSV VKSND huyện Hải Hậu đang kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau, khối lượng công việc không ngừng tăng qua các năm trong khi lực lượng cán bộ, KSV không được tăng cường, gây áp lực không nhỏ cho KSV trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó có công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam của các Cơ quan tiến hành tố tụng và công tác kiểm sát việc thi hành tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ trên địa bàn huyện Hải Hậu. Do đó, trong thời gian tới VKSND huyện Hải Hậu rất cần bổ sung đội ngũ cán bộ, KSV nhằm phân bổ công việc một cách hợp lý, khoa học hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát nói chung cũng như công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam trên địa bàn huyện nhà nói riêng.

2.1.3. Tình hình tội phạm và việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Trong thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn huyện Hải Hậu, tình hình an ninh, chính trị đ­ược giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội ở một số thời điểm vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng theo từng năm, cả về số lượng và tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Trong kỳ, cơ quan điều tra đã khởi tố 557 vụ/925 bị can [20], cụ thể như sau:

– Tội phạm về ma túy: Khởi tố 156 vụ/182 bị can. Trong đó: tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” 130 vụ/ 147 bị can, “Mua bán trái phép chất ma túy” 23 vụ/27 bị can; “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” 03 vụ/08 bị can. Nổi bật là vụ án “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy” xảy ra tại xã Hải Sơn và xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định với nội dung: Khoảng 17h35 ngày 13/12/2018, tại xóm 11, xã Hải Sơn, tổ công tác của Công an tỉnh Nam Định phối với với Công an huyện Hải Hậu phát hiện bắt quả tang Đỗ Văn Bình đang bán trái phép cho Trần Văn Cảnh 01 gói Heroine với giá 300.000 đồng, Bình khai nhận mua số Heroine trên của Vũ Văn Thiện. Tiến hành khám xét khẩn cấp tại nhà của Thiện ở xã Hải Ninh, thu giữ 11 bánh Heroine; 1,5kg ma túy đá; 84 viên ma túy tổng hợp và số tiền 2.750.000.000 đồng [20].

– Tội phạm xâm phạm sở hữu: Khởi tố 163 vụ/ 216 bị can, chủ yếu là các tội: “Trộm cắp tài sản” 94 vụ/112 bị can; “Cưỡng đoạt tài sản” 09 vụ/14 bị can; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 12 vụ/14 bị can; “Cướp tài sản” 05 vụ/09 bị can; “Cướp giật tài sản” 11 vụ /15 bị can; “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” 16 vụ/23 bị can; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” 04 vụ/07 bị can,… Trong đó có vụ “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định: Do có tình cảm yêu đương với Vũ Hoàng Trung Nguyên, cháu Nguyễn Kiều Vi đã gửi cho Nguyên các video có nội dung nhạy cảm của cháu Vi. Ngày 15/4/2021, Nguyên dùng thủ đoạn phát tán các video trên để “tống tiền”, đòi cháu Vi số tiền 100.000.000 đồng [20].

– Tội phạm xâm phạm kinh tế, chức vụ: Khởi tố 17 vụ/41 bị can, trong đó: “Buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” 12 vụ/14 bị can,  “Lưu hành tiền giả” 01 vụ/02 bị can, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” 04 vụ/25 bị can. Đặc biệt, đã xảy ra vụ án 21 bị can là cán bộ, đảng viên của xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với nội dung: Thực hiện chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 cho nhân dân, trong khoảng thời gian từ ngày 05/4/2019 đến 15/5/2019, Phạm Văn Đảm là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải An đã chỉ đạo Đặng Văn Dương là công chức địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường làm tăng số liệu lợn dịch tả của 146 hộ dân ở xã Hải An. Dương nhất trí và cùng Vũ Hữu Đính là cán bộ thú ý xã trực tiếp xác định các hộ dân có lợn dịch bệnh để thống kê và Dương thường xuyên báo cáo với Đảm về số lượng lợn dịch tả làm tăng. Sau đó, Dương trực tiếp lên báo cáo với Bùi Xuân Vương là Bí thư Đảng ủy xã về số lợn dịch bệnh tăng. Vương đồng ý và cùng với Đảm chỉ đạo thống nhất làm tăng số liệu. Còn Đỗ Thị Tám là người viết hồ sơ, tổng hợp số tiền chuyển cho Dương, Dương trình lên Đảm và Phạm Đắc Canh là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân xã Hải An – Trưởng ban Chỉ đạo ký hồ sơ để rút tiền của Nhà nước về chi trả cho nhân dân và sử dụng số tiền tăng thêm để xây dựng nông thôn mới của xã. Còn Phạm Văn Dũng là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Tạ Văn Ban là Chủ tịch Mặt trận xã biết được việc làm tăng số liệu nhưng vẫn nhất trí với sự chỉ đạo của Đảm và Vương; Phạm Văn Hồng là thủ quỹ xã biết được việc làm tăng số liệu và là người nhận, quản lý tiền chi trả cho các hộ dân; Còn các bị can Bùi Văn Đãi, Nguyễn Văn Thiên, Đỗ Văn Bổn, Đỗ Văn Cao, Nguyễn Văn Tuynh, Nguyễn Văn Huân, Nguyễn Văn Lập, Phạm Đức Hinh, Đỗ Văn Hanh, Lưu Văn Thiên, Nguyễn Văn Thiệp, Nguyễn Văn Bái là Trưởng xóm được họp và đã nhất trí làm tăng số liệu lợn dịch tả theo sự chỉ đạo của Đảm, Vương và là người trực tiếp ký hồ sơ để làm tăng số lợn dịch tả có trọng lượng 28.318 kg với tổng số tiền chiếm đoạt của Nhà nước là 515.105.500 đồng [20].

  – Tội phạm về trật tự an toàn xã hội: Khởi tố 176 vụ/439 bị can. Trong đó: “Đánh bạc” 69 vụ/271 bị can; “Cố  ý gây thương tích” 58 vụ/ 91 bị can, “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” 02 vụ/ 02 bị can, “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” 04 vụ/04 bị can; “Gây rối trật công cộng” 05 vụ/9 bị can; “Môi giới, chứa mại dâm” 19 vụ/27 bị can; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” 04 vụ/04 bị can; “Vi phạm quy định về an toàn lao động ở nơi đông người” 02 vụ/05 bị can,… Điển hình là vụ án “Vi phạm quy định về an toàn lao động ở nơi đông người” liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cụ thể: Phạm Hồng Phong là chủ xe ô tô khách biển kiểm soát 18B- 018.79, kinh doanh vận tải hành khách tuyến Hải Hậu (Nam Định) – An Sương (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hải Hậu (Nam Định) – Bến Cát (Bình Dương). Bản thân Phong biết tình hình dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đang bùng phát, các cơ quan chức năng đã có văn bản quyết định tạm dừng vận chuyển hành khách liên tỉnh từ tỉnh Nam Định đi đến và về từ các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước,.. từ ngày 26/6/2021, Phong cũng đã ký cam kết ngừng khai thác vận tải hành khách đi và đến các tỉnh có dịch. Tuy nhiên, do hám lợi nên Phong vẫn thuê Nguyễn Văn Toán và Nguyễn Thanh Tùng điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 18B – 018.79 vào thành phố Hồ Chí Minh đón khách về huyện Hải Hậu. Nguyễn Văn Toán và Nguyễn Thành Tùng biết dịch bệnh covid-19 là nguy hiểm, mặc dù xe không có lệnh xuất bến nhưng vẫn nhận lời Phạm Hồng Phong, điều khiển xe ô tô vào thành phố Hồ Chí Minh đón khách về huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Hậu quả: 01 hành khách thuộc huyện Hải Hậu đã mắc bệnh Covid-19, phải thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế, gây thiệt hại 282.138.000 đồng do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh [20].

– Về tai nạn giao thông đường bộ: Xảy ra 177 vụ làm chết 163 người và bị thương 98 người. Đã phân loại khởi tố hình sự 45 vụ/47 bị can, không khởi tố 132 vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do các nạn nhân điều khiển xe mô tô không làm chủ tốc độ, điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có sử dụng rượu, bia, không có giấy phép lái xe…. tự gây tai nạn gây ra hậu quả nghiêm trọng [20].

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam:

  Trong kỳ đã tạm giữ 599 đối tư­ợng/925 bị can, tương đương 64,8%, trong đó: Bắt người phạm tội quả tang 337; Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp 83; Bắt truy nã 17; Đầu thú 150 ; Nhận nơi khác chuyển đến 12. Cơ quan điều tra đã khởi tố chuyển tạm giam 331 đối tượng; Khởi tố áp dụng BPNC khác 247; Chuyển nơi khác 15. Tồn 14 đối tượng [20].

  Số ngư­ời bị tạm giam là 399/925 bị can, tương đương 43,1%, trong đó: Tạm giữ chuyển tạm giam 331; Bắt bị can để tạm giam 55; Nhận nơi khác 05, Bị án đến thi hành 08. Đã giải quyết 381, trong đó: Xét xử chuyển thi hành án 306; áp dụng biện pháp ngăn chặn khác 42; Trả tự do tại phiên tòa 12 (gồm trường hợp do thời hạn hình phạt tù bằng thời hạn tạm giam 09, cho hưởng án treo 03); Hủy bỏ tạm giam 13 (các bị can phạm tội “Cố ý gây thương tích”, bị hại rút đơn yêu cầu); chuyển nơi khác 08. Tồn 05 [20].

Số người bị tạm giữ, tạm giam liên tục tăng qua từng năm, tỷ lệ thuận với số vụ án đã khởi tố. Dưới đây là bảng số liệu về tạm giữ, tạm giam trong thời gian 5 năm (từ năm 2018 đến năm 2022) của VKSND huyện Hải Hậu:

Bảng 2.1: Bảng số liệu về tạm giữ

Năm Tổng số tạm giữ

(Mới)

Trong đó: Giải quyết Trong đó:
Bắt người phạm tội quả tang Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp Bắt truy nã Đầu thú Nhận nơi khác chuyển đến Chuyển tạm giam Áp dụng BPNC khác Chuyển nơi

khác

2018 115 79 4 3 29 0 110 56 54 0
2019 103 66 10 4 21 2 105 46 59 0
2020 111 61 22 0 28 0 109 59 48 2
2021 145 75 22 7 38 3 139 82 49 8
2022 125 56 25 3 34 7 130 87 38 5
TỔNG 599 337 83 17 150 12 593 330 248 15

Nguồn: Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu [20].

Bảng 2.2: Bảng số liệu về tạm giam

Năm Tổng số tạm giam

(Mới)

Trong đó: Giải quyết Trong đó:
Tạm giữ chuyển tạm giam Bắt bị can để tạm giam Nhận nơi khác Bị án đến thi hành Xét xử chuyển thi hành án Áp dụng BPNC khác Trả tự do tại phiên tòa Hủy bỏ tạm giam Chuyển nơi

khác

2018 63 55 1 2 5 74 66 3 4 1 0
2019 60 48 8 1 3 56 48 4 1 2 1
2020 74 59 14 1 0 75 54 14 3 4 0
2021 99 82 16 1 0 97 73 10 2 5 7
2022 103 87 16 0 0 79 65 11 2 1 0
TỔNG 399 331 55 5 8 381 306 42 12 13 8

 Nguồn: Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu [20].

2.2. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG KIỂM SÁT TẠM GIỮ, TẠM GIAM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HẬU

2.2.1. Kết quả đạt được về bảo đảm quyền con người trong kiểm sát việc áp dụng BPNC tạm giữ, tạm giam:

Công tác kiểm sát việc áp dụng BPNC tạm giữ, tạm giam luôn được VKSND huyện Hải Hậu quan tâm ngay từ khi phát sinh việc bắt, giữ người của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (gọi chung là Cơ quan điều tra) nhằm bảo đảm các hoạt động này luôn được thực hiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Thông qua mối quan hệ phối hợp giữa VKS và Cơ quan điều tra, việc áp dụng các BPNC tạm giữ, tạm giam đều bảo đảm đúng căn cứ, thủ tục và thẩm quyền; 100% các Lệnh tạm giam, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Quyết định gia hạn tạm giữ, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đều được VKS phê chuẩn theo đúng quy định của BLTTHS, không có trường hợp nào VKS không phê chuẩn hay ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn do thiếu căn cứ, trái thẩm quyền. Tỷ lệ tạm giữ hình sự chuyển khởi tố đạt 100%, không có trường hợp nào tạm giữ hình sự sau phải xử lý hành chính hoặc trả tự do vì không chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng hoặc việc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ.

Bảng 2.3: Bảng số liệu về kiểm sát việc áp dụng
BPNC tạm giữ, tạm giam

Năm Phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp Phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần thứ nhất Phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần thứ hai Phê chuẩn Lệnh tạm giam Phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam Quyết định gia hạn tạm giam
2018 16 104 55 64 9 3
2019 12 95 46 56 7 2
2020 15 101 52 59 11 6
2021 22 133 71 83 15 8
2022 18 112 59 69 13 9
TỔNG 83 545 283 331 55 28

Nguồn: Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu [20].

2.2.2. Kết quả đạt được về bảo đảm quyền con người trong kiểm sát việc thi hành tạm giữ, tạm giam:

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hải Hậu có tổng cộng 03 cơ sở giam giữ gồm: Nhà tạm giữ Công an huyện Hải Hậu, Nhà tạm giữ Đồn Biên phòng Văn Lý và Nhà tạm giữ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Thịnh. Mỗi nhà tạm của hai Đồn biên phòng đều có 02 buồng tạm giữ, còn Nhà tạm giữ Công an huyện Hải Hậu có 12 buồng, trong đó có 06 buồng tạm giữ và 06 buồng tạm giam. Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam, các Nhà tạm giữ đã thực hiện đúng quy định của pháp luật: Tiến hành kiểm tra thông tin để xác định đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền; Lập biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, quyết định bố trí buồng giam, giữ, cho người tạm giữ, tạm giam, phổ biến quyền, nghĩa vụ cũng như nội quy của cơ sở giam giữ; kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, tạm giam; chụp ảnh, lập danh chỉ bản và vào sổ theo dõi người bị tạm giữ, tạm giam để quản lý; Tiến hành khám sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định của pháp luật.

Việc phân loại, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Không có trường hợp nào người bị tạm giữ, tạm giam bị xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; Không có tr­ường hợp nào tạm giữ, tạm giam quá hạn luật định, oan, sai, trốn, chết, phạm tội mới hoặc bị ép cung, đánh đập, nhục hình…. Các chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam như ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần,…  cơ bản được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Người bị tạm giữ, tạm giam được tạo điều kiện để thực hiện quyền bào chữa của mình, các trường hợp có yêu cầu nhờ người bào chữa hoặc trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý đều được liên hệ để đăng ký thủ tục bào chữa, bảo đảm thực hiện quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam được nhanh chóng, kịp thời. Cơ sở vật chất tại tại các Nhà tạm giữ ngày càng được chú trọng, quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam. Trong kỳ không nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến hoạt động tạm giữ, tạm giam của các cơ sở tạm giữ trên địa bàn huyện Hải Hậu.

Bảng 2.4: Bảng số liệu về kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam
tại các cơ sở giam giữ

Năm Số lần trực tiếp kiểm sát Số lần kiểm sát đột xuất Số kết luận kiến nghị Số kết luận kiến nghị được chấp nhận
2018 4 1 5 5
2019 5 0 5 5
2020 4 1 5 5
2021 5 1 6 6
2022 6 1 7 7
TỔNG 24 04 28 28

 Nguồn: Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu [20].

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKS th­ường xuyên kiểm sát buồng tạm giữ, buồng tạm giam tại các Nhà tạm giữ, nhất là Nhà tạm giữ của Công an huyện Hải Hậu. Trong thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2022, VKSND huyện Hải Hậu đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hải Hậu tiến hành trực tiếp kiểm sát 20 lần về công tác giam, giữ tại Nhà tạm giữ Công an huyện Hải Hậu; 01 lần tại Nhà tạm giữ Đồn Biên phòng Văn Lý và 03 lần tại Nhà tạm giữ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Thịnh; tiến hành kiểm sát đột xuất 04 lần đối với Nhà tạm giữ Công an huyện Hải Hậu. Qua công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam của các Nhà tạm giữ đã phát hiện một số vi phạm, điển hình như: Hồ sơ lưu trữ chưa đúng theo trình tự thủ tục tố tụng; chưa ghi chi tiết trong sổ theo dõi về chế độ ăn, mặc ở của người bị tạm giữ, Giam giữ chung người bị tạm giữ với người bị tạm giam; người dưới 18 tuổi với người đủ 18 tuổi hay những đối tượng trong 01 vụ án vào cùng một buồng; Cấp phát không đầy đủ các đồ dùng thiết yếu theo quy định, như: chăn, màn, khăn mặt,…; Chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người bị tạm giữ; Chưa trang bị hệ thống truyền thanh và chưa tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam nghe đài phát thanh, đọc báo thường kỳ để tiếp cận, cập nhật thông tin bên ngoài đời sống xã hội; Hệ thống rãnh thoát nước thải chưa đảm bảo, nước bị ứ đọng gây mất vệ sinh; một số buồng tạm giữ, buồng tạm giam bị ẩm thấp, dột nước, hệ thống điện, đèn chiếu sáng và cấp nước bị hỏng, không sử dụng được;… VKSND huyện Hải Hậu đã ban hành tổng cộng 28 kết luận đối với các Nhà tạm giữ để khắc phục ngay những vi phạm nêu trên, tất cả đều được ngành bạn tiếp thu, chấp nhận. Qua đó, hoạt động tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ngày càng chặt chẽ, chất lượng công tác tạm giữ, tạm giam của các cơ sở giam, giữ được nâng cao rõ rệt, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị tạm giữ, tạm giam trong thực tiễn hiện nay.

Theo Ths.Kểm sát viên Vũ Minh Hải

Bài viết liên quan